Tin Thế Giới – 16/4/2015
Nhật vượt Trung Quốc trong vai trò chủ nợ của Mỹ
Nhật đã qua mặt Trung Quốc trong tư thế nước nắm giữ nhiều công trái phiếu Mỹ nhất vào tháng Hai vừa qua, theo số liệu bộ Tài chính Mỹ được công bố ngày 15/04/2015.
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, Tokyo vẫn vượt qua Bắc Kinh cho dù cả hai nước đều đã giảm bớt việc giữ công trái Mỹ từ tháng Giêng. Lý do là Trung Quốc đã giảm mạnh hơn Nhật.
Theo số liệu được công bố, đến cuối tháng Hai, Nhật giữ đến 1.224,4 tỷ đô la nợ của Mỹ, trong lúc Trung Quốc, không kể Hồng Kông, nắm giữ 1.223, 7 tỷ.
Đứng hàng thứ 3, nhưng xa phía sau, là các ngân hàng Caribbean với 350,6 tỷ, kế đến là Vương quốc Bỉ nắm giữ 345,3 tỷ.
Theo hãng AFP, chính quyền Mỹ trong vòng 3 năm qua, đã giảm đáng kể việc vay nợ, sau một thời gian vay mượn thẳng tay để có tiền bơm vào nền kinh tế, nhằm chống lại tình trạng gọi là “Đại Suy thoái”.
Hệ quả là thâm hụt ngân sách Mỹ đã giảm theo. Vào năm ngoái 2014, thâm hụt của Mỹ giảm xuống mức 483 tỷ đô la, mức thấp nhất từ 6 năm qua, và lần đầu tiên xuống dưới mức 3% GDP từ năm 2007.
Riêng phần trái phiếu dài hạn bán ra nước ngoài trong tháng Hai chỉ còn khoảng 10,6 tỷ, dưới xa mức tháng Giêng là 67,3 tỷ đô la. – RFI
Tin Hoa Kỳ
Các nhà lập pháp Mỹ cảnh báo: Nga ‘vũ khí hóa thông tin’
Một số các giới chức Tây phương, trong đó có Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về những nỗ lực chưa từng có trước đây của Nga loan tin thất thiệt trên toàn thể khu vực của Liên bang Xô viết cũ và nhiều nơi tại châu Âu. Các chuyên gia tại một uỷ ban quốc hội ở Washington mô tả hoạt động truyền thông rộng rãi của Nga là “vũ khí hóa thông tin.” Thông tín viên Đài VOA Cindy Saine ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật từ trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ.
Mục đích chính của việc loan tin thất thiệt của truyền thông Nga là đánh lạc hướng sự chú ý nhắm vào những gì đang xảy ra tại Ukraine, và những gì xảy ra tại Crimea trước đó.
Đây là thông điệp được bà Elizabeth Wahl người dẫn tin trước đây của Russia Today công bố. Bà Elizabeth Wahl đã từ chức để phản đối vào năm ngoái trong một chương trình truyền hình trực tuyến:
“Đằng sau những ngôn từ cố ý gây sai lạc là những sự kiện chính yếu: Nga đã xâm lăng một quốc gia có chủ quyền và đã nói dối về việc này.”
Tổng thống Nga Vladimir Putin bác bỏ mọi gợi ý cho rằng Nga nói dối. Ông đổ lỗi việc bắn rơi chiếc máy bay của Malaysia tại Ukraine và cuộc giao tranh liên tục tại nước này là do sự can thiệp của NATO và Hoa Kỳ.
Theo dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Uỷ ban Đối Ngoại Hạ viện, ông Putin đã chi tiêu khoảng 600 triệu đô la hàng năm để củng cố quyền hành trong nước và gây chia rẽ những xã hội tại nước ngoài.
“Tuyên truyền của Nga có khả năng làm mất ổn định các nước thành viên NATO và có thể ảnh hưởng đến những cam kết an ninh của chúng ta, nhất là khi chúng ta nhìn vào những gì đang xảy ra tại các quốc gia vùng Baltic.”
Ông Peter Pomerantsev thuộc Viện Legatum nói chiến dịch tuyên truyền nhằm xuyên tạc những thực tế tại Ukraine rất có ý nghĩa theo quan điểm của Nga:
“NATO không thể bị đánh bại trên chiến trường. Phương Tây có một hệ thống xã hội và chính trị vững chắc hơn nhiều – một nền dân chủ dựa trên sự cởi mở và cạnh tranh. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu điện Kremlin có thể qua mặt NATO về mặt quân sự, gây chiến mà không hề chính thức nổ một phát súng nào? Việc gì sẽ xảy ra nếu Nga có thể lợi dụng chính sự cởi mở của dân chủ và các thị trường tự do và nền văn hóa cởi mở và quan trọng hơn cả là tự do thông tin để chống lại chúng ta?”
Một số nhà lập pháp và các chuyên gia tại buổi điều trần kêu gọi Hoa Kỳ phải có thêm biện pháp để chống lại tuyên truyền của Nga. Bà Helle Dale thuộc Quỹ Heritage nói:
“Hoa Kỳ đang tìm cách tăng cường sách lược thông tin để đối phó với việc này. Tuy nhiên sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, chúng ta đã phần lớn tự giải giới trong cuộc cạnh tranh về thông tin để lấy lòng người Nga và những nước láng giềng của Nga tại châu Âu-chúng ta tưởng rằng chúng ta đã thắng chiến tranh ý thức hệ và vì thế không cần tập trung vào thông tin nhiều như chúng ta trước nữa.”
Ông Andre Mendes, quyền giám đốc điều hành của Hội đồng Quản trị Phát thanh, hay BBG – cơ quan giám sát Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, nói một số nỗ lực mới đây của Hội đồng nhắm tăng cường việc tường thuật dành cho những người nói tiếng Nga đã không được chú trọng đến tại cuộc điều trần.
“BBG chia sẻ những quan tâm của uỷ ban về việc gia tăng tuyên truyền của Nga và đang đáp lại bằng một chiến dịch đa truyền thông linh động, sáng tạo và quyết liệt nhắm vào Nga và những người nói tiếng Nga tại Liên bang Xô viết cũ, tại châu Âu cũng như phần còn lại của thế giới.”
Chủ tịch Royce nói ông sẽ đề xuất lại dự luật cải tổ hệ thống truyền thanh truyền hình quốc tế của Hoa Kỳ. Giám đốc sắp xuất nhiệm của Đài VOA David Ensor đã cảnh báo rằng Hiến chương của Đài VOA đảm bảo việc tường thuật công bình, khách quan, và trung thực cần phải được bảo vệ trong mọi cuộc cải tổ. – VOA
Biển Đông: Mỹ nêu khả năng Trung Quốc lập vùng phòng không — Hải quân Mỹ: VN chưa có cách ứng phó hữu hiệu ở Biển Đông
Những lời tố cáo công khai từ phía Hoa Kỳ nhắm vào hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang cấp tốc tiến hành tại Biển Đông càng lúc càng nhiều. Vào hôm qua 15/04/2015, Tư lệnh lực lượng Mỹ ở vùng Thái Bình Dương đã không ngần ngại cho rằng Bắc Kinh đang có những hành vi “hung hăng” tại Biển Đông, với mục tiêu là thiết lập một vùng nhận dạng phòng không, tương tự như Trung Quốc đã làm trên Biển Hoa Đông.
Trong một cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear đã nêu bật các hoạt động cải tạo đất, xây dựng cơ sở của Trung Quốc tại tám nơi được ông gọi là tiền đồn của Bắc Kinh ở cả hai vùng Trường Sa và Hoàng Sa. Tại Trường Sa, đó là những công trình bồi đắp quy mô lớn, còn tại Hoàng Sa là việc nâng cấp các cơ sở có sẵn.
Đô đốc Mỹ đặc biệt quan tâm đến các công trình xây dựng bến tàu cũng như điều được cho là một phi đạo dài trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef). Đối với ông Locklear, các cơ sở đó sẽ cho phép Trung Quốc triển khai nhiều tàu thuyền hơn trong vùng, vì đã có nơi để trú đóng và nhận tiếp tế tại chỗ.
Điều đáng ngại là Trung Quốc hoàn toàn có thể triển khai trên các tiền đồn đó các loại vũ khí như các hệ thống tên lửa hiện đại và radar tầm xa. Đô đốc Locklear kết luận là những nhân tố đó có thể trở thành nền tảng cho việc xây dựng một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Vào cuối năm 2013, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông, gộp luôn cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý. Quyết định của Bắc Kinh đã bị cả Washington lẫn Tokyo cực lực lên án.
Cho đến nay, Trung Quốc luôn luôn phủ nhận mưu toan thành lập vùng phòng không trên Biển Đông, nhưng việc họ ráo riết bồi đắp tạo đảo nhân tạo đã khiến nhiều nước lo ngại.
Mặt khác, các quan chức Hải quân phương Tây và châu Á đã bày tỏ thái độ lo ngại trước nguy cơ Trung Quốc hạn chế quyền tự do lưu thông qua khu vực này, một khi họ hoàn tất công việc bồi đắp và xây dựng cơ sở trên các hòn đảo nhân tạo.
Đô đốc Samuel Locklear nói với các thành viên của Uỷ ban Quân vụ Hạ viện rằng Trung Quốc “không cho thấy sự chậm lại trong tiến độ hiện đại hoá quân đội, nhất là hải quân.”
Ông cho biết chi tiêu quân sự gia tăng với tỉ lệ hai con số mỗi năm trong 5 năm liên tiếp đang giúp cho Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng ở Biển Đông Trung Hoa và Biển Nam Trung Hoa:
“Giờ đây, họ đang thực hiện việc này với những gì mà chúng tôi nhận thấy là những hoạt động lấp biển lấy đất với qui mô khá lớn ở quần đảo Trường Sa và nâng cấp các cơ sở ở quần đảo Hoàng Sa, là hai khu vực ở Biển Đông.”
Người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cho rằng những hoạt động đó giúp cho Trung Quốc có khả năng bố trí, dùng làm căn cứ và tiếp tế cho những tàu bè phi quân đội, như tàu hải giám, trong khu vực này. Ông nói tiếp:
“Trên cơ bản nó cho phép họ phát huy ảnh hưởng trong khu vực hiện giờ là khu vực có tranh chấp. Sự nới rộng diện tích đất đai ở đó rốt cuộc sẽ có thể dẫn tới chỗ bố trí những thứ, như ra đa quân sự tầm xa và những loại phi đạn tối tân, và nó có thể là cơ sở để chấp hành một vùng nhận dạng phòng không trong trường hợp họ muốn thiết lập một vùng như vậy.”
Đô đốc Locklear cũng nói rằng cho tới giờ này, các nước Đông Nam Á, kể cả Việt Nam và Philippines, có rất ít thành quả trong việc hình thành một sự ứng phó hữu hiệu đối với những hành động của Trung Quốc.
Những hình ảnh chụp từ vệ tinh do công ty DigitalGlobe công bố hôm Thứ ba cho thấy hai đảo Phú Lâm và Quang Hoà của quần đảo Hoàng Sa đã được nới rộng một cách đáng kể. Những hình ảnh khác cho thấy những hoạt động xây dựng ồ ạt của Trung Quốc tại ít nhất 7 bãi đá san hô ở Trường Sa mà Việt Nam và Philippines cũng có yêu sách chủ quyền. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết các đảo nhân tạo đó sẽ được dùng cho các mục tiêu dân sự và quân sự.
Cũng tại cuộc điều trần hôm thứ tư, Phó Bộ trưởng Quốc phòng Christine Wormuth cho biết những hoạt động trên biển của Trung Quốc đã tạo ra những sự xích mích đáng kể với các nước láng giềng:
“Chúng tôi đã thúc giục Trung Quốc chứng tỏ sự tự chế và tránh thực hiện thêm những hành động gây phương hại tới sự tin tưởng trong khu vực. Chúng tôi cũng đã tiếp tục hối thúc Trung Quốc làm rõ ý nghĩa của yêu sách mơ hồ của đường chín đoạn như một điểm khởi đầu nhằm giảm thiểu căng thẳng và mang lại một sự minh bạch nhiều hơn cho các quốc gia trong khu vực.”
Tuần trước, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói, “Chúng tôi quan tâm tới vấn đề Trung Quốc không hoàn toàn tuân thủ các chuẩn mực và luật lệ quốc tế và đang dùng kích cỡ và cơ bắp của mình để ép các nước khác vào những vị thế tuân phục.” Mặc dầu vậy, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông nghĩ rằng sự hung hăng trên biển của Trung Quốc có thể được giải quyết thông qua các phương tiện ngoại giao.
Trung Quốc tố cáo Washington thiên vị trong cuộc tranh chấp và can thiệp vào công việc nội bộ của khu vực, kể cả vụ tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản đối với một nhóm đảo ở Biển Đông Trung Hoa, để “hòng cứu vãn ảnh hưởng đang tàn lụi ở Á châu Thái Bình Dương.”
Ông John Blaxand, một chuyên gia quốc phòng của Đại học Quốc gia Australia, cho biết Trung Quốc đang sử dụng những nguồn lực vô cùng to lớn để hỗ trợ cho những yêu sách chủ quyền và đang vẽ lại bản đồ ở Biển Đông:
“Họ đang làm ra những hòn đảo mới, những hòn đảo rất khó lòng trở lại như cũ. Đây là một việc chưa từng có. Khả năng xảy ra xung đột trong số những nước có yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa đang gia tăng, và rõ ràng là tính chất trọng yếu của việc này rất cao. Nhưng, theo cái nhìn của Trung Quốc, bảo vệ các tuyến giao thương và tài nguyên của mình là những quyền lợi quốc gia có tính chất sinh tử.”
Ông Blaxand cho biết Trung Quốc đang theo đuổi tham vọng của mình với quyết tâm rất lớn và chính sách của Mỹ cần phải được điều chỉnh một cách thận trọng. – RFI, VOA