Điểm Báo Pháp – 7-4-2015
Một cặp vợ chồng mới cưới tại TC. Ảnh: Reuters
Theo RFI – Thu Hằng – 07-04-2015
Cho thuê người yêu, phiên bản TC
Dịch vụ cho thuê người yêu trong xã hội Trung Hoa hiện đại ngày càng phát triển. Giới trẻ không có thời gian để tìm hiểu, hoặc muốn theo đuổi sự nghiệp, nên chuyện tình cảm cá nhân bị đưa xuống hàng thứ yếu. Thế nhưng, dưới sức ép của cha mẹ, nhiều người buộc phải «thuê» người yêu để ra mắt gia đình trong những dịp lễ hội, hoặc tại các sự kiện quan trọng.
Tại Thượng Hải, tuổi trung bình để kết hôn đối với một phụ nữ là 28. Qua tuổi này, cô gái bị coi là «ế» (Sheng nu/Thặng nữ). Chủ đề này ám ảnh xã hội TC hiện đại, thậm chí được các cơ quan truyền thông nhà nước châm biếm trong một chương trình Gala nhân dịp năm mới. Vì, chính quyền TC đang cải cách chính sách kế hoạch hóa gia đình, và ủng hộ giới trẻ thành hôn ngay khi có thể.
Cùng với dịch vụ làm quen trên internet, dịch vụ cho thuê người yêu cũng nở rộ, trong một xã hội ngày càng cạnh tranh hoặc đôi khi, chỉ để bớt cảm giác cô đơn. Người có nhu cầu có thể thuê theo ngày hoặc giờ. Còn người cung cấp dịch vụ sẽ trả 20% hoa hồng cho trang web họ đăng kí. Ngay cả trang Taobao.com nổi tiếng của tập đoàn Alibaba cũng không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh này.
Hai mươi năm tăng trưởng mạnh đã khiến mọi quy chuẩn của xã hội truyền thống TC thay đổi và đặt thế hệ trẻ trong thế bấp bênh. Đồng sáng lập một trang gặp gỡ, có 16 văn phòng khắp nước, cho biết: «Tại Trung Quốc, khi bạn tới độ tuổi kết hôn, bạn phải đối mặt với nhiều áp lực. Nhiều bậc phụ huynh chuẩn bị cho bạn tới 7 hoặc 8 cuộc hẹn một ngày với những người họ chọn trước. Nhưng rất nhiều thanh niên chưa thấy sẵn sàng do vấn đề tài chính hoặc không có tình cảm».
Chính vì muốn con cái của mình nhanh tìm được ý chung nhân, tại nhiều công viên ở các thành phố lớn, hoặc «hội chợ cưới» ở một số làng, nhiều bậc phụ huynh không ngần ngại viết một tấm bảng lớn ghi đầy đủ đặc điểm của con cái mình. Chính vì thế, giới trẻ TC luôn cảm thấy sức ép nặng nề khi về gặp gia đình. Với họ, thuê người yêu là giải pháp giúp họ tiết kiệm thời gian.
Giá cho thuê giao động từ 500 nhân dân tệ (80 euro) tới hơn 1500 NDT (240 euro) đối với những phụ nữ có nhan sắc, thậm chí, người ta có thể thấy một số «bạn trai» Tây. Để tránh mọi rắc rối như kiểu dịch vụ môi giới mại dâm, các trang siết chặt kiểm tra danh tính của những «người cho thuê» dịch vụ. Họ phải gửi trước căn cước và mọi yêu cầu mại dâm sẽ bị loại bỏ tức thì.
Mục đích thuê người yêu cũng rất đa dạng. 60% trong số họ tìm cách làm gia đình bớt căng thẳng, như trường hợp một cặp đồng tính sống tại Thượng Hải. Hàng năm, mỗi người thuê một bạn trai về thăm gia đình dịp Năm Mới. 10% tìm đến dịch vụ để «tuyển vệ sĩ» cho những sự kiện sang trọng. Trong trường hợp này, khách hàng có những yêu cầu cao hơn về hình thể, thậm chí địa vị và thu nhập để có thể giới thiệu với bạn bè của mình.
Tuy nhiên, ngoài các mục đích trên, 30% còn lại tìm đến dịch vụ để tự cho mình một cuộc hẹn, như đi xem phim hay mua sắm. Và có thể tiến xa hơn nếu hai bên nảy sinh tình cảm. Trong nhóm này, người ta nhận thấy có nhiều người nhút nhát, những tâm hồn cô độc, bất hạnh trong tình yêu hay chinh phục những chân trời mới trong một xã hội truyền thống mà các cuộc hẹn hò đều qua giới thiệu.
Thậm chí, ngay cả những người cung cấp dịch vụ cũng có những động lực cá nhân. Đôi khi họ làm không phải vì tiền, mà là vì được gặp gỡ mọi người, hay chỉ đơn giản là hoàn thiện kĩ năng quan hệ, như đối với một cô gái làm trong lĩnh vực thương mại. Một số người cung cấp dịch vụ, sau này đã tìm được một người yêu thật sự, nhưng vẫn không từ bỏ công việc cho thuê bản thân. Họ chấp nhận với cuộc sống hai mặt và giữ bí mật cho riêng mình.
Bất đồng xung quanh thỏa thuận hạt nhân với Iran
Liên quan tới thỏa thuận hạt nhân với Iran. Sau khi năm nước thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và Đức đàm phán thành công với Iran về hồ sơ hạt nhân của nước này, báo chí Pháp tiếp tục thông tin về những ý kiến phản đối thỏa thuận trên.
Báo Le Monde cho biết: «Tại Iran, đồng loạt ủng hộ thỏa thuận Lausanne». Trái ngược với thái độ chỉ trích mọi thỏa thuận kí kết với phương Tây, lần này, phe bảo thủ hoan nghênh những người tham gia đàm phán do nhà lãnh đạo tối cao ủng hộ. Một nghị viên bảo thủ, trước đó luôn chỉ trích chính phủ của Hassan Rohani, đã tuyên bố: «Quốc hội và nghị viên biết ơn đối với chính phủ và nhóm đàm phán. Chúng tôi tin tưởng vào nhóm và Ngoại trưởng. Chúng tôi yên tâm rằng họ đã làm việc theo nguyên tắc do nhà lãnh đạo tối cao định hướng».
Tuy nhiên, Ủy ban bảo vệ lợi ích của Iran, một tổ chức gồm sinh viên, giáo viên và các nhà hoạt động Hồi giáo, gay gắt chỉ trích tổng thống Rohani đã giấu sự thật về thỏa thuận Lausanne. Theo họ, tuyên bố Lausanne đã phá hủy nền độc lập của Iran và đặt dấu chấm dứt cho ngành công nghiệp hạt nhân của nước này.
Thỏa thuận khung Lausanne cũng vấp phải sự phản đối từ phía Israel. Chính phủ của thủ tướng Benyami Nétanyahu đang chuẩn bị các đòn trả đũa. Đây là thông tin mà Libération đăng trong số ra hôm nay. Thủ tướng Israel luôn yêu cầu Téhéran công nhận sự tồn tại của quốc gia Do thái này trong mọi thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran. Thỏa thuận Lausanne càng khiến ông lo ngại hơn. Ông phát biểu: «Một nước hứa tiêu diệt chúng tôi mà lại đạt được một thỏa thuận mở đường cho sản xuất vũ khí hạt nhân, như vậy, sự sống còn của Israel đang bị đe dọa».
Tờ Les Echos cũng nhận định: «Thỏa thuận với Iran, còn nhiều trở ngại phải vượt qua». Từ Washington tới Téhéran, nhiều ý kiến phản đối kết quả đạt được tại Lausanne đang tìm cách lật ngược tình thế. Các nhà đối lập Cộng hòa đánh giá đây là một lỗi nghiêm trọng và dọa ngăn cản Nhà Trắng dỡ bỏ trừng phạt quá nhanh đối với Iran. Họ yêu cầu được quyền 60 ngày quan sát để thẩm định hay ngăn cản thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, tổng thống Obama vẫn giữ quyền phủ quyết và có thể tránh Quốc hội.
Thái độ thờ ơ chết người
Trang nhất của Libération đăng tấm hình khuôn mặt lo lắng của một số trong 1 500 người vượt biên trái phép vừa đặt chân tới Lampedusa thứ Bẩy vừa qua, ngày 04/04. Hòn đảo của Ý với diện tích vỏn vẹn trên 22km2 là miền đất hứa, là chân trời mới, cho những nạn nhân của các cuộc chiến đang diễn ra tại Trung Đông và một số nước Bắc Phi.
Libération cảnh báo: «Lampedusa, hòn đảo quá tải làn sóng nhập cư». Từ năm 2013, nhiều thảm kịch vượt biên đã xảy ra trước sự thờ ơ của thế giới, đến mức Giáo Hoàng đã phải dùng cụm từ: «toàn cầu hóa thái độ lãnh đạm» để chỉ trích các nước khoanh quay đứng nhìn.
Một số ý kiến cho rằng châu Âu phải gánh vác vai trò và trách nhiệm trong việc cứu trợ người di cư, với các tôn giáo khác nhau, trốn chạy chiến tranh và cái chết. Gần đây, nhật báo Anh Daily Telegraph, lo ngại những kẻ khủng bố trà trộn vào làn sóng người nhập cư. Ngay lập tức, các cơ quan an ninh của Ý bác bỏ khả năng này. Tuy nhiên, Roma tỏ ra nghiêm túc trước khả năng sẽ còn có nhiều người nhập cư hơn trong vài tháng tới. Theo dự tính của cơ quan Châu Âu Frontex, kỉ lục người nhập cư năm nay sẽ bị đánh bại năm ngoái. Chỉ riêng từ đầu năm 2015, đã có 5 600 người vượt biển tới Ý.
Tình hình hỗn loạn vượt ngoài tầm kiểm soát tại Libya, đặc biệt là tại các nước phía Nam sa mạc Sahara, đã khiến dòng người vượt biên ngày càng lớn. Ngoài điều kiện thời tiết khó khăn, họ còn phải đối mặt với lòng tham vô hạn và sự độc ác của những người tổ chức vượt biên.
Còn tại Lampedusa, không có chút thay đổi nào từ khi số lượng người nhập cư ngày càng tăng dần. Cho tới cuối năm 2014, chiến dịch «Mare Nostrum» cho phép triển khai một số tầu trên biển gần tới đường bờ biển của Libya để có thể trợ cứu nhiều người gặp nạn nhất có thể. Sau đó, các nạn nhân được chuyển tới những cảng biển gần đó. Tuy nhiên, chiến dịch «Triton» đang được triển khai hiện nay chỉ cho phép tàu cứu hộ hoạt động trong phạm vi 55 km, tính từ đường duyên hải Ý. Chỉ khi nhận được tín hiệu cấp cứu, lính tuần duyên Ý mới xuất phát từ Lampedusa, nên việc cứu hộ trở nên chậm trễ do quãng đường xa hơn, chưa tính tới thời tiết xấu.
Một nhân viên trên đảo than phiền: «Lúc nào cũng thế. Ý và Châu Âu hành xử như không có chuyện gì đang xảy ra ở phía Nam. Rồi bỗng nhiên, họ hiểu ra tình hình đang rất cấp bách. Thế nhưng, tại vùng biển Địa Trung Hải này, lúc nào cũng khẩn cấp».
Khả năng độc lập của Groenland xa dần
Cách đây hai năm, Groenland đã từng nêu ý định tách rời Đan Mạch để trở thành một quốc đảo độc lập. Thế nhưng, giá nhiên liệu giảm mạnh đang làm tan biến giấc mơ này. Báo Le Figaro thông tin: «Khả năng độc lập của Groenland xa dần».
Groenland độc lập? Với lãnh đạo của hòn đảo thì một ngày nào đó, rất có thể. Nhưng giờ chưa phải lúc. Có thể đây là việc của các thế hệ tương lai. Groenland là hòn đảo lớn nhất thế giới, trù phú nhờ các mỏ dầu và quặng, đồng thời có vị trí chiến lược tại vùng Bắc Băng Dương. Các đảng phái trên đảo đều cho rằng, vùng tự trị này vẫn chưa sẵn sàng để độc lập và còn nhiều vấn đề phải giải quyết trước đó, như giáo dục hay cải thiện và đa dạng hóa nền kinh tế, vẫn còn phụ thuộc quá nhiều vào ngành đánh bắt hải sản.
Vậy mà, hai năm trước đây, Groenland đã tính tới việc độc lập và tự gia hạn tới năm 2021 để thực hiện ước mơ. Tại thời điểm đó, chính quyền quá kỳ vọng vào việc khai thác nhiên liệu (như sắt, đồng, kẽm, uranium…) và đất đá quý để có thể độc lập về kinh tế, dần dần tiến tới độc lập về chính trị. Thế nhưng, các biến động về giá dầu, hay việc Hoa Kỳ triển khai dự án khí đá phiến, đã làm nguội tham vọng của các nhà đầu tư vào cuộc viễn chinh «Miền Bắc rộng lớn».
Năm 2013, hòn đảo đứng top 10 các vùng đất thu hút đầu tư trên thế giới. Năm 2014, Groenland rơi xuống hàng thứ 41. Để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, chính quyền Nuuk không ngần ngại tổ chức nhiều cuộc đối thoại tại Tokyo, Toronto, Bruxelles, Copenhagen nhằm quảng bá miền đất Groenland đầy cơ hội.
Một số thông tin khác
Tờ Le Figaro quan tâm tới hoạt động chuẩn bị đại hội của đảng Xã hội sẽ diễn ra đầu tháng 6 tại thành phố Poitiers. Các nhóm trong đảng còn vài ngày để trình đường lối chiến lược giúp định hướng hoạt động của đảng và bầu ra thư kí mới trong kì đại hội tới. Còn đảng UMP cũng phát động chiến dịch tranh cử ứng cử viên của đảng cho kì bầu cử tổng thống vào năm 2017.
Nhân chuyến thăm chính thức của tổng thống Tunisia tại Pháp, tổng thống nước này hy vọng tăng cường mối quan hệ kinh tế và chính trị giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch chiếm tới 7% GDP của Tunisia. Từ năm 2011, lượng khách du lịch Pháp, chiếm phần lớn du khách nước ngoài, đã giảm xuống một cách đáng kể.
Thời sự quốc tế vẫn xoay quanh chủ đề thỏa thuận khung về hạt nhân với Iran. Ngoài ra, các báo đều bình luận về thông tin mới liên quan tới vụ thảm sát 147 người tại một trường đại học ở Kenya. Một trong những kẻ cầm đầu cuộc thảm sát là một cựu sinh viên Luật của trường.