Nguyễn Viết Dũng mặc áo rằn ri trước khi bị bắt. Ảnh: Nguyễn Lân Thắng
Bởi Đa Nguyên – CTV Dân Luận – Tác giả gửi trực tiếp Dân Luận – 20/04/2015
Nguyễn Viết Dũng (tức Dũng Phi Hổ) bị cơ quan Cảnh sát điều tra công an quận Hoàn Kiếm khởi tố về điều 245 Bộ luật hình sự tội “Gây rối trật tự công cộng” khi đi tuần hành mặc áo có biểu tượng Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, theo như gia đình cho biết. Cô Nguyễn Thị Hồng, mẹ của Nguyễn Viết Dũng cho biết là gia đình cô vừa nhận được giấy báo qua đường bưu điện về việc Dũng bị tạm giam, tạm giữ về điều 245 BLHS. Hiện tại gia đình đã tiếp xúc với luật sư Trần Vũ Hải, và luật sư đã đồng ý nhận bào chữa cho anh Dũng. Được biết sau cuộc “Tuần hành vì cây xanh” sáng 12/4/2015, nhóm 5 bạn trẻ tự phát tham gia mặc áo thun màu đen có biểu tượng Quân lực Việt Nam Cộng Hoà đã bị bắt giữ. Tối 14/4, công an quận Hoàn Kiếm trả tự do cho Thuỷ, Lưu, Pháp và Nghĩa nhưng vẫn giữ lại Nguyễn Viết Dũng để điều tra. Sau 8 ngày thì anh chính thức bị khởi tố. Theo mẹ của anh Dũng cho biết con mình là một thanh niên hiền, ít nói đã từng đoạt giải nhất cuộc thi tháng Olympic vào năm 2003-2004. Việc tham gia một cuộc tuần hành ôn hoà và mặc áo có biểu tượng QLVNCH chưa đủ yếu tố để có thể cấu thành tội “Gây gây rối trật tự công cộng” Trong một diễn biến khác, sau khi có công bố việc khởi tố anh Dũng, trang facebook cá nhân của anh đã không thể truy cập được.
Giấy thông báo bắt khẩn cấp giao cho gia đình ngày 20/4 nhưng trên giấy đề ngày 13/4/2015. Ảnh: Nguyễn Văn Đề
Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách; b) Có tổ chức; c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; d) Xúi giục người khác gây rối; đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; e) Tái phạm nguy hiểm.