CSVN: Giáo dục đẩy trẻ tới chỗ ‘cùi không sợ lở’

Cac Bai Khac

No sub-categories

CSVN: Giáo dục đẩy trẻ tới chỗ ‘cùi không sợ lở’

Blog VOA – Cao Huy Huân – 25-05-2015

Cả tuần nay báo chí đưa tin rầm rộ việc một học sinh lớp 9 bị bạn đánh chết sau khi tan học. Chuyện bạo lực học đường tới thời điểm này dường như đã trở thành một vấn nạn đầy bế tắc, sau hàng loạt vụ đánh bạn diễn ra rải rác trong suốt những năm vừa qua. Nhiều người cho rằng “ở đâu cũng có côn đồ”, nhưng tôi lại cho rằng tính “côn đồ” không chỉ đơn thuần xuất phát từ bản thân các em – nhất là khi các em được giáo dục trong cùng một môi trường học tập.

Lãnh đạo kém: thiếu môi trường giáo dục

Chuyện lớp trưởng đánh bạn, hay “cho người đánh bạn” và gần nhất là vụ huy động lực lượng đánh bạn học gây tử vong khiến tôi nhớ đến bài học về Mẹ của Thầy Mạnh Tử. Bà cố cho con tránh xa nghĩa địa, tránh chợ mua bán bộn bề để cho con đến ở gần trường học, cốt là để con cái có được một môi trường “gần đèn” chứ không phải “vấy mực”. Vậy nên, cái cốt yếu nhìn từ góc độ của những người làm giáo dục chính là tạo ra một môi trường phát triển tự nhiên, lành mạnh cho các em học sinh thoải mái tiếp cận và phát triển không chỉ trong vài ba ngày, vài ba năm, mà là đến hết cuộc đời. Còn nếu bạo lực học đường vẫn còn nhan nhản ngoài kia, thì điều đó có nghĩa là các vị quản lý chưa phải là những người mẹ của Thầy Mạnh Tử – không phải là những nhà giáo dục thực thụ.

Ấy vậy mà bấy lâu nay không ít người vẫn sống mơ hồ, sai lầm và tự sướng trên một mớ hỗn độn mà họ thường gọi là “giáo dục”. Bản thân tôi nghĩ, nội hàm của nền giáo dục là sự phát triển tự nhiên và hài hòa được tạo dựng bởi lãnh đạo ngành có tâm, thầy cô có đức độ và có tài năng phối hợp với sự hỗ trợ của những bậc làm cha, làm mẹ. Nhưng rồi cái mà hàng triệu trẻ em nhận được trong thời gian qua không gì khác là những khẩu hiệu hô hào cải cách, giảm tải chương trình giáo dục mà không đi kèm với những hành động hiệu quả. Kỳ thi đại học đến gần, và rồi các em cũng chưa biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu khi các môn thi cứ quẩn quanh trong đầu đến mức che luôn cả “mớ” chữ mà các em phải thức trắng đêm để ráng học thuộc nằm lòng, cầu mong cho qua khỏi “con trăng” thi cử. Các em phải tiếp xúc với một hệ thống giáo dục vẫn còn “roi, vọt” hơn là sự đồng cảm, chia sẻ và cứu rỗi.

Kết quả xếp hạng mới đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho ra kết quả bất ngờ đến hỗ thẹn “Việt Nam xếp hạng 12 thế giới về giáo dục, hơn cả Mỹ, Anh, Úc và nhiều nước châu Âu”. Dường như các vị quan chức ngành giáo dục vẫn lâng lâng hạnh phúc hay tự sướng khi không đưa ra bất kỳ bình luận nào – như thể “chấp nhận” kết quả mà cả thế giới phải tranh cãi. Thế mới nói hỗ thẹn, vì giáo dục một nước chỉ biết tự sướng trước kết quả thi toán và khoa học của những “chú gà chọi” vốn là điểm nổi bật chứ không phải hiện tượng điển hình của giáo dục nhà ta. Còn nói về hiệu quả giáo dục, hãy nhìn hàng vạn cử nhân thất nghiệp tuyệt đối mỗi năm, hàng tá người tốt nghiệp đại học phải sống lây lất bằng nghề tay trái, hàng triệu bằng sáng chế của thế giới mà Việt Nam chẳng góp mặt được mấy cái tên, hay như sự xung đột giữa các em giỏi và các em chưa giỏi ngày càng trở nên căng thẳng khiến phụ huynh lẫn trẻ em ai cũng sợ hãi.

Giáo viên ứng xử thiếu công bằng

Trong khi đó lực lượng giáo viên, tuy có nhiều người giỏi, nhưng người bất tài cũng không thiếu, mà người bất lương cũng không phải là hiếm thấy. Con em chúng ta rời ghế nhà trường sau những buổi học đầy ẩn ý trên giảng đường, phải hối hả lùa vội vàng vài hột cơm để kịp ca học trưa, chiều, tối, thậm chí là khuya. Trước khi tôn vinh theo kiểu “quơ đũa cả nắm” chất lượng giáo viên, thì xin các ngài lãnh đạo giáo dục thử một lần giả dân thường mà đi thị sát, hỏi từng em học sinh và các bậc phụ huynh về áp lực và không ít bất công đang tồn tại trong ngành. “Con tôi đạt điểm cao mà tôi chẳng mừng, vì đề bài có trong học thêm tại nhà giáo viên”, “nhà tôi nghèo, con không được đi học thêm nên phải chịu thua bạn thua bè”, “cả nhà tôi phải chạy đua với thời gian để cùng con tôi ăn, ngủ và học thêm”, “cặp tụi cháu đi học bữa nào cũng nặng trịch, vác mà không lớn  nổi”, “học nhiều quá, mà cháu cũng chẳng biết học mấy thứ đó để làm gì”… là những câu trả lời thật-thẳng-đúng đến đau lòng, đến xót xa cho nền giáo dục vẫn cứ “cải cách” như ăn cơm bữa.

Đó là tôi chưa kể đến tính bất bình đẳng trong cách ứng xử của thầy cô với học trò. Ở Tây, người ta không quan tâm em nào giỏi, em nào chưa giỏi… Cốt yếu người ta phải đảm bảo em nào cũng được đối xử như nhau, bình đẳng và nhân văn để các em cùng được hưởng nền giáo dục cơ bản thật hiệu quả. Ngoài chuyện không thi cử khi học tiểu học, cấp II, các trường cũng không công bố điểm của các em một cách bừa bãi, không công khai khuyết điểm trước lớp, càng không có chuyện giáo viên xỉ vả các em học yếu, học kém và có những đặc cách, ưu ái với các em có chút ít tài năng ở độ tuổi mới vào đời. Chẳng nền giáo dục nào có nhiều hiện tượng thiếu bình đẳng, thiếu nhân văn như thực trạng lớp trưởng được giáo viên ủy quyền quản lớp, mách lẻo, phán tội, thậm chí là cầm roi đánh bạn như tại Việt Nam. Một đứa cháu của tôi hí hửng kể “cháu là lớp trưởng, đứa nào cũng phải nghe, nếu không cháu sẽ báo cô giáo nó không học bài, nói chuyện riêng trong lớp… Đứa nào chơi bắn culi, chọi dép hay chơi hình giấy là cháu tịch thu hết. Còn đứa nào liều chơi điện tử, bi lắc…thì sẽ ốm đòn nếu cháu mách lại cô. Nhiều đứa sợ cháu nên phải để cháu sai vặt, như mua bánh, kẹo hay mua nước uống những khi cháu lệnh”. Hay các em học sinh giỏi ở một môn nào đó thường cũng được “thầy ưu ái chấm điểm cao, không bắt phải trực nhật, miễn tiền quỹ lớp, và nhiều biệt đãi khác…” trong khi cả lớp ai cũng phải tuân theo những quy định chung trường lớp.

Độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở vẫn còn quá nhạy cảm và yếu ớt để gánh những trận đòn của bạn bè cùng lớp, nhận sự xỉ vả và ngược đãi, thiếu quan tâm, thiếu chia sẻ từ phía thầy cô. Chẳng may chúng gặp phải, những phản ứng mang tính đường đột như tấn công bạn, thậm chí là giết chết bạn học cũng là một điều không khó dự báo và giải thích trong một môi trường giáo dục nặng tính quân chủ chuyên chế như vậy. Các em cần được đối xử bình đẳng, công bằng, “công tư và thưởng phạt phân minh” để các em còn biết trên đầu mỗi người còn có luật lệ, và bất kỳ ai phá vỡ nó đều sẽ bị trừng trị đích đáng mà không cần cân nhắc.

Bỏ lơ phụ huynh

Như đã đề cập, ngoài vai trò lãnh đạo của ngành chức năng cùng sự tân tâm của giáo viên thì sự kết nối giữa trường lớp với phụ huynh là cực kỳ quan trọng. Nhưng dường như trong thời gian qua, nhà trường đã “thiếu song phẳng” với phụ huynh. Các vị tăng học phí, tăng không kể xiết chi phí tất cả các khâu và đảm bảo chỉ để phục vụ học trò. Nhưng sự kết nối, tư vấn đối với những người làm cha, làm mẹ, làm gia đình… thì đã bị nhà trường bỏ lơ. Có chăng là những buổi họp phụ huynh sáo rỗng đến mỏi mắt ù tai nhưng kết luận vẫn là đóng học phí, học phí, và học phí. Có chăng là được thêm phiếu liên lạc theo kiểu “bé khỏe bé ngoan”, vốn chẳng nói lên được điều gì.

Nhiều trường học tại Việt Nam phân rõ “lúc ở nhà” và “khi ở trường”, giao toàn bộ quyền kiểm soát con em tại nhà cho phụ huynh mà không có bất kỳ định hướng nào để đưa giáo dục gia đình vào khung giáo dục toàn diện cho trẻ. Đó là lý do nhiều gia đình muốn giáo dục con cái cũng bất lực vì họ tiếp cận hạn chế vấn đề tiến triển tâm lý, tình cảm, suy nghĩ và nguyện vọng của trẻ – điều mà nhà trường hoàn toàn có thể hỗ trợ và phối hợp với phụ huynh. Việc để trẻ bị bạn đánh trong thời gian dài, hay phục kích đánh chết bạn…cho thấy một sự giám sát rất hạn chế của ban tổ chức.

Báo chí vẫn thường viết bài bênh vực các em nạn nhân bị bạn hành hung. Nhưng chẳng mấy ai quan tâm đến suy nghĩ và tình cảm chứ đừng nói đến ước mơ của những cô cậu “tội phạm nhí”. Chẳng ai biết các em trở nên manh động và đáng sợ là hệ lụy của một sự ngược đãi về tâm lý, thiếu công bằng về ứng xử từ phía nhà trường, thầy cô, bè bạn. Hay nói nôm na là các em bị nhà trường và gia đình bỏ rơi như những “của thừa thải” xã hội ngay từ khi các em gặp khó khăn về bài toán, câu thơ so với bạn bè. Chính các em cũng đáng thương, bởi nếu được đón nhận ngay từ những ngày đầu bằng đôi bàn tay bình đẳng, một môi trường lành mạnh thì có lẽ các em đã không bị “cùi” để rồi giờ này chẳng màn đến những vết “lở loét” nào nữa.