Điểm Báo Pháp – 24-4-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 24-4-2015

Cảnh sát ngăn cản những người biểu tình đòi dân chủ tiếp cận Trưởng đặc khu Hồng Kông Lương Chấn Anh, 22/05/2015. – REUTERS/Tyrone

Theo RFI – Thu Hằng – 24-04-2015

Trung Cộng bịt miệng nền dân chủ tại Hồng Kông

Ngày 22/04/2015, Bắc Kinh chính thức loại bỏ những yêu cầu của người dân Hồng Kông. Ba tháng biểu tình ôn hòa trong suốt mùa thu năm 2014, cuối cùng phe dân chủ vẫn không đạt được bất kì một nhượng bộ nào từ phía chính quyền. Báo Le Monde phân tích kế hoạch của Bắc Kinh liên quan tới cuộc bầu cử Trưởng đặc khu sẽ diễn ra vào năm 2017.

Người Hồng Kông vẫn được đi bầu cử trực tiếp nhà lãnh đạo đặc khu kinh tế. Thế nhưng, danh sách các ứng cử viên chỉ gồm những người thân đảng Cộng sản Trung Hoa được xét duyệt trước. Không một nhà đối lập hay ứng viên tự do nào có thể ra tranh cử. Kế hoạch này đi ngược hoàn toàn với thỏa thuận giữa Luân Đôn và Bắc Kinh.

Phong trào phản kháng tại Hồng Kông đã bị chia rẽ về các bước tiến hành sau này. Các cuộc thăm dò cho biết người dân cũng do dự. Không cần mạnh tay, Bắc Kinh đã biết cách bóp nghẹt cuộc cách mạng «cây dù» và không hề nhượng bộ Hồng Kông. Đây cũng là chính sách bàn tay sắt của chủ tịch Tập Cận Bình. Bài xã luận trên Le Monde nhận xét hai nhà lãnh đạo TC đã biết cách phân chia trách nhiệm. Khi mà thủ tướng Lý Khắc Cường dần tự do hóa nền kinh tế, thì chủ tịch  Tập Cận Bình đàn áp mọi nguy cơ chia rẽ. Dù là các hiệp hội, tổ chức thiện nguyện hay các tổ chức phi chính phủ, cho tới luật sư đoàn về nhân quyền hay các nhà đấu tranh bảo vệ môi trường: bất kì thái độ chống đối nào, dù nhỏ nhất, cũng sẽ bị đàn áp.

Lý do giải thích chính sách bàn tay sắt của người đứng đầu TC là nỗi ám ảnh Liên bang Xô Viết sụp đổ. Tập lo ngại quá trình chuyển đổi nền kinh tế, quốc tế đồng nhân dân tệ hay mở cửa thị trường tài chính, sẽ làm lung lay vị trí độc tôn của Đảng Cộng sản. Tập cũng sẵn sàng truy cứu bất kì ai có thể làm suy yếu Đảng độc quyền, từ tham nhũng tới chống đối. Những thanh niên Hồng Kông «thấp cổ bé họng», chỉ đòi lại bản sắc của Hồng Kông, cũng phải trả cái giá cho sự ổn định này.

Theo hệ thống mới được đưa ra, một ứng viên, trước hết, phải nhận được sự ủng hộ của 120/1200 thành viên của Ủy ban bầu cử. Trong số những người này, chỉ «hai hoặc ba» ứng viên được ủng hộ nhất, và phải đạt được trên 50% số lượng ủng hộ của Ủy ban trên, mới được phép tham gia tranh cử vị trí Trưởng đặc khu. Sau khi đã được bầu, người thắng cử còn phải chờ Bắc Kinh phê chuẩn.

Hệ thống bầu cử này bị rất nhiều chỉ trích. Họ cho rằng một ứng viên dân chủ, dù có nhận được 120 phiếu ủng hộ tại Ủy ban bầu cử, sẽ không bao giờ vượt qua được ngưỡng 50% ở vòng hai. Thực chất, bầu cử phổ thông đầu phiếu sẽ chỉ mang tính quyết định ở một vòng. Đây chính là điểm gây nhiều tranh cãi về tính hợp pháp của Trưởng đặc khu.

TC ồ ạt đầu tư vào Pakistan 

Sau chuyến công du của Tập Cận Bình tại Pakistan, Le Figaro phân tích những chiến lược mới của Bắc Kinh để «quyến rũ» nước láng giềng, một thành viên của «con đường tơ lụa» mới mà TC sắp tiến hành.

Bắc Kinh sẽ tài trợ cho việc xây dựng «Con đường tơ lụa» băng qua Pakistan. Đây là tuyến đường trực tiếp, ngắn hơn, dẫn tới các giếng dầu tại vùng Vịnh. Thay vì phải phụ thuộc vào eo biển Malacca giữa Malaisia và Indonesia. Từ giờ tới 10 hay 15 năm nữa, các doanh nghiệp TC sẽ xây mới và hiện đại hóa 3.000 km đường từ Đông sang Tây: bắt đầu từ thành phố Kashgar, tại tỉnh Tân Cương, tới cảng Gwadar, ở phía tây nam của Pakistan, bên bờ biển Ả Rập. Giữa hai nước đã có tuyến đường cao tốc Karakoram dài 1200 km nối Kashgar tới thành phố Havelian, phía Tây Bắc Pakistan. 1.500 km còn lại sẽ được xây mới để dẫn tới biển Ả Rập. Ngoài ra, một tuyến đường sắt, sân bay Gwadar và một đường ống dẫn dầu cũng được kí kết, với tổng trị giá của các công trình lên tới 11,8 tỉ đô la do chính phủ TC tài trợ.

Tuy nhiên, một khó khăn đặt ra là vấn đề nhân lực. TC sẽ tuyển người địa phương hay mang nhân lực từ nước mình sang? Hơn nữa, vấn đề càng trở nên nhạy cảm tại tỉnh Baloutchistan, nơi có cảng Gwadar. Các nhóm đòi độc lập tại đây không chấp nhận người lao động từ bên ngoài vì cáo buộc Islamabad đô hộ tỉnh này. Ngày 10/04, 20 công nhân người Pakistan đã bị sát hại tại đây.

Đổi lại việc cho TC «mượn» đất, Pakistan sẽ nhận 33,8 tỉ đô la đầu tư cho lĩnh vực năng lượng. Nhà lãnh đạo hai nước đã ký biên bản ghi nhớ 11 thỏa thuận khác liên quan tới việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện, năng lượng mặt trời hay năng lượng gió. Tám trong tổng số 11 dự án trên sẽ được phía TC thực hiện. Đây là nguồn khí mới cho Pakistan vì tại một số thành phố vẫn diễn ra cảnh mất điện 10 tiếng mỗi ngày. Thiếu điện cũng kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế của nước này, mà theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ tăng 4%.

Bất chấp rủi ro, thanh niên Ethiopia vẫn mơ vượt biên 

Hai thảm họa thuyền nhân tại biển Địa Trung Hải vẫn là chủ đề bình luận chính. Biết sẽ gặp bất trắc và nguy cơ mất mạng, thế nhưng người Bắc Phi vẫn quyết định ra đi. Có mặt tại Ethiopia, một trong các quốc gia có nhiều thuyền nhân tới châu Âu, thông tín viên của tờ Le Monde giải thích tại sao «Thanh niên Ethiopia vẫn mơ vượt biên».

Tại Cherkos, một khu ngoại ô bình dân tại thủ đô Addis-Abeba (Ethiopia), thanh niên không có việc làm và nghèo đói là tình trạng chung tại đây. Vì thế, thanh niên buộc phải bỏ đi nơi khác, thường là khu Trung Đông lân cận, hay xuống tận Nam Phi và ngày càng nhiều người muốn sang châu Âu. Hàng năm có khoảng vài chục nghìn người rời Ethiopia. Đây chưa phải là con số thực do không có những dữ liệu đáng tin cậy. Cuối năm 2013, có 150.000 người hồi hương chỉ riêng từ Ả Rập Xê Út do quốc gia này quyết định trục xuất lao động bất hợp pháp khỏi lãnh thổ.

Ethiopia công bố chính thức mức độ tăng trưởng hàng năm là 10% từ một thập kỷ nay. Khắp nơi người ta thấy xây dựng đường xá, đường sắt, đập thủy điện hay các tòa nhà chọc trời. Thế nhưng, ở các khu nghèo và nông thôn, người dân khốn khổ sống qua ngày. Hơn nữa, thiếu nhân quyền cũng là nguyên nhân giải thích quyết định vượt biên. Một số thanh niên nói muốn chết ở nơi khác còn hơn là sống ở đây. Song đường đến thiên đường phải qua địa ngục.

Ngày 22/04 vừa qua, thanh niên xuống đường biểu tình theo lời kêu gọi của chính phủ để tưởng niệm những nạn nhân bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo sát hại tại Libya. Cuộc tuần hành kết thúc trong xung đột giữa cảnh sát và thanh niên, do thấy bế tắc trước tương lai. Liệu hình ảnh người Ethiopia bị sát hại tại Nam Phi và Libya, hay hai chiếc tầu đắm tại biển Địa Trung Hải, có khiến họ thay đổi ý kiến ? Họ vẫn tin vào tương lai tại châu Âu, nơi họ có thể kiếm được 30 euro mỗi ngày, bằng lương cả một tháng của họ tại Ethiopia.

Châu Âu tăng cường cứu trợ thuyền nhân 

Sau cuộc họp bất thường diễn ra tối qua, 23/04, tại Bruxelles, các nhà lãnh đạo châu Âu thông báo tăng gấp ba lần các phương tiện tìm kiếm và cứu hộ trên biển trước số lượng thuyền nhân gặp nạn ngày càng tăng.

Le Monde thông tin Liên Hiệp muốn dự báo trước làn sóng nhập cư. Bốn chủ đề chính được thảo luận tại cuộc họp gồm : tăng ít nhất gấp đôi, trong năm 2015 và 2016, các phương tiện tài chính và vật chất cho các chiến dịch theo dõi trên biển «Triton» và «Poséidon» ; xác định rõ đóng góp cụ thể của từng nước thành viên; dự báo các làn sóng nhập cư bằng cách hỗ trợ cho các nước Ai Cập, Tunisia, Soudan, Mali và Niger; đấu tranh chống các mạng lưới tổ chức vượt biên trái phép.

Dưới tựa đề, «Người nhập cư: Châu Âu tăng cường mọi phương tiện đang tiến hành», tờ Les Echos nhận xét, các nước Liên Hiệp vẫn chỉ quan tâm tới lợi ích riêng. Và chiến dịch quân sự chống những kẻ tổ chức vượt biên vẫn không rõ ràng. Còn Libération dẫn lời một thành viên của Tổ chức Ân xá quốc tế đánh giá: «Tăng ngân sách của Triton lên gấp ba lần cũng chẳng giải quyết được vấn đề. Việc cần thiết là phải thay đổi mục đích». 

Bài xã luận của Le Figaro nhận định những biện pháp tăng cường của Liên Hiệp vẫn còn nhiều hạn chế. So với cùng thời điểm năm ngoái, số người thiệt mạng đã tăng gấp 30 lần. Vấn đề đặt ra là phải xem xét lại sự thờ ơ của Liên Hiệp và vai trò của cơ quan Frontex. Từ năm 2013, đây là lần thứ 4 các quốc gia Châu Âu họp bàn vấn đề này, song vẫn không đưa ra biện pháp cụ thể. «Kế hoạch hành động» được các nước thành viên thông qua cách đây hai năm nhưng chưa bao giờ được áp dụng.

Bài viết chỉ trích Liên Hiệp vẫn không thể chọn giữa nghĩa vụ nhân đạo và việc cần thiết phải ngăn chặn ý định vượt biên. Tung chiến dịch giám sát và cứu hộ sẽ như «lời mời» cho những người có ý định chạy sang Châu Âu. Tác giả gợi ý trường hợp điển hình của Úc. Quốc gia này đóng cửa hải biên với thuyền nhân nước ngoài. Kết quả là năm 2013 có 302 tầu cập bến, năm 2014, chỉ còn duy nhất một tầu. Dù người Châu Âu có phá hủy tầu vượt biên tại các cảng trên biển Libya, thì hàng nghìn người Syria, Erythrina sẽ vẫn tìm được những mạng lưới tổ chức khác và các điểm xuất phát mới.

Cuối cùng, bài báo cũng mỉa mai tinh thần tương ái giữa các nước thành viên Liên Hiệp. Việc mỗi quốc chỉ biết tới quyền lợi của mình cũng là nguyên nhân của thảm kịch Địa Trung Hải.

Kinh tế Pháp phục hồi 

Kinh tế Pháp tăng trưởng là thông tin chính trên các số báo ra ngày hôm nay. Le Monde nhấn mạnh: «Kinh tế Pháp ổn hơn, giới chủ lấy lại niềm tin». Tờ báo cho rằng tình hình khả quan này là nhờ xăng dầu, đồng euro và lãi suất giảm. Tuy nhiên, vẫn chưa có tác động nào tới việc làm và đầu tư. Tờ Le Figaro nhận xét: «Ngành công nghiệp Pháp đã thấy ánh sáng cuối đường hầm». Viễn cảnh xuất khẩu chưa bao giờ cao đến vậy từ tháng 10/2000. Ngược lại, theo Les Echos, «Giới chủ vẫn tỏ ra thận trọng trước thông tin phục hồi tăng trưởng», vì những động lực bên trong vẫn chưa được khởi động. Đây là thách thức trong những tháng sắp tới.

Một thông tin khác vẫn được báo chí quan tâm là âm mưu khủng bố của một thanh niên 24 tuổi người Algeria. Báo La Croix nhấn mạnh: «Giáo dân tại Pháp không sợ hãi và không thu mình lại». Ngoài thông tin các nhà điều tra tiếp tục truy tìm tòng phạm của vụ này, Le Figaro cho biết «Nhà thờ phải luôn là nơi rộng mở». Còn Libération cho rằng phá vỡ âm mưu khủng bố tại Villejuif là cơ hội cho thủ tướng Valls biện hộ dự luật theo dõi thông tin đang gây tranh cãi.

Thời sự quốc tế nổi bật với bất đồng xung quanh vấn đề nợ của Hy Lạp. Le Figaro cho rằng Châu Âu tức giận vì không khuất phục được Athènes. Les Echos thông tin «Eurogroup yêu cầu Athènes tiến hành cải cách». Ngoài ra, lễ kỉ niệm 100 diệt chủng Armenia vẫn được các báo quan tâm. Tổng thống Pháp là một trong những nguyên thủ quốc gia hiếm hoi có mặt tại buổi tưởng niệm. Tổng thống Obama, như những người tiền nhiệm của mình, từ chối sử dụng cụm từ «diệt chủng» để duy trì mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Còn thủ tướng Đức, hôm nay, đã chính thức công nhận nạn diệt chủng người Armenia.