Tin Thế Giới – 8/4/2015
Hy Lạp đòi Đức bồi thường chiến tranh – Thủ tướng Hy Lạp tới thăm Nga
Hy Lạp đòi Đức bồi thường hơn 300 tỉ đôla cho những thiệt hại ở Thế chiến thứ II. Các giới chức Hy Lạp hôm thứ Ba nói rằng họ có những tài liệu do quân đội Hoa Kỳ cất giữ để hỗ trợ cho yêu cầu đòi bồi thường.
Berlin nói rằng Đức đã giải quyết bồi thường cho Hy Lạp theo một thỏa thuận sau chiến tranh. Tranh chấp mới nhất này làm tăng thêm căng thẳng hiện có giữa hai nước, xuất phát từ việc Athens mất khả năng trả nợ cho Liên hiệp Châu Âu. Trong khi đó, chính phủ Hy Lạp đang tìm cách gia tăng các mối quan hệ với Nga. Thông tín viên Zlatica Hoke tường trình.
Các lực lượng Đức Quốc xã đã thảm sát 200 người ở làng Distomo thuộc miền trung Hy Lạp khi làng này thất thủ vào tháng 6 năm 1944. Binh lính SS đi lục soát từng nhà, giết thường dân để trả đũa cho vụ đơn vị của họ bị du kích quân tấn công.
Ông Angelos Kastritis mất mẹ và ông bà ngoại trong vụ thảm sát đó.
“Họ phải bồi thường, và quý vị biết tại sao không? Để những thế hệ sắp tới của Đức phải hiểu rằng khi họ làm một điều gì sai, họ phải trả giá cho việc đó.”
Hàng chục ngàn người Hy Lạp bị giết hại trong cuộc chiến và một con số nhiều hơn đã chết vì đói kém sau chiến tranh. Đức đã bồi thường cho những tội ác mà Đức Quốc xã gây ra cho một số nước, trong đó có Hy Lạp, vào năm 1960. Nhưng các giới chức Hy Lạp nói số nợ còn lớn hơn nhiều.
Ông Dimitris Mardas, Thứ trưởng Tài chánh Hy Lạp, nói:
“Theo con số tính toán riêng của chúng tôi, số nợ liên quan đến bồi thường chiến tranh của Đức lên đến 302 tỉ đôla.”
Một giới chức Đức nói rằng tuyên bố này của Hy Lạp được đưa ra chỉ vài ngày trước khi khoản nợ quốc tế của Hy Lạp đáo hạn.
Ông Markus Soeder, Bộ trưởng Tài chánh bang Bavaria của Đức, nói:
“Đây làm một vấn đề không nên khai thác để biện minh cho việc thâm hụt ngân sách ở Hy Lạp; nó được đưa ra một cách không thích hợp, mà theo quan điểm của tôi là một chiến lược hoàn toàn sai lầm. Chính phủ Đức đã nói họ xem vấn đề này đã giải quyết xong, và tôi tán đồng.”
Hy Lạp xung khắc với Đức về các biện pháp kiệm ước mà Berlin đòi Athens phải áp dụng như là điều kiện để được vay vốn cứu nguy tài chánh của Liên hiệp Châu Âu nhằm cứu Hy Lạp ra khỏi tình trạng vỡ nợ đang cận kề. Tân Thủ tướng Alexis Tsipras của Hy Lạp nói ông muốn đẩy mạnh quan hệ thương mại với Nga, bất chấp các lệnh chế tài của Liên hiệp Châu Âu đối với Moscow liên quan đến vài trò của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Các nhà buôn Hy Lạp, những người đang hết sức mong muốn bán hàng hóa của họ, ủng hộ cho ý tưởng đó.
Ông Stefanos Kirlis của một hiệp hội nhà buôn nông sản Hy Lạp nói:
“Tôi tin là bây giời là thời điểm thích hợp để bãi bỏ các lệnh chế tài đối với Nga. Việc làm đó sẽ giúp các nhà sản xuất và kinh doanh nông sản của Hy Lạp xuất khẩu với số lượng lớn hơn, để tháo dỡ tồn đọng cho thị trường Hy Lạp, giúp cho nông dân và nhà buôn cải thiện tình hình tài chánh.”
Các phân tích gia nói rằng các thành viên của Liên hiệp Châu Âu có quyền giữ quan hệ với Nga miễn là họ tuân thủ các quy định của tổ chức.
Ông George Tzogopoulos của Quỹ Hy Lạp về chính sách đối ngoại và Châu Âu nói:
“Hy Lạp không tìm cách thách thức Liên hiệp Châu Âu, nhưng có thể muốn tăng sức ép lên tổ chức này bằng việc cho thấy rằng trên lý thuyết họ vẫn còn những chọn lựa khác để bảo đảm nguồn tài chính cho nền kinh tế của đất nước.”
Việc lập lại yêu cầu đòi bồi thường chiến tranh cũng được xem như là một lá bài mà Hy Lạp sử dụng để giảm bớt những biện pháp hà khắc mà nền kinh tế mạnh nhất của Liên hiệp Châu Âu buộc Hy Lạp phải áp dụng.
Trong cùng lúc Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tới Moscow để hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin về các mối quan tâm chung.
Đây là thời điểm quan trọng cho chính phủ Hy Lạp, vốn đang phải thương lượng về gói hỗ trợ tài chính trước khi ngân sách cạn kiệt trong vài tuần tới.
Ông Tsipras và ông Putin theo kế hoạch sẽ thảo luận quan hệ giữa EU và Nga, đang trong tình trạng căng thẳng vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Tuy nhiên, theo phóng viên BBC Kevin Connolly, Nga cũng đang gặp quá nhiều vấn đề kinh tế và khó có thể trợ giúp Hy Lạp.
Trước khi tới Nga, ông Tsipras nói các chế tài mà Hoa Kỳ và châu Âu áp đặt cho Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea là “không đi tới đâu cả”.
Để trả đũa, Nga đã cấm nhập khẩu nhiều thực phẩm từ phương Tây, nhưng báo Nga dẫn lời Bộ trưởng Nông nghiệp Nikolai Fyodorov nói Nga có thể cân nhắc đưa ba nước châu Âu, trong có Hy Lạp, khỏi danh sách cấm nhập khẩu các mặt hàng như trái cây.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz nói ông Tsipras không nên đi ngược đường lối của khối trong chủ đề cấm vận Nga.
Ông nói với báo Muenchner Merkur của Đức: “Hy Lạp yêu cầu trợ giúp và nhận được nhiều tình đoàn kết từ EU. Bởi vậy chúng tôi cũng yêu cầu sự đoàn kết từ Hy Lạp và sự đoàn kết này không nên bị chấm dứt một cách đơn phương bằng cách rút ra khỏi các biện pháp chung”.
Chấm dứt thắt lưng buộc bụng
Ông Tsipras lên nắm quyền với các cam kết chấm dứt tình trạng thắt lưng buộc bụng nhưng các kế hoạch của ông bị các chủ nợ EU và IMF, vốn cho Hy Lạp vay hàng tỷ đôla để tránh vỡ nợ, cản trở.
Hy Lạp đã không được nhận trợ giúp tài chính từ tháng Tám năm ngoái, vì EU và IMF không hài lòng với tiến độ cải cách tại đây.
Thứ Năm 9/4 Hy Lạp sẽ phải trả món nợ 448 triệu euro cho IMF.
Hôm thứ Ba 7/4, chính phủ Hy Lạp nói Đức còn nợ Hy Lạp gần 279 tỷ euro tiền bồi thường cho thời kỳ Đức Quốc xã xâm lược nước này hồi Đệ nhị Thế chiến.
Đây là lần đầu tiên Hy Lạp tính toán số nợ của Đức.
Tuy nhiên Đức nói vấn đề này đã được giải quyết xong từ nhiều năm trước và Bộ trưởng Kinh tế Sigmar Gabriel nói thật “ngớ ngẩn” khi liên hệ việc trả nợ của Hy Lạp hiện nay với bồi thường chiến tranh. – VOA, BBC
Thủ tướng Nga công du Thái Lan
Kết thúc chuyến công du Việt Nam, hôm nay 08/04/2015, tại Thái Lan, Thủ tướng Nga Medvedev hội kiến với lãnh đạo tập đoàn quân sự Thái, tướng Prayout Chan-O-Cha. Truyền thông quốc tế đặc biệt chú ý đến các thương lượng song phương về nông phẩm.
Moscow muốn tìm kiếm một nguồn cung ứng thực phẩm mới, trong bối cảnh Nga tiếp tục duy trì lệnh cấm vận hàng hóa từ Châu Âu và Hoa Kỳ. Theo AFP, trước cuộc gặp với các doanh nhân Nga tại một khách sạn lớn tại Bangkok, tướng Prayout Chan-O-Cha – Thủ tướng chính phủ do giới quân sự lập ra sau cuộc đảo chính tháng 5/2014 – tuyên bố “Nước Nga quan tâm đến công nghiệp xe hơi và ngành chế biến thực phẩm” tại Thái Lan, cụ thể là việc “xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm sang Nga”.
Tướng Chan-O-Cha cho biết thêm là đã yêu cầu Nga nhập “cao su, gạo, thịt lợn đông lạnh và hoa quả tươi”. Cùng có mặt với lãnh đạo Thái Lan, Thủ tướng Nga Medvedev khẳng định Moscow cũng muốn tăng gấp đôi trao đổi thương mại với Bangkok, từ 5 tỷ lên 10 tỷ đô la ngay từ năm tới.
Theo Thủ tướng Nga, Moscow dự kiến “hạ thấp hàng rào thuế quan” với Thái Lan. Cấm vận của Nga nhắm vào nông sản Châu Âu và Mỹ liên quan đến khủng hoảng Ukraine khiến giá cả thực phẩm ở nước này tăng hơn 15% trong năm qua, và xu thế trên còn tiếp tục tăng kể từ đầu năm.
Về phía Thái Lan, hợp tác với Nga trong lĩnh vực này là một cơ hội, khi tăng trưởng kinh tế đang khó phục hồi, bất chấp các hứa hẹn của chính quyền quân sự.
Bên cạnh nông phẩm, lãnh đạo hai nước cũng nêu ra vấn đề bảo đảm “an ninh” đối với khách du lịch Nga, với khoảng 1,6 triệu người tới Thái Lan trong năm ngoái. Thủ tướng Thái Lan cũng nhắc đến khả năng đặt mua máy bay quân sự và trực thăng chống hỏa hoạn của Nga với hãng thông tấn Nga Itar Tass, tuy nhiên không có thông tin cụ thể nào về thương lượng lọt ra bên ngoài.
Gazprom Neft Nga thỏa thuận với PetroVietnam khai thác chung.
Trước Thái Lan, Thủ tướng Nga Medvedev có chặng dừng chân ba ngày tại Việt Nam. Theo báo chí trong nước và quốc tế, một trong những trọng tâm của chuyến đi này là thúc đẩy việc Việt Nam gia nhập Liên minh Kinh tế Âu-Á (gồm năm nước thuộc Liên Xô cũ), với hy vọng thương mại song phương Việt-Nga sẽ tăng lên 10 tỷ đô la vào năm 2020, tức gấp bốn lần so với năm ngoái.
Nếu được ký kết, Việt Nam sẽ là quốc gia đối tác đầu tiên của liên minh kinh tế mà Nga nắm quyền chi phối. Dầu khí, năng lượng nguyên tử và kỹ thuật quân sự là một số lĩnh vực chủ yếu mà hai bên có thể có thêm cơ hội hợp tác, sau chuyến công du của Medvedev, trong đó đáng chú ý là nhiều thỏa thuận hợp tác giữa tập đoàn Nga Gazprom Neft và tập đoàn Việt Nam PetroVietnam đã được ký.
Các thỏa thuận dự kiến hợp tác khai thác dầu tại vùng biển nông Petchora (tây bắc nước Nga), sát với Bắc Cực, địa điểm đặc biệt được công chúng biết tới với các xung đột giữa Gazprom và nhóm bảo vệ môi trường Greenpeace cuối năm 2013.
Gaspromp Neft cũng dự kiến sẽ mua lại 49% cổ phần của tổ hợp lọc dầu Dung Quất, do Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) quản lý, tham gia vào việc cải thiện công nghệ và năng lực sản xuất của nhà máy. – Theo RFI
Tin Hoa Kỳ – Mỹ tăng viện vũ khí cho liên quân ở Yemen
Hoa Kỳ nói đang xúc tiến cung cấp vũ khí cho liên quân do Ả Rập Saudi dẫn đầu, vốn đang thực hiện các đợt không kích nhằm vào phe nổi dậy Houthi ở Yemen.
Hoa Kỳ cũng đang tăng cường chia sẻ thông tin tình báo với liên quân, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nói.
Các tổ chức nhân đạo cảnh báo rằng thành phố Aden, nơi đang diễn ra các cuộc đụng độ giữa phe nổi dậy và lực lượng trung thành với chính phủ, đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Khoảng 550 người bị cho là đã thiệt mạng sau hai tuần giao tranh.
Gần 2.000 người đã bị thương trong cùng thời gian, theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc cho biết ít nhất 74 trẻ em đã thiệt mạng và hơn 100.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa.
Một phát ngôn viên của Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế đã mô tả tình hình tại Aden là “thê thảm”.
“Cuộc chiến tại Aden đang diễn ra trên mọi ngã, mọi con đường,” bà Marie Claire Feghali nói với hãng thông tấn AFP.
“Nhiều người không thể chạy thoát”.
Hội Chữ Thập Đỏ là một trong số nhiều tổ chức nhân đạo đang tìm cách đưa hàng hóa cứu trợ và nhân viên vào Aden.
Thành phố này đã gần như bị cách ly kể từ khi lực lượng Houthi và các đồng minh tiến vào đây hồi tháng Ba, buộc Tổng thống Hadi phải tỵ nạn tại Ả Rập Saudi.
Xung đột đã leo thang hồi tuần này, với tin cho biết nhiều bệnh viện bị quá tải, một số xe cứu thương bị cướp và các thi thể bị bỏ mặc trên các con đường.
Trong chuyến thăm thủ đô Riyadh của Ả Rập Saudi hôm 7/4, ông Blinken cho biết Hoa Kỳ đã ‘xúc tiến’ việc cung cấp vũ khí cho liên quân do Ả Rập Saudi dẫn đầu.
Ông cũng nói động thái này là nhằm hỗ trợ cho Ả Rập Saudi, vốn đang “gửi đi một thông điệp mạnh mẽ đến lực lượng Houthi và các đồng minh, rằng họ không thể thống trị Yemen bằng vũ lực”.
Ông cũng cho biết Hoa Kỳ đã tăng cường chia sẻ thông tin tình báo với liên quân và thiết lập một cơ sở điều phối chiến dịch với Saudi.
Hôm 7/4, các phi cơ chiến đấu của liên quân được cho là đã oanh tạc một căn cứ quân sự gần thành phố Ibb.
Đợt không kích đã nhắm vào lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh, người đang ở cùng chiến tuyến với lực lượng Houthi.
Cuộc không kích được nói là diễn ra gần một trường học, trong lúc đài truyền hình do quân nổi dậy kiểm soát nói ba trẻ em đã thiệt mạng.
Trong khi đó, một quan chức Ả Rập Saudi đã phủ nhận tin từ Aden nói thành phố này đã bị các tàu chiến của liên quân tấn công.
Trước đó, người đứng đầu Hội Chữ Thập Đỏ ở Aden, ông Robert Ghosen, nói với BBC rằng cảng này đã trở thành một ‘thành phố ma’.
“Chúng tôi nhìn thấy nhiều người đã chết trước khi được đưa vào bệnh viện hoặc chết tại bệnh viện,” ông nói.
“Các bệnh viện không có đủ thuốc men và nhân viên”.
Nizma Alozebi, một sinh viên ở Aden, nói với BBC rằng bạo lực đã lan ra các khu dân cư và cửa hàng.
“Nhiều người đang lo sợ cho tài sản và sự an toàn của mình,” cô nói.
Tổng thống Hadi bị buộc phải rời khỏi Yemen hai tuần trước, trong lúc quân nổi dậy tiến xuống phía nam từ thủ đô Sanaa.
Quân nổi dậy tuyên bố mục tiêu của họ là nhằm thay thế chính phủ của ông Hadi, vốn bị cáo buộc là tham nhũng.
Ả Rập Saudi nói lực lượng Houthi được sự hỗ trợ về mặt quân sự từ Iran, điều mà Tehran đã bác bỏ. – BBC
Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ kêu gọi tự chế ở Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter tái khẳng định cam kết của Washington đối với an ninh của Nhật Bản trong lúc kêu gọi tự chế trong những vụ tranh chấp lãnh thổ giữa Tokyo với Trung Quốc. Theo tường thuật của thông tín viên Carla Babb của đài VOA tại Ngũ giác đài, ông Carter phát biểu như vậy ngày hôm nay tại Tokyo trong lúc bắt đầu chuyến công du đầu tiên của ông đến Châu Á.
Vụ tranh chấp giữa Nhật Bản với TC về chủ quyền của một quần đảo do Nhật kiểm soát ở Biển Hoa Đông và những hành động gây nhiều tranh cãi của Bắc Kinh ở Biển Nam Trung Hoa (Việt Nam gọi là Biển Đông) là bối cảnh của cuộc thảo luận giữa Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani tại Tokyo.
Người đứng đầu Ngũ giác đài phát biểu như sau:
“Như chúng tôi vẫn thường nêu ra, chúng tôi không có một lập trường trong bất kỳ vụ tranh chấp nào trong các vụ tranh chấp lãnh thổ đó. Chúng tôi có một lập trường mạnh mẽ chống lại việc quân sự hoá những vụ tranh chấp đó.”
Cuộc họp giữa ông Carter với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani tái khẳng định chiến lược tái cân bằng sang Châu Á của Hoa Kỳ, với nội dung chính là chuyển thêm sức mạnh chính trị và quân sự tới khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Bà Sheila Smith, một chuyên gia về quan hệ Trung-Nhật, cho rằng sự tái cân bằng này hết sức quan trọng.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ở vào một thời điểm cực kỳ quan trọng ở Châu Á Thái Bình Dương. Và mọi người, khi nhìn sang Thái Bình Dương, họ trông thấy một nước Trung Quốc mới đang trỗi dậy.”
Chi tiêu quốc phòng của TC đã gia tăng với tỉ lệ hai con số trong 5 năm liên tiếp. Hoa Kỳ đang ứng phó với tình hình này qua việc tăng cường các mối quan hệ trong khu vực, nhưng cho biết Washington không muốn ngăn chận sự trỗi dậy của TC.
Bà Smith cho biết những cuộc họp của ông Carter với các giới chức Nhật Bản nhắm tới mục tiêu thiết lập những đường hướng mới của sự hợp tác quốc phòng giữa Washington và Tokyo.
“Tôi nghĩ rằng những văn kiện hướng dẫn này sẽ rất hữu hiệu để bảo đảm là không ai tính toán một cách sai lầm về tầm quan trọng của mối quan hệ đồng minh giữa hai quốc gia chúng ta.”
Tại Bắc Kinh, truyền thông nhà nước TC tố cáo Nhật Bản lợi dụng sự dựa dẫm ngày càng nhiều của Hoa Kỳ đối với các nước đồng minh ở Châu Á để khích động những mối căng thẳng trong các vấn đề lãnh thổ và lịch sử.
Văn kiện hướng dẫn về hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật sẽ được các giới chức hai nước đúc kết vào cuối tháng này, khi thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp gỡ Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Washington.
Công cuộc hợp tác sẽ bao gồm các chương trình hợp tác mới trong không gian và trên mạng cùng với việc tăng cường sự phối hợp hoạt động của lực lượng quân sự của hai nước. – Theo VOA