Tin Thế Giới – 28/4/2015
Nam Triều Tiên, TC lo ngại về thỏa thuận quốc phòng Mỹ-Nhật
Thoả thuận quốc phòng mới giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản đã gây ra những mối lo ngại ở hai lân bang Nam Triều Tiên và TC. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA tại Seoul, tuy Nam Triều Tiên có thể hưởng lợi từ một sự hiện diện quân sự mạnh mẽ hơn của Nhật Bản để ứng phó với mối đe dọa của Bắc Triều Tiên và sự trỗi dậy của TC, các giới chức ở Seoul vẫn tiếp tục lo ngại vì những mối căng thẳng còn tồn đọng từ quá khứ quân phiệt của Nhật Bản.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên Kim Min Seok đã có thái độ không dứt khoát khi được hỏi về những hướng dẫn được sửa đổi về hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật. Ông phát biểu như sau tại cuộc họp báo ngày hôm nay ở Seoul.
Ông Kim cho biết Nam Triều Tiên sẽ thảo luận về những vấn đề này dựa theo tình hình. Ông nói trong trường hợp xảy ra chiến tranh những hướng dẫn này sẽ được xác nhận bởi người lãnh đạo quốc gia là tổng thống.
Những hướng dẫn mới cho phép Nhật Bản hành sử “quyền tự vệ tập thể” để trợ giúp các nước trong khu vực khi những nước này bị tấn công. Thoả thuận mới cũng tán thành một nghị quyết hồi năm ngoái của nội các Nhật để nới rộng vai trò của Lực lượng Tự vệ Nhật bằng cách giải thích lại bản hiến pháp chủ hoà của nước này.
Mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng của Bắc Triều Tiên đã được viện dẫn để biện minh cho việc Nhật Bản cần có một lực lượng quân sự mạnh hơn.
Hãng thông tấn Trung ương của nhà nước Bắc Triều Tiên hôm nay đăng tải một bài bình luận lên án thoả thuận giữa Washington với Tokyo.
Tại TC, giới hữu trách cho biết họ sẽ chờ xem liên minh Mỹ-Nhật phát triển như thế nào và đường lối mà liên minh này theo đuổi là gì. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TC Hồng Lỗi nói rằng liên minh Mỹ-Nhật được thành lập trong thời Chiến tranh Lạnh, mà “Chiến tranh Lạnh đã chấm dứt từ lâu.”
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày hôm nay, Hồng nói rằng điều quan trọng nhất là liên minh này có lợi cho hoà bình và ổn định khu vực hay không và phải không gây tổn hại cho quyền lợi của một nước thứ ba, kể cả TC.
Hồng Lỗi cho biết các giới chức Hoa Kỳ đã thuyết trình cho Bắc Kinh về thoả thuận mới trước khi văn kiện này được đúc kết. Hồng nói rằng TC đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với việc thoả thuận này bao trùm quần đảo Điếu Ngư, là những đảo nhỏ ở Biển Hoa Đông đang do Nhật Bản kiểm soát nhưng TC cho là thuộc chủ quyền của mình. Thoả thuận Mỹ-Nhật khẳng định quần đảo Senkaku hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản.
Một bài bình luận của tờ Nhân dân Nhật báo ở Bắc Kinh nói rằng văn kiện hướng dẫn mới sẽ không “loại bỏ những sự hợp tác có tính chất thực dụng”, nhưng “Hoa Kỳ không thể thay đổi xu thế trỗi dậy của Trung Quốc cho dù họ dùng Nhật Bản như một con cờ.”
Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ là đồng minh quân sự mật thiết, nhưng Seoul cũng có những mối liên hệ kinh tế rất mạnh mẽ với Bắc Kinh. Cả Seoul lẫn Bắc Kinh đều phê phán một cách kịch liệt điều mà họ cho là những mưu toan của những thành phần dân tộc cực đoan ở Nhật, trong đó có thủ tướng Shinzo Abe, nhằm chối bỏ những hành vi tàn ác mà thực dân Nhật Bản đã làm từ đầu thế kỷ 20 cho tới khi thế chiến thứ hai chấm dứt.
Seoul và Tokyo cũng có tranh chấp chủ quyền đối với một quần đảo và thậm chí còn bất đồng với nhau về tên gọi của vùng biển nằm giữa hai nước. Nhật Bản gọi biển này là Biển Nhật Bản trong lúc Nam Triều Tiên gọi đây là Biển Đông.
Ông Hosaka Yuji, giáo sư chính trị học của Đại học Sejong, cho biết căng thẳng giữa Nam Triều Tiên và Nhật Bản khiến cho việc kiềm chế và răn đe kẻ thù chung là Bắc Triều Tiên trở nên phức tạp hơn.
Ông Hosaya nói những quyết định được thực hiện dựa theo liên minh Mỹ-Nhật ảnh hưởng tới quan hệ liên minh giữa Mỹ với Nam Triều Tiên và Nam Triều Tiên cần phải thảo luận một cách cặn kẽ về những phần có trùng lấp với liên minh Mỹ-Nhật.
Truyền thông Nam Triều Tiên đã chỉ trích các giới chức ở Seoul về điều mà họ cho là không trình bày một cách rõ ràng và bảo vệ lập trường của mình đối với những qui định mới về hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang đi thăm Hoa Kỳ và chuẩn bị đọc một bài diễn văn trước lưỡng viện quốc hội Mỹ để nhấn mạnh tới mối quan hệ đồng minh gần gũi mà hai nước đã xây dựng sau khi giao chiến với nhau trong thế chiến thứ hai cách nay hơn 70 năm. – Theo VOA
Ngoại trưởng Mỹ thăm nơi cư ngụ của nhà ngoại giao Iran
Trong một chỉ dấu cho thấy mối quan hệ Hoa Kỳ-Iran đã tan băng giữa lúc những cuộc thương thuyết về chương trình hạt nhân của Iran có được tiến bộ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javid Zarif ngày hôm qua tại tư dinh ở New York của Đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc. Thông tín viên Margaret Besheer của đài VOA tường thuật Từ trụ sở Liên hiệp quốc.
Ngoại trưởng John Kerry đã đến ngôi nhà tại thành phố New York mà theo tập tục ngoại giao được xem là lãnh thổ của Iran.
Hoa Kỳ và Iran cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 1979, và hai nước chỉ mới bắt đầu giao tiếp vì chương trình hạt nhân của Tehran.
Một thỏa thuận khung nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran đã đạt được vào ngày 2 tháng 4 tại Thụy Sĩ giữa 6 cường quốc thế giới và Iran. Các bên hy vọng đạt được thỏa thuận chung cuộc trước thời hạn chót là ngày 30 tháng 6 năm nay.
Hai nhà ngoại giao đang có mặt tại New York để tham dự hội nghị thường niên để duyệt xét Hiệp ước Không Phổ biến Hạt nhân (NPT). Trong bài diễn văn đọc tại hội nghị Liên hiệp quốc, Ngoại trưởng Kerry ca ngợi tiến bộ của những cuộc thảo luận về hạt nhân của Iran.
“Tôi muốn quí vị biết là còn khá lâu mới chấm dứt những công việc của chúng tôi và một số vấn đề quan trọng vẫn chưa được giải quyết, nhưng trên thực tế chúng tôi đã gần đạt được một thỏa thuận toàn diện, hoàn hảo mà chúng tôi mưu tìm. Nếu chúng tôi có thể đạt được việc này, toàn thế giới sẽ an toàn hơn.”
Phát biểu nhân danh 120 quốc gia thành viên của Phong trào Không Liên kết mà Iran hiện là chủ tịch, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javid Zariff nói các quốc gia có quyền bất khả chuyển nhượng là phát triển năng lượng hạt nhân.
“Sự lựa chọn và quyết định của mỗi quốc gia thành viên trong lãnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình phải được tôn trọng một cách đầy đủ.”
Ngoại trưởng Kerry nói với các phóng viên là ông cũng sẽ nêu lên cuộc xung đột tại Yemen với Bộ trưởng Zarif vì Iran hậu thuẫn cho phiến quân Houthi.
“Tôi tin là Yemen sẽ chắc chắn được đề cập đến, vì rõ ràng Iran hậu thuẫn cho Houthi.”
Cuộc gặp gỡ riêng tư tại tư dinh của Đại sứ Iran, nhìn ra công viên Central Park ở New York, kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ. – VOA
Indonesia hành quyết chín tử tội
Chín tử tội đang bị biệt giam tại một nhà tù trên đảo, được canh gác cẩn mật ở Indonesia, sẽ bị hành quyết tối nay 28/04/2015, bất chấp các áp lực quốc tế chống án tử hình. Gia đình của họ được phép viếng thăm lần cuối. Riêng tội nhân người Pháp Serge Atlaoui được tạm hoãn thi hành án trong đợt này.
Tám người ngoại quốc gồm hai người Úc, bốn người Nigeria, một người Philippine, một người Brazil cùng với một người Indonesia bị kết án tử hình vì buôn bán ma túy, đã nhận được quyết định thi hành án từ chiều tối ngày 25/04/2015. Các quan tài sơn trắng đã được chuyển đến nhà tù. Thân nhân các tử tội được phép đến thăm và nói lời vĩnh biệt, cho đến 20 giờ địa phương tối nay.
Từ Jakarta, thông tín viên RFI Marie Dhumières tường trình.
“Gia đình các tử tội sáng nay đã đến cảng Cilacap, để từ đó đi tàu đến hòn đảo ngục tù. Nhiều người thân của các tù nhân này đẫm lệ, đây là những giờ phút cuối cùng bên cạnh thân nhân của mình. Cuộc hành quyết sẽ diễn ra tối nay, sau nửa đêm theo giờ địa phương, và các quan tài đang được chuyển đến nhà giam.
Serge Atlaoui dường như là người sống sót duy nhất trong đợt hành quyết này, nhưng bản án treo có thể không kéo dài được bao lâu. Nếu đơn khiếu nại của ông ở Tòa án Hành chính bị bác, thì Atlaoui sẽ bị thi hành án riêng rẽ – theo như Viện Kiểm sát Indonesia.
Tử tội người Pháp phản đối quyết định bác đơn xin khoan hồng của Tổng thống Indonesia, và kiện lên Tòa Hành chính. Quyết định của tòa sẽ được đưa ra trong tuần này hay tuần tới, nhưng rất ít hy vọng đạt được kết quả. Như vậy các luật sư của Serge Atlaoui và chính phủ Pháp chỉ có vài tuần để cố gắng cứu sống công dân Pháp khỏi bị hành hình.” – RFI