Một bằng chứng về sự tiêu vong chắc chắn của Đảng cộng sản
Nguyễn Văn Huy – Theo Thông Luận – 15/04/2015
…những giá trị đạo đức là những giá trị tiên khởi không thể định nghĩa bằng ngôn ngữ thông thường và, do đó, không thể học tập để có, chúng chỉ có chuyển giao bằng cách làm gương. Nhưng còn có cấp lãnh đạo nào có thể làm gương?
Tạp Chí Cộng Sản, số ra ngày 06/4/2015, đăng bài “Xây dựng Đảng về văn hóa”. Tác giả là ông Vũ Ngọc Hoàng được gới thiệu là tiến sĩ, ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng, phó trưởng ban thường trực Ban tuyên giáo trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, nghĩa là người điều hành trên thực tế bộ máy tuyên truyền và giáo dục, đào tạo của chế độ. Trưởng ban tuyên giáo trung ương là ông Đinh Thế Huynh, một ủy viên bộ chính trị và ban bí thư và nhiều cơ quan đảng khác.
Bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng mà chúng tôi đăng lại nguyên văn dưới đây đặc biệt quan trọng. Không phải do phẩm chất của nó (mà độc giả có thể đánh giá dễ dàng, thí dụ như khi ông nói con người là chủ nhân của vũ trụ !) mà là do điều nó tiết lộ một cách gián tiếp nhưng hùng hồn. Đó là Đảng cộng sản Việt Nam sẽ tiêu vong chắc chắn và trong một ngày rất gần.
Trước hết là sự hiểu biết của người có vai trò giữ gìn trí tuệ và linh hồn của Đảng về vấn đề mà chính ông đưa ra.
Ông Vũ Ngọc Hoàng nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa đối với sự sống còn của Đảng, nhưng ông tỏ ra chưa nắm vững khái niệm văn hóa. Ông viết “Văn hóa là những giá trị chân, thiện, mỹ do con người sáng tạo, gìn giữ, lưu truyền, bồi đắp, phát huy nhằm hoàn thiện nhân cách”. Đó là đạo đức chứ không phải là văn hóa. Có rất nhiều cách định nghĩa văn hóa nhưng khi nói về “xây dựng Đảng về văn hóa”, như tiêu đề bài viết, thì chắc chắn văn hóa ở đây phải được hiểu theo nghĩa chính trị và xã hội, và nếu hiểu như vậy thì văn hóa đã có một định nghĩa rõ rệt rất khác với định nghĩa của ông Vũ Ngọc Hoàng.
Đối với mỗi cá nhân, văn hóa là toàn bộ những ý niệm và giá trị mà chúng ta đã được giáo dục để coi là đúng và do đó quyết định cách suy nghĩ, hành động và ứng xử của chúng ta. Văn hóa của một tập thể là toàn bộ những nhận thức và giá trị đã tạo ra cho tập thể đó một cách suy nghĩ và hành động, một cách tiếp cận và ứng xử đối với môi trường chung quanh. Những giá trị đó không nhất thiết phải là “chân, thiện mỹ” mà chỉ là điều mà con người đã được đào tạo, thậm chí được nhồi sọ, để chấp nhận và lấy làm phương cách hành động. Cứ lấy một thí dụ mà những người cộng sản hiểu rất rõ. Căm thù và bạo lực chẳng bao giờ là những giá trị đạo đức cả, nhưng “căm thù giai cấp” và “bạo lực cách mạng” đã là những giá trị nền tảng của văn hóa cộng sản.
Văn hóa cộng sản, được triệt để thể hiện bởi mọi đảng cộng sản trong mọi nước mà họ cầm quyền, còn có những “giá trị” khác. Thí dụ như cướp đoạt. Chính ông Hồ Chí Minh chứ không phải một người chống cộng đã gọi ngày 19 tháng 8 là ngày đảng cộng sản “cướp chính quyền”. Lenin cũng đã đảo chính cướp chính quyền tại Nga năm 1917. Cướp đoạt và bách hại đã là những chính sách mà Đảng cộng sản thực hiện trong suốt lịch sử của nó, với những cao điểm là những đợt “cải cách ruộng đất” tại miền Bắc sau năm 1954 và những đợt “đánh tư sản”, “cải tạo tư sản” tại miền Nam sau 1975. Một giá trị quan trọng khác, có lẽ quan trọng nhất, của văn hóa cộng sản là sự bưng bít và dối trá. Cấm đoán thông tin khách quan và xuyên tạc sự thực là đặc tính nổi bật nhất của tất cả các chế độ cộng sản, và vẫn còn nguyên vẹn trong cả bốn chế độ cộng sản còn lại. Còn nhiều “giá trị cộng sản” khác nữa. Đặc tính chung là chúng đều trái ngược với những giá trị được coi là “chân, thiện, mỹ”. Lý do là vì chủ nghĩa cộng sản phủ nhận những giá trị đạo đức truyền thống. Marx coi các giá trị đó chỉ là những sản phẩm nhằm phục vụ cho giai cấp tư sản, Lenin định nghĩa đạo đức là những gì có lợi cho đảng cộng sản. Văn hóa cộng sản là một văn hóa phủ nhận đạo đức theo nghĩa mà thế giới vẫn thường hiểu.
Trái với nhận định sai lầm, nếu không muốn nói là gian trá, của ông Vũ Ngọc Hoàng, Đảng cộng sản Việt Nam, cũng như các đảng cộng sản cầm quyền khác, đã không giành được thắng lợi nhờ những “chủ trương, đường lối, chính sách hợp lòng người, những tấm gương mẫu mực về nhân cách”mà nhờ khai thác những uất ức của quần chúng nghèo khổ, những uất ức có thực và chính đáng nhưng cần được giải quyết thay vì lợi dụng, và nhất là nhờ tuyên truyền dối trá và khủng bố. Ông Hồ Chí Minh được đánh bóng như một một người thông thái và đạo đức, sống một cuộc đời gương mẫu và thánh thiện, nhưng những phát giác gần đây từ chính những người đã từng sống và làm việc với ông cho thấy ông chỉ là một người có kiến thức rất sơ sài và còn hiếu dâm một cách bệnh hoạn. Tất cả chỉ là một sự dàn cảnh, ông chỉ là một diễn viên trong một vở kịch.
Cái văn hóa bưng bít, dối trá, thù hận và khủng bố đó đã giúp Đảng cộng sản giành thắng lợi nhưng cũng đã bắt họ phải trả một giá đắt là chỉ có những cấp lãnh đạo xảo quyệt nhưng rất tầm thường về khả năng và nhân cách. Dân tộc Việt Nam còn phải trả giá đắt hơn : nhiều triệu người chết, đất nước tan hoang vì nội chiến và thua kém thế giới về mọi mặt một cách bi đát. Cái văn hóa đó ngày hôm nay dân tộc Việt Nam đã đủ thông tin để nhìn rõ bộ mặt gớm ghiếc của nó để quyết tâm vất bỏ, và ngày càng có khả năng vất bỏ.
Vũ Ngọc Hoàng đã rất sai khi viết : “Nếu để Đảng bị suy đồi về văn hóa thì Đảng sẽ thất bại, có lỗi với nhân dân và lịch sử, đồng thời bản thân Đảng cũng không thể tồn tại”. Không làm gì có chuyện “nếu để Đảng suy đồi về văn hóa”. Văn hóa cộng sản đồi trụy và độc ác từ bản chất. Nó không hề suy đồi, trái lại nó đã khá hơn trước nhiều, mức độ khủng bố đã giảm nhiều và hận thù không còn được khai thác. Văn hóa cướp bóc vẫn còn nguyên vẹn, như hơn hai triệu dân oan có thể làm chứng, nhưng không còn huênh hoang như ngày trước. Có tiến bộ và có tiến bộ nhiều, nhưng vô ích, hoàn toàn vô ích, bởi vì vấn đề không phải là cải tiến mà là vất bỏ cái văn hóa tội ác đó.
Đảng cộng sản không còn thời giờ. Các tiến bộ về giao thông và truyền thông đã cho phép nhân dân Việt Nam chia sẻ cuộc sống tinh thần và trí tuệ với cả thế giới và đã khiến họ thay đổi hẳn. Hơn bảy trăm tờ báo của chế độ chẳng có trọng lượng gì so với hàng ngàn blog và hơn 50 triệu tài khoản email, facebook… Nhân dân Việt Nam không chỉ quyết tâm mà còn có khả năng vất bỏ văn hóa cộng sản, và cùng với nó Đảng cộng sản.
Ngay cả nếu nhìn thấy sự cần thiết và cấp bách phải vất bỏ cái văn hóa của mình cũng không chắc gì những người lãnh đạo Đảng cộng sản làm được, bởi vì họ chính là sản phẩm của văn hóa này. Nhưng họ lại không nhìn thấy, bằng cớ là người có trách nhiệm chính về văn hóa Đảng, như ông Vũ Ngọc Hoàng, cũng không nhìn thấy. Ông vẫn còn lấy Lênin và Hồ Chí Minh làm mẫu mực, vẫn còn nói tới “bản chất khoa học” của Đảng. Ông cần học hỏi thêm về chủ nghĩa Marx để biết cái bản chất khoa học này do đâu mà có : chính Marx, chứ không chứ không phải ai khác, coi chủ nghĩa Marx là khoa học chỉ vì nó hoàn toàn dựa trên lý luận duy vật và vất bỏ những giá trị tinh thần và đạo đức bị coi là phù phiếm. Đó chính là những giá trị mà Đảng cộng sản phải tôn vinh nếu không muốn bị tiêu diệt.
Đảng cộng sản không hiểu điều đó. Kết luận 94-KL/TW, ngày 28/3/2014 của Ban bí thư còn nhấn mạnh nhu cầu “học tập lý luận chính trị để làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội”. Thật không khác một người sắp chết vì thuốc độc nhưng được khuyến khích uống nhiều thuốc độc hơn nữa.
Vũ Ngọc Hoàng có vẻ coi những giá trị đạo đức là thành tố quan trọng nhất của văn hóa. Không đúng hẳn nhưng cũng không sai lắm. Nhưng như thế ông càng phải hiểu rằng những giá trị đạo đức là những giá trị tiên khởi không thể định nghĩa bằng ngôn ngữ thông thường và, do đó, không thể học tập để có, chúng chỉ có chuyển giao bằng cách làm gương. Nhưng còn có cấp lãnh đạo nào có thể làm gương ? Hỏi cũng là đã trả lời. Vậy thì có cách nào để cứu Đảng nếu, như theo lời ông, văn hóa suy đồi thì Đảng không thể tồn tại ? Ở đây hỏi cũng là đã trả lời.
Điều tích cực trong bài viết này là sự sống còn của Đảng cộng sản đã được đặt ra ngay tại cơ quan lý luận của Đảng. Nếu ông Vũ Ngọc Hoàng không dám đi đến tận cùng của lý luận thì tuyệt đại đa số những người cộng sản đọc bài này sẽ nhanh chóng rút ra kết luận cho chính họ. Bài của ông là một bằng chứng rằng Đảng cộng sản Việt Nam sắp tiêu vong.
Nguyễn Văn Huy
***************
Sau đây là nguyên văn bài viết của Vũ Ngọc Hoàng
Xây dựng Đảng về văn hóa
TCCSĐT – Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ xuyên suốt quá trình phát triển của đất nước ta. Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, để xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc, Đảng ta cần không ngừng xây dựng Đảng toàn diện về các mặt chính trị, tổ chức và nhất là về văn hóa.
1- Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ghi nhận vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Không riêng gì Việt Nam, bất kỳ đất nước nào muốn phát triển mạnh và bền vững đều cần phải có một bộ tham mưu chân chính có trí tuệ, phẩm chất và năng lực.
Lâu nay, khi nói về xây dựng Đảng, các văn bản, tài liệu, ý kiến thường nhấn mạnh xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong thực tế đã có không ít người hiểu sai rằng : Xây dựng Đảng về chính trị tức là Đảng phải nắm giữ cho chắc quyền lực ; xây dựng Đảng về tư tưởng tức là mọi đảng viên phải nghĩ, nói, viết theo lãnh đạo bất kể đúng hay sai ; xây dựng Đảng về tổ chức tức là mọi đảng viên phải hành động theo lãnh đạo.
Hệ quả của tư duy ấy nếu không được uốn nắn sẽ dẫn đến hiểu sai về bản chất khoa học của Đảng, chăm lo quyền lực và tạo ra một tập thể thụ động, không có sự chủ động của từng người, mất năng lực tư duy độc lập và khả năng tự chủ, sáng tạo, Đảng trở thành xơ cứng, mất sức sống, không thể hoàn thành được sứ mệnh của mình. Chúng ta thường nói, thường viết xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức.
Không thấy nói xây dựng Đảng về văn hóa, phải chăng là không cần ? Chắc chắn không phải, chỉ có điều phải hiểu vấn đề văn hóa thông qua chính trị, tư tưởng và tổ chức. Hiểu như thế không sai, vì trong chính trị, tư tưởng, tổ chức đều có văn hóa. Tuy nhiên, một mặt, không được hiểu sai việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức như đã nói ở trên, mặt khác, cần phải bổ sung và nhấn mạnh việc xây dựng Đảng về văn hóa mà trước nhất là xây dựng về đạo đức và trí tuệ.
Văn hóa là những giá trị chân, thiện, mỹ do con người sáng tạo, gìn giữ, lưu truyền, bồi đắp, phát huy nhằm hoàn thiện nhân cách. Văn hóa thuộc về con người, của con người, là chất người, tính người. Đảng là của con người, do con người, mà là những con người tiên tiến. Vì vậy, văn hóa và Đảng tất yếu có quan hệ bản chất.
Trước đây, khi chưa giành được chính quyền, Đảng chưa có quyền lực, sự lãnh đạo của Đảng được thực hiện bằng các giá trị văn hóa. Đó là những chủ trương, đường lối, chính sách hợp lòng người, những tấm gương mẫu mực về nhân cách. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Đảng phải là đạo đức và văn minh. V.I. Lê-nin khẳng định Đảng phải là trí tuệ, danh dự và lương tâm. Đạo đức, văn minh, trí tuệ, danh dự, lương tâm đều là phạm trù của văn hóa. Qua đó, có thể hiểu, chính V.I. Lê-nin và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định bản chất của Đảng trước tiên và quan trọng nhất là văn hóa.
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, thậm chí không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn là nền tảng nói chung của xã hội cho sự tồn vong và phát triển. Đảng là bộ phận tiên tiến của xã hội. Vậy nên, văn hóa phải làm nền tảng cho công việc xã hội nói chung, trong đó có xây dựng Đảng. Đảng càng phải văn minh, nhân văn, càng phải lấy văn hóa làm nền. Tất nhiên, văn hóa rất rộng. Khi ta nói văn hóa làm nền tảng cho công việc xây dựng Đảng tức là chủ yếu nói đến văn hóa trong chính trị, trong nhân cách của cán bộ, đảng viên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam nhiều lần khẳng định phải xây dựng Đảng trong sạch, sau này có thêm cụm từ vững mạnh. Trong sạch thì mới có thể vững mạnh. Không trong sạch thì chắc chắn không thể vững mạnh. Trong sạch cũng chính là văn hóa. Trong sạch là không có mầm bệnh từ bên trong. Có như thế thì nhân dân mới tin vào sự chân chính. Đảng được nhân dân tin yêu thì mới có nguồn sức mạnh lớn lao cho chiến thắng và thành công. Mất lòng tin là mất tất cả.
2- Để có một Đảng trong sạch, được nhân dân tin yêu thì Đảng phải xác định rõ ràng mục đích phục vụ nhân dân, vì lợi ích chính đáng của nhân dân mà chiến đấu. Đảng ta đã nhiều lần khẳng định điều này. Đảng không có lợi ích riêng, không phải muốn chiếm giữ quyền lực để cai trị nhân dân. Đảng nói điều ấy không phải những lời sáo rỗng, mà xuất phát từ tâm huyết chiến đấu cho đại nghĩa, trong sáng và chân thật, không cần nhiều lời, không cần phải hô to khẩu hiệu, mà chứng minh bằng hành động cụ thể.
Trong thực tế lịch sử, hàng chục vạn đảng viên, cán bộ của Đảng đã hy sinh, vào tù, hiên ngang ra chiến trường và bước lên pháp trường trong sáng vô tư vì nghĩa lớn, được nhân dân cảm phục, tin yêu, trân trọng, được nhân dân tự nguyện đi theo, tự nguyện thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Ngày nay, những đảng viên tốt, chân chính vẫn luôn ý thức rằng, chỉ có hết lòng vì nhân dân, không để chủ nghĩa cá nhân xen vào, không để lợi ích nhóm tiêu cực tha hóa, thì mới được nhân dân tin yêu, mới giữ được lâu dài vai trò lãnh đạo của Đảng. Nếu ngược lại thì vai trò lãnh đạo của Đảng tất yếu sẽ giảm dần, mất dần và cuối cùng không còn nữa.
Tiếp theo mục đích phục vụ nhân dân, giữ vững tính chân chính của Đảng, là việc thường xuyên chăm lo phát triển, làm giàu trí tuệ của Đảng – Bộ Tổng Tham mưu của dân tộc. Thế giới đang phát triển nhanh, mạnh mẽ, đa dạng và phức tạp. Trí tuệ ngày càng có ý nghĩa quyết định đối với lịch sử phát triển của nhân loại. Trí tuệ là sức mạnh lớn nhất mà con người có được để trở thành chúa tể của muôn loài, trở thành chủ nhân của vũ trụ. Trí tuệ ngày càng trở thành “quyền lực” vạn năng.
Bộ tham mưu của một dân tộc nhất định phải có trí tuệ cao, thông minh, sáng tạo, liên tục cập nhật kiến thức của nhân loại và dân tộc, liên tục tư duy, không để nghèo nàn, xơ cứng, tụt hậu về trí tuệ. Khi có một Đảng chân thành, khiêm tốn, giàu năng lực trí tuệ, làm được chức năng khai hóa văn minh cho dân tộc thì nhất định nhân dân sẽ tin yêu và tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng.
Nhân cách, đạo đức, trí tuệ, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp, đặc biệt là những người có chức vị cao trong Đảng và trong bộ máy Nhà nước sẽ là những biểu hiện thực tế nhất, sinh động nhất, thuyết phục nhất đối với nhân dân về sự chân chính và năng lực lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã hội của Đảng.
Nếu không giải quyết tốt vấn đề này trong thực tế, nếu cán bộ, đảng viên thoái hóa, lợi ích nhóm hoành hành thì mọi khẩu hiệu đều vô nghĩa, càng hô to sẽ càng phản cảm. Đảng ta lâu nay đã nhiều lần nhấn mạnh điều này. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, khóa XI, đã khẳng định ý nghĩa hết sức quan trọng của việc xây dựng đạo đức cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, là sự gương mẫu của đội ngũ này. Đó cũng chính là xây dựng Đảng về văn hóa.
Thực hiện tốt việc xây dựng Đảng về văn hóa sẽ bảo đảm cho Đảng thành công trong lãnh đạo phát triển đất nước, đồng thời chắc chắn Đảng sẽ được nhân dân tôn vinh và tự giác thừa nhận sự lãnh đạo lâu dài của Đảng.
Nếu để Đảng bị suy đồi về văn hóa thì Đảng sẽ thất bại, có lỗi với nhân dân và lịch sử, đồng thời bản thân Đảng cũng không thể tồn tại. Mọi đảng viên của Đảng phải thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng về văn hóa, đồng thời vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng vì tâm huyết với đất nước, mong muốn cho đất nước có một bộ tham mưu chân chính và trí tuệ./.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương
(Tạp chí cộng sản điện tử, 03/4/2015)