Tin Việt Nam – 15/4/2015
Sau 40 năm, Việt Nam còn mấy phần cộng sản?
Thanh Doan
Việt Nam, cùng với TC và một vài nước nhỏ hơn được biết đến như những thành trì cuối cùng của chủ nghĩa Cộng sản trên thế giới.
Kể từ sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết, chủ nghĩa Cộng sản ở Việt Nam đã phải thay đổi rất nhiều để tồn tại trong hoàn cảnh mới.
Sự quay lưng lại nền kinh tế tập trung bao cấp để hướng tới tư bản thị trường đã đưa một quốc gia nghèo đói lạc hậu chuyển mình thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh bậc nhất thế giới.
Từ nền kinh tế tư bản hóa
Nhiều khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thực sự ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến một đất nước Cộng sản hoàn toàn khác xa với những gì họ tưởng tượng.
Trên những đường phố tấp nập xe cộ là hình ảnh của đồ ăn nhanh, hàng hiệu và đồ điện tử Apple, nhứng biểu tượng của chủ nghĩa tư bản.
Truyền thông thì ngày càng trở nên thực dụng tranh cãi nhau xem cô người mẫu anh diễn viên nào diện áo quần đắt hơn, hoặc đại gia nào giàu hơn trên sàn chứng khoán.
Chủ nghĩa tiêu dùng như đang cuốn tất cả mọi người vào cơn kích động mạnh chưa từng có, để rồi bất chợt nhiều người tự hỏi, Việt Nam còn mấy phần Cộng sản.
Trong một khảo sát của trung tâm nghiên cứu Pew Research đặt tại Washington DC, có đến tận 95% người Việt được khảo sát đặt niềm tin vào sự dẫn dắt của thị trường tự do, cao hơn hẳn các quốc gia tư bản như Mỹ hay Hàn Quốc, hoặc thậm chí là Trung Quốc, đất nước có nhiều tương đồng về kinh tế và chính trị.
Điều này minh chứng rằng không còn mấy người Việt Nam còn tin tưởng vào định hướng xã hội chủ nghĩa.
Triết học Mác Lê Nin giờ đây không còn được dùng như kim chỉ nam cho các nhà hoạch định chính sách.
Nếu ai đó còn nhắc đến học thuyết Mác xít thì có lẽ chỉ là trên những giảng đường thiếu sinh viên, hoặc ngoài quán nước như những câu chuyện cười cợt siêu thực về một thời quá đỗi lãng mạn mà không ai còn muốn kể nữa.
Cho đến các Chính sách an sinh xã hội mất cân bằng
Có một sự hiểu lầm rất lớn của nhiều người phương Tây về Việt Nam, một trong những nước xã hội chủ nghĩa cuối cùng, đó là các nước XHCN hướng trọng tâm lớn vào các Chính sách an sinh như giáo dục, y tế, hưu trí và thất nghiệp.
Đây là nền tảng cơ bản của CNXH để giải thích cho tính chính danh của Đảng Cộng sản.
Nhưng cuộc đình công lớn gần đây ở khu công nghiệp ngoại ô Sài Gòn như một cú tát phủ nhận tất cả. Người lao động đứng trước nguy cơ mất trắng tiền trợ cấp khi quỹ Bảo hiểm có nguy cơ tan vỡ.
Cần phải nhấn mạnh là đây là số tiền do các doanh nghiệp có trách nhiệm đóng góp cho người lao động, hay nói cách khác là được trích ra từ lương làm công của chính họ, không phải là từ tiền thuế do Nhà nước trợ cấp.
Bản thân các Tổ chức Công đoàn, với được đặc cấp cho quyền lực lớn trong chế độ XHCN với vai trò bảo vệ người lao động, thì nay gần như trở thành một hình thức vô tích sự mà thực chất là bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp hơn là người lao động.
Có nhiều nghi ngờ rằng Công đoàn trong các Khu chế xuất còn tiếp tay cho lực lượng an ninh trấn áp các cuộc đình công tự phát.
Điều này hoàn toàn trái ngược với vai trò của Công đoàn ở các quốc gia tư bản phát triển.
Cần phải hiểu theo đúng nghĩa, không có đất nước nào là tuyệt đối “tư bản” hay “XHCN”.
Những quốc gia tư bản phát triển Tây Âu thực tế chịu ảnh
hưởng lớn từ phe cánh tả, vốn luôn trọng tâm vào các chính sách ngăn chặn bất bình đẳng để hướng tới xã hội nhân văn hơn.
Ví dụ như ở Đức, tất cả mọi người được đảm bảo được tận hưởng một nền giáo dục miễn phí cho tới tận Đại học.
Nhà nước cũng cung cấp y tế miễn phí cho tất cả người dân với yêu cầu là tất cả mọt người phải có bảo hiểm.
Bảo hiểm y tế được chi trả dựa vào mức thu nhập, nghĩa là người thu nhập thấp đóng ít hơn người có thu nhập cao và phù hợp với khả năng chi trả của mình.
Người già được hưởng lương hưu, người thất nghiệp cũng được hưởng trợ cấp, không nhiều nhưng đủ chi tiêu cho những nhu cầu cơ bản
Trong trường hợp của Việt Nam, chi phí cho giáo dục và y tế là gánh nặng thường trực cho nhiều hộ gia đình.
Cấp tiểu học là cấp học duy nhất Nhà nước chia sẻ một nửa học phí, nửa còn lại phụ huynh phải tự đóng.
Các chi phí phát sinh trên thực tế như phí xây dựng, vệ sinh, thậm chí quà bánh cho giáo viên còn lớn hơn rất nhiều.
Nếu cộng tất cả những chi phí này lại, các hộ gia đình Việt Nam chắc hẳn chi cho giáo dục trên thu nhập đầu người nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Chi phí y tế cũng thực sự là một gánh nặng vô cùng lớn ở Việt Nam. Theo một thống kê trên báo nhân dân, tỷ lệ chi từ tiền túi bệnh nhân ở Việt Nam là 50%, quá cao so với 13.1% ở Thái Lan, 35% ở Malaysia hay 20% mức trung bình chung của thế giới.
Cũng như giáo dục, khi đến bệnh viện người bệnh ngoài viện phí còn phải chi nhiều khoản khác mà tựu chung là “phong bì”.
Song hành với viện phí là giá thuốc cũng cao bậc nhất khu vực.
Các khoản phí này tác động mạnh nhất lên nhóm có thu nhập dưới đáy. Có tới gần 60% số hộ gia đình nghèo mắc nợ do chi phí khám chữa bệnh và 67% phải vay mượn tiền để chi trả điều trị nội trú.
So sánh với Cuba, đất nước còn ở giai đoạn “Cộng sản thuần khiết”, dù thu nhập đầu người thấp hơn nhưng hệ thống y tế ở đây hoàn toàn miễn phí đối với tất cả các thành phần xã hội.
Thành tựu y tế của Cuba đáng nể đến mức nhiều quốc gia phát triển hơn cũng phải ngưỡng mộ.
Chi tiêu Công thiếu minh bạch
Việt Nam sử dụng tới 20% ngân sách cho giáo dục, cao hàng đầu thế giới. Dù chi tiêu nhiều nhưng tiến bộ của ngành giáo dục không mấy khả quan.
Điều này là không đáng ngạc nhiên khi nhìn vào công cuộc cải cách giáo dục càng chi càng trì trệ.
Năm 2014, Bộ GDDT trình lên đề án đổi mới sách giáo khoa sau năm 2015 dự toàn hơn 34000 tỷ đồng. Gần 1.5 tỷ USD chỉ để thay sách khiến dư luận không khỏi kinh ngạc.
Chắc hẳn người được lợi nhiều nhất không phải là học sinh sinh viên, nhân tố trung tâm của ngành giáo dục.
Các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở Việt Nam được dự báo là sẽ vỡ từ nhiều năm trước.
Đây là hệ quả trực tiếp từ việc sử dụng nguồn vốn từ thuế và đóng góp của người lao động để đầu tư thiếu minh bạch.
Những cuộc đình công lớn gần đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh khi nguy cơ các quỹ này mất khả năng chi trả càng lúc càng lớn.
Dù Chính phủ đã có phương án xoa dịu bằng việc đảm bảo người lao động sẽ được nhận đủ tiền, vấn đề là tính khả thi như thế nào khi nợ công càng lúc càng lớn.
Một Việt Nam thị trường chủ nghĩa
Việt Nam có lẽ là nước duy nhất trên thế giới trực tiếp công khai “Xã hội Chủ nghĩa” trên Quốc hiệu, nhưng là quốc gia có rất ít chính sách để đảm bảo bình đẳng xã hội.
Thực tế, ranh giới giàu nghèo và quyền lợi tầng lớp trên và dưới được hưởng đang ngày càng phân cấp dữ dội.
Một trong những di sản lớn nhất mà Chủ nghĩa Cộng sản để lại là các Tổng công ty, Tập đoàn Nhà nước vốn có đặc ân đặc biệt để tiếp cận các nguồn tài nguyên của quốc gia, hoặc ưu tiên về Pháp luật.
Những Tổng công ty, tập đoàn này về nguyên tắc phải sử dụng những đặc ân này làm động lực cho kinh tế đất nước, nhưng trên thực tế đang tạo lực cản phát triển.
Tôi còn nhớ những năm 90 khi đất nước mới mở của, mọi người còn hỏi nhau “hàng Nhà nước hay gia công”, ý nói hàng hóa do Nhà nước sản xuất luôn được ưu tiên hơn tư nhân.
Bây giờ thì hoàn toàn khác, nhiều tập đoàn nhà nước do quản lý kém và tham nhũng tràn lan làm xói mòn niềm tin của dân chúng vào nỗ lực dẫn dắt của Chính phủ.
Những vấn đề này thách thức trực tiếp vào tính chính đáng của giới lãnh đạo, cũng như đặt một dấu hỏi lớn lên đường lối XHCN mà Chính phủ Việt Nam vẫn một mực cho là “đúng đắn”.
Việt Nam của ngày hôm nay chắc chắc không còn là một Việt Nam Cộng sản của những năm tháng mới giải phóng.
Thời gian này có trào lưu nhiều quán cà phê mới mở chọn phong cách như thời bao cấp.
Có lẽ đâu đó còn có ít nhiều nuối tiếc về những ngày tháng thiếu thốn nhưng công bằng, nhưng chắc hẳn không ai còn muốn quay lại nữa.
Bài của Thanh Doan được gửi tới BBC sau khi BBC mời độc giả tham gia viết bài vở, đóng góp tư liệu, chia sẻ thông tin, cảm nghĩ về sự kiện 30/04/1975. Cho đến ngày 15/04 riêng bài này đã đến được trên 155 nghìn bạn đọc trên Facebook.
Người dân chặn đường phản đối ô nhiễm
Bắt đầu từ 4 giờ chiều ngày hôm qua 14 tháng 4 năm 2015 hàng ngàn người dân thuộc xã Vĩnh Tân huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận đã đổ ra quốc lộ 1A chặn xe lưu thông trên đoạn đường này nhằm buộc chính quyền phải chú ý giải quyết cho sự bức xúc của họ.
Nguyên nhân gây ra cuộc chặn xe do nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 liên tục gây ô nhiễm không khí qua việc chất thải của nhà máy bay tứ tán vào khu vực sinh sống của người dân. Bụi xỉ do than thải ra gặp gió bao trùm toàn bộ xã Vĩnh Tân khiến người dân lo sợ bị nhiểm độc vì bụi xỉ.
Cho tới trưa hôm nay 15 tháng 4, mặc dù chính quyền Huyện Tuy Phong đã ra tận đám đông nhưng vẫn không thuyết phục được họ. Đoàn xe bị kẹt kéo dài từ Thị trấn Liên Hương đến Ngã ba Phan Rí Cửa hơn 20 cây số khiến tình hình trở nên ngày một căng thẳng hơn. Một người dân cho Ban Việt Ngữ chúng tôi những thông tin về vấn đề này:
-Người ta chặn xe do hệ thống lọc bụi lọc khí của nhà máy Vĩnh Tân thải bụi ra mỗi ngày nó đổ ra từng đống như đống sắt (bụi xỉ) rồi gặp gió bay tới người dân làm cho người dân bức xúc họ ra ngoài chỗ khu Ngã ba đường lớn người ta tập trung làm cho ùn xe từ tối hôm qua tới giờ này vẫn còn. Người ta tập trung để gây sự chú ý tình trạng bụi ô nhiểm để chính quyền giải quyết cho người ta.
Ai biết chính quyền địa phương người ta giải quyết ra sao, tại vì dạng như là người ta bức xúc quá người ta tự phát làm như vậy. Từ sáng xe kẹt dài cả hai chục cây số ở xã Vình Tân huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận.
Tin cuối ngày cho biết người dân kéo nhau vào nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 để đòi nhà máy đóng cửa vì việc ô nhiễm đã kéo dài quá lâu và tuy bị phạt nhiều lần nhưng nhà máy vẫn tiếp tục thải khí bẩn không qua xử lý.
Vảo lúc 6 giờ chiều hôm nay ban chúng tôi có thêm tin từ xã Vĩnh Tân cho biết:
-Bây giờ thì xe vẫn kéo dài hàng chục cây số. Xe chạy không được mà người trên xe cũng không làm gì được. Có một khúc người dân họ biểu tình, cảnh sát đến nhưng cũng không giải quyết được. Nói chung bây giờ tình hình không ai có thể biết được sẽ xảy ra chuyện gì nữa.
Cũng liên quan đến vụ người dân xã Vĩnh Tân huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận chặn Quốc lộ 1 A ngang qua địa phương như một hình thức biểu tình, phản đối nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm.
Theo báo Điện tử Chính phủ bản tin trên mạng ngày 15/4/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương thực hiện các biện pháp, bảo đảm đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng và vận hành các nhà máy nhiệt điện trong Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân; không để bụi than, xỉ ảnh hưởng đến khu vực dân cư. – RFA
Phú Yên: Kết thúc vụ xử công an gây chết người – Vụ công an đánh chết dân: Án không đủ sức răn đe?
Tòa án tỉnh Phú Yên hôm 15/4 tuyên án treo đối với Phó Công an TP Tuy Hòa và tăng án với 4 bị cáo còn lại trong vụ công an dùng nhục hình gây chết người.
Luật sư bảo vệ cho gia đình bên bị hại nói với BBC bản án “vẫn còn quá nhẹ” và “tiếp tục bỏ lọt người lọt tội”
Các bị cáo đã “tỏ ra vui mừng” sau khi nghe tuyên án, trong lúc gia đình bên bị hại đã phản ứng giận dữ, Luật sư Võ An Đôn cho biết.
Theo đó, Lê Đức Hoàn, thượng tá, nguyên Phó Công TP Tuy Hòa, bị 9 tháng tù cho hưởng án treo về tội ‘Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin.
Hoàn từng xuất hiện trong các phiên tòa hồi năm ngoái trong vai trò nhân chứng và chỉ mới bị bổ sung vào danh sách bị cáo trong lần tái thẩm này.
Pháp Luật TP.HCM dẫn bản án được đọc tại tòa cho biết Hoàn đã được giao nhiệm vụ làm trưởng ban chuyên án nhưng không kiểm tra sâu sát để cấp dưới dùng nhục hình dẫn đến chết người.
Tuy nhiên, bị cáo này được giảm nhẹ hình phạt do “là người có nhiều năm công tác, có nhiều thành tích trong công tác”, theo bản án.
Bốn trong số năm bị cáo là cựu sỹ quan công an cùng bị truy tố tội ‘Dùng nhục hình’ bị tăng án:
Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy công an TP Tuy Hòa) 8 năm tù, cao hơn so với mức án 5 năm tù tại tòa sơ thẩm hồi tháng Ba năm ngoái.
Bị cáo Phạm Ngọc Mẫn (nguyên thượng úy công an TP Tuy Hòa) 2 năm 3 tháng tù, tăng lên từ mức án 18 tháng tù hồi năm ngoái.
Bị cáo Nguyễn Minh Quyền (nguyên thiếu tá công an tỉnh Phú Yên) 2 năm 6 tháng tù, cao hơn mức án 2 năm tù hồi năm ngoái.
Bị cáo Nguyễn Tấn Quang (nguyên thiếu tá công an TP Tuy Hòa) 2 năm tù, tăng lên từ mức án 15 tháng tù hồi năm ngoái.
Bị cáo Đỗ Như Huy, nguyên trung úy công TP Tuy Hòa, giữ nguyên mức án 1 năm tù cho hưởng án treo.
Trước đó, báo Thanh Niên dẫn cáo trạng được đọc tại tòa hôm 7/4 cho biết ngày 13/5 năm 2012, năm bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành, Phạm Ngọc Mẫn, Nguyễn Tấn Quang, Đỗ Như Huy, Nguyễn Minh Quyền đã bắt giữ ông Ngô Thanh Kiều vì nghi ngờ trộm cắp.
“Do bức xúc trước thái độ khai báo của Kiều, các bị cáo đã có hành vi khóa tay, dùng gậy cao su đánh, không cho Kiều ăn dẫn đến hậu quả Ngô Thanh Kiều tử vong”, cáo trạng cho biết.
“Hành vi của các bị cáo trên đủ yếu tố cấu thành tội ‘Dùng nhục hình’, Điều 298 Bộ luật hình sự.”
Phiên tòa sơ thẩm hồi năm ngoái đã gây phẫn nộ cho dư luận trong nước sau khi đưa ra mức án chỉ từ 1 năm án treo đến 5 năm tù cho các bị cáo.
Kết quả phiên xét xử này đã bị tòa phúc thẩm hủy bỏ sau đó.
‘Truy không đúng tội’
Trả lời BBC sau phiên tòa chiều ngày 15/4, Luật sư Võ An Đôn nói “bản án ngày hôm nay vẫn còn quá nhẹ”.
“Bản án tiếp tục bỏ lọt người lọt tội”, ông nói.
“Các bị cáo đánh ông Ngô Thanh Kiều gây ra 72 vết thương, trong đó 12 vết thương trên đầu, nội tạng bị đánh dập hết. lẽ ra phải truy tố tội giết người”.
“Theo đúng Nghị quyết 04 năm 1986 hành vi dùng nhục hình gây chết người phải xử theo tội giết người”
“Bên cạnh đó, ông Kiều cũng là công dân thường, không phải bị can hay bị cáo, và vì vậy tội bắt người trái pháp luật cũng bị bỏ lọt”.
“Ông Hoàn là chủ mưu và chỉ đạo bắt người trái pháp luật. Bản án của ông này cũng quá nhẹ.”
“Các bị cáo đã tỏ ra vui mừng sau khi nghe tuyên án”, ông Đôn nói.
“Trong khi đó, cha mẹ của ông Kiều bật khóc, còn chị của ông Kiều thì la hét phản đối”.
Ông Đôn cho biết “sắp tới nếu gia đình bị hại nhờ tôi kháng cáo thì tôi sẽ giúp tới cùng.”
“Dù có phải đối mặt với đe dọa thường xuyên thì tôi không sợ, vì tôi đang đấu tranh bảo vệ cho công lý”.
Tòa án đã bác đề nghị chuyển tội danh từ Dùng nhục hình sang Giết người của ông Võ An Đôn, luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình ông Kiều.
Sau phiên tòa, luật sư Đôn nói với VOA Việt Ngữ rằng bản án “quá nhẹ và bỏ lọt nhiều tội”.
Ông nói: “Các bị cáo dùng dùi cui, thay nhau đánh từ 8 giờ sáng tới 2 giờ chiều, đánh chết anh Kiều, với 72 vết thương, trong đó có 12 vết thương ở phần đầu, và toàn bộ nội tạng bị đánh dập nát hết. Hành vi này đã cấu thành tội giết người, nhưng mà xử tội dùng nhục hình là không đúng. Sau khi tòa tuyên án, thấy mức án quá thấp, chị Tuyết, chị anh Ngô Thanh Kiều, đã la lên và làm cho hội đồng náo loạn”.
Luật sư đại diện cho gia đình nạn nhân cho biết, an ninh tại phiên tòa đã được tăng cường rất “nghiêm ngặt” vì “sợ người dân, người dự phiên tòa phẫn nộ vì mức án nhẹ”.
Ông cũng nói “chưa biết được ý của gia đình người bị hại như thế nào” vì “họ đang có xích mích”.
“Nhưng mà nếu có kháng cáo thì tôi sẽ giúp tới cùng,” ông Đôn nói.
Ông Đôn là người đã tình nguyện tham gia bào chữa miễn phí cho gia đình ông Kiều vì muốn làm sáng tỏ vụ việc mà theo ông còn nhiều khuất tất.
‘Tác dụng ngược’
5 công an thành phố Tuy Hòa năm ngoái tuyên phạt các mức án từ một năm tù treo đến 5 năm tù giam vì đã dùng nhục hình dẫn tới cái chết của ông Kiều cách đây 3 năm.
Ông Kiều bị giải về đồn lúc 3 giờ sáng năm 2012 dù không có lệnh bắt vì bị nghi tham gia vào một vụ trộm cắp. 14 giờ đồng hồ sau đó, gia đình ông đã được yêu cầu tới bệnh viện nhận thi thể thân nhân với nhiều vết thương trên người.
Sau khi gây ra nhiều phản ứng trong dư luận, bản án này sau đó bị hủy để điều tra lại, và ông Hoàn đã bị khởi tố bị can về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong phiên xử mới nhất, tòa cho rằng “mức án với từng bị cáo đã đủ sức răn đe, giáo dục”. Tuy nhiên, luật sư Đôn không nghĩ vậy.
Ông nói với VOA Việt Ngữ: “Mức án nhẹ như thế không đủ sức để răn đe tội dùng nhục hình bởi vì thấy mức án nhẹ thì người ta tiếp tục đánh thôi, người ta không sợ. Nó có tác dụng ngược. Nếu mà nhà nước muốn tình trạng bạo hành giảm trong ngành công an, đặc biệt là việc dùng nhục hình đối với người bị cầm giữ, bị can, bị cáo, thì phải xử nghiêm”.
Luật sư này nói thêm: “Còn nếu xử không nghiêm, xử nhẹ, thì người ta không có sợ. Tình trạng dùng nhục hình ở Việt Nam rất là phổ biến, và chuyện chết trong nhà tạm giữ, tạm giam là hậu quả của dùng nhục hình, và số lượng thì cũng nhiều. Trình độ thấp nên người ta phải dùng nhục hình, đánh đập để lấy lời khai. Việc đó xảy ra tràn lan, gây nhức nhối trong xã hội”.
Thời gian qua, báo chí trong nước đã đăng tải nhiều vụ việc công an sử dụng “nhục hình” để lấy cung. Mới nhất, đầu tháng này, cơ quan điều tra VKSND Tối cao vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án 2 nguyên cán bộ Công an tỉnh Sóc Trăng dùng nhục hình.
Theo kết luận, những người vừa kể đã “dùng nhục hình với nhiều người, ép buộc những người không phạm tội phải khai nhận đã có hành vi phạm tội giết người là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
Báo cáo của Bộ Công an công bố tháng trước cho thấy, từ ngày 10/1/2011 tới ngày 30/9/2014, có 226 đối tượng chết trong nhà tạm giữ, trại tạm giam.
Theo báo chí trong nước, trong khoảng thời gian đó, cơ quan điều tra các cấp đã tiếp nhận và giải quyết 46 đơn tố cáo điều tra viên và cán bộ điều tra có hành vi bức cung, dùng nhục hình, và có 40 cán bộ điều tra bị khởi tố vì hành vi này. – Theo BBC, VOA