Tin Việt Nam – 27/4/2015
Tổng thư ký ASEAN chỉ trích dự án ‘lấn biển xây đảo’ của TC ở Biển Đông
Thủ Tướng Malaysia khẳng định ASEAN sẽ duy trì hướng tiếp cận ôn hoà để giải quyết vấn đề Biển Đông trong khi Tổng Thư Ký ASEAN khẳng định các dự án lấn biển xây đảo của TC đi ngược lại một thoả thuận giữa TC và ASEAN.
Lãnh đạo nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm nay, Thủ Tướng Malaysia Najib Razak, tuyên bố rằng các nước hội viên ASEAN sẽ duy trì phương hướng tiếp cận ‘không đối đầu’ trong nỗ lực gấp rút hình thành một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển COC ở Biển Đông.
Hãng tin Bloomberg hôm nay thuật lời của Thủ Tướng Najib Razak nói chuyện với các nhà báo tại Kuala Lumpur hôm nay, nói rằng phương hướng tiếp cận có tính hoà dịu đó đã tỏ ra ‘rất hiệu quả’ trong việc bảo đảm không có căng thẳng với TC.
Tin Bloomberg nói ông Razak đưa ra bình luận vừa kể trong cương vị là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, mặc dù Tổng Thống Philippines cùng lúc nói với các nhà lãnh đạo ASEAN rằng các hoạt động cải tạo đất xây đảo quy mô lớn của TC đặt ra một mối nguy cho tình hình an ninh và sự ổn định của khu vực, đồng thời cản trở quyền tự do thương mại của các tàu bè quốc tế sử dụng thuỷ lộ này.
Ông Najib nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục mời gọi sự tham gia của Trung Quốc theo đường lối có tính cách xây dựng, và Trung Quốc hiểu vị thế của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng có thể thuyết phục Trung Quốc rằng duy trì thái độ không đối đầu với ASEAN cũng phục vụ lợi ích của Trung Quốc, và bất cứ cố gắng nào nhằm gây bất ổn cho khu vực này, cũng sẽ không có lợi cho Trung Quốc.”
Về các công trình lắp đất xây đảo trong các vùng biển tranh chấp, Thủ Tướng Malaysia nói “tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế phải là nền tảng quy định mọi quy luật và hành động trong Biển Đông” , nhưng ông Najib không nêu lên chi tiết các sự cố đã làm leo thang những căng thẳng với TC.
Nhưng tương phản với thái độ hoà dịu của Thủ Tướng nước chủ nhà, hôm qua, Tổng Thư Ký ASEAN nói khối ASEAN bác bỏ việc TC sử dụng cái gọi là ‘đường 9 đoạn’ do họ vẽ ra để tuyên bố chủ quyền các vùng biển đang trong vòng tranh chấp ở Biển Đông, giữa lúc TC đẩy mạnh công tác cải tạo đất xây đảo trong các vùng biển này.
Tờ Wall St. Journal trích lời ông Lê Lương Minh, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn, nói rằng các nước ASEAN ‘không thể chấp nhận cái đường 9 đoạn bởi vì nó không phù hợp với luật quốc tế’.
Tổng Thư Ký ASEAN nói rằng đường 9 đoạn do TC vẽ ra trên các bản đồ của nước này, và những công trình xây đảo của TC đi ngược lại một thoả thuận đã đạt được cách đây 13 năm giữa TC với ASEAN.
Ông Minh nói ASEAN sẽ đẩy nhanh các cuộc đàm phán để thiết lập một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển về cách giải quyết các tuyên bố chủ quyền chồng chéo nhau ở Biển Đông.
Hôm Chủ nhật, Philippines cũng lên tiếng kêu gọi các nước hội viên ASEAN khác hãy có những bước tức thời để ngăn chận các hoạt động cải tạo đất của TC ở Biển Đông. Ông cảnh báo rằng không làm điều đó thì TC sẽ chiếm quyền kiểm soát toàn thể khu vực trên thực tế.
Ngoại Trưởng Philippines Albert del Rosario nói với các vị tương nhiệm trong khối ASEAN rằng khu vực ASEAN phải ‘đứng lên thách thức TC về các hành vi cải tạo đất của nước này’. Ông del Rosario nói việc TC xây các đảo nhân tạo đặt ra những mối đe doạ có thực, và ‘không thể bị làm ngơ vì rõ ràng các động thái đó là nhằm củng cố quyền kiểm soát trên thực tế của TC trên khu vực này.
Hãng tin Reuters sáng hôm nay nói rằng nước chủ nhà Malaysia sẽ nhượng bộ trước áp lực của các nước láng giềng, và sẽ đề cập tới vấn đề lấn đất xây đảo trong Biển Đông, nói rằng hành động đó có thể phương hại tới hoà bình, an ninh và tình hình ổn định trong khu vực, trong dự thảo Tuyên bố chung sẽ được công bố sau hội nghị hôm nay.
Hôm 17/3, Phó Đô Đốc Robert Thomas chỉ huy Đệ Thất Hạm Đội của Hoa Kỳ nói rằng các nước Á Châu nên thành lập một lực lượng hỗn hợp để tuần tra Biển Đông.
Cuộc tranh chấp Biển Đông hồi gần đây đã trở thành một điểm nóng trên thế giới, làm dấy lên quan ngại giữa lúc 10 nước ASEAN đang tìm cách thành lập một Cộng đồng kinh tế ASEAN trước cuối năm nay.
Thủ Tướng nước chủ nhà Hội nghị ASEAN nói khối này phải xử lý các tuyên bố chủ quyền chồng chéo trong Biển Đông mà không làm leo thang căng thẳng. Ông nói ‘một khối ASEAN bị xâu xé vì những tranh chấp nội bộ không thể nào trở thành một cộng đồng thực thụ’.
Ông Najib nói dự kiến tổng GDP của toàn khối ASEAN sẽ tăng lên tới 4 nghìn tỉ đôla trong 5 năm, so với 2,5 nghìn tỉ hiện nay. Các giới chức ASEAN đang làm việc để tạo điều kiện cho sự luân lưu tự do của hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, vốn tư bản và lao động, trong khuôn khổ một kế hoạch hình thành một khối tương tự như Liên Hiệp Âu Châu, nhưng không sử dụng một đơn vị tiền tệ chung. – Theo VOA
CSVN, Philippines lên tiếng về ‘sự sách nhiễu’ của TC ở Biển Đông
Tổng Thống Philippines Benigno Aquino cùng Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ quan tâm về những hành động sách nhiễu của TC ở Biển Đông.
Trang mạng GMA hôm nay trích dẫn một thông báo hôm thứ Hai của Bộ trưởng Thông tin Philippines Herminio Coloma Jr., cho hay ông Benigno Aquino và Nguyễn Tấn Dũng đã gặp nhau vào tối Chủ nhật bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26.
Được biết trong cuộc hội kiến, hai nhà lãnh đạo CSVN-Philippines đã mang các trường hợp bị TC quấy nhiễu trong Biển Đông ra so sánh với nhau.
Ông Coloma tường thuật rằng cả hai nhà lãnh đạo đồng ý rằng những sự việc đó đã làm tăng tình hình căng thẳng trong các vùng lãnh thổ tranh chấp.
Dịp này, Tổng Thống Philippines và Thủ Tướng CSVN còn bày tỏ “quan tâm về các hoạt động cải tạo đất do TC thực hiện tại một số đảo trong Biển Đông, nói rằng những hành động đó vi phạm Tuyên bố về cách Ứng xử của các bên trong Biển Đông mà TC đã ký với ASEAN hồi năm 2002.”
Cũng trong cuộc gặp gỡ, Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu và được ông Aquino đồng ý đẩy nhanh việc xét xử các ngư dân Việt Nam bị bắt sau khi đánh cá ngoài khơi đảo Sulu hồi năm 2012.
Một thông báo do Bộ trưởng Thông tin Philippines phổ biến sau đó cho biết là sau khi lắng nghe yêu cầu của Thủ Tướng CSVN, Tổng Thống Aquino nói ông sẽ “chỉ thị Bộ Tư Pháp Philippines đẩy nhanh vụ án xét xử 31 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ tại Sulu vì các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp”.
Cũng được hai nhà lãnh đạo mang ra bàn luận là một đề tài gây nhiều chú ý mới đây: (đó là) cuộc đối thoại về quan hệ đối tác chiến lược, và việc hợp tác về buôn bán gạo.
Lãnh đạo của hai nước đối đầu gay gắt nhất với TC trong cuộc tranh giành chủ quyền Biển Đông cam kết sẽ nỗ lực làm việc để đạt một Bộ Quy tắc Ứng xử – tức COC – có tính ràng buộc pháp lý giữa TC và AESAN, dựa trên nguyên tắc “tự chế và tránh leo thang tranh chấp”.
Cách đây hai tuần, một tàu tuần duyên TC dùng vòi rồng để xua đuổi các ngư dân Philippines ra khỏi bãi cạn Panatag, làm bị thương một ngư dân Philippines.
Năm ngoái, một tàu tuần duyên TC đã dùng vòi rồng tấn công một số tàu của cảnh sát biển CSVN, buộc các tàu này phải đáp trả.
Trong vụ đụng độ được coi là nghiêm trọng nhất giữa Hà Nội và Bắc Kinh cho tới thời điểm đó, Việt Nam còn tố cáo rằng tàu của TC cố tình đâm va hai tàu của cảnh sát biển Việt Nam trong một vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, sau khi TC kéo giàn khoan dầu khổng lồ vào vùng biển mà Hà Nội cho là thuộc chủ quyền của Việt Nam. – Theo VOA
Vượt biên vì ‘mất niềm tin và khác quan điểm’
Một luật gia hiện đang sống ở miền Nam California nói với BBC rằng ông bỏ đất nước để đi vượt biên vì đã ‘mất hết niềm tin’ vào cuộc sống và ‘khác biệt trong quan điểm với chính quyền cộng sản’.
Luật gia Trần Hưng và vợ con đã đến Mỹ vào năm 1995. Ông đã kể lại cho BBC những gì đã xảy ra với gia đình ông vào ngày 30/4 năm 1975 và những năm tháng sau đó.
‘Bi thảm’
“Ngày 30/4, lần đầu tiên trong đời tôi hiểu được thế nào là bi thảm,” ông Hưng nói và cho biết khi ông đang ở nhà thì nghe qua đài phát thanh Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.
“Ngoài đường nhốn nháo. Các quân nhân người cởi trần mặc quần đùi, người mặc áo may ô đi bị ngoài đường. Quần áo vứt đầy.”
“Nhà tôi gần Đại học Vạn Hạnh. Tôi ra đó thấy có những người đứng trên xe lam hô hào mọi người ra đón tiếp quân cách mạng vào rồi tôi thấy xe tăng chở bộ đội vào,” ông kể.
Ông mô tả tâm trạng của ông khi đó là ‘chẳng buồn chẳng vui’ và ‘bàng hoàng vì mọi chuyện đến quá nhanh’.
“Tôi không thể tưởng tượng một chính quyền như vậy chỉ sụp đổ trong vài chục ngày,” ông nói.
“Cũng như nhiều người người lúc đó chúng tôi không cảm thấy sợ hãi và chịu đón nhận tất cả những gì xảy ra cho mình, thậm chí cái chết vì trước đó tôi có nghe đến chuyện cánh đồng chết ở Campuchia.”
Theo lời ông Hưng thì người dân Sài Gòn lúc đó ra đường ‘có lẽ vì tò mò hơn là đón bộ đội miền Bắc vào’.
“Ở khu phố chúng tôi thật sự người ra đón bộ đội miền Bắc là không có,” ông nói và cho biết lúc đó bố ông, vốn phục vụ trong quân lực Việt Nam Cộng hòa, không muốn đưa gia đình ra nước ngoài dù có người khuyên nên di tản.
“Bố tôi biết ở lại có thể bị giết và bị mọi thứ và cả gia đình cũng vậy,” ông nói, “Có lẽ bố tôi cảm thấy bị đồng minh đâm sau lưng nên không muốn đi. Chúng tôi cũng muốn để xem như thế nào.”
Từ ‘đỉnh cao xuống vực sâu’
Ông Hưng cũng mô tả những ngày tháng sau đó khi gia đình ông trải qua rất nhiều khó khăn dưới chế độ mới.
“Sau năm 1975 chúng tôi từ đỉnh cao xuống vực sâu,” ông kể, “Họ (chính quyền) không giết nhưng khổ thì khổ rất nhiều.”
Ông cho biết lúc đó ông, vốn đang là sinh viên luật, ‘không có tập trung cải tạo gì hết mà chỉ có đến trình diện thôi’.
“Điều khó chịu là họ phát loa ở trước nhà tôi phát suốt từ 4h sáng đến 11h đêm, đọc các thứ báo Nhân dân, Sài Gòn giải phóng,” ông nói.
“Hàng xóm có những người đổi bên nhanh quá. Họ xộc vào nhà tôi bất lúc nào như là nhà không có chủ hỏi ‘đã đi trình diện chưa’ và thế này thế kia.”
“Sau đó ít lâu người ta yêu cầu đổi tiền. Mỗi gia đình chỉ được 200 đồng dù anh có bao nhiêu tiền đi nữa. Đồng bạc miền Nam coi như vứt đi. Có sổ hộ khẩu, sổ mua hàng, tất cả mọi thứ đều vào kỷ luật.”
“Cứ hơi một tí thì họ lôi lên bắt đi họp hành. Đủ thứ hội: hội phụ nữ, hội thanh niên, hội nhi đồng. Người nào cũng vào tổ chức và bị kiểm soát chặt chẽ,” ông nói thêm.
Ông cũng cho biết cuộc sống khi đó ‘khác hẳn cuộc sống ở miền Nam trước kia’.
“Chúng tôi đi đến thăm ai, ngủ lại nhà ai cũng phải khai báo dù đó là người thân của mình,” ông kể, “Muốn mua cái gì cũng phải có sổ sách chứ không phải tự nhiên đi ra mua cái này cái kia.”
Lúc đầu, gia đình ông còn được phân phối gạo nhưng từ từ ‘xuống tới gạo mốc, gạo ẩm, rồi bắp, bo bo’.
‘Mất niềm tin’
Ông Hưng cho biết gia đình ông đã tìm cách vượt biên nhiều lần và một người em của ông đã mất tích trên đường vượt biển.
Luật gia Hưng cũng nói lý do ông đi vượt biên không phải do khó khăn về kinh tế mà ‘khó khăn về mặt tinh thần’.
“Chúng tôi thấy rõ ràng quan điểm sống của chủ nghĩa cộng sản với chúng tôi không phù hợp,” ông nói và cho biết những ngày đầu tiên những sinh viên trường Luật như ông được cho đi học về Triết học Mác-Lênin ông đã thấy ‘chủ thuyết cộng sản sai ngay từ đầu, sai ngay từ khái niệm về giá trị’.”
“Chúng tôi nghe thấy không hợp lý thì chúng tôi cãi. Nhưng mỗi khi như vậy thì chúng tôi bị trừng phạt.”
Ông cũng kể lại lần ông đưa con của ông vào nhà thương đã khiến cho ông kiên quyết phải tìm đường ra đi.
“Khi chúng tôi vào đến phòng cấp cứu thì thấy có hai cô ngồi đó, trên áo đề chữ bác sỹ và có nghe cô này nói với cô kia rằng ‘Thôi chết rồi chị ạ, không biết 1cc có phải là 1ml không, không biết em có cho người ta lầm thuốc không’,” ông kể.
“Tôi nghĩ ngay trong bụng thôi đời thằng con tôi tiêu rồi. Từ lúc đó tôi nhất định bằng mọi giá phải đi.”
Một lần khác, khi ông đến thăm một người quen là đại tá công an khi ông này ốm và ông có nói rằng: “Tiêu chuẩn của chú là vào Bệnh viện Thống Nhất. Bệnh viện ấy to lắm nhiều thứ tối tân lắm ngày xưa bà Thiệu (phu nhân ông Nguyễn Văn Thiệu) xây.”
“Ông ấy bảo ‘Mày biết gì. Năm 1975 bọn nó chở về miền Bắc hết rồi,” ông Hưng thuật lại lời người Đại tá công an đó nói rằng “Đám bác sỹ trong đó toàn là con ông cháu cha. Vô trong đó chết chắc. Tao đi kiếm mấy thằng bác sĩ Nguỵ của mày cho chắc ăn.”
“Khi xảy ra những chuyện như vậy thì trong bụng chúng tôi mất niềm tin. Đằng nào cũng chết nên phải đi tìm sự sống trong cái chết,” ông kể về lý do đi vượt biên của mình.
“Lúc đó đi ra ngoại quốc không biết tương lai ra làm sao. Không biết mình có thể làm được những gì. Ra đại dương lớn như vậy mà con thuyền chỉ có 12 mét thì chỉ có 1 phần sống, 99 phần chết.”
“Thế nhưng tại sao người ta vẫn đi? Tại vì ở lại là chết chắc,” ông giải thích.
‘Lòng tốt của Hoa Kỳ’
Ông Hưng cho biết sau khi đến Mỹ thì ‘nhờ sự giúp đỡ của chính phủ Mỹ, nhờ sự bao dung của nhân dân Mỹ mà chúng tôi vẫn sống được và có tương lai tốt đẹp cho chính mình và con cháu’.
Khi đến Mỹ, gia đình ông được trợ cấp để sống trong tám tháng đầu tiên nhưng chưa hết thời gian đó ông đã xin làm, ông kể.
“Nước Mỹ rất là tử tế. Họ cho chúng tôi đi thi và nhận chúng tôi vào làm việc.”
“Điều làm chúng tôi buồn nhất là ở một xứ sở khác máu tanh lòng, không phải bà con đồng bào của mình lại đưa bàn tay ra giúp đỡ mình vô cùng tận tình trong khi ở trên quê hương mình thì mình bị lưu đày,” ông nói.
“Khó khăn thì có khó khăn nhưng với sự giúp đỡ của chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ, chúng tôi đã vượt qua dễ dàng,” ông nói thêm.
Cuộc phỏng vấn của BBC Việt ngữ với luật gia Trần Hưng được thực hiện tại văn phòng làm việc của ông ở Quận Cam trong tháng Tư, 2015 tại Nam California.
Cuộc đàn áp quy mô Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất sau 30/4
Danh xưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) ra đời tại Saigon ngày 4 tháng giêng 1964, sau cuộc đấu tranh đòi hỏi bình đẳng tôn giáo và tự do tín ngưỡng năm 63. Vì trước đó, Dụ số 10 của Pháp bó buộc phải hoạt động theo quy chế Hiệp hội.
Kể từ tháng 9 năm 75, cuộc đàn áp Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bắt đầu theo Chỉ thị số 20 của Đảng do ông Lê Duẩn ký năm 1960, khiến Phật giáo miền Bắc bị tiêu vong. Nay đem thực hiện tại Miền Nam.
Cuối tháng 9 năm 75, Hoà thượng Thích Huyền Quang nhân danh Viện Hoá Đạo đã có văn thư phản đối Chủ tịch Cách Mạng Lâm thời về việc đập phá các tượng Phật lộ thiên.
Nhiều hiện tượng khác, như bắt treo hình Hồ Chí Minh trên bàn thờ tổ tiên, áp lực chư Tăng hoàn tục, hoặc đưa sang chiến trường Kampuchia, cấm treo cờ Phật giáo trong các chùa viện, cưỡng chiếm các cơ sở văn hoá, giáo dục, từ thiện Phật giáo, như Cô nhi viện Quách Thị Trang, Viện Đại học Vạn Hạnh, v.v…, hàng chục nghìn Tăng Ni, Phật tử bị đưa vào trại Cải tạo.
Trong lịch sử Việt Nam, chưa có thời đại nào mà số lượng Tăng Ni, Phật tử bị cầm tù đông đảo như dưới triều đại Hồ Chí Minh.
Tình trạng đàn áp bức thiết khiến 12 Tăng Ni tự thiêu tập thể ngày 2-11 năm 75 tại Thiền viện Dược Sư, tỉnh Cần Thơ, dưới hàng biểu ngữ “Chết vinh hơn sống nhục“. Đại đức Thích Huệ Hiền để lại chúc thư yêu sách chính quyền Cách mạng thực hiện nhân quyền, tự do tôn giáo, chấm dứt đàn áp GHPGVNTN.
Tình trạng đàn áp có chủ trương và chính sách này, không ai lên tiếng rõ hơn Đức cố Đệ Tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu. Năm Mậu Thân 68, ngài bị cộng sản bắt đưa lên rừng rồi đưa ra Hà Nội áp lực tuyên truyền cho chế độ, nhằm đánh lừa dư luận quốc tế là Phật giáo ủng hộ Bắc Việt. Thế nhưng, trở về lại miền Nam, ngài từ nhiệm tất cả các chức vụ mà Hà Nội gán cho, lại còn tố cáo đàn áp Phật giáo và thảm sát cố Hoà thượng Thích Thiện Minh. Sau đây là tiếng Ngài qua một băng thu âm, được đăng tải trên tạp chí Quê Mẹ tại Paris :
“Từ khi giải phóng đến nay, Phật giáo đồ chúng tôi bị bao nhiêu khổ đau tan tác. Đi bất cứ đâu, đạo khác thì chúng tôi không biết, chớ về gặp các nhà chùa Phật giáo, cán bộ, bộ đội phát biểu “Hòa bình Độc lập rồi, tu mà làm gì nữa? Tuân thủ thờ Cách mạng hơn là thờ Phật“.
“Bắt đầu từ đó, sự vận động, khủng bố không cho họ được làm lễ. Phá hoại tượng Phật lộ thiên ở Gia Lai, Kontum, Ban Mê Thuột, Biện Hồ, Vũng Tàu, Quy Nhơn, Quảng Ngãi… Bộ đội cột giây lên kéo xuống, đập vỡ tan hết.
“Sau đây còn bắt các vị tu sĩ lấy lý do mấy ông Sư đó phản động theo CIA, theo Mỹ, theo Nguỵ. Rồi lần lượt bắt cho đến các vị lãnh đạo trong Viện Hoá Đạo nữa, Thượng toạ Huyền Quang, Thượng toạ Quảng Độ, rồi đến bắt Thượng toạ Thiện Minh nữa, để Thiện Minh chết nữa.
“Thiện Minh không có tội chi hết, thì tại sao chính phủ làm cái việc lạ lùng hết sức. Đi bắt tội người không có tội chi hết là Thiện Minh mà lại dung tha cho người có tội là cơ quan. Tôi thì không biết rõ luật quốc tế lắm. Nhưng tôi đoán chắc rằng, luật quốc tế không cho phép để cho người bị bắt chết trong trại giam. Mà đây Thiện Minh đã chết trong trại giam. Cơ quan nói Thiện Minh chết vì xuất huyết não. Tôi có thể kết luận, Thiện Minh chết không phải vì xuất huyết não, mà vì bàn tay tội ác chính trong cơ quan tạo ra. Là bởi được tin Thiện Minh chết, Viện Hoá Đạo về liền, thấy các ông bỏ trong hòm mà liệm rồi, chỉ chừa cái mặt. Viện Hoá Đạo xin đem về chôn cất, các ông không cho.
“Tại sao vậy ? Đây thấy rõ ràng quá. Rõ ràng như hai với hai là bốn. Là trong người của Thiện Minh đầy cả thương tích. Muốn che đậy thương tích đó, muốn che đậy lấp liếm cái việc làm của mình, bằng cách bỏ trong hòm liệm đi. Bởi vì sợ người ta thấy những cái vết thương mà các ông đã đánh đập.
“Là một công dân, tôi không thể để cho cơ quan làm những việc bất chính như vậy. Tôi xin nhắc lại ba điều yêu cầu:
“Một là yêu cầu chánh phủ trả tự do cho tất cả các tu sĩ bị bắt giam cầm đã lâu mà không can án;
“Thứ hai là đưa cái chết của Thượng toạ Thiện Minh ra ánh sáng, nghĩa là phải đưa người giết Thiện Minh ra ánh sáng. Không nói lôi thôi gì hết. Có người giết;
“Thứ ba phải chấm dứt tình trạng khủng bố các tín đồ ở các địa phương“.
Ngày 16-4-1977, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra Thông báo kêu gọi Phật tử Saigon đấu tranh chống lại GHPGVNTN. Thông báo cho rằng, “trong giới lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phái Ấn Quang có nhiều người vốn có mưu đồ xấu chống cách mạng, chống Cọng sản” (…) “Số này đã thao túng Giáo hội âm mưu kích động Phật tử chống lại các chính sách của Nhà nước”. Thông báo còn hăm doạ ra tay đàn áp.
Hăm doạ biến thành sự thật, bảy vị lãnh đạo Viện Hoá Đạo bị bắt giam. Hoà thượng Huyền Quang, Quảng Độ bị giam 20 tháng, nhờ áp lực quốc tế mới được thả nhưng bị quản chế. Hoà thượng Thích Thiện Minh bị tra tấn đến chết tại Trại thẩm vấn X4, đường Nguyễn Trãi, Saigon, như Hoà thượng Đôn Hậu tố giác.
Suốt 5 năm đàn áp, khủng bố, nhưng không thành công tiêu diệt GHPGVNTN. Năm 1981, nhà cầm quyền Cộng sản chuyển qua chiêu bài mới, gọi là “Thống nhất Phật giáo“, thành lập “Hội Phật giáo Việt Nam” tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, ngày 4-11để làm công cụ chính trị cho Đảng và Nhà nước. Ép buộc Tăng Ni, Phật tử thuộc GHPGVNTN phải gia nhập.
Ông Xuân Thuỷ, Bí thư Trung ương Đảng kiêm Trưởng ban Dân Vận chỉ thị cho ông Đỗ Trung Hiếu, cán bộ tôn giáo vận, thực hiện cuộc Thống nhất Phật giáo này. Ông giải thích cho ông Hiếu vì sao phải dẹp bỏ GHPGVNTN như sau:
“Quan trọng là Đảng không bao giờ lãnh đạo được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, mà ngược lại Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trở thành một tổ chức tôn giáo rộng lớn có đông đảo quần chúng, là một tổ chức có áp lực chính trị thường trực với Đảng và chính phủ Việt Nam”.
Năm 1994, hối hận việc làm sai lạc của mình, ông cho phát hành tập sách “Thống nhất Phật giáo” nói lên tất cả sự thật và tiết lộ:
“Cuộc thống nhất Phật giáo lần này, bên ngoài do các Hòa thượng gánh vác, nhưng bên trong bàn tay Đảng Cộng sản Việt Nam xuyên suốt quá trình thống nhất để nắm và biến Phật giáo Việt Nam trở thành một tổ chức bù nhìn của Đảng. (…) Nội dung hoạt động là do cúng bái chùa chiền, không có hoạt động gì liên quan tới quần chúng và xã hội. Hội Phật Giáo Việt Nam ở trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, tuân thủ luật pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Kể từ đó, GHPGVNTN bị đưa ra ngoài vòng pháp luật, dù Nhà nước không có văn kiện nào chính thức giải thể. Một cuộc đàn áp mới sắp khai trương.
Vài tháng sau Giáo hội Phật giáo nhà nước ra đời tại Hà Nội, ngày 24-2-1982, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định trục xuất hai Hoà thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ về quản chế tại quê quán Quảng Ngãi và Thái Bình, không qua sự xét xử của toà án. Ngày 7-7 cùng năm, cưỡng chiếm chùa Ấn Quang là trụ sở của GHPGVNTN. Toàn bộ tư liệu, hồ sơ của Viện Hoá Đạo bị đốt sạch trong năm ngày mới hết.
Năm 1991, Đức cố Đệ Tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu viên tịch tại chùa Linh Mụ, Huế. Nhà nước muốn lợi dụng tang lễ này tuyên truyền chính trị cho Đảng. Nhưng Di chúc Ngài ngăn cấm không tổ chức rầm rộ, không đọc điếu văn, ca tụng, v.v… Nên 50 Tăng Ni tuyệt thực phản đối tại chùa Linh Mụ. Có vị đòi tự thiêu. Ngài để lại khuôn dấu Giáo hội và trao quyền cho hai Hoà thượng Huyền Quang và Quảng Độ tiếp tục lãnh đạo GHPGVNTN để phục hồi quyền pháp lý cho Giáo hội. Mặc dù bị công an phong toả, cấm đoán, tại lễ tang, Hoà thượng Huyền Quang dõng dạc tuyên bố trước Linh đài quyết tâm thực hiện Di chúc giao phó:
“Pháp lý là cái gì? Giấy tờ chỉ được viết ra cho một tổ chức tân lập, còn Giáo hội ta đã có mặt trên dải đất này 2000 năm rồi. Đinh, Lê, Lý. Trần đã chấp nhận Phật giáo.
“Pháp lý của Giáo hội là 2000 năm truyền đạo trên dải đất Việt Nam này. Địa vị của Giáo hội là 80% dân chúng và thành thị, nông thôn, hải đảo. Đó là cơ sở vững chắc, rộng rãi muôn năm của Giáo hội.
“Như vậy Pháp lý có thể cho ra và có thể thu lại. Vậy cho nên đừng đặt vấn đề pháp lý của thời đại, mà phải đặt lịch sử truyền đạo và sự chấp nhận của dân chúng Phật tử“.
Trước sự bùng dậy của khối Phật giáo đồ sau tang lễ, tài liệu Tuyệt Mật của Bộ Nội vụ viết ngày 18-8-1992 chỉ thị 5 biện pháp đấu tranh chống khối Phật giáo Thống Nhất, đặc biệt là phân hoá cao hàng ngũ giáo sĩ; “cắt đứt chân tay” với số cực đoan chống đối; và thâm nhập đặc tình trong Tăng tín đồ Phật giáo.
Vì thực hiện và phổ biến Di chúc Ngài Đôn Hậu, chư Tăng chùa Linh Mụ bị đàn áp dữ dội, đưa tới cuộc biểu tình bốn mươi nghìn Phật tử Huế xuống đường ngày 24-5-1993 đòi hỏi nhân quyền và tự do tôn giáo. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất chưa hề có dưới chế độ Cộng sản. Tại Hội nghị “Diễn biến Hoà bình” ở Hải phòng ngày 26.6 cùng năm, Tướng Đặng Vũ Hiệp đánh giá cuộc biểu tình của Phật tử Huế có “nguy cơ mất nước“.
Sự kiện hi hữu xẩy ra là ngày 2-4-2003, Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp Hoà thượng Thích Huyền Quang, nhân dịp ngài ra Hà Nội giải phẫu khối u ở mặt. Một thủ tướng tiếp một tù nhân! Thủ tướng xin Hòa thượng hỉ xả cho chuyện đã qua, vì cán bộ cấp địa phương làm sai. Nhiều nhà quan sát tưởng rằng vấn đề Phật giáo được lắng yên.
Thế nhưng, sau Đại hội Phật giáo kỳ VIII do Hoà thượng Huyền Quang triệu tập tại Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định, ngày 1-10-2003, để bổ sung nhân sự vào hai Viện Tăng Thống và Viện Hoá Đạo, thì chuyến xe chở 10 vị giáo phẩm về lại Saigon bị chận bắt tại Lương Sơn hôm 8-10, trong số có hai ngài Huyền Quang và Quảng Độ. Tất cả đều bị bắt đi “làm việc” và ra khẩu lệnh quản chế.
Từ đó đến nay Giáo hội luôn bị đàn áp, sách nhiễu thường trực. Mọi hoạt động của 20 Ban Đại diện Giáo hội tại các tỉnh thành đều bị ngăn cấm. Chùa Giác Minh của Hoà thượng Thanh Quang ở Đà Nẵng bị phong toả thường trực, các Đại lễ Phật Đản, Vu Lan hay Tết bị ngăn cấm tổ chức.
Thế nhưng Giáo hội không ngừng lên tiếng cho những vấn nạn xã hội hay đất nước. Từ nơi quản chế Quảng Ngãi, ngày 20-11-1993, Hoà thượng Thích Huyền Quang ra Tuyên cáo Giải trừ Quốc nạn và Pháp nạn, yêu sách bỏ điều 4 trên Hiến Pháp và bầu cử lại Quốc hội dưới sự giám sát của LHQ với sự tham gia của tất cả các đảng phái quốc gia.
Đầu năm 1994, Hoà thượng Thích Quảng Độ bị bắt khi dẫn phái đoàn Viện Hoá Đạo đi cứu trợ nạn bão lụt khủng khiếp ở đồng bằng sông Cửu Long. Bị kết án 5 năm tù, giam tại nhà tù Ba Sao. Được ân xá năm 1998, nhưng vẫn còn quản chế tại Thanh Minh Thiền Viện, Saigon. Ngài tuyên bố : “Tôi đi từ nhà tù nhỏ vào nhà tù lớn”.
Năm 2001 ngài công bố “Lời kêu gọi cho Dân chủ” với giải pháp 8 điểm thực hiện, mà ngài xem như giải pháp duy nhất cứu nguy dân tộc.
Ngày 17-5-2007, Hoà thượng Quảng Độ đến uỷ lạo và tiếp tế thực phẩm thuốc men cho Dân oan khiếu kiện trước tiền đình Quốc hội II ở Saigon. Việc làm bị báo chí truyền thông nhà nước tố cáo, hăm doạ trong vòng 3 tháng. Ngài cũng nhiều lần lên tiếng tố cáo về việc Trung quốc xâm lấn lãnh thổ và biển đảo, nạn bô xít Tây nguyên nơi Trung quốc nắm yết hầu quân sự, chiếm đóng Hoàng Sa Trường Sa, cho đến gần đây, năm 2014, biến cố giàn khoan Hải dương 981.
Nhiều vị Đại sứ các nước như Hoa Kỳ, Na Uy, Đức, Anh, Pháp… vẫn thường xuyên đến vấn an, trao đổi với Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ. Liên tiếp nhiều năm, ngài được đề cử ứng viên Giải Nobel Hoà bình. Năm 2003, ngài và ngài Huyền Quang được trao Giải Nhân quyền của Tiệp dưới sự chủ trì của cựu Tổng thống Vaclav Havel, năm 2006 ngài được Giải Nhân quyền Quốc tế Rafto của Vương quốc Na Uy.
Nhờ sự lưu tâm quốc tế này mà ngài và hàng giáo phẩm Giáo hội không bị khủng bố, bắt giam tuỳ tiện như những năm sau 30 tháng Tư 75.
Ngài xác nhận lập trường Giáo hội suốt 40 năm qua không hề thay đổi như sau:
“Chừng nào mà chế độ Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam còn, thì Giáo hội không được sinh hoạt bình thường đâu.
“Họ dùng đủ cách để mà xoá sổ, xoá sạch cái danh nghĩa của Giao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trên đất nước Việt Nam. Mà chưa hết đâu, còn nhiều. Vì thế cho nên cứ sẵn sàng chuẩn bị tinh thần để đón nhận, để đương đầu.
“Cho nên trước khi tiễn đưa Đức Tăng Thống đến nơi an nghỉ cuối cùng, thì chúng tôi đã nói rồi : Chúng tôi sẽ tiếp tục con đường đi của Ngài.
“Còn rất nhiều khó khăn, còn rất nhiều chông gai, nhưng sẵn sàng vượt qua. Còn hơi thở thì vẫn cứ tiếp tục. Đó là cái chí nguyện của Giáo hội”.