Tin Thế Giới – 25/5/2015
Đương kim Tổng thống Ba Lan thừa nhận thất cử – Đảng dòng chính Tây Ban Nha tổn thất sau bầu cử địa phương
Đương kim Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski, hôm qua 24/5 thừa nhận bị đánh bại trước đối thủ tranh cử thuộc phe bảo thủ Andrzej Duda không bao lâu sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc và một cuộc thăm dò ngoài phòng phiếu cho thấy ông bị dẫn đầu với tỷ lệ 53-47.
Ông Komorowski, ứng cử viên nặng ký được yêu chuộng ban đầu kỳ vọng chiến thắng thêm một nhiệm kỳ 5 năm lần thứ nhì, tối qua đã phát biểu trước các ủng hộ viên ở Warsaw rằng ‘Tôi chúc đối thủ của tôi một nhiệm kỳ Tổng thống thành công.’
Sử gia 62 tuổi và từng là Bộ trưởng Quốc phòng Komorowski vận động tranh cử cho nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai phần lớn chú trọng vào các vấn đề an ninh quốc gia, bao gồm căng thẳng leo thang với Nga về khủng hoảng ở Ukraine.
Hôm qua, ông Komorowski buộc phải bước vào vòng đầu phiếu thứ hai sau khi về nhì sau đối thủ Duda trong vòng đầu hôm 10/5.
Chiến thắng của đối thủ 43 tuổi này đánh dấu thắng lợi bầu cử lớn lần đầu tiên cho đảng đối lập đề cử ông là đảng Luật pháp và Công lý và chấm dứt hơn 8 năm chiếm ưu thế chính trị của đảng cầm quyền mang tên Cương lĩnh Công dân.
Chiến thắng này cũng mở màn cho điều mà giới phân tích dự đoán sẽ là một cuộc chiến tái tranh cử sít sao trong năm nay giữa Thủ tướng Ewa Kopacz, một đồng minh của Tổng thống Komorowski, và phe bảo thủ đối lập.
Tại Ba Lan, Thủ tướng lãnh đạo chính phủ, nhưng tổng thống được bầu chọn cho nhiệm kỳ 5 năm lãnh đạo các lực lượng quân sự, và có tiếng nói về chính sách đối ngoại, và quyền thông qua luật pháp.
Trong khi đó, các đảng chính trị dòng chính ở Tây Ban Nha bị giáng đòn trong các cuộc bầu cử địa phương và khu vực hôm Chủ Nhật 24/5 giữa lúc cử tri phẫn nộ trước chính sách kiệm ước hà khắc, tỷ lệ thất nghiệp cao, và các vụ bê bối tham nhũng quay lưng lại với các ứng cử viên phe bảo thủ cầm quyền và các ứng cử viên phe xã hội đối lập.
Quá trình kiểm phiếu còn tiếp tục đến sáng sớm thứ Hai, hoàn tất khoảng 90%, cho thấy hai đảng dòng chính dành được 52% số phiếu bầu cả nước. Trong cuộc bỏ phiếu toàn quốc cách đây 4 năm, các ứng viên bảo thủ và xã hội từng chiếm được 65% số phiếu bầu.
Lãnh tụ của đảng Podemos phản đối kiệm ước phấn khởi mô tả kết quả chưa toàn diện này là “sự kết thúc nền chính trị lưỡng đảng ở Tây Ban Nha” mà ông nói là “hướng thẳng tới sự thay đổi.”
Phát biểu trước báo giới, ông Pablo Iglesias nhấn mạnh thêm rằng thay đổi là “không thể đảo ngược” và rằng thử thách kế tiếp cho đảng của ông là chiến thắng cuộc tổng tuyển cử sau này trong năm.
Tại Madrid, tính tới tối Chủ Nhật, các ứng cử viên của Thủ tướng Rajoy đang trong cuộc đua sít sao với phe cánh tả do đảng Podemos hậu thuẫn. Thị trưởng thành phố Madrid từ năm 1991 tới nay là một thành viên trong đảng Nhân dân cầm quyền.
Quyền kiểm soát hơn 8.000 tòa thị chính Tây Ban Nha và 13 trên tổng số 17 viện lập pháp khu vực đã được quyết định vào Chủ Nhật, và giới phân tích cho rằng kết quả chung cuộc sẽ là một thước đo cho cuộc bầu cử quốc gia vào tháng 11 năm nay. – VOA
Malaysia bắt đầu khai quật tử thi từ 139 hố chôn tập thể người di dân
Giới hữu trách Malaysia cho biết phát hiện 139 ngôi mộ tập thể và 28 trại của những kẻ chuyển lậu người ở miền bắc nước họ. Thông tín viên VOA Steve Herman tường thuật từ Bangkok.
Trong cuộc tiếp xúc với báo chí ngày hôm nay tại thị trấn Wang Kelian gần biên giới Thái Lan, Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Malaysia, Đại tướng Khalid Abu Bakar, cho biết một số chi tiết về vụ phát giác những ngôi mộ tập thể và những trại của người vượt biên.
“Toán nhân viên đầu tiên – là toán pháp y và y khoa, đã tới đó sáng nay để khai quật những hài cốt. Chúng tôi sẽ tiến hành những cuộc giảo nghiệm đối với những hài cốt mà chúng tôi tìm thấy để xác định nguyên do tử vong.”
Các giới chức nói rằng trại lớn nhất trong số các trại được tìm thấy từ ngày 11 đến ngày 23 tháng 5 trong khu vực núi non hiểm trở có thể chứa tới 300 người.
Những ngôi mộ này nằm ở Perlis, tiểu bang nhỏ nhất của Malaysia, giáp với tỉnh Songkhla của Thái Lan, là nơi mà những ngôi mộ tập thể cũng được phát giác hồi gần đây.
Khu vực biên giới này là một trạm trung chuyển để những kẻ đưa lậu người đưa những người di dân từ Bangladesh và Myanmar vượt biên sang các nước khác ở Đông Nam Á, chủ yếu là Malaysia.
Sự phát giác những ngôi mộ tập thể ở Thái Lan, nơi có ít nhất 26 hài cốt được khai quật, đã dẫn tới chỗ chính quyền quân nhân Thái Lan phát động chiến dịch trấn áp những đường dây buôn người.
Các tổ chức nhân quyền tố cáo giới hữu trách Malaysia và Thái Lan làm ngơ đối với vấn đề này và có bằng chứng cho thấy sự toa rập của các giới chức tham ô.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc bộ phận Á châu của tổ chức Human Rights Watch, phát biểu như sau.
“Rõ ràng khu vực này là nơi có các trại giam người để đòi tiền chuộc. Và tôi không hề tin là chuyện này có thể xảy ra mà không có sự cấu kết nào đó của nhà cầm quyền.”
Đại tướng Khalid của Malaysia đã cho biết như sau khi được hỏi về tố cáo đó.
“Chúng tôi sẽ điều tra và chúng tôi không dung thứ bất cứ ai, kể cả các giới chức chính phủ Malaysia.”
Thái Lan đã bắt giữ hoặc ra trát bắt giữ gần 80 người dính líu tới hoạt động đưa lậu người.
Ông Robertson kêu gọi thực hiện một cuộc điều tra thấu đáo hơn ở cả hai nước.
“Tại Thái Lan những gì chúng tôi đã thấy là các chính khách và cảnh sát địa phương bị bắt. Đó là bước đầu. Nhưng họ không bắt những chủ mưu thật sự, những người bảo kê cấp cao của những vụ này. Và tôi dự kiến là chúng ta cũng sẽ thấy một tình trạng giống hệt như vậy ở Malaysia là một số những con dê tế thần cấp thấp sẽ bị bắt để nhận tội cho những gì xảy ra ở đây.”
Vì không có một nơi để cập bến, trong thời gian gần đây một số những tay chuyển lậu người đã bỏ tàu của họ trên biển, khiến cho hàng vạn người trên những chiếc tàu ọp ẹp phải lênh đênh trên biển trong lúc lương thực và nước uống bị cạn kiệt.
Thoạt đầu, ba nước Indonesia, Thái Lan và Malaysia đã xua đuổi những thuyền nhân.
Nhưng hồi tuần trước, dưới áp lực quốc tế, họ loan báo sẽ tạm thời cho phép những chiếc thuyền của người vượt biên được vào bờ để tiến hành thủ tục hồi cư hoặc tái định cư ở nước khác.
Những thuyền nhân này là người Bangladesh và người Rohingya ở Myanmar.
Mấy ngàn người đã được cứu hoặc tự bơi vào bờ từ vùng biển ngoài khơi Indonesia và Malaysia.
Các tổ chức nhân quyền tin rằng hơn 30.000 người còn đang lênh đênh trên biển. – VOA|
Mỹ tưởng niệm ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong – Các cựu chiến binh Mỹ lái xe mô tô tới Đài tưởng niệm chiến tranh VN
Nhân dân Mỹ sẽ cử hành lễ tưởng niệm những quân nhân đã hy sinh vì đất nước trong ngày lễ Chiến Sĩ Trận Vong vào hôm nay Thứ hai 25 tháng 5.
Trong khi nhiều cộng đồng trên khắp nước tưởng niệm các tử sĩ với những cuộc diễn hành, các buổi hoà nhạc nói lên tinh thần yêu nước, và các buổi lễ thì các cộng đồng khác sẽ đánh dấu ngày này bằng những giây phút suy ngẫm trong tĩnh lặng về những người đã ngã xuống trong khi đang phục vụ trong quân đội.
Hôm Chủ nhật, hàng ngàn người tham gia trong đoàn xe mô tô Rolling Thunder chạy ngang qua thủ đô Washington để kêu gọi sự chú ý đến tù binh chiến tranh và những người mất tích trong khi thi hành nhiệm vụ.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã dùng bài diễn văn hàng tuần đọc hôm Thứ bảy để tưởng nhớ và tri ân nam nữ quân nhân đã hy sinh vì đất nước.
Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói rằng ngày lễ năm nay mang ý nghĩa đặc biệt vì là ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong đầu tiên kể từ khi cuộc chiến Afghanistan kết thúc.
Ngày lễ này nguyên uỷ gọi là Ngày Vinh Danh được tổ chức tại nghĩa trang Arlington vào năm 1868, 3 năm sau cuộc nội chiến đẫm máu ở Hoa Kỳ gây thiệt mạng cho trên 600.000 người.
Nhiều người Mỹ và trường học được nghỉ lễ này và 3 ngày cuối tuần này được xem như ngày khởi đầu không chính thức của mùa nghỉ hè. Nhiều gia đình tổ chức các buổi ăn ngoài trời hay đi đến vùng biển, công viên hoặc cắm trại.
Đối với nhiều cựu chiến binh Mỹ, Lễ Chiến sĩ Trận vong là một cơ hội để nhìn lại một cuộc chiến đầy chia rẽ trong lịch sử của Hoa Kỳ, cũng như để nhớ tới những người đã hy sinh. Thông tín viên VOA Katherine Gypson tường thuật.
Mỗi năm, cứ tới ngày cuối tuần dịp lễ Chiến sỹ Trận vong, những âm thanh của Cuộc chiến Việt Nam lại vang vọng ở thủ đô Washington của Hoa Kỳ.
Kể từ năm 1987, hàng trăm nghìn người đi xe ô tô phân khối lớn tham gia vào cuộc diễu hành gọi là Rolling Thunder tới Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ở thủ đô Washington.
Đó là nơi mà cựu chiến binh Mỹ Sharon Rinke nói là đã ghi lại những cảm xúc mãnh liệt về cuộc xung đột đó.
“Có một số người sẽ lần đầu tiên tới Đài tượng niệm chiến tranh Việt Nam. Họ là những người có bạn bè được khắc tên trên bức tường đó, hay từng chiến đấu với những người được khắc tên trên tường”.
Trong 50 năm kể từ khi Hoa Kỳ bắt đầu tham chiến ở Việt Nam, các cựu chiến binh của cuộc chiến đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong thái độ của công chúng.
Hơn 58.000 người Mỹ đã bỏ mạng trong Chiến tranh Việt Nam. Những ai trở về đối mặt với sự oán giận và cả hận thù.
Ông Clay Scott, một cựu chiến binh tham gia cuộc diễu hành Rolling Thunder năm nay, nhớ lại những ngày đó.
“Người ta chửi tôi, hét vào mặt tôi rằng ‘Kẻ giết người ở Việt Nam! Kẻ giết trẻ em”, mọi điều đại loại như vậy. Vì thế, tôi nhanh chóng cởi bỏ quân phục, rồi đi thật nhanh để lên xe máy và lái về nhà”.
Đó là một cuộc đón tiếp lạnh nhạt mà ông Jerry Martin vẫn còn nhớ.
“Tôi có thể nói là một phần rất lớn công chúng Mỹ cảm thấy những điều chúng tôi đã làm là sai trái”.
Ông Martin được trao tặng Huy chương Bạc và Chiến thương Bội tinh vì hành động dũng cảm trong một cuộc phục kích.
“Chúng tôi bị nhắm bắn không thể ngóc đầu lên được. Chúng tôi không thể di chuyển. Và tôi thấy ba người lính Việt cộng tiến tới truy tìm chúng tôi, và tôi đã hành động để họ không thể tiến gần”.
Nhưng điều đó cũng không thể thay đổi sự tức giận mà ông đối mặt khi trở về nhà.
“Người ta đã lái xe qua ba làn đường để tới tạt nước vào người tôi”.
Ông nói rằng thái độ đối với các cựu chiến binh Việt Nam đã thay đổi kể từ đó.
“Theo một nghĩa nào đó, chúng tôi đã trở thành những người hùng theo cách chúng tôi chưa từng được nhìn nhận”.
Thời gian trôi qua cùng với một thế hệ các cựu chiến binh mới đã giúp mang lại sự thay đổi đó.
Bà Sharon Rinke, một người tham gia cuộc diễu hành Rolling Thunder, nói:
“Hoa Kỳ đã trải qua một số cuộc chiến khác mà dường như các binh sĩ đã được chấp nhận hơn và ủng hộ hơn là những gì chúng tôi trải qua với Chiến tranh Việt Nam. – VOA
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Binh sĩ Iraq thiếu ý chí chiến đấu
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cho rằng nguyên do làm cho thủ phủ của tỉnh Anbar của Iraq bị rơi vào tay nhóm Nhà nước Hồi giáo hồi tuần trước là do các lực lượng Iraq thiếu tinh thần chiến đấu. Theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie của đài VOA, Bộ trưởng Ashton Carter nhận định như vậy sau khi Tổng thống Barack Obama nói rằng cuộc chiến để làm sút giảm khả năng và tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo phải mất nhiều năm mới đạt mục tiêu.
Phát biểu trên đài truyền hình CNN hôm chủ nhật 24/5, ông Carter nói rằng quân đội Iraq không bị địch quân áp đảo về quân số, mà trên thực tế quân số của họ đông hơn rất nhiều so với số quân của nhóm Nhà nước Hồi giáo. Người đứng đầu Ngũ giác đài bày tỏ hy vọng sau này lính Iraq sẽ có ý chí chiến đấu sau khi nhận được sự huấn luyện, trang bị và hỗ trợ thoả đáng.
Một vị đại biểu quốc hội Iraq, ông Hakim al-Zamili, mô tả nhận định của ông Carter là “không thực tế và vô căn cứ.” Ông cho rằng Ramadi thất thủ vì thiếu thiết bị tốt, vũ khí và yểm trợ không lực.
Tuy nhiên, ông Nabeel Khoury, một chuyên gia Trung Đông của Đại học Northwestern, nói rằng chính phủ Mỹ lẽ ra phải biết tham nhũng là một trong những vấn đề lớn nhất của quân đội Iraq.
“Sự tham nhũng của lực lượng vũ trang có nghĩa là một số rất lớn tiền bạc trong ngân sách quốc phòng của Iraq không thật sự tới tay quân đội mà đi vào túi của những người trong chính quyền và các tướng lãnh trong quân đội.”
Giáo sư Khoury cho rằng chẳng những sức mạnh của quân đội bị thổi phồng mà Baghdad còn không động viên dân chúng một cách thoả đáng để họ chiến đấu tại những phần đất do Nhà nước Hồi giáo chiếm đóng. Ông Khoury cho biết ông tin là Ramadi, giống như Tikrit, rốt cuộc sẽ được chiếm lại, nhưng việc sử dụng các lực lượng bán quân sự cho thấy năng lực của quân đội Iraq rất yếu kém.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí The Atlantic hồi tuần trước, Tổng thống Barack Obama thừa nhận Ramadi thất thủ là “một thất bại chiến thuật”, và cần có thêm sự huấn luyện và cam kết tại những phần đất của người Hồi giáo Sunni. Ông cho biết lâu nay ông vẫn nghĩ rằng chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo là một chiến dịch nhiều năm.
Hôm thứ sáu vừa qua, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nhắc lại quan điểm đó.
“Chúng tôi dự kiến Nhà nước Hồi giáo sẽ tiếp tục bị sút giảm khả năng từ nay cho tới vài năm nữa. Và điều đó đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục áp dụng chiến lược này và tìm kiếm những nơi chúng ta có thể tăng cường công tác huấn luyện và trợ giúp, tiếp tục những vụ oanh kích có mục tiêu rõ rệt, và các đối tác của chúng ta tiếp tục những nỗ lực hiện nay. Điều đó đòi hỏi một cam kết lâu dài.”
Bộ trưởng Quốc phòng Carter nói rằng tuy những cuộc không kích do Hoa Kỳ dẫn đầu là có hiệu quả, nhưng không có điều Hoa Kỳ có thể làm để thay thế cho tinh thần chiến đấu của các lực lượng Iraq.
Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain, cho rằng chính quyền Obama không có chiến lược để đánh bại nhóm Nhà nước Hồi giáo. Ông phát biểu như sau trên chương trình Face the Nation của đài truyền hình CBS hôm chủ nhật.
“Chúng ta cần có một chiến lược mạnh mẽ. Chúng ta cần có thêm binh sĩ trên bộ. Chúng ta cần có thêm nhân viên kiểm soát không lưu tiền tuyến. Quí vị có biết là 75% các phi vụ tác chiến đó trở về căn cứ mà không hề oanh kích hay không? Sở dĩ như vậy là vì chúng ta không có người ở thực địa để xác định một mục tiêu đang di chuyển. Chúng ta cần có một chiến lược. Hiện giờ không hề có một chiến lược.”
Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Hạ viện, Dân biểu William Mac’ Thornberry, cho biết như sau trên đài truyền hình ABC khi được hỏi phải chăng Nhà nước Hồi giáo đang thắng.
“Họ có được rất nhiều đà tiến. Như quí vị thấy, chẳng những Nhà nước Hồi giáo đang chiếm thêm đất đai ở Iraq và Syria – tôi nghĩ rằng bản đồ này cho mọi người thấy rõ là lãnh thổ của họ đang nới rộng, những điều mà bản đồ này không cho thấy là ý thức hệ Nhà nước Hồi giáo đang tiếp tục bành trướng. Do đó, chúng ta thấy những phần tử thánh chiến từ Mali, Somalia, Libya cho tới Afghanistan, Pakistan đã tuyên bố trung thành với Nhà nước Hồi giáo.”
Ông Thornberry cũng cho rằng trận chiến Ramadi có lẽ đã không có kết cục bi đát như vậy nếu các cố vấn Mỹ có mặt tại chỗ để giúp cho những vụ không kích được hữu hiệu. – VOA