Điểm Báo Pháp – 13-5-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 13-5-2015

Liên hoan Cannes 68e dưới cái nhìn của nữ tài tử Thụy Điển Ingrid Bergman (1919-1982). REUTERS/ Benoit Tessier

Theo RFI – Trung Thành – 13-05-2015

Cannes 2015: Anh ngữ và khát vọng tìm kiếm những chân trời mới

Liên hoan điện ảnh Cannes chính thức khai mạc là sự kiện văn hóa lớn  được Libération hôm nay giới thiệu. «Cannes. C’est party!» (tạm dịch là «Cannes. Cuộc vui bắt đầu!») là hàng tựa trang nhất. Libération mở đầu với nhận định: Liên hoan Cannes năm nay đặc biệt giới thiệu nhiều phim bằng tiếng Anh và với các dàn diễn viên Holywood, tiếp theo là câu hỏi: «Liệu Cannes có trở thành một ngày hội của nền điện ảnh toàn cầu hóa?».

Thực tế điện ảnh Anh ngữ lấn sân và không khí phân vân lưỡng lự này dường như cũng được thể hiện qua cách chơi chữ trong hàng tựa trang nhất của Libération, từ tiếng Anh «party/cuộc vui» khi phát âm qua tiếng Pháp cũng có thể được hiểu là khởi sự.

Câu hỏi đặt ra, cuộc thảo luận bắt đầu.

Ghi nhận đầu tiên trong hồ sơ «Cannes: la promenade de l’anglais» là: cho dù số lượng phim của các tác giả Anh-Bắc Mỹ-Úc tham gia tranh giải Cành Cọ Vàng (mặt tiền của Liên hoan Cannes) là khá ít, nhưng «ắt hẳn là chưa bao giờ, trong lịch sử Liên hoan, lại có sự tham gia của nhiều tài tử Holywood đến như vậy…, và chưa bao giờ (trên màn ảnh Cannes) người ta lại nói nhiều tiếng Anh đến như vậy, hay đúng hơn là ‘‘globish’’, một thứ tiếng Anh toàn cầu».

Thực tế là gần một nửa số phim tranh giải Cành Cọ Vàng, bất kể nguồn gốc quốc gia, sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính. Số phim Pháp dự giải năm nay là 5 trên tổng số 19, ít hơn hẳn so với những năm trước.

Đối với Cannes, một Liên hoan phim vốn đặc biệt đề cao tính quốc gia của một bộ phim tham gia, căn cứ vào quốc tịch của đạo diễn, thì thực tế năm nay được nhìn nhận như là mới mẻ. Rất nhiều bộ phim tranh giải Cành Cọ Vàng cho thấy xu hướng «thoát ly khỏi căn cước dân tộc»: «Plus fort que les bombes/Louder than Bombs» của đạo diễn Na Uy Joachim Trier, được thực hiện tại Mỹ; phim «The Lobster» của đạo diễn Hy Lạp Yorgos Lanthimos được quay tại Ai Len; cũng tương tự là phim «Youth» của đạo diễn Ý Paolo Sorrentino với dàn diễn viên Anh-Mỹ… Phim của các đạo diễn Châu Âu được quay bằng tiếng Anh và chủ yếu với các diễn viên Holywood đang trở thành một xu thế.

Theo nhà sản xuất phim Pháp, ông Jean Labadie, «đối với các phim đòi hỏi nhiều vốn – tình hình cụ thể tùy theo từng nước – việc sử dụng tiếng Anh tạo thuận lợi cho cơ may đầu tư». Một trong các lý do chủ yếu được đưa ra là: phim làm bằng tiếng Anh sẽ có nhiều cơ hội xâm nhập thị trường Bắc Mỹ khổng lồ.

Đằng sau xu thế thời thượng…

Tuy nhiên, đằng sau xu thế có vẻ như mang tính thời thượng này, là một thực tế rất khác, mà Libération tìm cách phát hiện. Lý giải về điều này, nhà phân phối phim người Pháp, Vincent Maraval –đồng sáng lập công ty điện ảnh Wild Bunch-, nhận xét: thực ra không phải là một sự thống trị tuyệt đối của tiếng Anh, mà chẳng qua là mọi người hiện nay đi lại nhiều hơn, cởi mở hơn, hay có những cuộc gặp gỡ bất ngờ ở một nơi xa xôi nào đó…, và điều này có thể đã dẫn đến việc đạo diễn quyết định thay đổi ngôn ngữ chính trong phim so với ý định ban đầu. Đây là trường hợp phim «Chronic» của đạo diễn Mehico Michel Franco.

Nhà báo Olivier Père, người phụ trách điện ảnh của kênh truyền hình Arte, nhận định: hiện tượng phim của các tác giả Âu lục nhưng nói bằng tiếng Anh, như «Plus fort que les bombes» của đạo diễn Na Uy Joachim Trier tranh giải Cọ Vàng năm nay, hay Sils Maria của đạo diễn Pháp Assayas năm ngoái, cho thấy các nhà làm phim muốn vượt khỏi các biên giới quốc gia chật hẹp, để hướng đến những chân trời khác lạ. Theo ông, điều này là cơ bản hơn so với áp lực tìm kiếm một thị trường.

Thành công tại Cannes của những người như đạo diễn Pháp gốc Serbia Emir Kusturica –hai lần Cành Cọ Vàng-, của đạo diễn Pháp Laurent Cantet (với Cành Cọ Vàng cho «Entre les murs», về những học sinh bướng bỉnh tại một trường trung học thủ đô Paris) hay đạo diễn Đan Mạch Lars von Trier, giải Cọ Vàng năm 2000 (cho «Dancer in the Dark», sản phẩm điện ảnh với sự hợp tác từ chín quốc gia) xác nhận phần nào nhận định nói trên của nhà báo Olivier Père, và điều này cũng đồng điệu với sự gia tốc của những dòng người di cư, một xu thế chủ đạo của thời đại hiện nay. Dù sao Libération cũng chua thêm, «vẫn còn hiếm có các đạo diễn Achentina hay Thụy Điển nào lại quay ở một quốc gia khác một bộ phim bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ» chẳng hạn.

Libération kết luận: một trong những điểm hấp dẫn không thể phủ nhận được của Liên hoan Cannes chính là ở chỗ sân chơi điện ảnh quốc tế này là nơi khán giả có cơ hội được tiếp xúc với một «hình ảnh thu nhỏ về thế giới với những kết hợp đủ loại, với những giọng nói, những cử chỉ hay gương mặt chưa từng được biết đến».

Trang nhất các báo Pháp

Về thời sự quốc tế, đối lập Pháp chê trách cách hành xử của Tổng thống Hollande tại Cuba, về thời sự trong nước, cuộc tranh luận về chương trình giáo dục mới của chính phủ và mức tăng trưởng bất ngờ của kinh tế Pháp trong quý một là các tựa lớn trên trang nhất báo chí Pháp hôm nay. Libération thì đặc biệt chú ý đến Liên hoan điện ảnh Cannes, như đã được trình bày ở trên.

Cuộc gặp Fidel được quảng bá rầm rộ của Tổng thống Pháp bị chỉ trích

Hình ảnh Tổng thống François Hollande vui vẻ siết tay Fidel Castro, lãnh tụ Cuba hồi hưu, được đón nhận rất khác nhau trong chính giới Pháp. Về phía cánh hữu đối lập, hành động của nguyên thủ Pháp gây giận dữ. Tờ báo thiên hữu Le Figaro bất bình: «Lenin đã chết, Staline cũng vậy và rõ ràng Fidel Castro cũng không còn khỏe. Vậy mà cứ như không!». Le Figaro nhận xét: Trong đảng Xã hội, đảng Cộng sản và Mặt trận cánh tả, trong đảng môi trường, người ta cho rằng cuộc gặp Hollande và nhà độc tài La Habana là một thời điểm lịch sử…. cánh tả Pháp, duy nhất ở Châu Âu còn thấy sự hấp dẫn ở những kẻ đáng căm ghét». Le Figaro chất vấn ông Hollande, «con người ‘làm nên lịch sử’ – như ông Hollande quả quyết – chiếm quyền từ năm 1959, đã bắn giết, bỏ tù, biến hòn đảo của mình thành một địa ngục nhiệt đới, truy đuổi những người đồng tính và, trong 56 năm qua không có thời gian và ý định tổ chức các cuộc bầu cử tự do».

Về chủ đề này, Le Monde có hàng tít giễu cợt: «Ông Hollande muốn kết hợp chủ nghĩa Castro với kinh tế thị trường tại Cuba». Tờ báo thiên tả Libération, dưới hàng tít «Hollande với Fidel ở Cuba, cả một sự kiện», đưa ra nhận định châm chọc: «Trong suốt 36 giờ tại hòn đảo Caribe, những người thân cận với Tổng thống không ngừng ca tụng ‘‘một thời điểm lịch sử’’». Ý nghĩa «lịch sử» đã bị lạm phát suốt trong chuyến công du 36 giờ này: nào là Tổng thống Pháp đầu tiên tới hòn đảo từ khi độc lập 1898, nguyên thủ phương Tây đầu tiên tới Cuba kể từ cuộc cách mạng 1959, nhà lãnh đạo Châu Âu đầu tiên gặp Fidel tại nhà riêng….

Lính Nga tại Ukrain và lẵng cà chua của ông Lavrov

Hội kiến Ngoại trưởng Mỹ – Tổng thống Nga tại Sotchi hôm qua, nhằm tìm ra các thỏa hiệp xung quanh nhiều hồ sơ lớn, cũng được nhiều báo quan tâm, nhưng điều được chú ý hàng đầu lại là bản báo cáo về ít nhất 220 binh sĩ Nga chết trận tại vùng Donbass, được công bố vào dịp này. Báo cáo do lãnh đạo đối lập quá cố Boris Nemptsov soạn thảo, trước khi ông bị hạ sát một cách bí hiểm tại trung tâm Matxcơva.

Theo một chuyên gia quân sự độc lập, Pavel Felhenhauer, việc Nga can thiệp bí mật vào Ukraina là điều không có gì lạ. Matxcơva đã có một truyền thống lâu dài trong lĩnh vực này. Nhà nghiên cứu điểm danh có ít nhất 46 chiến dịch như vậy kể từ năm 2000. Vẫn theo chuyên gia nói trên, tại Ukraina, quân đội Nga duy trì khoảng chục nhóm binh sĩ, bao gồm các đơn vị lính dù hay thiết giáp, được triển khai khẩn cấp hồi tháng 8/2014, để giúp phe nổi dậy chống lại các cuộc tấn công của Kiev. Một đợt triển khai quân mới đã xảy ra hồi tháng 1 – 2 năm nay.

Nhà nghiên cứu  quân sự độc lập cho rằng phương Tây đã quá hy vọng vào một cuộc ngừng bắn, với ảnh hưởng của Matxcơva, trong khi đó ông thấy một thực tế ngược lại, chính quyền Nga đã tiếp tục triển khai quân đội để chuẩn bị cho một chiến dịch mới vào mùa hè này.

Cũng về chủ đề này, Le Figaro có bài «Kerry và Putin trao đổi tại Sotchi», với nhận xét:  đối diện với các khó khăn kinh tế, Nga có thể cần được Châu Âu giảm nhẹ trừng phạt. Bài viết chú ý đến hình ảnh Ngoại trưởng Nga tặng đồng nhiệm Mỹ cà chua, để đáp lại việc được tặng khoai tây, hồi đầu năm. Chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ kết thúc với việc ông Kery hội kiến với Tổng thống Nga xung quanh chai rượu vang. Le Figaro bình luận, «thứ ngoại giao khoai tây và vang đỏ này đủ cho thấy một sự tái lập mong manh các đối thoại ở cấp thượng đỉnh» Nga – Mỹ.

Châu Âu chia sẻ gánh nặng nhập cư, nhiều nước phản đối

Liên quan đến chính sách nhập cư mới của Châu Âu, trong bối cảnh châu lục đang đối diện với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do làn sóng người tỵ nạn vượt biển từ Châu Phi không ngừng tăng lên, Les Echos có bài hồ sơ «Nhập cư: vấn đề xác định quotas người tỵ nạn gây chia rẽ các quốc gia Châu Âu». Theo Les Echos, chủ trương mặc dù chưa chính thức của Bruxelles được Pháp và Đức ủng hộ, nhưng bị các nước Đông Âu phản ứng tiêu cực. Nhiều nước bày tỏ quan điểm không có lý gì gánh vác một trách nhiệm như vậy.

Theo trợ lý giám đốc của  cơ quan Biên phòng Châu Âu, 80% người nhập cư là những người có khả năng tiềm tàng trở thành người tỵ nạn. Riêng trong năm ngoái, Frontex ước tính có khoảng 280.000 người nhập cư lậu tại các đường biên giới của Châu Âu. Nước đón nhận người nhập cư nhiều nhất là Đức, hơn 47 nghìn người, Thụy Điển hơn 33 nghìn, Pháp đứng thứ ba 20 nghìn, tiếp theo là Ý, Anh và Hà Lan.

Hóa chất độc hại: Công nhân Đài Loan tiếp tục kiện

Nhìn sang châu Á, một trong những đề tài hiếm hoi mà báo chí Pháp quan tâm là cuộc tranh đấu của các công nhân Đài Loan, thuộc công ty sản xuất tivi RCA (Radio Corporation of America) trước đây, đòi công ty kế tục Technicolor SA đền bù cho các nạn nhân bị ung thư, vì phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại, trong khoảng thời gian từ năm 1971 đến 1992.

Theo Le Monde, đã có 1.500 công nhân cũ của đảo quốc được bồi thường, với số tiền 16 triệu euro, tuy nhiên, những người làm công cho công ty này không dừng lại, hôm qua, 529 nguyên đơn đã quyết định tiếp tục khiếu nại phúc thẩm. Các nguyên đơn yêu cầu công ty có trách nhiệm bồi thường tổng cộng 2,7 tỷ đô la Đài Loan.