Mỹ gửi quân và hàng cứu trợ tới Nepal
Theo BBC – 4 Tháng 5 2015 – Binh lính và hàng cứu trợ của Hoa Kỳ đã tới Kathmandu để giúp các nạn nhân của trận động đất tuần trước.
Nỗ lực cứu trợ vốn đang bị cản trở vì thiếu phương tiện di chuyển.
Khoảng 100 lính thủy quân lục chiến Mỹ, hai trực thăng và bốn phi cơ Ospreys có thể cất cánh ở mọi địa hình hiện đã có mặt ở Kathmandu.
Sân bay quốc tế duy nhất ở Nepal hiện đang cấm các phi cơ lớn vì đường băng không đủ khả năng.
Hơn 7.000 người thiệt mạng trong trận động đất 7,8 độ Richter hồi tuần trước. 14.021 người bị thương.
Tâm chấn của trận động đất nằm tại khu vực Gorkha, và nhiều con đường tới đây bị đất chuồi vùi lấp.
Sáu phi cơ của Mỹ sẽ bắt đầu vận chuyển hàng cứu trợ từ thứ Hai 4/5.
Chuẩn tướng Paul Kennedy nói: “Chúng tôi có các nhóm tìm kiếm cứu nạn đang sẵn sàng tới những nơi hẻo lánh, có hàng cứu trợ, đặc biệt là lều trại”.
Người phát ngôn chính phủ Nepal nói các hạn chế mới đối với máy bay tại sân bay Kathmandu không ảnh hưởng tới máy bay cứu trợ.
Giới chức nói các máy bay nặng hơn 196 tấn vẫn được phép hạ cánh ngay sau khi động đất, nhưng nay phải hạn chế vì đường băng có các hố sâu.
Thời tiết xấu
Tình trạng lở đất và thời tiết xấu đã ngăn cản quá trình vận chuyển hàng cứu trợ tới các vùng xa.
Số người chết cũng có thể còn tăng lên, khi các đơn vị tìm kiếm cứu nạn tiếp cận được các khu vực miền núi xa xôi như Dhading, Rasuwa và Sindhupalchok.
Đa số nạn nhân của trận động đất là ở Nepal, nhưng cũng có chừng 100 người được cho là thiệt mạng ở các nước láng giềng Ấn Độ, TC và Bangladesh.
Hôm Chủ nhật 3/5 cảnh sát Nepal đã công bố danh sách người nước ngoài bị chết hoặc bị thương. Nhóm đông nhất là người Ấn Độ, với 39 người chết và 10 người bị thương.
Đại sứ EU tại Nepal, Rensje Teerink, nói hôm thứ Sáu rằng còn 1.000 công dân EU hiện đang mất tích.