Tin Thế Giới – 14/4/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 14/4/2015

Hoa Kỳ: Nhóm IS mất một phần đất sau các vụ tấn công

Các giới chức quân đội Mỹ nói các phần tử chủ chiến Nhà Nước Hồi giáo đã mất đi hơn 1 phần tư miền đất mà họ đã chiếm được trong phong trào của họ nhằm thành lập một vương quốc Hồi giáo. Một giới chức quốc phòng Mỹ hôm thứ Hai nói rằng đây là kết quả của một nỗ lực phối hợp giữa các cuộc không kích của liên minh và một chiến dịch quân sự trên bộ của các lực lượng quân đội Iraq.

Một bản đồ mới do Ngũ Giác Đài công bố cho thấy các lực lượng Iraq đã chiếm lại được các vùng lãnh thổ quan trọng ở phía bắc, gần Tikrit, núi Sinjar và Đập Mosul.

Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Đại Tá Steve Warren hôm thứ Hai nói với đài truyền hình Alhurra rằng Nhà nước Hồi giáo đã mất quyền kiểm soát trong khu vực rộng khoảng gần 15.000 cây số vuông thuộc vùng đất mà họ đã chiếm được từ tháng Tám năm ngoái.

Người phát ngôn của Ngũ Giác Đài, Đại Tá Steve Warren nói:

“Như quý vị đã biết, bên trong thành phố Tikrit, chúng ta đang kết thúc một chiến dịch rất thành công để giải phóng thành phố này ra khỏi nanh vuốt của quân Nhà Nước Hồi giáo-Daesh, chiến dịch đó về phần lớn đã thành công. Có một số khu vực nhỏ trong thành phố Tikrit vẫn chưa ngã ngũ, chủ yếu là do quân Daesh còn để lại rất nhiều mìn bẫy, và nhiều thiết bị nổ tự chế, và đây đó có lẽ một vài chiến binh, cũng như những tên bắn tỉa, đại loại như thế. Việc này chỉ diễn ra tại vùng mạn bắc của Tikrit mà thôi.”

Các nỗ lực nhằm đẩy lùi Nhà nước Hồi giáo ở Syria được ít thành quả hơn, theo lời Đại Tá Warren, được đài Alhurra trích dẫn:

“Ở Syria, Nhà Nước Hồi giáo đã giành được một vài thắng lợi nhỏ bên trong thành phố Damascus và một chút ít ở phía nam cũng như ở Aleppo, nhưng nhóm Nhà Nước Hồi giáo cũng đã mất quyền kiểm soát tại một số nơi ở Syria, đặc biệt là xung quanh Kobani. Sự khác biệt là tại Iraq, không lực của liên minh đang được yểm trợ bởi những quân nhân dũng cảm thuộc các lực lượng an ninh Iraq. “

Giới chức này của Ngũ Giác Đài cho biết chiến lược của liên minh là ngăn chặn quân chủ chiến, không cho chúng thành lập một vùng ẩn náu an toàn tại Syria, trong chiến dịch đẩy bật chúng ra khỏi Iraq.

Một số nhà phân tích nói rằng thách thức thực sự trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo sẽ nằm ở các khu vực nơi người Sunni chiếm đa số tại tỉnh Mosul và Anbar, như nhận định của ông Brian Katulis thuộc Trung tâm vì sự tiến bộ của nước Mỹ:

“Không ai biết điều gì sẽ thực sự xảy ra, bởi vì nếu Iraq muốn giải quyết vụ này một cách đúng đắn, họ không thể làm điều đó với các nhóm dân quân Shia. Họ không thể tiến vào các khu xóm nơi đa số chủ yếu là người Hồi giáo Sunni, và đối xử thô bạo với các cộng đồng này.”

Tổng Thư Ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đã lên tiếng hoan nghênh việc thành phố Tikrit được giải phóng, tuy nhiên ông bày tỏ lo ngại về các tin tường trình về các vụ vi phạm nhân quyền và phá hoại tài sản dưới tay các nhóm dân quân sát cánh chiến đấu với quân đội Iraq.

Một cách để ngăn chặn bạo lực sắc tộc tại các khu vực đã được giải phóng khỏi tay của Nhà nước Hồi giáo là thành lập các đơn vị quân sự ở địa phương nhằm bảo vệ các cộng đồng sắc tộc hoặc tôn giáo của chính họ.

Ông Michael O’Hanlon thuộc Viện Nghiên cứu Brookings nhận định:

“Hiện giờ thì Iraq không thực sự có các điều kiện đó. Cách tiếp cận hiện giờ hình như là cố gắng thành lập một lực lượng quân đội gồm nhiều giáo phái, và đa sắc tộc, sẽ trở thành một lực lượng quân đội quốc gia thực sự, có thể được triển khai từ bất cứ nơi nào tới bất cứ nơi đâu trong lãnh thổ Iraq. “

Các phần tử chủ chiến vẫn còn kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn tại miền bắc Iraq, kể cả nhiều nhà máy lọc dầu giúp tài trợ chiến dịch quân sự của nhóm này. – VOA

Căng thẳng Biển Đông gia tăng vì hoạt động lấp biển lấy đất của TC

Những chi tiết mới về những hoạt động xây dựng và lấp biển lấy đất của TC ở Biển Đông đã làm bùng ra những sự chỉ trích từ phía Hoa Kỳ và sự quan tâm của Philippines. Nhưng TC vẫn tiếp tục làm và nói rằng những việc đó là hợp pháp và không tác động hay nhắm vào bất kỳ quốc gia nào. Thông tín viên VOA Bill Ide tường thuật từ Bắc Kinh.

Một bản phúc trình mới được công bố bởi Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ nêu bật những thách thức mà khu vực Đông Nam Á đang đối mặt giữa lúc TC tiến hành một kế hoạch qui mô lớn để tăng cường sức mạnh quân sự.

Bản phúc trình đầu tiên của cơ quan này trong vòng 6 năm cho biết TC đang gia tăng số lượng chiến hạm và tiềm thuỷ đĩnh được trang bị các loại phi đạn điều hướng tối tân, và thực hiện những công trình qui mô lớn để cải tạo đất đai xung quanh những hòn đảo nhỏ mà họ kiểm soát thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.

Phúc trình nói rằng hoạt động xây dựng chung quanh 7 bãi đá san hô đã làm cho diện tích đất ở đó từ khoảng 2 héc ta tăng lên tới hơn 300 héc ta. Và hiện giờ xung quanh các bãi đá này có đủ đất để xây ít nhất một sân bay nhỏ và có lẽ một sân bay khác nữa vào cuối năm nay.

Đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, mới đây cảnh báo rằng TC đang xây “vạn lý trường thành bằng cát” gần những hòn đảo đang có tranh chấp. Ông cũng nói rằng Bắc Kinh tiến hành công việc như thế nào sẽ là một chỉ dấu chính yếu để cho thấy khu vực này đang trên đường tiến tới chỗ đối đầu hay hợp tác.

Mặc dầu vậy, TC nhất mực nói rằng những ý đồ của họ chỉ có tính chất hoà bình. Trong lúc không phủ nhận giá trị quân sự và chiến lược của những hoạt động cải tạo và kiến thiết đó, TC đã tập trung nói tới những vai trò có tính chất xây dựng của những đảo này, như có ích cho công tác dự báo thời tiết và hàng hải. Bắc Kinh cũng nói rằng những đảo này có thể làm nơi trú ẩn cho tàu bè trong một khu vực thường xảy ra tai nạn trên biển vì bão tố.

Giáo sư Lý Kim Minh, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Hạ Môn, nói rằng TC thật ra đã tụt hậu so với các nước khác trong việc xây dựng các kiến trúc trên những hòn đảo ở Biển Đông.

“Nếu quí vị nhìn vào những nước khác đang chiếm cứ những hòn đảo ở Nam Hải, quí vị sẽ thấy Trung Quốc là nước duy nhất không có sân bay. Khi Philippines và Malaysia xây sân bay thì chẳng có ai nói gì. Thế mà giờ đây TC đang tìm cách để bắt kịp thì các nước láng giềng lại tỏ ý chống đối.”

Ngoài Philippines và Malaysia, Việt Nam và Đài Loan cũng có bãi đáp máy bay trên những hòn đảo ở Trường sa. Tuy Lý Kim Minh nói đúng là TC đã bắt đầu trễ hơn các nước khác, các nhà phân tích nói rằng những hoạt động của Bắc Kinh có qui mô lớn hơn nhiều so với các nước cũng có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.

Hồi đầu tuần này Philippines ước tính những hoạt động xây dựng ồ ạt của TC đã gây ra những sự tổn hại to lớn cho các rạn san hô, dẫn tới những sự thiệt hại kinh tế lên tới 100 triệu đô la mỗi năm cho các nước xung quanh Biển Đông.

Hoa Kỳ và các nước láng giềng của TC chẳng những quan tâm tới những công trình xây dựng của TC mà còn cảm thấy lo ngại vì cách thức mà tàu bè Trung Quốc đã làm để tìm cách khẳng định yêu sách chủ quyền. Việc TC đưa giàn khoan khổng lồ tới duyên hải Việt Nam hồi năm ngoái và dùng vòi rồng để xua đuổi tàu thuyền của Việt Nam đã làm bùng ra những vụ phản kháng có bạo động ở Việt Nam và làm cho quan hệ giữa hai nước Cộng Sản này bị suy sụp tới mức thấp nhất trong vòng nhiều thập niên.

Nơi TC hạ đặt giàn khoan nằm sâu bên trong khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam do luật pháp quốc tế qui định, và hành động đó làm cho nhiều người nêu lên nghi vấn là Bắc Kinh có muốn tuân hành luật lệ quốc tế hay không, hay là muốn tìm cách tự đặt ra luật lệ.

TC đòi chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông và dùng đường lưỡi bò chín vạch để nêu bật đòi hỏi đó. Đường này mâu thuẫn với luật pháp quốc tế và cho đến nay TC vẫn chưa cho biết họ xem đường lưỡi bò có hiệu lực pháp lý đối với toàn bộ vùng biển đó hay chỉ đối với những hòn đảo và bãi cạn bên trong khu vực này mà thôi. – Theo VOA

Indonesia muốn tập trận thường xuyên với Mỹ ở Biển Đông

Indonesia muốn tập trận thường xuyên với Hoa Kỳ ở khu vực gần quần đảo Natuna, trên Biển Đông, gần vùng mà TC khẳng định chủ quyền. Đó là thông báo của phát ngôn viên Hải quân Indonesia hôm qua, 13/04/2015.

Mặc dù Indonesia không phải là một bên tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nhưng quân đội nước này vẫn tố cáo là bản đồ đường chín đoạn, còn gọi là bản đồ hình “lưỡi bò”, do TC tự vẽ, chiếm gần 90% diện tích Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Natuna của Indonesia.

Vào cuối tuần qua, hải quân Indonesia đã mở cuộc tập trận chung thứ hai với Hoa Kỳ tại khu vực Batam, nằm cách quần đảo Natuna 480 km. Tham gia cuộc tập trận có các máy bay tuần tra và máy bay trinh sát, như P-3 Orion, loại máy bay có thể phát hiện các tàu trên mặt nước lẫn tàu ngầm. Phát ngôn viên Hải quân Indonesia cho biết là họ đang dự trù một cuộc tập trận chung với Hải quân Mỹ vào năm tới và nói chung là muốn tập trận thường xuyên với Hoa Kỳ tại khu vực này.

Vào tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, Ryamizard Ryacudu đã tuyên bố với hãng tin AFP là vào tháng 5 tới, ông sẽ đến thăm quần đảo Natuna, bao gồm 157 đảo mà phần lớn là không có người ở, để đúc kết các kế hoạch nâng cấp căn cứ quân sự nhỏ trên quần đảo này. Bộ trưởng còn cho biết là Natuna vẫn có một sân bay, nhưng không thể tiếp nhận nhiều quân, ngoại trừ một số lính thủy quân lục chiến. Mục tiêu của họ là tăng số quân trú đóng trên quần đảo này, có thể là quân của cả ba binh chủng : hải quân, không quân và lục quân.

Theo Reuters, các quan chức Indonesia khẳng định rằng cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ, cũng như kế hoạch gia tăng sự hiện diện quân sự trên quần đảo Natuna không nhằm đối phó với mối đe dọa cụ thể nào. Phát ngôn viên Hải quân Indonesia hôm qua nhắc lại rằng Jakarta không có tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, không muốn thấy xảy ra bất cứ sự cố nào ở vùng này và vẫn chủ trương giải quyết tranh chấp bằng con đường ngoại giao. – RFI

Tin Hoa Kỳ – Mỹ phản đối vụ máy bay trinh sát Nga chặn máy bay Mỹ ở Baltic

Mỹ lên tiếng phản đối việc máy bay trinh sát của Nga chặn máy bay của Mỹ trong không phận quốc tế trên Biển Baltic, gọi việc này là “không an toàn” và “một thí dụ của kỹ thuật phi hành cẩu thả.”

Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Đại tá Steve Warren, hôm thứ Hai cho biết vụ việc xảy ra hôm thứ Ba tuần trước khi một máy bay RC-135U của Mỹ đang bay ở phía bắc Ba Lan thì một máy bay chiến đấu SU-27 của Nga tiếp cận từ phía sau với tốc độ cao. Ông cho biết chiếc máy bay Nga cắt ngang phía trước máy bay phản lực của Mỹ và chếch thân khoe vũ khí.

Ông Warren cho biết “không chắc lý do vì sao phi công (Nga) này lại cẩu thả như vậy” và rằng người này “có thể không được huấn luyện tốt.” Ông nói không thể chấp nhận việc phi công Nga “trắng trợn coi thường những tiêu chuẩn quốc tế về an toàn và tính chuyên nghiệp.”

Moscow phủ nhận phi công của mình không làm điều gì sai. – VOA