Sa Hoàng Muốn Gì? – Hoàng Ngọc Nguyên

Cac Bai Khac

No sub-categories

Sa Hoàng Muốn Gì? – Hoàng Ngọc Nguyên

Bên trái là Ukraine, bên phải cũng là Ukraine, nhưng là Ukraine nói tiếng Nga

Ukraine chống Nga không phải vì Ukraine thân phương tây, mà họ chống Nga vì mối thù đô hộ vẫn còn sống mãnh liệt trong tâm tư. Và để chống Nga, họ cần phải nghiêng về phương tây. Đất nước đang ngả nghiêng. Máu lửa chắc khó tránh khỏi. Rồi đây, có thể hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người sẽ ngã xuống. Chúng ta đây từng có những nỗi đau khổ tan nát đó. Cho dù chung quanh ta, nhiều người đã trở thành vô cảm, chẳng còn nhớ, chẳng còn đau, nhưng phần lớn chúng ta, những người không như thế, chúng ta phải chia sẻ nỗi ngậm ngùi bi thương uất hận đó với ngưòi dân Ukraine hiện nay.

Những gì đang xảy ra tại Ukraine đang làm cho chúng ta có cảm tưởng đang sống trong những ngày cao điểm của cuộc Chiến tranh Lạnh trong những năm 50 sau Đệ nhị Thế chiến. Một từ quen thuộc người ta vẫn nghe thời đó là brinkmanship (chơi trên bờ vực) nay đang phổ biến trở lại. Nhưng trong thời đó, người ta còn biết điều, còn biết những gì cần phải giữ, còn sợ những gì có thể mất, còn không điên loạn như ngày nay. Còn thời nay… Sa hoàng Vladimir Putin dường như chẳng biết sợ là gì. Ông ta vẫn nghĩ cứ làm liều đi, chẳng có gì để mất. Iraq chẳng phải là của Mỹ mà George W. Bush còn đánh bất kể Hussein có vũ khí giết người hàng loạt hay chăng. Huống chi Ukraine là của Nga và trong nước này có đến 30% người dân nói tiếng Nga – chứng cớ còn rõ ràng hơn WMD (weapons of mass destruction). Ông đã làm tới nhiều lần nhiều nơi kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2000. Lần nào cũng qua đi cả. Vladimir Putin nay đang xem lạnh và liều là thượng sách, giống như những đứa trẻ ngổ ngáo, cứ sấn tới thách đố “Tao vậy đó. Mày làm gì tao!”.

Nhưng thực ra, những gì đã và đang xảy ra tại Ukraine chẳng có gì đáng ngạc nhiên – phần lớn chúng ta đã có thể thấy trước, và đương nhiên những người trong cuộc hẳn phải tiên liệu, nhưng hầu như không có cách nào để ngăn chận hậu họa!

Cuộc khủng hoảng chính trị tại thủ đô Kiev của nước Ukraine – từng là một nước chư hầu của Liên bang Nga trong cả bảy thập niên trong khuôn khổ của Liên Xô (Liên bang (các nước) Cộng hòa Xô viết Xã hội chủ nghĩa -USSR) bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái đến thứ bảy tuần trước đó (22-2) đã chuyển qua chương mới. Cách đây ba tháng, người dân Kiev bắt đầu xuống đường để phản đối Tổng thống Viktor Yanukovich, một người “thân Nga”, quyết định hủy bỏ những thỏa thuận kinh tế và thương mãi với khối Liên Âu để chuẩn bị tham dự vào một “thị trường chung” do Nga chủ xướng và bao gồm những nước chư hầu cũ của Nga trong mưu định đối đầu kinh tế với khu vực eurozone gồm 18 nước Tây Âu.  Sau vài biến cố xung đột quyết liệt, đẫm máu với lực lượng cảnh sát của Yanukovich, có đến 88 người bị hy sinh, phía đối lập đã thành công. Yanukovich, một người cách đây chín năm từng bị Cách mạng Da cam lật đổ vì bầu cử gian lận, trong ngày thứ bảy nói trên đã phải trốn qua Nga “xin được che chở”, và Quốc Hội Ukraine đã cử ra chính phủ lâm thời và cả tổng thống, thủ tướng cầm quyền cho đến khi có bầu cử định vào ngày 25-5. Cũng nhờ Yanukovich trốn đi, người ta mới khám phá được mức độ tham nhũng kinh khủng của ông ta, ngoài dinh thự nguy nga giống như vua chúa thời xưa, ông ta còn ăn cắp cả 70 tỉ bỏ vào những tài khoản nước ngoài trong ba năm qua ông ta cầm quyền!

Điều người ta lo sợ đã sớm thành sự thật một cách trắng trợn. Ukraine là một nước có một lịch sử phức tạp, và còn phức tạp thêm bởi quá trình “Nga hóa” dưới thời Liên Xô. Cho nên ngoài ngôn ngữ Ukraine, tiếng Nga còn được thông dụng ở miền đông Ukraine, là nơi nhiều người dân không xác định được con tim dân tộc của mình ở đâu: Moscow hay Kiev. Và nơi gay go nhất đương nhiên là bán đảo Crimea là nơì “kiều dân Nga” còn đông hơn ngưòi dân Ukraine nói tiếng Ukraine! Crimea là một “cộng hòa” tự trị của Liên bang Ukraine, và bán đảo này là một món quà của Bí thứ Thứ nhất Nikita Khruschev của Liên Xô tặng nước chư hầu Ukraine vào năm 1954. Trước đó, Crimea được sát nhập vào nước Nga năm 1783, và thực sự thì chẳng có dính líu gì đến nước Ukraine. Ở Crimea, chỉ có một phần tư dân số nói tiếng Ukraine, đến gần 60% nói tiếng Nga. Những “di dân” Nga này chẳng hề biết lịch sử Ukraine – cũng như nhiều di dân Mỹ chẳng hề biết cuộc chiến giành độc lập của George Washington! Nay người Nga ở nước Nga và ở Crimea xem đây như là một dịp lấy lại Crimea!

Những diễn tiến trong ba ngày cuối tuần vừa qua khiến cho người ta phải đặt câu hỏi Nga hoàng đang toan tính chuyện gì – cho dù câu hỏi này có vẻ là thừa. Hay đặt câu hỏi cách khác: Thế giới này làm được gì – và người ta điên đầu trước câu hỏi đó?

Hôm thứ năm, tại Crimea, hàng chục ngưòi có vũ trang hiện đại đến tận răng bỗng dưng xuất hiện ở tòa nhà Quốc Hội của cộng hòa này, dựng lên lá cờ nước Nga và trấn đóng tại đây. Những người này không nói mình là ai: lính Nga thứ thiệt, hay phe nhóm tự phát, hay tổ chức khủng bố, nhưng chẳng ai nói được tiếng Ukraine! Mấy ngày sau, lực lượng này dường như đông hơn và phân tán ra vài nơi khác. Có những tin tức cho rằng đây chính là biệt kich Nga sớm xâm nhập trong khi chờ đợi đại quân tới. Địa phương này vẫn được xem là thành trì cuối cùng của phe đối lập thân Nga, chưa nói đến một căn cứ Hải Quân của Nga tại vùng Hắc Hải đóng tại thành phố cảng Sevastopol. Người dân ở đây nay đang nói mạnh dạn hơn nữa chiều hướng muốn ly khai khỏi Ukraine và trở thành một phần của Liên bang Nga. Bởi vậy, trước đó đã có tin những người thân chính phủ mới ở Ukraine dã bị đánh đập tại một quãng trường của thủ đô Crimea, thành phố Simferopol.

Trước đó một ngày, ngày thứ tư, Putin đã cho một lực lượng quân Nga có đến 50.000 người “tập trận” ở sát vùng biên giới phía đông nước Ukraine. Ông ngoại trưởng của Nga nói tuy chẳng nói tập trận này là để vui chơi, giải trí nhưng khẳng định “chẳng có liên quan gì đến tình hình Ukraine”. Cựu tổng thống Yanukovich ngày thứ sáu họp báo ở thành phố Rostov trên Sông Don, nói rằng mình vẫn còn là tổng thống Ukraine. Nhưng chẳng những người dân Ukraine chẳng ai hoài vọng ông tổng thống lưu vong của mình, mà cả Nga cũng cố tình không để ý đến ông vì sợ mang tiếng: ông tổ chức họp báo trong một khu phố mua sắm không có ai đứng cạnh! Nga muốn có một lý do chính đáng hơn, lý do đó chính là bảo vệ kiều dân Nga!

Và cũng như ngày thứ bảy 22-2, ngày thứ bảy 1-3 tin tức cũng tràn đến dồn dập.

Quốc Hội Nga nhanh chóng thông qua lệnh của Putin “cho phép” ông quyền điều động quân đội đến Ukraine để “bảo vệ kiều dân Nga đang bị đe dọa” ở đó. Và quân Nga nhanh chóng tràn ngập Crimea nội trong ngày. Theo tin từ Simperopol, các lực lượng vũ trang của Nga đã nhanh chóng kiểm soát hết bán đảo Crimea vào hôm thứ bảy. Lính Nga mặc quân phục ra trận nhưng không mang bất cứ phù hiệu gì trên người cùng với quân xa mang bảng số màu đen thuộc lực lượng Hắc Hải của Nga đã xuất hiện trên khắp nơi chính yếu của Crimea và chiếm đóng các tòa nhà chính phủ quan yếu, đóng cửa phi trường và kiểm soát hết các hoạt động đi lại trong vùng này. Tất cả hành động lập pháp và quân sự của Nga chính là phản ứng trước bài diễn văn hôm thứ sáu của Tổng thống Mỹ, trong đó ông Barack Obama đã khuyến cáo Nga phải tôn trọng chủ quyền lãnh thồ của Ukraine và chớ có động binh nếu “không muốn trả giá”. Thực sự người ta chưa biết cái giá là thế nào!

Hôm thứ bảy, Putin và Obama nói chuyện qua đường dây nóng đến 90 phút, chỉ để cho Putin có thêm lời đe dọa: Chẳng những Nga can thiệp vào Crimea, mà còn sẽ đưa quân đến bất cứ nơi nào kiều dân Nga hay những ngưòi nói tiếng Nga bị đe dọa. Mà ở vùng đông mênh mông của Ukraine, nơi nào không có kiều dân Nga hay người nói tiếng Nga! Và ông Putin nghe nói còn nhắn nhủ ông Obama đừng xía vào. Nga có thể can thiệp vào Ukraine về tài chánh là vì nước này đang bị khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, nhưng ông ta đã quyết định hành động nhanh chóng trước khi Mỹ hay Liên Âu có thể phản ứng cụ thể hay hiệu quả. Tình hình ở Crimea quả thực sôi động. Người Ukriane và dân địa phương bản xứ Tatar tuy tổng cộng chỉ chiếm chừng 35% dân số nhưng đang sẵn sàng chống lại sự bức hiếp của người Nga ở Crimea. Xô xát bạo lực đã diễn ra ở nơi này nơi khác. Những nhà quan sát quốc tế nói rằng chính Nga đang muốn gây ra nội chiến ở Crimea đề có lý do nhảy vào.

Tổng thống Obama đã chính thức tố cáo Nga “xâm phạm luật quốc tế” và lên án sự can thiệp quân sự của nước này, xem đó là một sự “vi phạm rõ rệt” chủ quyền của Ukraine. Ông đã khẩn khoản đề nghị ông Putin rút quân về các căn cứ ở Crimea và ngưng “bất cứ sự can thiệp” nào ở những nơi khác của Ukraine. Sau cuộc điện đàm này, Tòa Bạch Ốc đưa ra một phát biểu cứng rắn, nói rằng Hoa Kỳ sẽ tức thì rút khỏi những chuẩn bị cho cuộc hội nghị kinh tế thượng đỉnh G8 được dự trù vào tháng sáu này tại Sochi của Nga. Phát biểu này cũng cảnh báo Nga sẽ bị cô lập thêm về mặt chính trị và kinh tế nếu nước này tiếp tục “vi phạm luật quốc tế”. Ở nước Anh, Thủ tướng David Cameron nói rằng “không hề có lý do để bào chữa cho việc can thiệp quân sự từ bên ngoài” ở Ukraine. “Ai cũng phải suy nghĩ cẩn thận về hành động của mình và hành động để làm giảm đi, không phải làm gia tăng, sự căng thẳng. Cả thế giới đang theo dõi”. Thủ tướng mới của Ukraine Arseniy Yatsenyuk hôm chủ nhật đã lên tiếng tố cáo Nga đã “tuyên chiến” với Ukraine và cho biết quân đội Ukraine tại Crimea đã sẵn sàng nổ súng nếu bị quân Nga khiêu khích. Crimea cũng đã ban bố tổng động viên toàn diện, trưng tập các lực lượng trừ bị, nhưng ngay cả ông bộ trưởng quốc phòng tại Kiev cũng thú nhận “quân đội Ukraine chẳng có cơ may nào” trước quân đôi của Nga (We have no chance against Russian troops!).

Tờ The New York Times đã đưa ra lời bình luận “Tổng thống Vladimir Purin của Nga đã đóng vai người chủ nhà hiếu khách tại Thế Vận Hội ở Sochi, nhưng khảo hướng nguy hiểm của ông về địa lý kinh tế có thể mới thực là di sản chính trị của ông”. Bài xã luận này nhắc lại câu chuyện năm 2008, khi ông ta đưa quân đi vào nước Georgia láng giềng, nước này cũng một thời là chư hầu của Liên bang Nga trong khối Liên Xô 15 nước, nói rằng để bảo vệ vùng nam Ossetia thuộc Georgia nhưng đang nổi dậy đòi ly khai để gia nhập Liên bang Nga – mục đích thực sự của Putin chính là dằn mặt và làm suy yếu chính phủ thân phương tây ở Tbilisi. Ngày nay, người ta nói Putin đang muốn tách Crimea ra khỏi Ukraine vĩnh viễn – cũng để dằn mặt và làm suy yếu nước láng giềng trước là đồng chí nhưng nay hận thù chất ngất. Nhìn xa hơn nữa, nhờ trời Putin sống lâu đến 100 tuổi, có đủ thời gian để đánh luôn cả Ukraine để giành lại “lệ thuộc” cho nước Ukraine này như thời còn Liên Xô. Những người ở Điện Cẩm Linh vẫn quen nghĩ họ đã mất mát quá nhiều trong sự sụp đổ của khối Cộng Sản Đông Âu và tan rã của Liên Xô vào năm 1991. Nay muốn trở lại làm một đế quốc, họ phải gom góp lại những nước chư hầu, vệ tinh cũ. Đó là chuyện “riêng tư”, “nội bộ” của họ – mấy nước phương tây đừng xía vào.

Ý muốn của Putin thì nay chúng ta đã rõ. Ông vừa muốn là Sa hoàng, tức phải có một đế chế rộng lớn cho thỏa chí của ông ta. Ông còn muốn đươc nhìn thấy trong đời mình sự trở lại của một nước Liên Xô cũ. Với lực lượng quân sự hiện đại, tối tân như Nga vẫn có lâu nay, họ còn sợ nước nào trên thế giới? Chẳng ai dại gì đánh nhau với Nga – chỉ có từ chết đến bị thương.  Bởi vậy, Nga chỉ nhún vai khi Obama nói Nga coi chừng phải “trả giá” nếu cứ làm tới ở Ukraine. Tờ The Washington Post cũng có bài xã luận nói Mỹ và đồng minh phương tây không thể chỉ “lên án” và gọi điện thoại liên tục. Nhưng đề nghị của họ chỉ là những biện pháp chế tài về ngoại giao và kinh tế. Nga có sợ những biện pháp này không? Nếu chỉ nhìn ngắn hạn, chắc chắn họ chẳng có gì để lo, và bởi thế hiện nay ngưòi ta chỉ nghĩ đến vòng hoa chiến thắng. Nhưng Putin cần hỏi thăm những nhà nghiên cứu sử. Hay đọc lại cuốn “Chiến tranh và hòa bình” của Leo Tolstoy. Dân Nga từng anh dũng hai lần đánh đuổi ngoại xâm. Napoleon trước và Hitler sau đều hiểu rằng kẻ xâm lăng thắng trận thì dễ mà thắng được lòng dân bị đô hộ thì hầu như không bao giờ. Putin, mang đầu óc toan tính phiêu lưu của một ông trùm tình báo, chỉ thấy sự việc như một nhà tình báo, không có con tim để thấy được như một nhà chính trị hay sử gia có ý thức dân tộc!

Ukraine chống Nga không phải vì Ukraine thân phương tây, mà họ chống Nga vì mối thù đô hộ vẫn còn sống mãnh liệt trong tâm tư. Và để chống Nga, họ cần phải nghiêng về phương tây. Đất nước đang ngả nghiêng. Máu lửa chắc khó tránh khỏi. Rồi đây, có thể hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người sẽ ngã xuống. Chúng ta đây từng có những nỗi đau khổ tan nát đó. Cho dù chung quanh ta, nhiều người đã trở thành vô cảm, chẳng còn nhớ, chẳng còn đau, nhưng phần lớn chúng ta, những người không như thế, chúng ta phải chia sẻ nỗi ngậm ngùi bi thương uất hận đó với ngưòi dân Ukraine hiện nay.

Hoàng Ngọc Nguyên