Viễn ảnh nào cho Việt Nam sau những biến động tại Ukraina?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Viễn ảnh nào cho Việt Nam sau những biến động tại Ukraina?

Sau hơn 3 tháng biến động, Tổng thống độc tài Yanukovych đã phải bỏ trốn khỏi thủ đô Kiev của Ukraina.

Theo VOA – Nguyễn Phục Hưng – 04.03.2014

HOUSTON, TEXAS — Từ những tháng cuối năm 2013, các cuộc xuống đường chống đối chính sách độc tài của Tổng Thống Viktor Yanukovych, tại Ukraina, đã làm bùng ra các cuộc đàn áp đẫm máu. Tin cho biết 88 người biểu tình đã bị bắn chết và nhiều người khác bị thương. Nhiều nhà quan sát chính trị đã vô cùng ngạc nhiên trước sự thành công nhanh chóng của dân chúng Ukraina.
Vào ngày 21 tháng Hai, chỉ sau khoảng hơn 3 tháng biến động, Tổng thống độc tài Viktor Yanukovych đã phải trốn khỏi thủ đô Kiev của Ukraina, đến Nga tị nạn. Ngay sau đó, nhiều công an mật vụ từng đàn áp người biểu tình dã man, đã phải quì gối xin người dân tha tội. Những biến động chính trị trong mấy tháng vừa qua tại Ukraina làm nhiều người Việt trong nước cũng như hải ngoại so sánh tình trạng chính trị và kinh tế giữa Việt Nam và Ukraina. Họ băn khoăn cũng như hy vọng về một viễn ảnh Việt Nam có tự chủ và tự do.
So sánh tình hình chính trị giữa Việt Nam và Ukraina, Ông Nguyễn Giao, một cư dân San Diego và là một thành viên sáng lập Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam chia sẻ nhận xét của Ông như sau:
“Rõ ràng là nó có rất nhiều điểm tương đồng về kinh tế và chính trị. Việt Nam thì bị Trung Cộng, còn Ukraina thì bị Nga Sô, nhưng mà cũng có nhiều điểm rất là khác nhau. Thí dụ, ở Ukraina, chắc chắn là dân trí của họ khá hơn dân trí Việt Nam rồi. Cũng như các sắc dân bên đông Âu khác, họ đã thành công thiết lập những định chế về dân chủ. Quốc hội của Ukraina nó đứng vững và được dân chúng tín nhiệm, là một quốc hội thứ thiệt chứ không phải là quốc hội bù nhìn của Việt nam. Thành ra khi ông Tổng Thống bỏ chạy, dân chúng nhìn lên quốc hội để đợi chờ những quyết định của quốc hội và tuân thủ theo những quyết định của quốc hội. Quốc hội có thẩm quyền và đại diện thực sự cho dân chúng Ukraina.”
Trong khi đó, ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư đảng Việt Tân, thì đặc biệt chú ý đến sự quan trọng của yếu tố kinh tế thương mại trong chính sách ngoại giao giữa Nga đối với Ukraina và Trung Quốc đối với Việt Nam:
“Về mặt đối ngoại, thì Ukraina gần đây, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Yanukovych vừa bị truất phế, là hoàn toàn dựa vào Nga và khước từ những nối kết thương mại với khối Âu Châu. Cũng giống Cộng sản Việt Nam hiện nay, mặc dù buôn bán quan hệ với Hoa Kỳ hay Âu Châu, nhưng mà hoàn toàn dựa vào Trung Quốc, có thể nói là nền kinh tế Trung Quốc chi phối người Việt Nam rất là lớn.”
Ông Hùng cũng nói là Ukraina may mắn hơn Việt Nam là đã có hơn 10 năm sống trong các định chế dân chủ Tây Phương:
“Đặc biệt là sự lệ thuộc của Việt Nam vào Trung quốc ngày càng nặng nề và có thể nói, mặc dù có sự quan hệ như vậy nhưng Ukraina đã đi trước Việt Nam cả mười năm, khi họ chấp nhận bối cảnh sinh hoạt chính trị đa nguyên đối lập và sự phát triển của xã hội dân sự. Vì lý do đó mà phong trào đấu tranh của Ukraina đã tiến rất là nhanh và họ đã thành công sau 3 tháng tranh đấu. Trong khi Việt Nam, lực lượng đối lập vẫn còn nhiều yếu tố phức tạp và nhất là chưa có thể hoạt động công khai nên vì lý do đó chưa tạo được làn sóng chuyển đổi giống như trường hợp Ukraina.”
Nhận định về một triển vọng cho tình hình dân chủ hóa Việt Nam sẽ nhanh chóng như tại Ukraina, Ông Nguyễn Giao cho rằng đa số người Việt chưa sẵn sàng hy sinh, dù rằng đang có nhiều nhà dân chủ can đảm:
“Triển vọng đó cho Việt Nam, khó mà có thể xảy ra dễ dàng như ở Ukraina. Biến chuyển tốt đẹp như thế là kết quả của 88 người bị giết chết lúc họ xuống đường. Khi họ xuống đường, là không những ở thủ đô của Ukraina, mà khắp nơi trên nước Ukraina họ đều xuống đường. Hàng trăm ngàn người, chứ không phải hàng chục ngàn người, Hàng trăm ngàn người xuống đường. Việt Nam thì chưa được như thế. Việt Nam dân trí thấp hơn. Thành phần bất đồng chính kiến, có và rất là can trường, cũng như sự hiểu biết và lòng yêu nước, không thua gì dân Ukraina hết, nhưng mà nói về số lượng thì ở Việt Nam mình tỷ lệ còn quá thấp.”
Ông Lý Thái Hùng thì cho rằng nguyên nhân chính của những biến động chính trị tại Ukraina là sự tham nhũng độc tài và sự lệ thuộc vào Nga sô, cũng giống như tình trạng tham ô độc tài, và sự lệ thuộc vào Trung Quốc của nhà nước Việt Nam, Ông nói:
“Nguyên nhân đầu tiên là dân chúng bất mãn về tình trạng kinh tế khủng hoảng liên tục, trong khi thành phần lãnh đạo của triều đại của thủ tướng Yanukovych, thì tham ô nhũng lạm và đời sống rất là xa hoa. Ðiều thứ hai là Ukraina đã lệ thuộc Nga rất nhiều và đã đàn áp lực lượng đối lập như trường hợp bắt bỏ tù Bà Julia Tymoshenko là một người thân Tây Phương, đòi hỏi một số những cải cách về dân chủ. Tôi nghĩ, hôm nay quả thật là Việt Nam cũng ở trong tình trạng khó khăn về kinh tế bên cạnh tham ô nhũng lạm và càng ngày đảng CSVN đã dựa vào Trung Cộng để khống chế quyền lực và đàn áp đối kháng.”
Ông Nguyễn Giao thì nói một yếu tố quan trọng trong cuộc vận động dân chủ hóa đất nước là tìm cách nâng cao dân trí và đòi hỏi tự do ngôn luận và người Việt hải ngoại cần phải hỗ trợ cho các nhà dân chủ trong nước:
“Ở trong nước phải tiếp tục làm sao để nâng cao dân trí, do đó sẽ có nhiều đám đông những người, gọi là, bất đồng chính kiến với chính phủ, dám công khai trực diện với bạo quyền, gia tăng. Muốn nâng cao dân trí, phải làm sao phá được các bức tường bưng bít, tuyên truyền, độc quyền của nhà nước. Và hải ngoại, phải làm sao hỗ trợ, để mà bảo đảm an toàn cho những người bất đồng chính kiến đang bị trong nước đàn áp, bỏ tù, đầy đọa, tìm cách đánh gục cả về vật chất, kinh tế tinh thần.”
Ông Lý Thái Hùng có quan điểm tương tự và ông đặc biệt quan tâm đến việc thành lập và phát triển các tổ chức xã hội dân sự ở quốc nội để có thể công khai hoạt động hầu nói lên những tiếng nói đối lập.
“Hỗ trợ liên kết với nhau để xây dựng được một số những đoàn thể đối trọng, để tạo điều kiện hoạt động công khai, là những việc cần làm. Tôi nghĩ, là cái diễn biến giống như Ukraina, rồi đây cũng xảy ra tại Việt Nam khi đủ điều kiện chín mùi.”
Trước sự can trường của dân Ukraina, Nga viện cớ bảo vệ người gốc Nga, đã mang quân vào bán đảo Crimea, phía Nam Ukraina, bất chấp sự lên án của khối EU và Hoa Kỳ. Việt Nam, ngoài sự lệ thuộc Trung Quốc về chính trị, kinh tế, ngoại giao, còn nhiều vùng người Tàu sống tự trị, ngoài sự kiểm soát của nhà nước, mà đa số dân chúng không biết. Trong khi đó, nhà nước ra tay đàn áp các người yêu nước. Tiếng kêu khẩn thiết “Việt Nam Tôi Đâu” của Việt Khang đã bị cầm tù. Đa số dân chúng vẫn chỉ lo chạy gạo hàng ngày mà không hay biết về thảm họa mất nước đang gần kề. Nhiều người quan tâm đến đất nước dân tộc, cho rằng nếu nhà nước Việt Nam tiếp tục lệ thuộc Trung Quốc, tiếp tục bưng bít thông tin và đàn áp người dân yêu nước, thì viễn ảnh Việt Nam, thêm một lần nữa, sẽ lâm vào cảnh Bắc Thuộc quá gần kề.