Tin Việt Nam – 27/5/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 27/5/2015

Chuyên gia Mỹ: ‘Một tai nạn trên Biển Đông có thể khơi mào chiến tranh Mỹ-Trung’ – Binh sĩ Việt-Phi giao lưu bóng đá, bóng chuyền ở Trường Sa

Một chuyên gia về chính sách từng giảng dạy tại Đại học Yale của Hoa Kỳ cảnh báo một ‘tai nạn’ ở Biển Đông có thể dẫn tới chiến tranh Mỹ-Trung, và nguy cơ xung đột xảy ra giữa hai cường quốc này hiện nay cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong 20 năm qua.

Trong một bài viết cho tờ The Commentator, Giáo sư Michael Auslin, từng giảng dạy môn Lịch sử tại trường Đại học Yale, nêu ra 3 tình huống mà ông nói có thể dẫn tới xung đột.

Tình huống thứ nhất, theo ông Auslin là một tai nạn máy bay đâm va vào nhau trên không phận Biển Đông, tương tự như vụ một chiến đấu cơ TC và một phi cơ trinh sát của Hải quân Mỹ đụng nhau ngoài khơi đảo Hải Nam, gây ra một vụ tranh cãi quốc tế.

Giáo sư Auslin nói rằng trong bối cảnh Hải quân Mỹ đang xem xét tới việc điều tàu chiến tới phạm vi 12 hải lý cách các đảo nhân tạo do TC xây dựng trong Biển Đông, và như thế tiến vào vùng biển mà giờ TC tuyên bố là thuộc lãnh thổ có chủ quyền của họ, thì khó có thể tránh khỏi những hành động quấy nhiễu của các tàu TC đối với các tàu Mỹ, có nguy cơ dẫn tới một tai nạn tàu va vào nhau, kéo theo phản ứng của cả hai bên.

Ông Auslin nói đó là điều mà TC đã làm với tàu bè của các nước khác, và một tai nạn có thể dẫn hai nước tới chỗ đối đầu với nhau.

Giáo sư Auslin nói tình huống này rất dễ xảy ra, một khi TC hoàn tất việc xây các phi đạo trên các quần đảo trong Biển Đông, tạo điều kiện cho các chiến đấu cơ tuần tra trong không phận của các đảo này.

Tình huống thứ nhì, theo Giáo sư Auslin, là TC có thể cố tình tạo điều kiện cho một vụ đối đầu bằng cách chỉ thị cho máy bay của họ đeo sát máy bay của Mỹ, với hy vọng sẽ tăng nguy cơ xảy ra xung đột để buộc chính phủ của Tổng Thống Obama nhượng bộ, trong bối cảnh Hoa Kỳ còn đang phải ứng phó với nhiều thách thức ở Trung Đông và với Nga ở Châu Âu.

Tình huống thứ ba là nếu TC chận đầu các máy bay của các nước đồng minh của Mỹ như Philippines chẳng hạn. Washington lúc đó có thể can thiệp một cách chính đáng, viện lẽ Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ luật pháp quốc tế.

Giáo sư Auslin nhận định trong khi không có một cơ chế nào để giải toả căng thẳng, và trong bối cảnh giữa hai nước hiện thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, và khả năng quân sự của TC đang được tăng cường, thì càng ngày càng có nhiều rủi ro hơn đối với Hoa Kỳ trong việc đối đầu với tham vọng bành trướng của TC.

Ông Auslin kết luận rằng trong 20 năm qua, chưa có lúc nào mà nguy cơ xảy ra xung đột giữa hai nước lớn này lại cao đến mức này.

Trong một tin liên quan khác, các binh sĩ Việt Nam và Philippines giao lưu bóng đá và hát karaoke với nhau trên một hòn đảo ở Biển Đông hôm qua, trong một dấu hiệu cho thấy các quan hệ an ninh đang ngày càng được thắt chặt hơn giữa hai nước Đông Nam Á mạnh mẽ nhất chống lại tham vọng của TC ở Biển Đông.

Bản tin của Reuters hôm nay nói rằng sự hợp tác giữa Hà Nội và Manila đã nở rộ từ khi hai bên gạt sang một bên những sự bất đồng về các tuyên bố chủ quyền chồng chéo ở quần đảo Trường Sa, để cùng nhau hợp tác chống chọi với TC, giữa lúc Bắc Kinh đẩy mạnh các hoạt động xây đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự có thể cho phép TC mở rộng quyền kiểm soát Biển Đông.

Các giới chức cấp cao thuộc Hải quân Philippines nói các trận đá banh và bóng chuyền diễn ra trên đảo Song Tử Đông (tên quốc tế là Northeast Cay, tên Philippines là Parola) đang nằm dưới quyền kiểm soát của Philippines từ năm 1968, nhưng cũng bị Việt Nam, TC và Đài Loan đòi chủ quyền.

Một tàu hải quân Việt Nam đã đưa 60 thuỷ thủ tới đảo này trước đó, phía Philippines có 100 thủy thủ tham gia.

Giới chức Philippines xin dấu tên, nói các sinh hoạt này giúp tăng cường tình giao hảo giữa binh sĩ hai nước liên quan tới vùng đang trong vòng tranh chấp, và củng cố các quan hệ giữa lực lượng hải quân hai nước.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao TC, bà Hoa Xuân Oánh, nói bà không biết gì về các sinh hoạt này, nhưng bà lặp lại lập trường nhất quán của TC là ‘Trung Quốc sẽ không gây rối cho những người khác. Nhưng về chủ quyền lãnh thổ và quyền toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, thì ý chí và khả năng phòng vệ của Trung Quốc vẫn còn đó.’

Năm ngoái, binh sĩ Philippines đã tới thăm đảo Song Tử Tây (Southwest Cay, mà Philippines gọi là Pugad) do Việt Nam kiểm soát, cách Song Tử Đông có vài hải lý, để tham gia các sinh hoạt giao hảo tương tự.

Theo nhận định của hãng tin Anh Reuters, hợp tác đã nở rộ giữa Hà Nội và Manila, kể từ khi hai bên quyết định tạm gác hàng thập kỷ căng thẳng do tranh chấp chủ quyền song phương ở quần đảo Trường Sa, để đối phó với tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.

Sau sự kiện sinh hoạt ở Song Tử Tây, chiến hạm Việt Nam cũng đã ghé cảng Manila, trong lúc một đường dây nóng hải quân cũng đã được thành lập, và đã phát huy hiệu quả trong việc giúp đỡ ngư dân hai nước gặp sự cố ngoài biển khơi.

Trong thời gian gần đây, phía quân đội Philippines từng tiết lộ với hãng tin Reuters rằng hai nước đã thảo luận không chính thức với nhau về khả năng tiến hành tuần tra chung ở Biển Đông. Thế nhưng một quan chức quân sự Việt Nam đã cho biết là ý tưởng đó đã được gợi lên từ lâu, nhưng chưa có gì được quyết định dứt khoát.

Giới ngoại giao và chuyên gia đã lồng quan hệ đối tác mới giữa Hà Nội và Manila vào trong xu thế hình thành một mạng lưới liên minh không chính thức trên toàn châu Á xuất phát từ thái độ quan ngại trước một TC ngày càng hung hăng.

Patrick Cronin, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm về An ninh Mới của Mỹ – Center for a New American Security – ở Washington nhận định: “Một trục liên kết Manila-Hà Nội sẽ đặt một rào cản đối với tham vọng của TC nhằm kiểm soát hầu hết Biển Đông… Điều đó có thể là sẽ không làm thay đổi ngay lập tức tương quan lực lượng trong khu vực… nhưng sẽ làm nổi cộm vấn đề là các hành động quyết đoán đơn phương của Trung Quốc có nguy cơ đe dọa sư ổn định và thịnh vượng (của khu vực).”

Về quyền kiểm soát của Việt Nam và Philippines trên hai hòn đảo Sông Tử Đông và Song Tử Tây, Reuters vào hôm nay nhắc lại một chuyện gần như là tiếu lâm: Quân đội Philippines đã chiếm đóng đảo Sông Tử Tây cho đến đầu năm 1975. Thế nhưng, lợi dụng cơ hội lực lượng Philippines đồn trú trên đảo này rời nhiệm sở qua vui chơi tại đảo Song Tử Đông lân cận, quân đội miền Nam Việt Nam đã đổ bộ lên chiếm đóng đảo này. Thế là Song Tử Tây nằm dưới quyền kiểm soát của Việt Nam từ lúc đó. – Theo VOA, RFI

Tính sáng tạo của Bphone bị nghi ngờ

Hôm 26 tháng 5 vừa qua Tập đoàn công nghệ Bkav đã ra mắt chiếc điện thoại thông minh có tên Bphone và gặp sự tranh cãi gay gắt về tính sáng tạo của nó. Cộng đồng mạng đã đưa ra hàng loạt câu hỏi về cấu trúc, kiểu dáng cũng như những sao chép từ Iphone trong hình ảnh và ngay cả nhạc chuông của sản phẩm. Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tử Quảng CEO của tập đoàn Bkav và cũng là diễn giả trong buổi ra mắt sản phẩm.

Mặc Lâm: Xin ông cho biết những nét chính nào của Bphone mà ông cho rằng có thể cạnh tranh hiệu quả với các người khổng lồ như Iphone hay Samsung?

Nguyễn Tử Quảng: Nếu mình làm không thể tốt hơn họ thì khó có thể cạnh tranh được trên thị trường cho nên vấn đề đặt ra là phải làm tốt hơn họ về phần cứng (hardware) phải tinh xảo, đẹp còn về phần mềm (software) thì phải tiện dụng, tiện lợi. Kết quả là chúng tôi đã có một sản phẩm mà về kiểu dáng thì hôm nay hơn 90% người sau khi chúng tôi thể hiện có nhận xét là rất đẹp.

Về phần mềm thì anh cũng biết là có hai hệ điều hành cơ bản là iOS và Android. iOS thì mọi người nói rất là tốt nhưng nó tương đối là đóng, nếu cần nâng cao hơn thì rất khó khăn khi sử dụng iOS. Android thì rất mở nhưng sản lượng của nó không tốt cho nên chúng tôi có hệ điều hành là BOS, hệ điều hành này vừa trải nghiệm rất là tốt, tiện lợi nhưng nó cũng rất mở cho những người có nhu cầu sử dụng cao hơn họ vẫn có thể tìm được những cái lựa chọn của họ.

Mặc Lâm: Ông có thể giải thích thêm về hệ điều hành BOS. Phải chăng đây là một phát minh hoàn toàn mới của Bkav?

Nguyễn Tử Quảng: Nó là hệ điều hành dựa trên nền tảng của Android 5 nhưng chúng tôi đã thay đổi rất nhiều để nó tạo ra sản lượng tốt và các vấn đề như an ninh bảo mật thì Bkav rất chú trọng về vấn đề an ninh bảo mật.

Mặc Lâm: Dư luận đang có những câu hỏi về cấu trúc của Bphone và cho rằng hầu hết các hardware và software của Bphone đều được các hãng nổi tiếng sử dụng và không có gì mới. Ông giải thích sao về điều này?

Nguyễn Tử Quảng: Apple hay Samsung thì họ cũng làm như vậy. Anh có thể thấy là màn hình Pháp chính là màn hình cung cấp cho Apple. Hay là camera cũng vậy, camera mà chúng tôi sử dụng cũng là nơi mà họ đã cung cấp camera cho Apple. Thế thì tất cả những cái đó gọi là linh kiện trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nói chung và sản xuất điện thoại Smartphone nói riêng thì không một công ty nào làm tất tần tật các linh kiện ấy mà quan trọng là anh phải tạo ra giá trị của anh từ những linh kiện đấy. Đó là thiết kế kiểu dáng phải đẹp, mỏng, thời trang. Phần mềm thì phải tiện lợi, mượt mà, thông minh…những thứ đó anh phải thiết kế ra mới được còn sau đó thì anh có thể dùng phụ trợ. – RFA