Thuyền nhân Châu Á: Miến Điện dưới áp lực quốc tế
Thuyền nhân Rohingya cập bến đảo Koh Lipe, Thái Lan – REUTERS /Olivia Harris
Theo RFI – Minh Anh – 21-05-2015 – Cộng đồng quốc tế, nhất là Hoa Kỳ tiếp tục gây áp lực, buộc Miến Điện hôm nay (21/05/2015) phải tham gia vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng thuyền nhân tại Đông Nam Á. Washingtin đã phải cử Trợ lý Ngoại trưởng đến Naypyidaw để bàn về hồ sơ này, trong khi đó, Malaysia tiến hành chiến dịch quân sự để cứu vớt các thuyền nhân trên biển.
Theo AFP, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, ông Antony Blinken cùng với các Ngoại trưởng Anifah Aman (Malaysia) và Retno Marsudi (Indonesia), có cuộc gặp gỡ đại diện các quan chức chính phủ Miến Điện tại Naypiydaw trong ngày hôm nay. Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đề cập đến tình trạng sắc tộc thiểu số Rohingya bị đối xử phân biệt, một trong những sắc tộc bị công kích nhiều nhất trên thế giới, theo như đánh giá của Liên Hiệp Quốc. Đây cũng là một chủ đề cấm kỵ tại Miến Điện.
Trước khi đến Naypiydaw, tại Jakarta hôm qua, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đã tuyên bố là sẽ nói chuyện “thẳng thắn” với chính quyền Miến Điện về “trách nhiệm của quốc gia này trong việc cải thiện điều kiện sống tại bang Rakhine, sao cho người dân ở đây không còn cảm giác là họ không còn lựa chọn nào khác là phải liều mình vượt biển”. Malaysia hôm nay bất ngờ thông báo huy động lực lượng tuần duyên và hải quân để xác định vị trí và cứu trợ các thuyền nhân.
Ngay trước cuộc họp, chính phủ Miến Điện nhắc lại lập trường của mình là không công nhận người Rohingya như là một sắc tộc tại nước này và coi họ là dân nhập cư bất hợp pháp đến từ Bangladesh láng giềng, mặc dù một số đông người Rohingya đã sinh sống qua nhiều thế hệ tại Miến Điện. Phát ngôn viên của phủ Tổng thống Miến Điện cảnh báo: “Nếu như họ muốn bàn về người Rohingya, thì như đã nói, chúng tôi sẽ không chấp nhận thuật ngữ này ”.
Cho đến nay, tại Miến Điện có khoảng 1,3 triệu người Rohingya sống tập trung chủ yếu ở bang Rakhine, đông bắc, giáp với Bangladesh. Họ không được chính quyền Miến Điện cấp giấy tờ tùy thân, không được quyền đi học và hưởng các chăm sóc y tế cũng như quyền làm việc tại nước này.