Chuyến đi Mỹ của Bộ trưởng Công an CSVN và quan hệ song phương

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chuyến đi Mỹ của Bộ trưởng Công an CSVN và quan hệ song phương
Buổi làm việc giữa phái đoàn CSVN do Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang (thứ hai trái) dẫn đầu với Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ. Ảnh của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, đưa lên mạng ngày 19/03/2015. Photo: Secretary of Homeland Security

Theo RFI – 16-04-2015

Chuyến công du Hoa Kỳ của Bộ trưởng Công an CSVN Trần Đại Quang từ ngày 15 đến ngày 20/03/2015 vừa qua được dư luận tương đối ít chú ý. Tuy  nhiên, theo một số nhà phân tích, chuyến viếng thăm này có tầm quan  trọng đặc biệt, đánh dấu «một bước đột phá trong quan hệ Việt – Mỹ».  RFI xin giới thiệu bài nhận định của nhà nghiên cứu Alexander L. Vu Ving  trên tạp chí The Diplomat, số ra ngày 10/04/2015. Bản dịch đã được tác giả xem lại.

Một bước đột phá trong quan hệ Việt – Mỹ.

Chuyến thăm gần đây biểu tượng cho sự thay đổi đáng ngạc nhiên trong quan hệ song phương.

Nổi bật lên như là một trong những quan hệ chủ chốt tại Châu Á – Thái Bình Dương, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã có bước đột phá đáng kể trong thời gian gần đây. Cho dù không được báo chí quốc tế theo dõi, bước đột phá này đã được thể hiện trong chuyến công du Washington từ ngày 15 đến 20/03/2015 của Bộ trưởng Công an Việt Nam Trần Đại Quang. Có thể truyền thông ít chú ý tới chuyến đi bởi vì sự kiện này được coi như là một sự trao đổi thường lệ ở cấp Bộ trưởng. Thế nhưng, chuyến viếng thăm của Quang lại không hề là một thông lệ và nội dung các cuộc trao đổi của ông cho thấy sự thay đổi về chất lượng trong mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam.

Là một trong hai Bộ trưởng có thế lực nhất trong chính phủ Việt Nam (người kia là Bộ trưởng Quốc phòng), Quang cũng là một thành viên chủ chốt trong ban lãnh đạo tập thể Việt Nam, tức Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam. Các nguồn tin Việt Nam cho biết là Quang công du Mỹ trước tiên là với tư cách là Ủy viên Bộ Chính trị và mục đích chính chuyến đi là chuẩn bị cho cuộc viếng thăm vào tháng Sáu của lãnh đạo tối cao Việt Nam, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng.

Điều không bình thường đối với một vị Bộ trưởng là Quang đã có những cuộc nói chuyện với các quan chức cao cấp của nhiều cơ quan trong chính phủ Mỹ, không chỉ với Bộ An ninh Quốc nội và Cục Điều tra Liên bang FBI, mà còn với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Hội đồng An ninh  Quốc gia, Bộ Tư pháp và Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA. Quang cũng gặp gỡ các nhà lập pháp cấp cao tại Nghị viện. Chủ đề các cuộc nói chuyện của ông vượt ra khỏi thẩm quyền của Bộ Công an, từ quốc phòng và an ninh cho đến thương mại và đầu tư. Nhân quyền cũng là một chủ đề trong các cuộc trao đổi của ông với các đối tác Mỹ. Theo các nguồn tin Việt Nam, phần quan trọng trong chuyến đi của Quang là nhằm thúc đẩy sự ủng hộ của Mỹ đối với Việt Nam trong các tranh chấp ở Biển Đông và các vấn đề an ninh khu vực.

Khi phái Quang đi Mỹ, Bộ Chính trị tại Hà Nội đã đưa ra một thông điệp rõ ràng về thái độ của mình đối với cựu thù. Quang được lựa chọn đi chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Trọng, bởi vì ông có được lòng tin của lãnh đạo đảng Cộng sản. Nhưng đồng thời, ông cũng là người chỉ huy lực lượng an ninh chịu trách nhiệm bảo vệ chế độ. Với danh nghĩa này, tại Mỹ, ông có thể là đối tượng hàng đầu của các chỉ trích về nhân quyền. Chuyến đi của Quang với tư cách là cuộc viếng thăm chính thức đầu tiên của một Bộ trưởng Công an Việt Nam tới Mỹ cho thấy giờ đây, Hà Nội cảm thấy thoải mái khi quan hệ với một đối thủ về tư tưởng. Về phần mình, việc Washington đối xử hữu nghị với Quang đã làm Hà Nội bớt nghi kỵ và coi Mỹ như thế lực thù địch.

Mối quan hệ đã thay đổi

Chuyến công du của Quang là sự kiện gần đây nhất trong khuôn khổ một loạt các cuộc gặp và đã làm thay đổi bản chất mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam trong những năm vừa qua. Chuyến thăm Hà Nội hồi tháng 07/2012 của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã kích hoạt tiến trình biến đổi này. Trong chuyến thăm này, bà Clinton đã gặp lãnh đạo đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng và mời ông thăm Mỹ. Tính biểu tượng của các động thái này cho thấy Washington đã chấp nhận những khác biệt về ý thức hệ với chế độ Việt Nam và nhìn nhận đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam như một đối tác và những người cầm quyền ở Hà Nội đã chấp nhận mối quan hệ đối tác này. Ý nghĩa của việc bà Clinton mời Trọng có tầm quan trọng đối với Hà Nội. Điều này cho thấy là mặc dù đối lập về vấn đề ý thức hệ, Hoa Kỳ giờ đây muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị nghiêm túc với Việt Nam. Trên thực tế, cuộc gặp đã mở cửa cho việc phát triển quan hệ thực chất giữa chính phủ Mỹ và đảng Cộng sản Việt Nam.

Chuyến thăm của bà Clinton đặt nền tảng cho việc thiết lập Thỏa thuận Quan hệ Đối tác Toàn diện Mỹ-Việt, được chính thức ký kết một năm sau đó tại Washington nhân hội nghị Thượng đỉnh hồi tháng 07/2013, giữa Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang. Trong thỏa thuận khung quan hệ đối tác này, Washington và Hà Nội cam kết «các bên tôn trọng hệ thống chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ» của nhau. Trên cơ sở nguyên tắc này, thỏa thuận khung đề cập đến hợp tác trên mọi lĩnh vực, từ quan hệ chính trị và ngoại giao đến quan hệ thương mại và kinh tế, từ công nghệ và giáo dục đến quốc phòng và an ninh, từ văn hóa, thể thao và du lịch cho đến các vấn đề tồn tại sau chiến tranh, từ môi trường và y tế tới việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền.

Đầu tháng 10/2014, khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp Ngoại trưởng Phạm Bình Minh, Hoa Kỳ thông báo quyết định bãi bỏ một phần lệnh cấm vận, vốn áp dụng từ nhiều thập niên qua, trong việc cung cấp vũ khí sát thương cho Việt Nam, nhằm hỗ trợ thúc đẩy an ninh hàng hải. Cấm vận vũ khí là một trở ngại lớn từ phía Hoa Kỳ trên con đường thắt chặt quan hệ Mỹ-Việt.

Một trở ngại khác từ phía Việt Nam đã được dỡ bỏ khi Trần Đại Quang thăm Mỹ trong năm nay. Khi nói chuyện với các đối tác Mỹ, Quang khẳng định rằng Hà Nội sẵn sàng cho phép tổ chức thiện nguyện Đội Hòa Bình (US Peace Corps) hoạt động tại Việt Nam. Điều này đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong thái độ của chế độ cộng sản đối với đối thủ về tư tưởng. Cách nay 5 năm, trong một bản đề cương chính sách quan trọng của Ban Tuyên huấn đảng trung ương Cộng sản Việt Nam, những người «canh gác» về tư tưởng Việt Nam đã tố cáo Đội Hòa Bình là một «thế lực thù địch» và là một tổ chức chuyên tiến hành các hoạt động tuyên truyền, lật đổ chống lại chế độ cộng sản.

Quan hệ giữa Hoa Kỳ và nước Việt Nam cộng sản được bình thường hóa khá chậm chạp. Phải mất hai thập niên sau khi kết thúc chiến tranh thì hai bên mới thiết lập quan hệ ngoại giao (1995). Và lại phải mất thêm hai thập niên nữa, sau khi lập quan hệ ngoại giao, thì bang giao song phương mới bình thường hóa hoàn toàn. Chuyến thăm Washington của lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào tháng Sáu sẽ là giao đoạn cuối cùng trong tiến trình bình thường hóa quan hệ này.

Những lợi ích tương đồng

Nếu như TC là một yếu tố quan trọng vừa ngăn cản vừa thúc đẩy mối quan hệ Mỹ-Việt, thì các lực cản chính kìm hãm Hà Nội và Washington xích lại gần nhau lại là những vấn đề hệ tư tưởng và tâm lý hơn là vấn đề vật chất. Sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, các lợi ích chiến lược của Việt Nam và Hoa Kỳ tương đồng với mối ưu tiên cao nhất của cả hai nước ở trong khu vực, đó là có một môi trường hòa bình và ổn định thúc đẩy phát triển kinh tế. Từng là một thế lực chống đối, Việt Nam nay chuyển sang ủng hộ trật tự khu vực do Mỹ hỗ trợ. Về phần mình, Mỹ từ bỏ ý đồ làm suy yếu và cô lập Việt Nam. Thay vào đó, Mỹ mong muốn  Việt Nam hùng mạnh, phồn thịnh. Tuy nhiên, cả Mỹ và Việt Nam đều cảm nhận bên kia như một mối đe dọa tới bản sắc của riêng mình. Tại Mỹ, ký ức về sự thất bại trong cuộc chiến tranh Việt Nam và việc tự nhận thức mình như là một chiến sĩ bảo vệ quyền tự do đã tạo ra nhiều thế lực chống lại việc thắt chặt quan hệ với Hà Nội. Tại Việt Nam, mong muốn giữ gìn chế độ và sự thống trị của tư tưởng bài Tây phương đã ngăn chặn mọi bước tiến hướng tới quan hệ hữu nghị với Washington.

Các nỗ lực liên tục của cả Hà Nội và Washington đã đóng một vai trò quan trọng làm giảm thiểu các nhận thức bên này là một mối đe dọa đối với bên kia. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, yếu tố quyết định thúc đẩy hai cựu thù trở thành bạn bè, đó là sự xuất hiện mối đe dọa về an ninh đối với cả hai bên. Sự bành trướng trên biển của TC ở Biển Đông đã làm thay đổi các tính toán chiến lược của cả Hà Nội và Washington. Đối mặt với thách thức to lớn đến từ phía TC, Việt Nam và Hoa Kỳ giờ đây đang chuẩn bị giảm bớt các bất đồng về ý thức hệ để tập trung vào những lợi ích chiến lược chung.

Bước đột phá mở cửa hướng tới quan hệ đối tác chặt chẽ giữa Mỹ và Việt Nam không diễn ra một lần mà là theo từng bước. Nó bắt đầu từ chuyến thăm Hà Nội của bà Hillary Clinton hồi tháng 07/2012 và sẽ lên tới đỉnh điểm trong chuyến công du Washington của ông Nguyễn Phú Trọng vào mùa hè năm nay. Tiến trình diễn ra từng bước, nhưng sự thay đổi lại rất to lớn. Cách nay một thập niên, các quan chức tại Hà Nội đã nói với tôi rằng về mặt không chính thức, chính phủ của họ coi TC là đồng minh chiến lược, cho dù về mặt chính thức thì không phải như vậy. Ngày nay, mọi người đều hiểu rằng quan hệ Việt Nam với Hoa Kỳ là quan hệ đối tác toàn diện trên danh nghĩa nhưng về nội dung, đó là quan hệ đối tác chiến lược.

Alexander L.Vuving là giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương ở Honolulu. Đây là quan điểm riêng của tác giả, và không phản ánh quan điểm của Trung Tâm Châu Á – Thái Bình Dương, Bộ  Quốc phòng hay chính phủ Mỹ.