Mạnh tay với Ukraine, Nga lấy lại vị thế cường quốc thời Xô Viết
Bài này được đăng để độc giả nhận được thông tin đa chiều ngõ hầu rộng đường phán đoán tình hình theo quan điểm và lập trường chính trị của chính mình. Nước Nga dưới sự cai trị của trùm mật vụ KGB, Putin đầy mưu lược đã biết nương theo thời thế chủ động bành trướng ảnh hưởng, mở rộng thế lực tại Syria, Ukraina và cả Iran, trong khi Hoa kỳ bận lo chuyển hướng về Á Châu Thái Bình Dương. Ban Biên Tập.
Trí Thức Trẻ | 03/03/2014 13:26 – Đăng trên Soha News
Chia sẻ:
(Soha.vn) – Vào những năm 1990 nước Nga đã suy yếu, nhưng từ ngày 1/3/2014, Nga đã bắt đầu phục hồi trở lại, một sự trở lại ngoạn mục không thể đảo ngược.
Báo Vzglyad của Nga vừa đăng một bài bình luận cho rằng cuộc khủng hoảng tại Ukraine, mà đặc biệt là việc Nga triển khai quân đội tại đây, là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự trở lại của Nga với tư cách là một cường quốc như Liên Xô trước đây.
Chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả nội dung chính của bài viết nói trên.
Ngày lịch sử
Ngày 1/3/2014 đã đi vào lịch sử đơn giản bởi vì nó chính thức đánh dấu một thực tế rằng, thời kỳ hậu Xô Viết tồn tại suốt nhiều năm qua đã kết thúc, thế giới đơn cực đã đi vào dĩ vãng, Nga đã vực dậy vị thế của mình như một trong những trung tâm quyền lực của thế giới, hoàn toàn có thể độc lập đưa ra quyết định để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Lần đầu tiên sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga đã quyết định sử dụng lực lượng vũ trang để ổn định tình hình nước láng giềng của mình. Điều này khác về nguyên tắc so với năm 2008 là khi đó Nga đơn giản chỉ bảo vệ nhà nước liên bang khỏi xâm lược (mặc dù không được công nhận).
Còn hiện nay Nga phải can thiệp vào tình hình Ukraine vì nước này đang bị phát triển theo kịch bản đe dọa tới lợi ích quốc gia Nga và cuộc sống người dân Nga ở nước ngoài.
Người biểu tình Ukraine mang theo lá cờ Nga khổng lồ diễu hành trên phố
Vào hôm thứ Bảy tuần qua, lần đầu tiên sau 7 ngày diễn ra chính biến ở Kiev, Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra đánh giá tình hình Ukraine gửi tới Hội đồng Liên bang, trong đó ông coi Ukraine đang rơi vào tình trạng đặc biệt bất thường và đề nghị sử dụng lực lượng vũ trang trên lãnh thổ nước này nhằm “bình thường hóa tình hình chính trị – xã hội” tại đây.
Quy mô và vị trí sử dụng lực lượng vũ trang hiện chưa quyết định nhưng hiện lực lượng này vẫn ở Crimea, nơi Hạm đội biển Đen của Nga đang đồn trú và là nơi mà họ đang đảm bảo sự bình yên cho chính bán đảo này.
Nhưng có một điều rõ ràng rằng, trong bất cứ thời điểm nào, quân đội có thể được tham gia tại các khu vực khác của Ukraine, trước hết là các khu vực phía Đông. Chính phủ lâm thời Kiev đã cáo buộc Nga xâm lược, còn Tổng thống hợp pháp là ông Yanukovych lại ủng hộ các hoạt động của Nga ở Crimea.
Đặc biệt cần nói rằng, giống với sự phát triển tình hình tại chính Ukraine, hôm thứ Bảy vừa qua tại phía Đông nước này cũng bắt đầu diễn ra các cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại các hoạt động của chính quyền Kiev. Điều này đang định liệu cho những hành động tiếp theo của Putin và việc triển khai quân đội của ông.
Phương Tây đang sợ hãi
Trong cuộc điện đàm với người đồng nhiệm Barack Obama vào chiều thứ Bảy vừa qua, Putin khẳng định nếu bạo lực tiếp tục lan rộng tại các khu vực phía Đông Ukraine và Crimea, Nga sẽ tự cho mình quyền bảo vệ lợi ích quốc gia và người dân nói tiếng Nga đang sinh sống tại đây.
Nga không muốn chia cắt Ukraine mà chỉ quan tâm rằng chính quyền Kiev sẽ không chống Nga, không tiến hành chính sách “phi Nga hóa” đối với người dân nước mình và duy trì sự tồn tại không chia tách của Ukraine.
Moscow mong muốn chính quyền lâm thời Kiev quay trở lại với các thỏa thuận giữa chính quyền và phe đối lập vào ngày 21/2 về việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp, tiến hành cải cách hiến pháp và bầu cử Tổng thống mới vào cuối năm. Nga không thừa nhận chính quyền Kiev lâm thời, không cần biết các nước phương Tây có thừa nhận hay không. Hành động độc lập của Moscow đối với Ukraine đang khiến phương Tây vừa phẫn nộ vừa sợ hãi.
Tất cả 3 tháng diễn ra các cuộc biểu tình, phương Tây hoàn toàn không đếm xỉa tới lợi ích của Nga tại Ukraine (còn lớn hơn so với lợi ích của Mỹ và Đức tại đây). Và khi Nga nhận thấy rằng những hành động của phương Tây tại Ukraine đã làm những lực lượng chống Nga lên nắm quyền, còn Ukraine rơi vào bấn loạn, khi đó Nga đã phải quyết định can thiệp.
Quân đội Mỹ, dù mạnh, sẽ không cản được Nga
Nga không thể cho phép áp bức những người nói tiếng Nga hoặc muốn liên kết với Nga tại đây. Và khi bảo vệ những lợi ích của mình, Nga sẽ cân đối các lợi ích của Mỹ hoặc Liên minh châu Âu EU ở mức cần thiết.
Nga cũng hiểu rõ rằng, trò chơi của phương Tây tại Ukraine là một sự tấn công vào Nga. Thậm chí Ukraine hiện cũng chỉ là một điểm tiếp theo trong trò chơi địa chính trị của giới chức phương Tây, tương tự như tại Syria, Lybia. Còn đối với Nga, Ukraine là an ninh của chính bản thân nước Nga và của nhân dân Nga.
Thế thượng phong về quân sự của Mỹ hiện nay không có ý nghĩa gì trong việc giải quyết vấn đề, bởi vì: Thứ nhất, do Nga là cường quốc hạt nhân và việc đàm phán theo kiểu “tối hậu thư” với Nga là không thể. Thứ hai, không một ai ở Mỹ có thể thuyết phục nhân dân Mỹ rằng, người Mỹ phải chiến đấu vì một nước “Mexico kiểu Nga”.
Nhưng điều quan trọng hơn là, với những hành động của mình trên toàn cầu, Mỹ đã hoàn toàn đánh mất uy tín và sự tin tưởng. Hơn nữa, dư luận quốc tế đều hiểu được sự khác biệt có tính nguyên tắc về đạo đức, lịch sử và địa chính trị giữa cuộc tấn công Iraq của Mỹ với việc Nga đưa quân vào Ukraine.
Hiện Nga đang chờ đợi một thời điểm căng thẳng nhất – đó là việc tẩy chay, hoặc hoàn toàn có thể là các biện pháp trừng phạt (điều mà Tổng thống Obama đã đe dọa), các chiến dịch truyền thông rộng lớn tại phương Tây.
Nhưng những điều này cũng không phục vụ gì cho lợi ích lâu dài của phương Tây. Sau khi tỏ ra giận dữ (mà chủ yếu là một kiểu lên gân để thỏa mãn công chúng), phương Tây sẽ buộc phải trấn tĩnh và thỏa thuận với Nga, cùng Nga thiết lập một chính phủ chuyển tiếp từ bỏ xu hướng đưa Kiev liên kết với châu Âu.
Bá quyền Mỹ cuối cùng có thể sụp đổ không chỉ do Mỹ quá căng thẳng khi áp đặt ý chí của mình đối với thế giới trong giai đoạn hậu Xô Viết, mà còn do Trung Quốc ngày càng mạnh, còn Nga đã vực dậy được cả sức mạnh cứng (điều này sẽ không còn xa) và ý chí, tinh thần.
Một khi ý chí đã vực dậy trở lại thì Nga có đủ tự tin vào bản thân và vào lẽ phải để bảo vệ những lợi ích lịch sử quốc gia. Vào những năm 1990 nước Nga đã suy yếu, nhưng từ ngày 1/3/2014, Nga đã bắt đầu phục hồi trở lại, một sự trở lại ngoạn mục không thể đảo ngược.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.