Tin Thế Giới – 11/4/2015
Biển Đông: Trung Quốc nêu ví dụ Việt Nam để đả kích Obama
Đúng như chờ đợi, Trung Quốc đã để cho báo chí đả kích dữ dội Tổng thống Barack Obama sau khi lãnh đạo Mỹ công khai lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh bắt nạt các láng giềng trên vấn đề Biển Đông.
Đáng chú ý là bài viết tiếng Anh đề ngày 10/04/2015 của hãng tin chính thức Trung Quốc, lấy “đồng chí” Việt Nam làm ví dụ để phản bác lời tố cáo của Hoa Kỳ.
Trong bài bình luận mang tựa đề: “Obama thực sự quan ngại hay làm dấy lên quan ngại?” Tân Hoa Xã đã nhắc lại câu nói của Tổng thống Mỹ tại Jamaica ngày 09/04/2015 rằng ông “quan ngại” trước việc Bắc Kinh đang sử dụng “tầm vóc to lớn cũng như sức mạnh cơ bắp” để đẩy các quốc gia khác vào thế lệ thuộc. Tổng thống Obama đã có lời chỉ trích trên đây đối với các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông.
Theo hãng tin Nhà nước Trung Quốc, lập luận của Tổng thống Mỹ theo đó Bắc Kinh đang có hành vi bắt nạt kẻ yếu tại Biển Đông là một điều “khôi hài”, tương đương với một gáo nước lạnh dội lên quan hệ mà hãng tin này cho là đang ấm áp giữa Trung Quốc và các láng giềng.
Và Tân Hoa Xã nêu bật trường hợp quan hệ Việt Trung để tố cáo Mỹ. Theo hãng tin này, nhân các cuộc hội đàm với giới lãnh đạo Bắc Kinh trong khuôn khổ chuyến công du đang diễn ra, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng hai nước cần tiếp tục một mối quan hệ “đồng chí và anh em”. Theo Tân Hoa Xã, quan hệ đó “khó có thể được mô tả như là một mối quan hệ lệ thuộc”.
Đối với Tân Hoa Xã, Washington đã nhiều lần vi phạm cam kết của mình không đứng về phe nào trong tranh chấp Biển Đông, và có thái độ bên trọng bên khinh khi nói đến các công trình xây dựng của Trung Quốc và của các nước khác trong quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc đặt cho Trường Sa), mặc dù Trung Quốc đã nói rõ là công việc cải tạo đất chỉ nhằm “mục đích quốc phòng và cải thiện các dịch vụ dân sự”.
Bài viết một lần nữa trở lại ví dụ về chuyến thăm Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng, và khẳng định rằng “phía Việt Nam đã đánh giá đó là một thành công lớn”. Và với lời lẽ mỉa mai, Tân Hoa Xã, đã cho rằng “Trong tư thế là một kẻ ngoại cuộc…, Hoa Kỳ đừng nên khuấy động các vùng biển yên tĩnh bằng lời nói và hành động gây bất hòa”, để yên cho Trung Quốc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán trực tiếp với các nước liên quan. – RFI
Ai Cập tuyên án tử hình cho lãnh tụ Huynh đệ Hồi giáo
Một toà án Ai Cập tuyên án tử hình cho ông Mohammed Badie, lãnh tụ của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo bị cấm hoạt động, và 13 người khác về tội gọi là xúi giục bạo động.
Những bản án được tuyên hôm nay còn bao gồm án tù chung thân cho một người Mỹ gốc Ai Cập can tội hỗ trợ cho nhóm chủ chiến này.
Các bị can có thể kháng cáo trong một tiến trình có thể kéo dài nhiều năm.
Những người này nằm trong số hàng ngàn người bị bắt sau vụ lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi thuộc phe Hồi giáo năm 2013.
Ai Cập đã bị quốc tế chỉ trích về những xét xử tập thể nhắm vào những người ủng hộ Huynh đệ Hồi giáo.
Ông Badie cũng bị truy tố về nhiều tội trạng khác, bên cạnh tội xúi giục bạo động. – VOA
Liên minh Ả rập Saudi oanh kích thành phố Aden của Yemen
Những vụ không kích của liên minh do Ả rập Saudi lãnh đạo đã được thực hiện ở Yemen ngày hôm nay sang tới ngày thứ 17 liên tiếp, nhắm vào phiến quân Houthi bên trong và xung quanh thành phố Aden ở miền nam. Những vụ không kích và những cuộc giao tranh trên bộ đã gây tử vong cho ít nhất 22 người trong đêm vừa qua.
Trong khi đó, những chiến binh bộ tộc và những chiến hạm mà người ta tin là của liên minh sắp sửa chiếm được thành phố Ataq ở miền đông, nơi tụ tập của phiến quân Houthi và những binh sĩ trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh.
Một chiếc phi cơ của Hội Hồng Thập Tự đã có thể đưa hàng cứu trợ y tế tới Sana’a ngày hôm nay. Đây là ngày thứ nhì liên tiếp hàng cứu trợ được đưa tới thủ đô của Yemen. Theo kế hoạch, Hội Hồng Thập Tự Quốc tế và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc sẽ tiếp tục đưa vật phẩm cứu trợ tới quốc gia vùng Vịnh Ba Tư này.
Hôm qua, những vụ không kích của liên minh Ả Rập đã đánh trúng những kho vũ khí của phiến quân Houthi ở Sana’a. Những người mục kích cho biết các máy bay liên minh đã bắn phá Bộ Quốc phòng và các cơ sở khác, trong đó có một căn cứ quân sự nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng về phe ông Saleh. – VOA
Tin Hoa Kỳ
Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Cuba bắt tay nhau tại Thượng đỉnh Mỹ châu — Căng thẳng Mỹ-Venezuela tại thượng đỉnh Panama
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã chào hỏi và bắt tay nhau tối thứ sáu tại Hội nghị Thượng đỉnh các Quốc gia Mỹ châu ở Panama.
Các viên chức chính quyền Obama nói rằng cuộc tiếp xúc giữa hai nhà lãnh đạo là không chính thức và không có một cuộc nói chuyện có thực chất.
Theo dự liệu, hai ông Obama và Castro sẽ lại gặp nhau ngày hôm nay.
Tại lễ khai mạc ở Panama, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã lên tiếng ca ngợi hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Cuba về việc khởi động tiến trình bình thường hoá quan hệ.
Ông Obama trước đó trong ngày thứ sáu cho biết ông vui mừng khi thấy Cuba được có đại biểu lần đầu tiên tại hội nghị thượng đỉnh này.
Trong bài diễn thuyết trước các nhà lãnh đạo xã hội dân sự ở Panama City, ông Obama cho biết ông hy vọng các nỗ lực phục hồi quan hệ ngoại giao với Cuba sẽ cải thiện cuộc sống của người dân Cuba. Ông cũng bảo đảm với các nhà lãnh đạo khu vực là Hoa Kỳ không còn muốn áp đặt ý chí của mình lên khu vực Mỹ châu La tinh.
Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Ben Rhodes cho báo chí biết rằng ông Obama và ông Castro sẽ có “một cuộc thảo luận” trong ngày thứ bảy bên lề hội nghị thượng đỉnh. Ông nói rằng các chi tiết của cuộc họp đang được thảo luận.
Do căng thẳng giữa Hoa Kỳ với Venezuela mà cuộc họp thượng đỉnh Châu Mỹ bế mạc hôm nay, 11/04/2015, tại Panama mà không có bản tuyên bố kết thúc hội nghị.
Từ nhiều tuần qua Tổng thống Obama đã bị nhiều nước Châu Mỹ Latinh chỉ trích về quyết định gần đây của ông ký một sắc lệnh xem Venezuela, đối tác kinh tế chủ chốt của Cuba, là một “mối đe dọa” đối với an ninh nội địa của Hoa Kỳ. Mười một vị nguyên thủ quốc gia là đồng minh chủ chốt của Venezuela sẽ họp lại bên lề thượng đỉnh Panama để quyết định những hành động đối với Hoa Kỳ. Về phần Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro thì dự định trao cho Tổng thống Obama hơn 13 triệu chữ ký đòi hủy sắc lệnh nói trên.
Nhưng cuộc họp thượng đỉnh Châu Mỹ sẽ bế mạc hôm nay mà không có tuyên bố kết thúc hội nghị, vì Hoa Kỳ vẫn từ chối một văn bản mà trong đó có nêu sự ủng hộ đối với Venezuela trong cuộc đối đầu với Mỹ. Nhằm làm dịu căng thẳng, Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố tại Panama hôm qua rằng thời kỳ mà Hoa Kỳ can thiệp vào chuyện nội bộ của các nước Châu Mỹ Latinh đã qua rồi. Ông Obama đã tuyên bố như trên tại diễn đàn xã hội dân sự, được tổ chức trước khi khai mạc cuộc họp thượng đỉnh Châu Mỹ hôm qua tại Panama.
Trên thực tế, cả Washington lẫn Caracas đều đang cố hòa giải với nhau. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 10/04/2015, một cố vấn của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã được Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tiếp tại Caracas ngày 08/04/2015. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá cuộc trao đổi đã mang tính “xây dựng” và Hoa Kỳ đã hoan nghênh cơ hội đối thoại này. – VOA, RFI
Ngoại trưởng Mỹ báo cáo với quốc hội về thoả thuận hạt nhân Iran
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đang chuẩn bị để báo cáo cho Quốc hội về thoả thuận khung vừa đạt được với Iran.
Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Ben Rhodes hôm thứ sáu cho biết ông Kerry cùng với các giới chức cấp cao khác sẽ đến Điện Capitol vào tuần sau.
Các thượng nghị sĩ của cả hai đảng đang vận động cho một dự luật mà nếu được thông qua sẽ cho quốc hội một cơ hội để chấp thuận hoặc bác bỏ việc thu hồi các biện pháp chế tài trong một hiệp định hạt nhân với Iran.
Ông Rhodes cho biết Ngoại trưởng Kerry sẽ nói với quốc hội là thời gian điều đình với Iran hiện nay là một thời điểm tế nhị và một số những hành động của quốc hội có thể phương hại tới cuộc đàm phán.
Ông Rhodes cũng tìm cách hạ thấp tầm quan trọng của những phát biểu của các nhà lãnh đạo Iran cho rằng bất kỳ thoả thuận hạt nhân nào cũng phải bao gồm việc dỡ bỏ ngay tức khắc các biện pháp chế tài. Ông Rhodes nói rằng lập trường cứng rắn của lãnh tụ tối cao Ayatollah Khamenei và Tổng thống Hassan Rouhani là kết quả của áp lực nội bộ và không có nghĩa là không thể đạt được một thoả thuận chung cuộc.
Cũng trong ngày hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói với đài truyền hình CNN rằng hiệp định khung hiện nay với Iran không làm cho Mỹ loại bỏ khả năng thực hiện hành động quân sự. Ông Carter nói “Chúng tôi có khả năng để phong toả, gây thiệt hại hoặc phá huỷ chương trình hạt nhân của Iran và tôi tin rằng phía Iran biết được và hiểu được điều đó.” – VOA