Hồ Chí Minh và những cú lừa lịch sử
Những hứa hẹn ban đầu của Việt Minh đã không trở thành sự thực khi họ nắm được chính quyền.
Dân Luận – Lương Nhị Hà – Tác giả gửi tới Dân Luận – 17/05/2015
Nhân ngày 19/5, ôn lại chặng đường từ năm 1945 với giới trẻ
Ngày 2/9/1945, ông Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập trong cuộc mít tinh của dân chúng tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội.
Tuyên ngôn được mở đầu bằng bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ: ”Tất cà mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc“.
Tiếp đó Tuyên ngôn dẫn đến bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: ”Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi“. Từ đó ông Hồ Chí Minh kết luận: ”Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được“.
Phần giữa bản Tuyên ngôn độc lập có viết: ”Khi Nhật đầu hàng Đồng Minh thì nhân dân ta cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự thật là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật (*) chứ không phải từ tay Pháp. Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập“.
Sau ngày Việt Minh giành được chính quyền; Nhà nước VNDCCH và ông Hồ Chí Minh đối mặt với hàng loạt khó khăn:
Số lượng đảng viên cộng sản trong cả nước lúc đó không quá năm ngàn người. Ngân quỹ trống rỗng. Nước VNDCCH không phải là thành viên Liên Hiệp Quốc, chưa được bất kỳ nước nào công nhận. . Miền bắc vừa trải qua nạn đói chết hai triệu người. Hơn 90% dân số mù chữ. Trên miền bắc có 20 vạn quân Tàu Tưởng sang để giải giáp quân Nhật. Trên cả nước còn khoảng 6 vạn quân Nhật. Ngoài ra còn có quân Anh và khoảng 6 vạn quân Pháp được điều từ Pháp sang.
Do đã hoạt động lâu năm ở Trung Quốc và đã từng là thiếu tá của Bát Lộ quân Trung Quốc (Cộng quân Trung Hoa) , ông Hồ thừa biết sức mạnh của dân khi được phát động, “ Dân có thể nâng thuyền mà cũng có thể lật thuyền “. Ông hiểu lúc này phải dựa vào dân, huy động mọi tài lực của dân.
Cuộc khởi nghĩa Xô Viết Nghệ Tĩnh với khẩu hiệu “ trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ “ thất bại năm 1930, đã làm dân chúng xa lánh cộng sản. Tháng 11/1945. ông quyết định làm cú lừa đầu tiên, cho giải tán Đảng cộng sản, rút vào hoạt động bí mật, đằng sau cái vỏ là Mặt trận Việt Minh. Ông làm tiếp cú lừa thứ hai là tự biên soạn, cho in và phổ biến rộng rãi trong dân chúng bài Diễn ca
“Mười chính sách của Việt Minh“ theo thể thơ lục bát để dễ nhớ, dễ thuộc (**) . Cú lừa thứ ba là ông lập ra Quốc hội khóa I mà đại biểu quốc hội chủ yếu là nhân sĩ trí thức, người không phải đảng viên cộng sản, như Vua Bảo Đại đã thoái vị với tên Vĩnh Thụy, cụ chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Phan Kế Toại, ông Phan Anh …, cử ra Chính phủ Liên hiệp kháng chiến có nhiều đảng phái như Quốc Dân Đảng, Đảng Đại Việt …, do ông làm Chủ tịch. Rồi ông cho Việt Minh tổ chức “ Tuần lễ Vàng “ để gom vàng từ những nhà giàu có lòng yêu nước. Sau ngày tổng tuyển cử 6/1/1946, ông trở thành Chủ tịch nước kiêm Thủ tướng nước VNDCCH. Ông lập ra Ủy ban dự thảo Hiến pháp để soạn thảo và thông qua Quốc hội bản Hiến pháp đầu tiên của nước VNDCCH vào ngày 9/11/1946, sau này thường được gọi là Hiến pháp 1946, được xem là bản Hiến pháp tiến bộ nhất, dân chủ nhất trong số các bản Hiến pháp đã có từ trước đến nay, của nước VNDCCH và CHXHCNVN (***) .
Với những sách lược nói trên, trong bối cảnh thế và lực của Việt Minh còn trong “ trứng nước “, ông đã thu hút được đại đa số người dân trong nước ủng hộ, lôi cuốn được nhiều nhân tài học từ nước Pháp tham gia giúp nước, như Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Võ Quý Huân, Trần Hữu Tước, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo …, nhiều nhà tư sản dân tộc yêu nước góp tiền, hiến tài sản cho kháng chiến, như ông bà Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà, Ngô Tử Hạ, Bùi Hưng Gia, Nguyễn Thị Năm (chủ Hãng Cát Hanh Long ở Hải Phòng) …
Thế nhưng, sau chuyến đi từ ngày 2/1/1950 đến giữa tháng 4/1950 sang Trung Quốc và Liên Xô, tháo gỡ được thế bị bao vây cô lập, bắt đầu cải thiện được thế và lực, ông đã vứt bỏ sách lược đã áp dụng trong giai đoạn trước, kể từ năm 1945.
Vào tháng 2/1951, ông đã quyết định cho Đảng cộng sản hoạt động công khai trở lại với tên mới là Đảng lao động Việt Nam. Ông đã vứt bỏ 10 chính sách của Việt Minh và Hiến pháp 1946, loại dần các nhân sĩ yêu nước đã từng tham gia từ ngày đầu kháng chiến. Năm 1953 ông ban hành Luật cải cách ruộng đất, thực hiện CCRĐ và chỉnh đốn tổ chức trên toàn nước VNDCCH, giết chết oan trên 15. 000 người, trong đó có người phụ nữ yêu nước Nguyễn Thị Năm, đã từng nuôi nấng giúp đỡ nhiều cán bộ cao cấp của Việt Minh từ trước ngày 19/8/1945. Sau ngày tiếp quản thủ đô 1954, ông đã phát động “ cải tạo xã hội chủ nghĩa “, đánh tư sản dân tộc, tịch thu, trưng thu tài sản của họ, kể cả những gia đình đã có công ủng hộ giúp đỡ Việt Minh từ khi còn trong trứng nước.
Ông là người sáng lập tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và quốc hiệu Độc lập, Tự do, Hạnh phúc, nhưng suốt 24 năm trị vì đất nước trên cương vị tối cao là Chủ tịch nước và Chủ tịch Đảng lao động, ông không làm được gì nhiều cho dân cho nước theo hướng dân chủ và cộng hòa. Trái lại ông thực hiện chuyên chính vô sản, chuyên chính độc đảng. Ông nhất nhất làm theo chỉ thị của Stalin và Mao Trạch Đông. Quyền tự do, bình đẳng mà ông đã nhắc đến trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945 trên thực tế không có chỗ nảy mầm trên đất nước VNDCCH. Ông cho thành lập Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội chỉ nhằm trang trí cho Đảng cộng sản. Ông thủ tiêu tự do kinh doanh, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp là những điều đã ghi trong Hiến pháp 1946 và 10 chính sách của Việt Minh do ông viết, ban hành. Ông cho đóng cửa trường Luật. Tòa án thì thực thi theo chủ trương của ĐCS. Tính độc lập của tư pháp thua xa thời thuộc địa. Ông thực hiện CNXH hiện thực như Liên Xô và Trung Quốc. Quyền tự do kinh doanh bị biến mất. Kinh tế quốc doanh tự do hành hoành và tham nhũng. Ngày càng thêm nhiều loại thuế, loại quỹ phải đóng góp, đè nặng lên đời sống của người dân. Cho đến nay, là công nhân viên chức lương thiện thì không sống nổi với đồng lương rẻ mạt và với giá cả sinh hoạt ngày càng cao. Phong trào đòi quyền tự do dân chủ và quyền con người mà ông đã từng dẫn ra trong bản Tuyên ngôn độc lập như phong trào Nhân Văn Giai Phẩm bị đàn áp thẳng tay. Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Trương Tửu… người thì bị tù, người thì bị cô lập, bỏ đói đến tận khi gần chết. Vũ Đình Huỳnh, bí thư riêng của ông, người đã đồng cam cộng khổ với ông trong những ngày hoạt động bí mật gian khổ bị bỏ tù không xét xử, chỉ vì bất đồng chính kiến với Bộ chính trị ĐLĐVN, ông cũng không can thiệp.
Theo nhà báo Bùi Tín, trong kho tư liệu của Pháp có lưu lời của hai nhà sử học William Duiker và Sophie Quinn Judge đều cho rằng ông Hồ Chí Minh là người có vẻ mặt mang nhiều màu sắc rất khác nhau và giỏi đóng kịch (nguyên văn tiếng Pháp là versatile, un camelion, mille faces) , có hàm ý là ông giỏi đánh lừa, dễ khóc, dễ cười, khóc nhiều kiểu, cười nhiều ý.
Năm 1950, ông Hồ Chí Minh được gặp Stalin. Stalin bảo ông: ” Đồng chí giải tán đảng cộng sản chỉ lừa được chúng tôi chứ làm sao lừa được bọn đế quốc “. Trong Đèn Cù tập 2, Trần Đĩnh đã thuật lại: ”Tầu Tưởng bắt giam Cụ (tức cụ Hồ Chí Minh) hồi tháng 8/1942 rồi lại thả chỉ cốt báo cho Cụ biết nó chẳng ngọng gì về việc Cụ là cộng sản thôi“. Có lẽ ông Stalin nói chưa đúng. Chắc ông Hồ không muốn lừa ông Stalin mà mục đích của ông Hồ là lừa dân chúng Việt Nam đang khao khát độc lập tự do nhưng không ưa cộng sản. Đến nay, nhiều người, trong đó có những nhà trí thức là giáo sư, tiến sĩ vẫn chưa nhận ra được là mình đã mắc lừa. Vì vậy, họ đã nhiều lần kiến nghị trở lại Hiến pháp 1946, nhưng mọi kiến nghị như vậy đều bị rơi vào im lặng, không có hồi âm.
Giả sử như đường lối “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh“ của cụ Phan Chu Trinh được thực hiện thành công thì chắc dân ta đã không bị mắc vào những cú lừa lịch sử đó. Bài học này có lẽ vẫn còn có giá trị tham khảo cho ngày hôm nay.
Lương Nhị Hà (người có mặt trong các cuộc mít tinh ngày 17/8 – 19/8 – 2/9/1945 và tham gia suốt cuộc kháng chiến 1946 – 1954)
Ghi chú:
(*) – Diễn biến cuộc Việt Minh giành chính quyền từ tay Nhật như thế nào?
Bách khoa toàn thư tiếng Việt đã thuật lại lời anh Lê Đức Vân, năm 1945 là học sinh trường Bưởi, tả lại cuộc Việt Minh “ cướp chính quyền “ vào ngày 17/8/1945 và ngày 19/8/1945 tại Hanoi như sau:
Chiều ngày 17/8/1945, tại Nhà hát lớn Hanoi, Chính phủ Trần Trọng Kim đã tổ chức một cuộc mít tinh với sự tham gia của hàng chục ngàn người trên Quảng trường trước cửa nhà hát. Khi khai mạc thì người của Việt Minh xông lên cướp mi – cro. Có 2 phụ nữ xưng tên là Kiều Trang và Nguyễn Khoa Diệu Hồng lên sân khấu, thông báo Nhật đã đầu hàng Đồng Minh và hô hào ủng hộ Việt Minh, cướp chính quyền từ tay Chính phủ Trần Trọng Kim, đòi độc lập. Họ buông lá cờ đỏ sao vàng xuống. Sau đó một thanh niên trong Đội danh dự dẫn đám đông đi diễu hành qua các phố Tràng Tiền, Hàng Đào, Hàng Ngang, Phan Đình Phùng, Trần Phú, Cửa Nam, rồi chia từng nhóm nhỏ tiếp tục diễu hành và hô
“Việt Nam độc lập“, “Ủng hộ Việt Minh“ cho đến khoảng 7 giờ tối mới tan. Theo anh Vân, số người đi diễu hành khoảng mười ngàn người. Như vậy cuộc mít tinh của Chính phủ Trần Trọng Kim đã biến thành cuộc biểu tình tuần hành của Việt Minh
Tới 9 giờ tối cùng ngày tại thôn Dịch Vọng – Hanoi có cuộc họp của Thành ủy ĐCSĐD và Ủy ban quân sự cách mạng, quyết định Tổng khởi nghĩa ở Hanoi vào ngày 19/8/1945. Lúc này tại Hanoi còn hai mươi ngàn lính Nhật. Việt Minh chỉ có khoảng một ngàn người với vũ khí thô sơ, chủ yếu là dao mác gậy gộc.
Sáng 19/8/1945 Việt Minh tổ chức mít tinh và chiếm trại Bảo an binh ở Hanoi. Quân Nhật đưa 4 xe tăng ra chĩa súng vào người mít tinh. Việt Minh cử người đến thương lượng và cuối cùng họ đã giao lại trại cho Việt Minh. Tại quảng trường nhà hát lớn, Việt Minh lại tổ chức một cuộc mít tinh vào ngày 19/8/1945. Sau đó kéo đến chiếm Phủ khâm sai Bắc Bộ tại Hanoi. Ông Nguyễn Xuân Chữ là Khâm sai Bắc Bộ, thay ông Phan Kế Toại, bị Việt Minh bắt. Từ đó Chính phủ Trần Trọng Kim kết thúc vai trò của mình và Chính quyền rơi vào tay Việt Minh mà sau này Việt Minh nói rằng đã giành chính quyền từ tay Nhật.
Ngày 25/8/1945 Vua Bảo Đại đọc tuyên ngôn thoái vị. Từ đó ông lấy tên là Vĩnh Thụy.
Chính phủ Trần Trọng Kim có là một thực thể và có là tay sai của Nhật không?
Sau khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương vào ngày 9/3/1945, Nhật tuyên bố trao trả lại độc lập cho Việt Nam. Ngày 11/3/1945 Bảo Đại ra dụ “ Tuyên cáo độc lập “, khôi phục chủ quyền của Việt Nam và giao cho nhà sử học Trần Trọng kim thành lập nội các. Ngày 7/4/1945, Bảo Đại ký đạo dụ số 5, chuẩn y thành phần Chính phủ Trần Trọng Kim. Ngày 19/4/1945 Chính phủ Trần Trọng Kim ra mắt quốc dân đồng bào.
Nội các Trần Trọng Kim gồm 7 người:
1 – Thủ tướng là ông Trần Trọng Kim, nhà sử học
2 – Bộ trưởng Bộ Nôi vụ là Trần Đình Nam, bác sĩ
3 – Bộ trưởng Bộ tư pháp là Trịnh Đình Thảo, luật sư
4 – Bộ trưởng Bộ công chính là Lưu Văn Lang, kỹ sư
5 – Bộ trưởng Bộ Y tế là Hồ Tá Khanh, bác sĩ
6 – Bộ trưởng Bộ Thanh niên là Phan Anh, luật sư
7 – Bộ trưởng Bộ giáo dục là Hoàng Xuân Hãn, thạc sĩ.
Khâm sai Bắc kỳ là ông Phan Kế Toại. Khâm sai Nam kỳ là ông Nguyễn Văn Sâm. Trưởng Tòa Đô chính Hanoi là Trần Văn Lai. Trưởng tòa Đô chính Saigon là Kha Vạng Cân.
Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập theo mô hình Quân chủ lập hiến, có Vua và Thủ tướng. Quốc ca là “Đăng đàn cung“. Quốc Kỳ hình chữ nhật nền màu vàng, chính giữa có hình “ Quẻ Ly “ màu đỏ (3 gạch màu đỏ chạy dọc theo chiều ngang, gồm 2 gạch liền và gạch giữa đứt quãng) .
Trong điều kiện rất khó khăn: Thiếu ngân sách. Không có Bộ Quốc Phòng. Tuyến đường sắt Bắc – Nam và tuyến đường bộ xuyên Bắc – Nam bị hư hỏng gián đọan. Đường biển cũng bị gián đoạn, tầu bè chở gạo cứu đói từ Nam ra Bắc chỉ có thể cập Cảng Đà Nẵng, chính phủ Trần Trọng Kim đã làm được một số việc sau:
1 – Thả hàng ngàn tù chính trị, trong đó có nhiều người cộng sản bị Pháp bắt giam
2 – Thành lập Tổ chức thanh niên tiền tuyến để giữ gìn an ninh, trong khi chưa có Bộ Quốc Phòng
3 – Thu hồi Nam Kỳ do Nhật bàn giao.
4 – Cải cách hành chính, hợp nhất 2 bộ máy hành chính ở phía bắc (Nam triều) và phía nam (Bảo hộ) thành 1 bộ máy hành chính của toàn quốc.
5 – Sơ thảo Hiến pháp – Bước đầu thành lập Ủy ban cải tổ Luật pháp, soạn thảo Hiến pháp nhằm bảo đảm tự do nghiệp đoàn, tự do tín ngưỡng. Hội đồng dự thảo Hiến pháp gồm 14 thành viên, trong đó có các ông: Phan Anh, Nguyễn Tường Long, Vũ Đình Hòe, Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Thái Mai, Tôn Quang Phiệt, Hồ Tá Khanh, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Văn Thinh, Hồ Hữu Tường. Thành lập Bộ tư pháp và Tài chính gồm 16 thành viên, trong đó các ông: Vũ Văn Hiền, Trần Văn Chương, Trần Văn Ân, Nguyễn Văn Huyên, Trần Đình Nam, Phan Kế Toại. Bãi bỏ thuế thân cho những người có thu nhập hàng tháng dưới 100 đồng Đông Dương. Ngày 8/5/1945 Thủ tướng Trần Trọng Kim ra chỉ thị thành lập Hội Nghị tư vấn Quốc gia gồm thành viên thuộc nhiều giới khác nhau.
6 – Thay thế dần ảnh hưởng của Pháp bằng cách đưa dần người Việt vào thay các viên chúc người Pháp trong bộ máy hành chính.
7 – Về giáo dục, dùng tiếng Việt làm quốc ngữ, thay dần sách giáo khoa tiếng Pháp bằng tiếng quốc ngữ. Lập Hội đồng cải cách giáo dục 18 người, có các ông bà: Hoàng Xuân Hãn, Hoàng Thị Nga, Nguyễn Mạnh Tường, Bùi Kỷ, Ngụy Như Kong Tum, Ứng Quả, Hồ Văn Ngà…
8 – Cứu đói: Việc này chưa thực hiện được bao nhiêu vì trong nam có gạo nhưng không chuyển ra bắc được.
Tuy Chính phủ Trần Trọng Kim chỉ tồn tại 4 tháng rưỡi (từ 19/4/1945 đến 23/8/1945) nhưng đã thực hiện vai trò là chính phủ cách mạng dân tộc tư sản, xây dựng bước đầu một thể chế độc lập và tự chủ đầu tiên ở Việt Nam.
(**) – Diễn ca “ Mười chính sách của Việt Minh “ của ông Hồ Chí Minh năm 1945 – 1946: (tư liệu của nhà sử học Trần Gia Phụng)
Việt Nam Độc lập Đồng minh,
Có bản chương trình đánh Nhật, đánh Tây.
Quyết làm cho nước non này,
Cờ treo độc lập, nền xây bính quyền.
Làm cho con cháu Rồng Tiên,
Dân ta giữ lấy lợi quyền của ta.
Có mười chính sách bày ra,
Một là ích nước, hai là lợi dân.
Bao nhiêu thuế ruộng, thuế thân,
Đều đem bỏ hết cho dân khỏi phiền.
Hội hè, tín ngưỡng, bảo chương,
Họp hành, đi lại, có quyền tự do.
Nông dân có ruộng, có bò,
Đủ ăn, đủ mặc, khỏi lo cơ hàn.
Công nhân làm lụng gian nan,
Tiền lương phải đủ, mỗi ban tám giờ.
Gặp khi tai nạn bất ngờ,
Thuốc thang Chính phủ bấy giờ giúp cho.
Thương nhân buôn nhỏ bán to,
Môn bài thuế ấy bỏ cho phỉ nguyền.
Nào là những kẻ chức viên,
Cải lương đãi ngộ cho yên tấm lòng.
Binh lính giữ nước có công,
Được dân trọng đãi, hết lòng kính yêu.
Thanh niên có trường học nhiều,
Chính phủ trợ cấp trò nghèo, bần nho,
Đàn bà cũng được tự do,
Bất phân nam nữ, đều cho bình quyền.
Người tàn tật, kẻ lão niên,
Đều do Chính phủ cấp tiền ăn cho.
Trẻ em bố mẹ khỏi lo,
Daỵ nuôi, Chính phủ giúp cho đủ đầy.
Muốn làm đạt mục đích này,
Chúng ta trước phải ra tay kết đoàn.
Sao cho từ Bắc chí Nam,
Việt Minh có Hội, muôn vàn hội viên.
Người có sức, đem sức quyên,
Ta có tiền của, quyên tiền của ta.
Trên vì nước, dưới vì nhà,
Ấy là sự nghiệp, ấy là công danh.
Rồi ra sự nghiệp hoàn thành,
Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng.
Khuyên ai nên nhớ chữ đồng,
Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh. /.
(***) – Trích “ Hiến pháp nước VNDCCH 1946 “ (nguồn: http: //laws. dongnai. gov. vn/)
Hiến pháp VNDCCH năm 1946 đã được Quốc hội khóa I thông qua ngày 9/11/1946.
Ủy ban dự thảo Hiến pháp 1946 gồm 7 người: Hồ Chí Minh, cố vấn Vĩnh Thụy, Đặng Thái Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh).
Dưới đây là một số điều trong Hiến pháp:
– Điều 1: Tất cả các quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.
– Điều 6: Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa.
– Điều 7: Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật.
– Điều 10: Công dân Việt Nam có quyền:
Tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú đi lại trong nước và ra nước ngoài.
– Điều 11: Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ giam cầm người công dân Việt Nam
– Điều 12: Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo hộ.
– Điều 21: Nhân dân có quyền phúc quyết về hiến pháp và những vấn đề có liên quan đến vận mệnh quốc gia.