Tin Thế Giới – 15/4/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 15/4/2015

Biển Đông: Mỹ lên kế hoạch đưa thiết bị hiện đại đến Philippines – TC chi hàng tỉ đôla để mở rộng Đá Chữ Thập

Vào lúc Bắc Kinh tăng tốc bồi đắp đảo nhân tạo tại Biển Đông, Philippines đã cầu cứu Mỹ và chính quyền Washington đã có dấu hiệu đáp ứng. Theo Ngoại trưởng Philippines vào hôm nay, 15/04/2015, Washington đang xem xét việc cung cấp cho Manila các loại “thiết bị tiên tiến” để đối phó với sức ép từ TC trên vấn đề Biển Đông.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho một đài truyền hình Philippines, Ngoại trưởng nước này Albert del Rosario cho biết là chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã xác nhận việc Hoa Kỳ có kế hoạch nói trên để giúp đồng minh, điều mà Manila hết sức hoan nghênh.

“Theo tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter, Hoa Kỳ đang xem xét việc triển khai tại Philippines nhiều loại thiết bị tiên tiến – không quân, hải quân, thiết bị giám sát biển – và kế hoạch này vừa mới được Bộ trưởng Carter phác họa gần đây.”

Ngoại trưởng Philippines còn cho rằng lực lượng Mỹ tại Philippines cũng sẽ được tăng cường vì cần phải có người để vận hành các loại thiết bị tối tân đó, cho dù quy mô sự hiện diện của Mỹ chưa rõ.

Đối với ông Del Rosario, đây là lần đầu tiên mà phía Philippines được nghe nói về kế hoạch của Mỹ, mới chỉ được tiết lộ “cách nay vài ngày”. Do việc đây là một kế hoạch do phía Mỹ chủ động, Manila sẽ tìm hiểu thêm chi tiết.

Theo Ngoại trưởng Philippines, ông sẽ công du nước Mỹ trong hai tuần lễ tới đây, với trọng tâm là “Thảo luận về Biển Tây Philippines (tên Philippines gọi Biển Đông) và vấn đề cải tạo đất (do Trung Quốc tiến hành)”. Ông Del Rosario cho biết là dĩ nhiên ông sẽ phải tiếp xúc với các nghị sĩ Mỹ vì họ “là người nắm hầu bao về việc chi viện cho Philippines”.

Cho dù cần đến sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, sự hiện diện của lính Mỹ tại Philippines vẫn là một vấn đề gây tranh cãi tại nước này.

Thượng viện Philippines đã quyết định đóng cửa tất cả các căn cứ Mỹ tại Philippines vào năm 1991, nhưng 7 năm sau đã phải phê chuẩn Hiệp định cho phép quân đội Mỹ tiến hành tập trận thường xuyên ở Philippines. Mới đây, vào năm 2014, Washington và Manila đã ký Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) mở rộng quyền cho quân đội Mỹ tiếp cận các cơ sở quân sự của Philippines.

Về phía TC, theo báo chí Đài Loan, TC chi ra đến hơn khoảng 11,5 tỉ đôla cho các công trình mở rộng Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.

Trang mạng WantChinaTimes hôm nay, 15/05/2015, cho biết là từ hơn gần một năm qua, Bắc Kinh đã nỗ lực tiến hành các công trình cải tạo, bồi đắp trên 7 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, mà TC đang tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng, đặc biệt là với CSVN và Philippines.

Chỉ riêng việc mở rộng Đá Chữ Thập (Fierry Cross Reef) thành “đảo” lớn nhất của Trường Sa đã tiêu tốn một khoản tiền được thẩm định là hơn 73 tỉ nhân dân tệ (11,5 tỉ đôla), chưa tính đến các tòa nhà và các thiết bị cố định khác xây trên bãi đá này.

Ngoài Đá Chữ Thập, TC còn đang bồi đắp 6 bãi đá khác của Trường Sa: Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), Đá Gạc Ma (Johnson Souht Reef), Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef), Đá Vành Khăn (Mischief Reef), Cụm đá Gaven (Gaven Reef), Đá Xu Bi (Subi Reef). – Theo RFI

TC thông qua 57 thành viên sáng lập AIIB

Con số 57 nước thành viên sáng lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do TC lãnh đạo đã được thông qua nhưng không có Đài Loan dù đảo quốc nộp đơn xin gia nhập.

Con số mới nhất các nước tham gia dự án tài chính đầy tham vọng này của TC có Thuỵ Điển, Israel, Ba Lan và Nam Phi, theo thông báo của Bộ Tài chính TC hôm 15/7.

Các nước thành viên sáng lập có nhiều quyền hơn những nước vào sau vì có thể bàn thảo lập ra quy chế hoạt động của AIIB.

Hoa Kỳ đã không thuyết phục được một số đồng minh chủ chốt như Anh Quốc và Úc không tham gia AIIB.

Như thế, Hoa Kỳ và Nhật Bản chính thức không tham gia nhóm thành viên sáng lập.

Đơn của Đài Loan bị bác bỏ vì lý do tên gọi nước này nhưng phía TC có thể xem xét cho đảo quốc gia nhập về sau với tư cách thành viên bình thường.

Tham vọng của AIIB là lập ra một trật tự tài chính quốc tế mới, tách khỏi cơ chế lâu nay lập ra tại Bretton Woods sau Thế Chiến 2 với sự vận hành qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.

Tại châu Á, AIIB cũng có thể thách thức Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) vốn do Nhật Bản tác động nhiều.

Cho đến nay, các nước đã có tư cách thành viên sáng lập gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Kazakhstan, Ả Rập Saudi, Jordan, Kuwait, Oman, Qatar, Brunei, Azerbaijan, Bangladesh, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines, Việt Nam, Mông Cổ, Uzbekistan, Nepal, Sri Lanka, Bangladesh, Pakistan, Maldives, New Zealand, Jordan, Tajikistan, Luxembourg, Phần Lan, Thụy Sỹ, Anh, Úc, Áo, Brazil, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Thuỵ Điển, Israel, Ba Lan, Nam Phi, Tây Ban Nha và một số nước khác.

Canada cho hay vẫn tiếp tục xem xét ý tưởng tham gia hay không AIIB. – Theo BBC

Tin Hoa Kỳ – Ủy ban Thượng viện Mỹ thông qua dự luật về thỏa thuận hạt nhân với Iran

Một ủy ban của Thượng viện Hoa Kỳ vừa nhất trí thông qua một dự luật lưỡng đảng để quy định bất cứ thỏa thuận hạt nhân nào với Iran đều phải trình cho quốc hội xem xét và có thể biểu quyết thông qua hay bác bỏ. Thông tín viên Michael Bowman của đài VOA tường trình từ trụ sở Quốc hội, nơi các nhà lập pháp của hai đảng nói rằng Quốc hội phải có tiếng nói trong thỏa thuận ký kết với Tehran, điều mà Tòa Bạch Ốc nay cảm thấy là không thể tránh được và phải chấp thuận một cách miễn cưỡng.

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện biểu quyết với tỉ lệ tuyệt đối (19-0), thông qua một dự luật sẽ để cho Quốc hội 30 ngày để xem xét và biểu quyết về một thỏa thuận hạt nhân với Iran, nếu và một khi thỏa thuận chung cuộc đạt được. Không có lệnh chế tài Iran nào do Quốc hội ban hành sẽ được miễn áp dụng trong khoảng thời gian đó.

Trong một sự nhượng bộ của một số nhà lập pháp Dân chủ, dự luật bỏ qua các điều kiện của những vấn đề phụ, chẳng hạn như việc Iran ủng hộ các tổ chức khủng bố và vấn đề quyền tồn tại của Israel. Tuy nhiên dự luật bao gồm quy định về việc tham khảo thường xuyên và bắt buộc giữa bên hành pháp và lập pháp về sự tuân thủ thỏa thuận của Iran, và cho phép các lệnh chế tài được nhanh chóng áp dụng trở lại nếu phát hiện vi phạm.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Bob Corker, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói:

“Các lệnh chế tài do Thượng viện và Hạ viện ban hành không thể được dỡ bỏ nếu bên hành pháp không đưa đến cho chúng tôi mọi chi tiết của thỏa thuận, đến khi đó thì quy trình mới bắt đầu khởi động. Quốc hội luôn can dự, và cứ mỗi 90 ngày thì chính quyền phải chứng minh việc đó một lần, bằng bất cứ cách nào, là Iran tuân hành thoả thuận.”

Ông Corker thương lượng các điều kiện chung cuộc của dự luật với Thượng nghị sĩ Ben Cardin, người đứng đầu phe Dân chủ trong uỷ ban này. Ông Cardin phát biểu như sau:

“Chúng tôi can dự vào thỏa thuận này. Chúng tôi phải can dự vào thỏa thuận. Chỉ Quốc hội mới có quyền bãi bỏ hẳn hoặc sửa đối các lệnh chế tài, mà đó thực sự là những điều kiện mà tổng thống đang đàm phán.”

Ủy ban đã biểu quyết dự luật này vài giờ sau khi các thượng nghị sĩ họp riêng với Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry và các giới chức cấp cao khác. Những viên chức này kêu gọi Quốc hội giải tỏa bớt các ràng buộc khắc khe. Nhưng ngay cả các đảng viên Dân chủ trung thành với Tòa Bạch Ốc, chẳng hạn Thượng nghị sĩ Debbie Stabenow, cũng nói rằng Quốc hội không thể im lặng về thỏa thuận hạt nhân với Iran.

“Theo tôi, chúng tôi phải có tiếng nói bằng một cách nào đó.”

Thông điệp này hình như đã được cơ quan hành pháp thấu hiểu. Tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Josh Earnest của Tòa Bạch Ốc nói rằng Tổng thống Obama sẽ phán đoán khi một dự luật được thông qua, nhưng ông nói thêm:

“Điều mà chúng tôi nêu rõ với các thượng nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện là tổng thống sẵn lòng ký thỏa thuận được đề nghị và được ủy ban thông qua ngày hôm nay.”

Dự luật sắp được đưa ra cho cả Thượng viện biểu quyết. Có nhiều phần chắc dự luật sẽ được thông qua ở Thượng viện và Hạ viện.

Quốc hội đang khẳng định vai trò của họ trong lúc các cuộc thương lượng quốc tế với Iran sẽ được đúc kết vào tháng 6. Thượng nghị sĩ Corker lập luận rằng dự luật của ông sẽ tăng cường cho tư thế đàm phán của Mỹ trong cuộc thương lượng. Một số nhà lập pháp khác lo ngại rằng diễn biến này có thể tạo cho Iran một cái cớ để rút khỏi cuộc đàm phán. – VOA

Cuba hoan nghênh Mỹ bỏ tên nước này ra khỏi danh sách tài trợ khủng bố

Cuba hoan nghênh quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama bỏ tên đảo quốc vùng Caribbean này ra khỏi danh sách mà Washington liệt kê các nước tài trợ khủng bố.

Josefina Vidal, trưởng ngoại giao của Cuba về các vấn đề với Hoa Kỳ, ra thông cáo hôm qua hoan nghênh ‘quyết định công bằng của Tổng thống Obama bỏ Cuba ra khỏi danh sách mà lẽ ra đã không nên liệt tên Cuba vào đó.’

Trước đó trong ngày, ông Obama thông báo với Quốc hội quyết định của ông sau khi Bộ Ngoại giao xem xét và kết luận rằng Cuba ‘chưa từng cung cấp sự hỗ trợ nào cho chủ nghĩa khủng bố quốc tế’ trong 6 tháng qua và đã bảo đảm với Mỹ rằng sẽ không có ý định như thế trong tương lai.

Quốc hội có 45 ngày để bác bỏ quyết định của Tổng thống bằng một nghị quyết chung mà Tổng thống chắc chắn sẽ phủ quyết động thái này.

Hoa Kỳ lần đầu tiên đặt Cuba vào danh sách các nước tài trợ khủng bố vào năm 1982 vì đảo quốc cộng sản này hỗ trợ các nhóm ly khai cánh tả như FARC ở Colombia và nhóm võ trang ETA ở Tây Ban Nha. Tuy nhiên, Cuba hiện nay đang bảo trợ các cuộc hòa đàm giữa FARC và chính phủ Colombia, cũng như tránh dính líu tới nhóm ETA. – Theo VOA