Nhật Mỹ gia tăng hợp tác quân sự ở Đông Á hay Biển Đông?
Mỹ-Nhật tập trận chung trên biển năm 2013 (minh họa) – Files photos/báo Zhan-TC
Theo RFA – Việt Hà, phóng viên RFA 2015-04-13
Trong tháng 4 này, Thủ tướng Nhật Bản sẽ có chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ. Đây là chuyến thăm được trông đợi không chỉ bởi Mỹ và Nhật bản mà còn được theo dõi bởi các nước khác trong khu vực châu Á Thái Bình Dương vì tình hình căng thẳng tại khu vực đang gia tăng giữa các nước với Trung Quốc xung quanh những tranh chấp trên biển. Liệu chuyến đi này có mang đến những thỏa thuận hợp tác về quân sự rộng hơn giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ hay không? Việt Hà phỏng vấn bà Yuki Tatsumi, chuyên gia cao cấp về Nhật bản tại Trung tâm nghiên cứu Stimson, Hoa Kỳ. Trước hết dự đoán về những thỏa thuận mà Hoa Kỳ và Nhật bản có thể đạt được trong chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, bà Tatsumi cho biết:
Yuki Tatsumi: mọi thứ vẫn có thể thay đổi. Hai chính phủ nói là họ hy vọng từ giờ đến lúc mà Thủ tướng Nhật đến Washington thì hai bên sẽ đạt được thỏa thuận song phương về việc Nhật tham gia vào hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đồng thời hoàn tất bản hướng dẫn hợp tác quốc phòng song phương sửa đổi. Tuy nhiên, đến lúc này, những tham vấn và thảo luận giữa hai phía vẫn còn đang tiếp diễn, cho nên chúng ta thực sự không thể biết được sẽ có một thỏa thuận hay không và nếu có thì bản thỏa thuận sẽ như thế nào. Nhưng đó là một hy vọng mà họ đang có liên quan đến chuyến thăm này của Thủ tướng Nhật.
Việt Hà: Giới quan sát mong đợi trong chuyến thăm này, hai bên sẽ đạt được thỏa thuận về bản hướng dẫn hợp tác quốc phòng song phương sửa đổi, nếu bản thỏa thuận được đồng ý bởi hai phía, theo bà thì liệu sẽ có những thay đổi nào đáng kể trong bản hướng dẫn này, nhất là về việc Nhật tham gia rộng hơn vào các hoạt động quân sự tại khu vực châu Á Thái Bình Dương?
Yuki Tatsumi: sẽ không có nhưng thay đổi đáng kể. Điểm tập trung của bản hướng dẫn sửa đổi là để bảo vệ Nhật Bản, cho nên tôi không trông chờ vào sự tham gia rộng hơn của Nhật vào khu vực châu Á Thái Bình Dương vượt quá khu vực chủ quyền của Nhật bản.
Việt Hà: giới chức quân sự Hoa Kỳ gần đây đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi Nhật tham gia tích cực hơn và các hoạt động tuần tra tại Thái Bình Dương, bao gồm biển Đông, bà đánh giá thế nào về khả năng này?
Yuki Tatsumi: Tôi biết đó là hy vọng từ phía Mỹ nhưng tất cả còn phụ thuộc vào việc Nhật bản sẽ phê chuẩn cái gì liên quan đến phạm vi của các hoạt động phòng vệ Nhật. Rõ ràng là hoạt động tuần tra ở khu vực biển Đông là vượt quá vùng nước chủ quyền của Nhật và vùng đặc quyền kinh tế của Nhật, cho nên đây chỉ là hoạt động trong thời bình. Vào lúc này không có sự cho phép về luật pháp của Nhật đối với lực lượng phòng vệ Nhật đối với các hoạt động như vậy. Cho nên nếu như lực lượng phòng vệ Nhật được tham gia vào những hoạt động đó thì Nhật phải phê duyệt những thay đổi về mặt luật pháp. Nhưng liệu họ có phê duyệt hay không thì vẫn còn chưa rõ ràng.
Tất cả còn phụ thuộc vào việc Nhật bản sẽ phê chuẩn cái gì liên quan đến phạm vi của các hoạt động phòng vệ Nhật. Rõ ràng là hoạt động tuần tra ở khu vực biển Đông là vượt quá vùng nước chủ quyền của Nhật và vùng đặc quyền kinh tế của Nhật, cho nên đây chỉ là hoạt động trong thời bình – Yuki Tatsumi
Việt Hà: liệu điều này có liên quan đến việc diễn giải lại hiến pháp của Nhật?
Yuki Tatsumi: nó có phần liên quan đến việc diễn giải hiến pháp Nhật, nhưng hoạt động này không có liên quan gì đến hoạt động phòng vệ tập thể mà lực lượng phòng vệ Nhật được quyền làm trong thời bình. Bởi vì câu hỏi về phòng vệ tập thể xuất hiện khi có trường hợp khẩn cấp hoặc có xung đột vũ trang. Việc tuần tra ở biển Đông giống như là trong tình huống của hoạt động gìn giữ hòa bình nhưng họ chưa có cơ sở pháp lý cho tình huống này vào lúc này.
Việt Hà: Phía Nhật dù chưa thể tham gia trực tiếp vào các hoạt động quân sự tại biển Đông nhưng đã giúp Việt Nam và Philippine trong việc chuyển giao các tàu tuần tra dưới dạng vốn ODA. Theo bà thì trong tương lai, Nhật Bản còn có thể làm gì khác nữa nhằm giúp các nước trong khu vực trong lĩnh vực quốc phòng an ninh?
Yuki Tatsumi: Không có nhiều thứ mà Nhật có thể làm hơn nữa ngoài những gì Nhật bản đang làm. Quyết định sử dụng vốn ODA để chuyển giao tàu tuần tra sang Việt nam và Philippines là một bước đột phá vì trước đó Nhật bản chưa từng làm vậy với ODA vì ODA chỉ tập trung vào giúp đỡ kinh tế, đầu tư hạ tầng tại các nước đó. Cho nên việc chuyển giao các thiết bị này không nằm trong kế hoạch trong quá khứ . Đây là một cách khác mà Nhật bản sử dụng khung ODA. Ngoài ra, với thực tế là lực lượng phòng vệ Nhật bản vẫn chưa được phép tham gia nhiều hơn vào các hoạt động rộng lớn hơn ở khu vực châu Á Thái Bình Dương bao gồm biển Đông, thực tế mà nói không còn gì nhiều mà Nhật bản có thể làm hơn nữa ngoài những gì mà họ đang làm. Nói ví dụ như những thảo luận song phương với các nước ở Đông Nam Á, hay Nhật ủng hộ và tham gia mạnh mẽ hơn vào các cơ chế trong khu vực của diễn đàn ASEAN như hội nghị các bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM +). Cho nên với hệ thống và khuôn khổ hiện tại, không có gì nhiều hơn nữa mà Nhật có thể làm.
Việt Hà: theo bà bản hướng dẫn hợp tác quốc phòng song phương nếu được hoàn tất sẽ không có những thay đổi lớn cho khu vực, vậy thì có những thay đổi nào thực sự trong bản hướng dẫn cần được chú ý?
Họ (Trung Quốc) sẽ luôn lo lắng khi một quan chức nào đó của Mỹ nhắc lại cam kết duy trì điều khoản 5 của hiệp ước an ninh Mỹ Nhật và nó bao gồm cả quần đảo Senkaku trong điều khoản này. Cho nên đó là những điểm chính mà họ sẽ lo ngại – Yuki Tatsumi
Yuki Tatsumi: từ phía Nhật bản, bản hướng dẫn này chủ yếu là về việc Nhật và Mỹ có thể làm gì ở biển Hoa Đông nhưng không vượt quá mức đó. Mỹ đã rất hy vọng sử dụng cơ hội này để khiến Nhật tham gia rộng hơn trong các hoạt động quân sự ở khu vực như đã nói lúc trước. Nhưng đây vẫn là môt khoảng cách biệt giữa hai nước. Theo tôi hai bên đang cố gắng tìm cách để thu hẹp được khoảng cách và hoàn tất quá trình này.
Việt Hà: liệu đây có phải là do ý kiến của người dân Nhật vẫn chưa ủng hộ sự tham gia rộng hơn của quân đội Nhật? liệu Thủ tướng Shinzo Abe có thể làm gì để thay đổi điều này?
Yuki Tatsumi: không có nhiều điều mà Thủ tướng Abe có thể làm. Ý kiến công chúng Nhật khá là chia rẽ ngay cả với các hoạt động tuần tra vượt quá biên giới Nhật. Đặc biệt là ý kiến của người Nhật về hiến pháp và diễn giải lại hiến pháp liên quan đến hoạt động phòng vệ tập thể cũng rất chia rẽ. Theo tôi Thủ tướng Abe khó lòng làm thay đổi được ý kiến của người dân Nhật để có được sự ủng hộ mạnh mẽ cho những tham gia rộng lớn hơn vào các hoạt động quân sự của lực lượng phòng vệ Nhật Bản ra ngoài biên giới Nhật.
Việt Hà: Theo bà, Trung Quốc sẽ có những lo ngại nào liên quan đến chuyến thăm này của Thủ tướng Nhật?
Yuki Tatsumi: tôi nghĩ sẽ không sai nếu dự đoán rằng Trung Quốc sẽ quan ngại về một cam kết rõ ràng hơn của quân đội Mỹ trong các trường hợp khẩn cấp ở vùng biển Hoa Đông vốn là điểm chính của bản hướng dẫn hợp tác quốc phòng song phương. Họ sẽ luôn lo lắng khi một quan chức nào đó của Mỹ nhắc lại cam kết duy trì điều khoản 5 của hiệp ước an ninh Mỹ Nhật và nó bao gồm cả quần đảo Senkaku trong điều khoản này. Cho nên đó là những điểm chính mà họ sẽ lo ngại.
Việt Hà: theo bà, chuyến thăm này của Thủ tướng Shinzo Abe có ý nghĩa thế nào với Mỹ và Nhật?
Yuki Tatsumi: năm nay là kỷ niệm 70 năm kết thúc cuộc chiến thế giới đẫm máu mà cả Nhật và Mỹ đều tham chiến. đây là dịp để nhìn lại lịch sự quan hệ song phương trong 70 năm qua, sự tiến triển của quan hệ hai nước và hướng tới tương lai. Sẽ rất tốt nếu có được những thành tố bao gồm chính sách về châu Á Thái Bình Dương được nói đến trong chuyến thăm này, nhưng chuyến đi chủ yếu là về mối quan hệ tổng thể giữa hai nước và kỷ niệm 70 năm quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Việt Hà: Xin cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn