Điểm Báo Pháp – 8-4-2015
Tổng thống Nam Hàn Park Geun-hye phát biểu tại Quốc hội – REUTERS /Ahim Rani
Theo RFI – Mai Vân – 08-04-2015
Seoul lâm vào thế khó xử giữa Washington và Bắc Kinh
Thời sự châu Á ngày 08/04/2015 nổi bật trên báo Le Monde với bài phân tích ở trang quốc tế mang tựa «Seoul đang bị dằng xé giữa Washington và Bắc Kinh», với hàng chú thích bên dưới: «TC muốn ngăn không cho Nam Hàn triển khai hệ thống chống tên lửa của Mỹ». Trên các báo khác là các đề tài tản mạn như chính sách mới của Ngân hàng Trung ương Châu Âu BCE, kế hoạch đầu tư của Thủ tướng Pháp, cuộc đọ sức giữa Iran và Ả Rập Xê-Út ở Yemen…
Tác giả bài báo trên Le Monde – Thông tín viên Philippe Pons tại Tokyo – mở đầu với nhận xét: Dung hòa yêu sách chiến lược của người đồng minh Hoa Kỳ và quyền lợi kinh tế với TC, đối tác thương mại hàng đầu, đang trở thành “một cuộc đi dây” khó khăn đối với Seoul.
Bất chấp Mỹ, Seoul vừa gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng AIIB mà Bắc Kinh thiết lập nhưng còn phải đối đầu với hai vấn đề gai góc khác: chấp nhận cho triển khai trên lãnh thổ Nam Hàn hệ thống chống tên lửa của Mỹ – THAAD – mà Bắc Kinh cho là có thể tác động đến hoà bình và an ninh trong khu vực. Thứ hai nữa là phải đáp ứng yêu cầu của Mỹ cải thiện quan hệ với Tokyo để không gây trở ngại cho chiến lược của Washington ở Châu Á.
Philippe Pons phân tích là hệ thống chống tên lửa THAAD, là nhằm đối phó mối đe dọa Bắc Triều Tiên nhưng cũng nhắm vào TC, cho nên Bắc Kinh đã cảnh cáo các nước liên can phải thận trọng trong quyết định của mình.
Tác giả bài viết nhắc lại là do vị trí chiến lược, bán đảo Triều Tiên từ giữa thế kỷ XIX, đã là nạn nhân cuộc đọ sức giữa các đế chế, và tục ngữ Nam Hàn có câu “khi cá voi đụng nhau, tôm tép chết”. Cá voi ở đây là TC, Nhật Bản, Nga và các cường quốc phương Tây. Ngày nay, bán đảo vấn là một yếu tố then chốt trong thế cân bằng chiến lược giữa TC, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nga.
Hiện Seoul đang phải đau đầu: về mặt an ninh thì lệ thuộc vào Mỹ, nhưng kinh tế thì dựa vào TC: trao đổi thương mại giữa hai nước còn cao hơn là trao đổi cộng lại giữa Seoul với Mỹ, Châu Âu và Nga.
Không chỉ trên mặt kinh tế. Một dấu hiệu khác cho thấy Nam Hàn còn xem trọng quan hệ tốt với TC về mặt an ninh: Seoul đã cử Kim Jang – Soo, một cựu tướng lãnh từng là bộ trưởng Quốc phòng, được lòng giới quân sự TC, làm đại sứ tại Bắc Kinh.
Khó khăn khác nữa đối với Seoul, theo Le Monde, là mối quan hệ với nước Nhật của ông Shinzo Abe. Seoul không muốn làm Washington bực dọc thêm, nhưng cũng không thể tỏ ra quá nhượng bộ Tokyo trên vấn đề lịch sử, và Seoul cùng chiến tuyến với Bắc Kinh trên vấn đề này.
Tổng thống Nam Hàn đến nay vẫn chưa gặp Thủ tướng Nhật. Seoul cảm nhận rằng nhượng bộ, tỏ ra đột ngột mềm mỏng với Tokyo sẽ làm cho Bắc Kinh bất bình. Nhưng hiện nay, một phần dư luận Nam Hàn đánh giá là cô lập Nhật Bản là tạo điều kiện cho cánh hữu tại đấy. Quan điểm này càng làm Tổng thống Park Geun-hye thêm khó xử.
Tranh cãi về sách giáo khoa Nhật
Vấn đề lịch sử này cũng được Le Figaro hôm này chú ý trong bài báo trang quốc tế tựa đề: «Tại Nhật, sách giáo khoa (gây) bất hòa». Tờ báo giải thích bên dưới là Tokyo đã làm cho TC và Hàn Quốc giận dữ khi thông qua sách giáo khoa mới cho học sinh cấp 2, trình bày các vùng tranh chấp là lãnh thổ của Nhật Bản, và giản lược quá khứ quân phiệt của Nhật.
Tác giả bài viết Régis Arnaud tại Tokyo nhìn thấy đang bùng lên một cuộc tranh cãi mới về lịch sử giữa Nhật Bản và các nước láng giềng, với thông báo thứ Hai đầu tuần của Bộ Giáo dục Nhật về sách giáo khoa mới, gần với quan điểm “xét lại” của chính phủ Shinzo Abe, giảm nhẹ sự hệ trọng trong các hành vi của quân đội Nhật hoàng thời Thế chiến thứ 2, và xác định chủ quyền “cố hữu” của Nhật trên các đảo tranh chấp. TC phản ứng không chậm trễ và rất gay gắt.
Đáng lý ra 2015, theo Le Figaro, năm kỷ niệm 70 năm chiến tranh kết thúc có thể đánh dấu sự hòa giải giữa Nhật Bản và các nước nạn nhân, nhưng không! Các vết thương vẫn sâu rộng, từ hồ sơ phụ nữ giải sầu, thảm sát Nam Kinh, vấn đề đối xử với tù binh, ca ngợi, vinh danh cảm tử Nhật… cho đến sách sử.
Tranh cãi vẫn không nguôi, Le Figaro nhìn thấy ông Shinzo Abe lên nắm quyền đã làm cho mối hiềm khích sôi sục thêm.
Tác giả bài báo phân tích quan điểm của ông Shinzo Abe là ông tin chắc là Nhật đã bị lôi kéo vào cuộc chiến ngoài ý muốn của mình, và cách trình bày lịch sử, sau chiến tranh mà kẻ chiến thắng đã áp đặt, không công bằng đối với Nhật.
Và nếu ông cẩn thận không lên tuyến đầu thì ông đã để cho người phe cánh của mình hoàn toàn tự do, phổ biến quan điểm này ở mọi nơi. Ngay bộ Ngoại giao, trong ngân sách 2015, đã yêu cầu 50 tỷ yen dùng vào việc «giao tế quốc tế», nói cách khác là để phổ biến quan điểm «chính thức» về lịch sử Nhật.
Các nhà ngoại giao, theo Le Figaro đã bắt đầu công việc của họ, phản đối mọi bài viết cho là “không đúng đắn”. Ví dụ như thông tín viên tại Nhật Bản của tờ báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung cho biết là gần đây lãnh sự Nhật tại Frankfurt đã đến tòa soạn để tố cáo tờ báo là đã được TC trả tiền.
Tác giả bài viết chờ đợi xem Thủ tướng shinzo Abe sẽ nói gì vào ngày 15 tháng 8 tới đây, ngày kỷ niệm Nhật đầu hàng, kết thúc chiến tranh. Nhưng qua các cuộc thăm dò, ngày càng có nhiều người Nhật cho là không thể tin tưởng vào Nam Hàn và TC.
Hơn 70% người tại Mỹ không biết ông Shinzo Abe là ai
Les Echos cũng rất chú ý đến Thủ tướng Nhật, qua tựa đề «Shinzo Abe là ai?». Tờ báo nêu câu hỏi vì tại Hoa Kỳ, mà Nhật là đồng minh lớn ở Châu Á, thì theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận có đến 73% người được hỏi không biết ông Abe là ai.
Vào cuối tháng Tư này ông Shinzo Abe sẽ công du Hoa Kỳ, theo chương trình dự kiến sẽ phát biểu trước Quốc hội Mỹ. Trung tâm nghiên cứu Pew muốn tìm hiểu xem người Mỹ nghĩ thế nào về lãnh đạo của quốc gia đồng minh quan trọng của Washington tại Châu Á.
Kết quả thăm dò là có 11% người được hỏi đánh giá tốt ông Abe. Tuy nhiên theo Les Echos, Pew đã không mấy quan tâm đến kết quả này khi khám phá là có đến 73% cho là chưa từng nghe nói đến ông Abe. Tờ báo cũng chú ý đến suy nghĩ về quan hệ giữa hai nước: trả lời câu hỏi này, 75% người Nhật đánh giá cao kẻ thù trước đây, phía Mỹ thì 2/3 người trả lời thăm dò tin tưởng Nhật. Họ còn đánh giá là Nhật đã hối cải đúng đắn.
Les Echos cũng xem thử phản ứng dư luận Mỹ- Nhật đối với TC, thì quả là dân chúng hai nước tỏ ra khá ngờ vực: 30% người Mỹ và chỉ 7% người Nhật đánh giá là có thể tin tưởng TC.
Việt Nam – Trung Cộng
Chuyến đi Trung Quốc của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, cũng được Les Echos theo dõi với hàng tựa: lãnh đạo Việt Nam hiền lành trước Bắc Kinh.
Tác giả bài viết nhận xét trước tiên là trung thành với nguyên tắc ngoại giao TC, chủ tịch Tập Cận Bình đã làm tất cả những gì cần thiết để chơi lá bài cởi mở, thân tình trước nhân vật số 1 của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhưng nếu Tập cận Bình có phát biểu thân tình, không phải là vì TC thật sự cởi mở trên vấn đề nội dung, nhưng là ông biết trong cuộc đọ sức, cán cân tương quan lực lượng tiếp tục nghiêng về phía Bắc Kinh, và buộc Hà Nội phải chừng mực hơn trong việc phản đối Bắc Kinh.
Bài báo nhắc lại là ngoài Tổng bí thư Đảng, còn có các bộ trưởng Ngoại Giao, Quốc phòng, Công an, và tất cả đều biết là kinh tế Việt Nam lệ thuộc đến mức nào vào người láng giềng hùng mạnh.
Les Echos trích số liệu hãng thông tấn Bloomberg, đưa ra một ví dụ: số du khách TC đến Việt Nam trong 3 tháng đầu năm nay, 2015, đã giảm 40% trong lúc mà vào cùng thời kỳ 2014, số lượng này tăng 49%. Từ năm 2011, du khách TC đến Việt Nam tương đương với số du khách Nhật và Hàn Quốc cộng lại.
Trong mắt Les Echos vừa lệ thuộc về kinh tế, vừa gần gủi về ý thức hệ với Bắc Kinh, Việt Nam biết là giới hạn hành động của mình rất hạn hẹp.
Yemen: Thất bại của Mỹ và Ả Rập Xê – Út
Trở lại với thời sự quốc tế, Le Monde rất quan tâm đến diễn tiến tình hình Yemen nơi mà Ả Rập Xê – Út và Iran đọ sức. Đây là vùng đất được xem là chiến lược của Ả Rập Xê – Út, và là người láng giềng sát nút. Le Monde nhìn thấy «Ryad đang vùng dậy chống chọi với Iran», tít trang nhất.
Quốc vương Salman đã lôi kéo được các quốc gia Ả Rập, theo hệ phái Hồi giáo Sunni, trong cuộc chiến chống Houthi, theo hệ phái Shiai ở Yemen, tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng lớn của Iran ở Trung Đông.
Đối với Le Monde, kết quả huy động lực lượng của Ryad trước đà ảnh hưởng của Iran, thể hiện một sự năng động mới của Ả Rập Xê Út, vốn trước đây rất thụ động. Phải chăng theo tờ báo, đang hình thành một học thuyết mới, “học thuyết Salman”, can thiệp, chống Iran?
Le Monde ghi nhận là Quốc vương Salman đã lôi kéo được những đồng minh như Tổng thống Ai Cập, Quốc vương Qatar, cải thiện được quan hệ với Thổ Nhĩ kỳ, và chiêu dụ được Sudan, từng được cho là gần gủi với Iran, trong mặt trận chống lại Teheran.
Dù ghi nhận sự bật dậy của Ả Rập Xê Út trước tình hình Yemen, nhưng Le Monde nhìn thấy là việc Yemen rơi vào tình trạng hiện nay, thể hiện một thất bại của Mỹ và của Ả Rập Xê Út. Chiến lược của Mỹ tại đây không phải là xây dựng một nhà nước mà chỉ là chiến lược chống khủng bố mà thôi.
Tờ báo điểm lại tình hình: chính quyền trung ương Yemen thiếu tính chính đáng, một lãnh thổ to lớn bỏ mặc cho các lục lượng vũ trang mafia hồi giáo hoành hành, dân chúng phải chạy loạn … Yemen, một nước yếu, kém phát triển, đang dần trở nên một đất nước rệu rã.