Điểm Báo Pháp – 21-4-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 21-4-2015

Logo Thượng Đỉnh Á -Phi 2015 – Reuters

Theo RFI – Mai Vân – 21-04-2015

TC muốn lợi dụng thượng đỉnh Á-Phi cho mưu đồ bành trướng

Thuyền nhân từ các nước Châu Phi vượt biển tìm đến đất lành Châu Âu bị chết ngày càng nhiều ngoài khơi nước Ý là hồ sơ mà các báo Pháp ngày 21/04/2015 không thể bỏ qua. Nhưng nhìn về Châu Á, Les Echos chú ý đến  cuộc họp Thượng đỉnh Á Phi đang tiến hành ở Indonesia, với tựa đề: «Thượng đỉnh Á Phi, TC đẩy các con tốt».

Les Echos giải thích: «Ở Jakarta, TC muốn tranh thủ Hội nghị Á Phi để chính đáng hóa chiến lược bành trướng của mình». Bài báo nhắc lại là TC là một trong những tác nhân chính ở Hội nghị Bandung năm 1955, đã khai sinh phong trào phi liên kết, trong một thế giới chìm trong chiến tranh lạnh. 60 năm sau TC tiếp tục muốn ghi đậm dấu ấn ở Thượng đỉnh Á Phi, mở ra từ hôm qua, 20/04 tại Jakarta.

Hội nghị này theo bài báo cũng đã rất quan trọng đối với nước chủ nhà, vì Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhìn thấy đây là một dịp tốt để xác định lại, trên lãnh thổ của mình, nền tảng chính sách ngoại giao, xây dựng trên các nguyên tắc an ninh hàng hải mà người tiền nhiệm của ông, Sukarno đã đưa ra 60 năm trước đây.

Thượng đỉnh chiến lược đối với TC

Đối với TC rõ ràng Thượng đỉnh Á Phi mang tính chiến lược: Vào năm 1955, TC chuẩn bị bước Đại nhảy vọt, hiện nay thì họ đã trở thành cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới.

Tác giả bài báo trích nhận xét của một chuyên gia Pháp David Camroux, cho rằng TC muốn lợi dụng sự hiện diện ở Hội nghị để «làm cho hành động của mình ở Châu Phi trở nên chính đáng hơn».

Lý do là giờ đây, theo bài báo, trong tại Châu Phi, Bắc Kinh không còn tôn trọng 5 nguyên tắc chung sống hòa bình được nêu lên năm 1955 – tôn trọng chủ quyền, không can thiệp, đồng thuận, tương trợ… – mà là hành động tùy theo nhu cầu của mình, nhất là về nguyên liệu.

Không chỉ đối với Châu Phi, mà  đối với các láng giềng Châu Á cũng vậy, TC đẩy các con tốt của mình, ở phía nam Ấn Độ Dương hay phía Đông Nam mà những hình ảnh gần đây cho thấy TC bồi đắp các bãi đá, thiết lập phi đạo… Theo đánh giá của chuyên gia Camroux: «TC đang thay đổi hiện trạng ở những nơi này».

Tại Hội nghị ở Indonesia, tác giả bài báo trên Les Echos còn thấy một đọ sức khác, đọ sức Nhật Trung, vì Nhật cũng đang giành ảnh hưởng. Nhật dĩ nhiên chơi lá bài kinh tế, nhấn mạnh trên đóng góp của mình vào kinh tế thế giới, trợ giúp phát triển, lờ đi quá khứ chiến tranh.

Les Echos nhắc lại là tại Jakarta, nơi giao thông tắc nghẽn kinh niên, tuyến tàu điện ngầm đầu tiên là do Nhật tài trợ.

Bài báo kết luận là Hội nghị kéo dài trong tuần có thể cho thấy những chiến lược bành trướng không mấy khác nhau. Bắc Kinh cũng như Tokyo đều muốn đánh dấu vùng ảnh hưởng của mình, nhấn mạnh trên những giới hạn về mặt kinh tế. TC đã ghi điểm khi thiết lập trên trên lãnh thổ của mình Ngân hàng nhóm BRICS và Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng AIIB.

Hàn Quốc còn đứng trước nhiều vụ tai tiếng tham nhũng

Về Châu Á, Les Echos còn chú ý đến việc Thủ tướng Hàn Quốc từ chúc qua tựa đề: «Hàn Quốc – Tâm sự của một người tự tử đánh gục thủ tướng»

Tờ báo giải thích dòng tựa, nêu lại sự kiện là bị tình nghi nhận ‘bao thơ’ của một nhà kinh doanh tự tử ngày 09/04, Thủ tướng Lee Wan-Koo vừa đệ đơn từ chức lên Tổng thống Park Geung-Hye.

Bài báo nhắc lại  không phải là Thủ tướng dễ dàng chịu bó tay, ông đã cố bào chữa trong mấy ngày qua nhưng rốt cuộc đã phải đưa đơn từ chức.

Tổng thống đang công du Châu Mỹ La tinh chỉ sẽ tìm người thay thế vào thứ Hai tới khi trở về. Bà phải đề cử người như thế nào để tô bóng lại hình ảnh chính phủ.

Nhưng chọn lựa một Thủ tướng mới chưa chắc đã xóa tan đi sự nghi ngờ đối với tầng lớp lãnh đạo, vì vụ xì căn đan tham nhũng nổ ra hơn 10 ngày qua, dính líu đến nhiều nhân vật then chốt chính quyền.

Doanh nhân Sung Wan–Jong,  cũng là một cựu nghị sĩ, trước khi tự treo cổ, đã để lại những bản ghi chú, một băng cassette ghi lại cuộc phỏng vấn qua điện thoại của một tờ báo địa phương, qua đó ông giải thích đã trao trong mấy năm qua, những khoản tiền quan trọng cho ít ra 8 nhân vật tên tuổi.

Riêng Thủ tướng Lee Wan-koo, vào năm 2013, ông được trao 30 triệu won, vào thời điểm này ông đang vận động tranh cử quốc hội. Thủ tướng đã cực lực chối bỏ, cho là ông không mấy quen biết doanh nhân Sung, nhưng ông đã không thể chống đỡ nữa khi báo chí Hàn Quốc tiết lộ nhiều tài liệu cho thấy hai người thường gặp nhau, và trong 12 tháng qua, hai người đã gọi điện thoại cho nhau đến 217 lần.

Sau Thủ tướng từ nhiệm, Les Echos nhìn thấy sức ép sẽ đè nặng lên những nhân vật khác có tên trên danh sách của doanh nhân quá cố, trong đó có một cựu Chánh văn phòng của Tổng thống Park Geun Hye, một thống đốc một vùng lớn của Hàn Quốc, một số lãnh đạo đảng cầm quyền.

Trong phần kết luận tờ báo đánh giá : Tổng thống Park Geun – Hye sẽ phải rất vất vả trong việc phục hồi uy tín đang ở mức thấp nhất trong các cuộc thăm dò dư luận. Chính quyền vốn đã làm dư luận phẫn uất trong vụ tai nạn phà Sewol, nay lại bị thêm các vụ xì căn đan mới.

Les Echos chờ xem sự mất tin tưởng của dân chúng đến mức nào trong cuộc bầu cử quốc hội  bổ xung ngày 29/04 này.

Ổn định Libya: giải pháp cho vấn đề thuyền nhân?

Thời sự quan trọng đuợc theo dõi hôm nay, như nói trên là sự kiên thuyền nhân, đại bộ phận đến từ các nước Châu Phi hạ Sahara, từ hơn một tuần qua hầu như mỗi ngày cặp bến các nước Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp. Hơn cả chục ngàn người và số người chết trên biển không ít.

Chỉ riêng chiếc tàu bị chìm tối thứ Bảy vừa qua, được cho là có 750 người thiệt mạng nhưng theo các báo thực tế còn cao hơn, vì như báo Le Figaro nêu lại, chiếc tàu chở khoảng 50 trẻ em, 200 phụ nữ và 700 đàn ông. Không ai sống sót.

Thuyền nhân từ Châu Phi vượt biển xuất phát từ vùng bờ biển Libya. Một quốc gia mà như Le Monde nêu bật trong hàng tít lớn trang trong: Libya, vùng đất hứa biến thành hỗn loạn. Đất nước bị nội chiến xâu xé, kiệt quệ không còn sức giữ lại những người tìm đất lành đến từ các vùng Châu Phi.

Theo Le Monde, trước đây Libya giàu có được xem như vùng đất màu mỡ đối với người lao động Châu Phi, ngày nay đất nước này vẫn là nơi họ dừng chân kiếm tiền, nhưng chỉ là để đến vùng đất hứa khác.

Le Figaro, trên trang nhất cũng nhìn qua tình hình Libya, nêu bật vấn đề thuyền nhân, các vụ thảm sát người Thiên chúa giáo và câu hỏi trong hàng tựa: Châu Âu có thể làm gì trước Libya hỗn loạn?

Trong bài xã luận tựa đề cuộc chiến thứ hai ở Libya, Le Figaro lược kể các thảm cảnh từ thuyền nhân Thiên chúa giáo bị người đồng hành Hồi giáo vứt xuống biển, người Thiên chúa giáo Ethiopia bị giết ở Libya, rồi cảnh hàng ngàn thuyền nhân vượt biển trong những điều kiện kinh khủng. Tờ báo nhận định: Chấm dứt nhũng cảnh kinh hoàng này là một trách nhiệm tinh thần đối với Châu Âu, đang nghiên cứu một số biện pháp, từ cứu nạn cho đến chia xẻ gánh nặng giữa các nước Châu Âu.

Nhưng vấn đề quan trọng ở đây là chính đất nước Libya. Le Figaro hy vọng các phe phái xâu xé quốc gia nay hòa giải và ngồi lại với nhau vì vận mệnh đất nước. Le Figaro nhận định 4 năm sau khi giúp lật đổ chế độ Kadhafi, Châu Âu – đứng đầu là Pháp, Anh – biết là không còn lý do để ngỏanh mặt làm ngơ trước cuộc chiến thứ hai ở Libya.

Trong bài cũng mang tính phân tích ở trang trong Alain Barluet, nhận thấy là khi mà các phe đối đầu ở Libya không đi đến hòa giải thì Châu Âu chỉ sẽ có những giải pháp eo hẹp để làm cạn nguồn buôn người này.

Trước đây vấn đề như đã giao phó, ‘gia công’ cho Kadhafi khi ông còn nắm quyền, còn Châu Âu thì đóng vai trò của mình bằng cách hỗ trợ phát triển để cầm chân những người muốn di tản ở lại đất nước họ.

Sau thảm cảnh những ngày gần đây thì Châu Âu không thể không lên tiếng, nhưng phản ứng mạnh mẽ của Châu Âu càng cho thấy sự bất lực. Bài báo nhắc lại lời bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha, hôm thứ Hai, cho là ‘phải giải quyết vấn đề ở gốc rễ’, và kêu gọi phải vãn hồi hòa bình, ổn định Libya.

Báo la Croix cũng nhận định tương tự trong bài xã luận: «Hành động ở ngay Libya». Tác gỉả bài viết nhắc lại các sự kiên: Thuyền nhân mà các tay buôn người đẩy ra biển, và ít nhất 28 người Thiên chúa giáo bị quân thánh chiến giết hại, và nhận thấy mẫu số chung là Libya.

Từ ngày Kadhafi bị lật đổ năm 2011, Libya rơi vào hỗn loạn đã trở thành trung tâm các đường giây buôn người, và là căn cứ các mạng lưới  khủng bố, hoành hành, gây bất ổn định cả vùng.

Đối với La Croix Châu Âu không thể khoanh tay đứng nhìn, nhưng có điều Châu Âu đã can thiệp năm 2011 với các cuọc oanh tạc, lật đổ Kadhafi, nhưng khi rơi, Kadhafi đã kéo theo toàn bộ cơ cấu nhà nước, dẫn đến tình trạng hỗn loạn ngày nay.

Tờ báo cho là khó thể can thiệp như vậy một lần thứ hai, vì sẽ làm cho tình hình thêm phức tạp. Nhưng La Croix hy vọng là giữa thái độ thụ động, không làm gì cả  và can thiệp quân sự, có lẽ còn những khả năng hành động khác để ổn định Lybia.