Điểm Báo Pháp – 14-5-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 14-5-2015

Một hội nghị các nhà tài trợ quốc tế cho Syria tại Koweit đầu năm 2013, cho phép quyên góp 1,5 tỷ đô la. REUTERS/Stephanie McGehee

Koweit vật lộn với ác quỷ tài chính Thánh chiến

Theo RFI – Thu Hằng – 14-05-2015 

Trong những năm gần đây, hàng trăm triệu đô la được chuyển từ Koweit tới tay các phe nổi dậy tại Syria, trong đó có tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Dù đang nỗ lực ngăn chặn hiện tượng này nhưng chính quyền Koweit gặp rất nhiều khó khăn vì phần lớn các nguồn tài chính do các tổ chức địa phương hoặc cá nhân cung cấp. Đây là chủ đề được Le Figaro phân tích trong bài phóng sự: «Koweit vật lộn với tai họa tài chính ủng hộ Thánh chiến».

Tại vương quốc dầu mỏ bé nhỏ này, các nhà tài trợ cho Thánh chiến thường là những người có tiếng, từ giáo sư đại học, tới thương nhân giầu có hay thậm chí cả bộ trưởng. Ngoài ra, quyền tự do mà các tổ chức phi chính phủ được hưởng từ 30 năm nay cũng là một yếu tố rất thuận lợi cho việc huy động các nguồn tài trợ cho các phe Hồi giáo cực đoan.

Từ khi cuộc nội chiến Syria xảy ra vào năm 2011, Koweit trở thành trung tâm quyên góp ủng hộ cho các nhóm khủng bố tại Syria. Lời cảnh báo này đã được David Cohen, Thứ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, cảnh báo ngay từ tháng 4/2014. Có khoảng 100.000 người Syria sống tại Koweit, xúc động trước những hành động dã man mà người đồng hương phải hứng chịu. Vì vậy, khi cuộc nội chiến xảy ra, các kêu gọi quyên góp để mua nhu yếu phẩm, sau đó là mua vũ khí, đã được hưởng ứng nhiệt liệt. Số tiền quyên góp được chuyển bằng máy bay, hoặc chất đầy trong những chiếc vali chuyển qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.

Một chuyên gia chống khủng bố phân tích, có rất nhiều hình thức quyên góp. Thường xuyên nhất là trao tay tại các buổi gặp gỡ, được tổ chức buổi tối tại nhà riêng, xung quanh một tách trà nóng, hay được chuyển trực tiếp qua các tài khoản ngân hàng. Ngoài mạng lưới bán chính thức của các tổ chức từ thiện phi chính phủ, rất nhiều cá nhân, thường là doanh nhân, cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Những ông chủ này đầu tư bất động sản tại Thổ Nhĩ Kỳ và thường xuyên qua lại đây để hội họp. Phái đoàn của họ thường có 20 người, nhưng bao giờ cũng có một người không trở về. Chính cá nhân này là người chịu trách nhiệm chuyển tiền cho quân thánh chiến.

Ngoài các thành phần kể trên, còn có ba giảng viên đại học, chuyên ngành luật Hồi giáo Sharia, và một giáo sĩ trẻ với khối tài sản khá lớn, cũng nằm trong danh sách đen những người hỗ trợ quân thánh chiến có ảnh hưởng nhất tại Koweit.

Cho tới đầu năm 2013, chính quyền Koweit gần như không kiểm soát các nhà tài trợ cho quân thánh chiến. Nhưng dưới sức ép của Hoa Kỳ, vương quốc buộc phải hành động : Bắt đầu từ việc buộc Bộ trưởng Bộ Tư pháp từ chức, mà theo Washington là một «người ủng hộ Thánh chiến», tiếp theo, là cấm một chương trình truyền hình quyên tiền cho các phe Hồi giáo cực đoan. Ngoài ra, các giáo sĩ ca ngợi công lao của tổ chức Nhà nước Hồi giáo cũng bị bắt giữ.

Mặc dù Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp siết chặt, nhưng tiền vẫn tới tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo hay tổ chức al-Nosra, nhờ các cuộc họp mặt tại tư gia. Washington cảnh báo nước đồng minh cần phải làm tốt hơn nữa. Bộ trưởng Bộ Thông tin phản ứng lại rằng Koweit tôn trọng các nguyên tắc quốc tế, nhưng đôi khi, các cá nhân vẫn tiếp tục. Một chuyên gia nhận định tình trạng này sẽ còn tiếp tục khi chưa có luật về tài trợ khủng bố quy định mối liên hệ của một cá nhân với một tổ chức bị nghi ngờ. Tuy nhiên, ở vấn đề này, Koweit không phải là trường hợp duy nhất, mới đây, Ả Rập Xê Út đã thông báo duy trì khả năng độc lập tài chính của các tổ chức từ thiện phi chính phủ.

Liên Hiệp Châu Âu bất đồng về giải quyết vấn nạn nhâp cư

Chuyển sang thời sự Châu Âu, tình trạng người vượt biển tỵ nạn kéo tới lục địa này buộc các nước trong Liên Hiệp họp khẩn cấp hôm qua để đưa ra những biện pháp hành động. Bất đồng nội bộ về các giải pháp là nhận định chung của các nhật báo Pháp.

«Bruxelles đưa ra giải pháp hạn ngạnh (quotas) cho các nước thành viên», căn cứ theo tổng sản phẩm quốc nội (PIB), dân số và tình trạng thất nghiệp của nước thành viên. Đây chỉ là một biện pháp khẩn cấp, và gây nhiều tranh cãi, trong số các biện pháp hành động của Liên Hiệp được Le Monde phân tích.

Văn bản ngày 13/05 của Liên Hiệp còn nêu lên các hành động trong tương lai theo các khía cạnh nhân đạo và ngăn cản, tăng cường kiểm soát biên giới nhưng đồng thời mở cửa cho lao động có tay nghề. Năm 2016, Liên Hiệp sẽ nghiên cứu thành lập một đơn vị tuần tra Châu Âu. Và để đảm bảo sự cân bằng tốt nhất, Bruxelles có thể xem xét hệ thống, được gọi là «Dublin», sẽ được áp dụng từ năm 2016, buộc quốc gia mà người nhập cư tới đầu tiên phải xử lý yêu cầu xin tị nạn và trợ cấp cho người này.

Theo Le Figaro, «Liên Hiệp đề xuất phân phối ”gánh nặng” nhập cư», còn Libération nhận định: «Châu Âuvẽ ra”  tình đoàn kết thông qua hạn ngạch». Theo đó, Pháp sẽ phải tiếp nhận 11,9% Đức 15,4%, Ý 9,94% và Tây Ban Nha 7,75%. Các quốc gia sẽ nghiên cứu hồ sơ cá nhân từng người dựa theo luật quốc tế và những người không đủ điều kiện sẽ bị trả về điểm xuất phát. Như vậy, Ý và Hy Lạp phải xử lý thêm những người nhập cư do Pháp hay Đức trả về. Đây là một cản trở đối với «tình đoàn kết» giữa các nước thành viên.

Vương quốc Anh và Hungari phản đối đề xuất này. Anh tuyên bố sẽ không tham gia vào hệ thống tiếp nhận bắt buộc. Theo Bộ trưởng Nội vụ Anh, cần phải trục xuất người nhập cư về nước của họ. Tuy nhiên, các quốc gia phản đối khó có thể ngăn chặn giải pháp chung của Liên Hiệp.

Châu Âu sẽ tiến hành một chương trình khảo sát hải quân, nhưng không can thiệp quân sự vào Libya. Ngoài ra, Liên Hiệp sẽ tìm hiểu cách hoạt động của mạng lưới chuyên chở người nhập cư để tìm cách phá hủy tài sản, tầu bè của chúng và đưa những người chịu trách nhiệm ra xét xử. Một kế hoạch hành động sẽ được đưa ra vào cuối tháng này.

Kinh tế Pháp hồi phục mong manh

Tăng trưởng Pháp đạt mức 0,6% trong quý I năm 2015, cao hơn cả mức 0,3% của Đức. Chính phủ Pháp lạc quan cho rằng có thể đạt được mức tăng trưởng 1% cho toàn năm 2015. Thế nhưng, theo các báo ra ngày hôm nay, kết quả trên không khả quan như vậy.

Trên trang nhất, tờ Le Monde nhận định: «Pháp: tăng trưởng nhưng thiếu việc làm và không có đầu tư». Thực ra, mức tăng trưởng 0,6% đạt được dựa vào dữ liệu mới nhất của lĩnh vực sản xuất công nghiệp và mức tiêu dùng của các gia đình. Đằng sau kết quả này ẩn chứa nhiều điểm yếu nghiêm trọng. Đầu tư giảm và nhập khẩu tăng khiến tổng thu nhập quốc nội giảm bớt 0,5 điểm. Ngành xây dựng phải hủy bỏ 13.000 việc làm.

Le Figaro cũng chung nhận định tăng trưởng Pháp dù là thật, nhưng rất mong manh, vì các doanh nghiệp vẫn chưa mạnh dạn đầu tư và còn tiếp tục giảm bớt việc làm. Theo một chính khách đảng đối lập UMP, tăng trưởng đạt được là nhờ các yếu tố bên ngoài: giá dầu giảm, đồng euro hạ giá so với đồng đô la và lãi suất thấp.

Facebook và tham vọng bán báo cho thế hệ di động

Ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg, từ cuối năm 2014, không che dấu ý định của mình biến Facebook thành một «tờ báo cá nhân» vừa thông tin vừa giúp người sử dụng thư giãn. Thông qua thử nghiệm «Instant Articles», mạng xã hội nổi tiếng trên sẽ chứa các bài báo của chín công ty truyền thông đối tác, trong đó có New York Times, BuzzFeed, Guardian, đài BBC và Spiegel.

Tham vọng bán báo của Facebook cho thế hệ di động được cả ba tờ, Le Monde, Le Figaro và Libération, đề cập tới trong số ra hôm nay.

Hiện nay, Facebook đang là phương tiện chính giúp các cơ quan truyền thông quản lý nguồn thu nhập từ quảng cáo và số lượng độc/thính giả. Họ đăng tên bài viết, hình ảnh, tóm tắt lên trang Facebook qua đường dẫn (link). Người sử dụng internet nhấn vào đó, đường dẫn sẽ đưa họ tới trang chính của tạp chí. Như vậy, các công ty truyền thông vẫn tiếp tục thu tiền từ quảng cáo trên trang web của họ. Ngoài ra, phương tiện này mang lại các cơ quan truyền thông khoảng 10-15% tổng số lượt truy cập. Tổng biên tập tạp chí The Atlantic thừa nhận, hợp tác với Facebook, họ có thể mất một phần kiểm soát các kênh phân phối nhưng đổi lại, họ có thể thu hút được nhiều công chúng hơn.

Khó khăn chính trong vấn đề hợp tác giữa Facebook và các đối tác là vấn đề doanh thu từ quảng cáo và số lượng truy cập. 90% doanh thu của Facebook là nhờ quảng cáo. Các đối tác cũng vậy, số lượng truy cập vào trang chủ ấn định vị trí của họ trên thị trường quảng cáo. Một số ý kiến lo ngại, các công ty truyền thông sẽ bị phụ thuộc vào Facebook vì mạng xã hội này đã chiếm một phần lớn số lượng truy cập của các trang thông tin thời sự.

Đời sống tình dục của người tàn tật

Báo Libération dành 5 trang đầu trong số ra ngày hôm nay để phản ánh đời sống tình cảm và ham muốn tình dục của người tàn tật, một chủ đề rất ít được đề cập tới.

Thường xuyên bị tránh bàn luận tại Pháp, chủ đề hỗ trợ người tàn tật trong đời sống tình dục rất nhạy cảm. Giúp họ khám phá ham muốn, liệu có bị coi là mại dâm hay không? Đây là cây hỏi lớn trên trang nhất của tờ Libération.

Hỗ trợ tình dục cho người tàn tật đã được công nhận tại Mỹ và Israel. Tại Châu Âu, công việc này được công nhận tại các nước Đức, Hà Lan, Đan Mạnh, Thụy Sĩ, Áo, Ý và Tây Ban Nha. Từ nhiều năm nay, đây vẫn là vấn đề nhạy cảm tại Pháp. Bình luận gia, Marcel Nuss, cũng là một người tàn tật, tranh luận và ủng hộ vấn đề này trong cuốn sách của ông phát hành vào ngày mai, 15/05. Thế nhưng, những người phản đối lập luận rằng hỗ trợ tình dục cũng giống như hành động “biến thân thể người thành hàng hóa” (marchandalisation-corps), như nghề mại dâm. Theo luật hình sự Pháp, môi giới mại dâm có thể bị phạt tới 7 năm tù và 150.000 euro.