Tin Việt Nam – 11/5/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 11/5/2015

‘Bài diễn văn của ông Trọng nhiều hàm ý’

Nội bộ Đảng CSVN đang đấu đá để tranh quyền lãnh đạo?

Một nhà quan sát từ trong nước cho rằng bài diễn văn bế mạc hội nghị trung ương lần thứ 11 hôm 7/5 của Trọng nêu ra một loạt các tiêu chuẩn để được vào Ban Chấp hành Trung ương khóa tới là ‘có nhiều hàm ý’.

Hội nghị trung ương 11 đã bàn bạc về các tiêu chí lựa chọn những người vào ban lãnh đạo tối cao của Đảng trong khóa tới.

Nhiều tiêu chí

Trong diễn văn bế mạc, Trọng đã nêu một loạt các ‘khuyết điểm’ mà theo ông Đảng ‘kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành trung ương’, trong đó có: cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị, không chịu nghiên cứu học hỏi, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc, bản thân và vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính…

Trao đổi với BBC, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát chính trị từ Saigon, nhận định rằng Trọng đề cập đến tiêu chí ‘không tham vọng quyền lực’ là ‘muốn đề cập đến người vì tham vọng quyền lực mà gom góp cho cá nhân mình’.

“Tham vọng quyền lực thật ra không xấu nếu nó có thể giúp giải quyết những vấn đề cho nhân dân,” ông Dũng giải thích, “Còn tham vọng quyền lực để củng cố địa vị độc tôn cho mình để gom góp lợi ích cho cá nhân, gia đình mình thì điều đó hoàn toàn xấu.”

“Ở Việt Nam bây giờ có quá nhiều nhóm lợi ích.”

“Đối với nhiều người dân đánh giá Đảng Cộng sản chỉ là nhóm lợi ích mà thôi chứ không phải cái gì mang tính chất ý thức hệ như hồi xưa,” ông nói thêm.

Hàm ý nữa mà Trọng muốn đề cập tới là ‘cuộc tranh giành đấu đá nội bộ trong Đảng’, theo ông Dũng.

“Những người phe này không chấp nhận những người phe kia tham vọng quyền lực trong khi những người phe này cũng có tham vọng quyền lực,” ông nói.

Không còn giằng co?

Theo nhận định của ông Dũng thì bài diễn văn này cho thấy cuộc đấu đá nội bộ trong Đảng ‘không còn ở thế tương quan giằng co lực lượng như giữa năm trước nữa’.

“Dường như sau diễn văn kỷ niệm ngày 30/4 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau Hội nghị trung ương 11 thì vấn đề tương quan lực lượng khó mà giằng co được nữa mà bên Đảng đang chiếm ưu thế,” ông Dũng nói.

“Theo nhiều người quen của tôi làm trong Nhà nước thì hiếm khi nào họ chứng kiến bài diễn văn nêu ra những từ ngữ như cơ hội, xu nịnh, mị dân của Tổng bí thư Đảng Cộng sản rõ đến như vậy,” ông nói thêm, “Điều đó làm cho người ta có cảm giác ông Trọng nếu không phải ở thế thượng phong thì cũng là đang chiếm ưu thế trong nội bộ Đảng.”

“Sắp tới còn có chuyến đi của ông Trọng đến Hoa Kỳ và nếu như ông Trọng được Tổng thống Barack Obama tiếp và thậm chí tiếp đón trọng thị thì lúc đó uy tín của ông Trọng và uy tín của người được ông Trọng đề cử (cho vị trí tổng bí thư) sẽ được nâng lên đáng kể,” ông Dũng nói.

Mâu thuẫn phe nhóm trước Đại hội Đảng 12 lại bùng phát?

Hội nghị TW11 vừa kết thúc, nhưng phát biểu bế mạc hội nghị của  Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định về điều kiện của Ủy viên Ban Chấp hành TW, đã khiến dư luận cho rằng đó là chỉ dấu chứng tỏ một lần nữa mâu thuẫn phe cánh trong nội bộ lãnh đạo Đảng CSVN lại bùng phát trở lại.

Các chuyên gia phân tích chính trị nói gì về việc này?

Thông điệp phía sau bài diễn văn bế mạc

Sau 4 ngày làm việc, Hội nghị Ban Chấp hành trung ương Đảng CSVN lần thứ 11 – Khóa XI, với nội dung chủ yếu là bàn về công tác nhân sự, để chuẩn bị cho Đại hội Đảng CSVN lần thứ XII đã kết thúc.

Đáng chú ý, phát biểu bế mạc Hội nghị TW 11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Kiên quyết không để lọt vào BCH TƯ những người có biểu hiện không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng, cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, phe cánh, lợi ích nhóm và mị dân”.

Điều này đã khiến cho dư luận cho rằng, ông Tổng BT muốn chuyển đi một thông điệp tới một nhân vật lãnh đạo cao cấp nào đó trong Đảng.

Theo VNN online, Tổng BT Nguyễn Phú Trọng cũng thừa nhận đây là việc “vô cùng khó khăn”. Từ xưa đến nay, bất kỳ đại hội nào công tác chuẩn bị nhân sự cũng có ý kiến này ý kiến khác. Thậm chí toàn dân bàn nhân sự, trong chưa bàn nhưng dư luận đã có rất nhiều phương án, không chỉ chúng ta quan tâm mà các nước bạn cũng quan tâm.

Nói về tình hình nội bộ Đảng CSVN trong thời gian vừa qua và khả năng có thể sau Đại hội Đảng lần thứ 12, từ Canada LS. Vũ Đức Khanh một chuyên gia về chính trị quốc tế cho biết đánh giá của ông. Ông nói:

“Cái đặc biệt trong vấn đề nội bộ của Đảng CSVN là từ sau Đại hội XI cho thấy rằng Đảng đã không kiểm soát được tình hình, mà Chính phủ đang kiểm soát tình hình. Cho nên tôi thấy từ các nỗ lực của Đảng đã dẫn tới tình trạng Đảng đã hoàn toàn thua bên phía Chính phủ. Cho nên vì những đấu đá đó đã dẫn tới việc sau các Hội nghị TW 10 và 11 chúng ta đã thấy ông Nguyễn Tấn Dũng đã ngày càng mạnh mẽ hơn. Vì vậy tôi nghĩ rằng cái vai trò của ông Dũng sau Đại hội 12 này sẽ là vai trò quyết định, có thể ông Dũng sẽ thay ông Trọng để đảm trách chức vụ Tổng BT. ”

Vì những đấu đá đó đã dẫn tới việc sau các Hội nghị TW 10 và 11 chúng ta đã thấy ông Nguyễn Tấn Dũng đã ngày càng mạnh mẽ hơn. Vì vậy tôi nghĩ rằng cái vai trò của ông Dũng sau Đại hội 12 này sẽ là vai trò quyết định, có thể ông Dũng sẽ thay ông Trọng – LS. Vũ Đức Khanh

Việc mâu thuẫn nội bộ trong các đảng hay các tổ chức chính trị là điều hoàn toàn bình thường, không phải chỉ có trong nội bộ Đảng CSVN. TS. Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện phản biện IDS nhận định:

Từ trái sang: TBT Nguyễn Phú Trọng, Cựu TBT Nông Đức Mạnh và TT Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc diễn binh mừng ngày 30 tháng 4 ở TPHCM.
Từ trái (hàng đầu) TT Nguyễn Tấn Dũng, Tổng BT Nguyễn Phú Trọng, và chủ tịch Trương Tần Sang

“Tôi thì không nghĩ rằng việc phân thành phe bảo thủ hay phe cải cách, rồi phe thân TQ hoặc phe cải cách là một cái khuôn khổ hợp lý để phân tích tình hình chính trị VN. Bởi đôi khi nó không phản ảnh đúng thực chất. Tuy nhiên cái việc có các phe phái thì tôi đã nói là nó luôn luôn có, kể cả việc nó gầm ghè với nhau hay thỏa hiệp thì nó là việc thường xảy ra trong Đảng CSVN hay trong các tổ chức chính trị. Ở nơi nào nó cũng thế.”

Trả lời câu hỏi, ông có đánh giá gì về phát biểu bế mạc Hội nghị TW11 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Từ Đà lạt, TS. Hà Sĩ Phu một nhân vật bất đồng chính kiến nhận định:

“Qua cái lời ông (Nguyễn Phú) Trọng về tiêu chuẩn rất nhiều cái người ta có cảm giác động chạm, có vẻ như nhằm chặn đường vào trung ương của ông  Nguyễn Tấn Dũng. Như về tuổi, về quan hệ và những việc ai cũng biết  nếu mà lôi ra thì sẽ động chạm đến Nguyễn Tấn Dũng.”

Trận chiến giữa phe nhóm

Đó là chỉ dấu cho thấy, trận chiến quyền lực giữa các phe nhóm trong nội bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng CSVN một lần nữa đã bùng phát trở lại. LS. Vũ Đức Khanh khẳng định:

“Chúng ta thấy trong bài diễn văn kết thúc Hội nghị TW11 ngày 7/5 vừa qua của ông Nguyễn Phú Trọng có nói về tiêu chuẩn của Ủy viên TW. Nếu đi vào phần nói về vấn đề đạo đức và điều hành thì thấy rõ diễn văn đó đang nhắm vào một người, đó là ông Nguyễn Tấn Dũng. Tôi nghĩ rằng đó là vấn đề dễ hiểu, bởi vì Đảng đã không kiểm soát được tình hình, mà thực sự Chính phủ đang kiểm soát tình hình. Cho dù những tiêu chuẩn đó có nhắm vào ông Dũng cũng sẽ không giải quyết được điều gì, vì đó là xu thế của thời đại.”

Trong bài viết “TBT Trọng đặt ‘tiêu chuẩn’ nhân sự, chặn đà thâu tóm của thủ tướng Dũng” trên trang Dân làm báo, tác giả Hoàng Trần đã nhận định rằng: “Người ta dễ dàng nhận ra sự ám chỉ này dành cho thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Thậm chí, TBT Nguyễn Phú Trọng còn công khai chỉ rõ hơn những điều được gọi là “khuyết điểm” của ông Nguyễn Tấn Dũng thông qua tuyên bố này. Do vậy, diễn biến hội nghị cho thấy kế hoạch củng cố quyền lực của ông Nguyễn Tấn Dũng có nguy cơ bị phá hoại bởi cuộc chiến phe phái do TBT Nguyễn Phú Trọng cầm đầu.”

Nhớ lại lời phát biểu của ông Nguyễn Tấn Dũng ngày 30/4, cái mà người ta gọi là diễn văn chửi Mỹ, nhưng vái Tàu thì nó khác hẳn những lời nói đẹp đẽ của ông Dũng nói trước đây. Người ta bảo kiểu này có lẽ là có những áp lực, nếu ông ấy không nói theo quan điểm chính thống thì có khi ông ấy nguy – TS. Hà Sĩ Phu

Khi được hỏi, ông có nhận định gì diễn biến chính trị trong nội bộ Đảng CSVN từ nay đến trước đại hội Đảng lần thứ 12, vào đầu năm 2016?

Thời gian gần đây đã có một số chỉ dấu cho thấy ông Nguyễn Tấn Dũng đã chịu một sức ép đáng kể. TS. Hà Sĩ Phu ghi nhận:

“Người ta nhớ lại lời phát biểu của ông Nguyễn Tấn Dũng ngày 30/4, cái mà người ta gọi là diễn văn chửi Mỹ, nhưng vái Tàu thì nó khác hẳn những lời nói đẹp đẽ của ông Dũng nói trước đây. Người ta bảo kiểu này  có lẽ là có những áp lực, nếu ông ấy không nói theo quan điểm chính thống thì có khi ông ấy nguy. Vậy như thế chắc là lần này ông Nguyễn Tấn Dũng không đạt được mong muốn để trở thành Tổng Bí thư.”

TS. Nguyễn Quang A cho chúng tôi biết đánh giá của ông, ông nói:

“Tất nhiên những người suy đoán như vậy thì người ta có lý của người ta, Nhưng mà tôi nghĩ những cái tiêu chuẩn mà ông Nguyễn Phú Trọng nêu ra thì là những cái tiêu chuẩn chung chung mà trước kia người ta cũng nêu như vậy, nó cũng không phải là một cái gì đặc sắc cho lắm. Cũng có thể có người nghĩ cái đó nhằm ám chỉ đến người này người kia thì cái đó cũng rất có thể, nhưng chưa chắc đã phải như vậy. Song tất nhiên trong cái việc này từ trước đến nay nó luôn luôn có các cuộc đấu tranh trong nội bộ, thì những lời ám chỉ ấy cũng rất có thể là như vậy.”

Tất cả những vấn đề dư luận đang nói đến chỉ là sự đồn đoán, để đánh giá chính xác tình hình chính trị VN là điều hoàn toàn không đơn giản. LS. Vũ Đức Khanh khẳng định:

“Cái vấn đề chính theo tôi nghĩ, ở VN hiện tại chúng ta không thể nói được ai là người quyết định được vận mạng của đất nước. Vì có thể cái cơ quan quyết định cái đó chưa chắc là Bộ Chính trị, mà là một thế lực nào đó đang điều hành vấn đề đó còn nằm trong bóng tối.”.

Cần phải nhắc lại,  Tổng BT Nguyễn Phú Trọng trong lúc đọc bài diễn văn bế mạc Hội nghị TW4 – Khóa XI (tháng 10/2012), đã không cầm được nước mắt khi Ban Chấp hành TW không thông qua nghị quyết kỷ luật đồng chí X – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng do Bộ Chính trị đề nghị. Đây được coi là sự thất bại trong nước cờ nhằm hạ bệ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của phe cánh Tổng BT Nguyễn Phú Trọng.