Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi!
Sức mạnh lòng Dân – April 4th, 2015 – AFR Dân Nguyễn
Trong khi đảng, chính quyền trung ương đang tập trung mọi nỗ lực cho chiến dịch quảng bá rầm rộ về cái gọi là “kỷ niệm lần thứ 40 giải phóng Miền Nam”, thì bất ngờ xảy ra những cuộc biểu tình rầm rộ với quy mô chưa từng thấy tại hai tp lớn Hà Nội và Sài Gòn. Đây không chỉ là sự kiện làm nức lòng “Bọn phản động”, hay “các thế lực thù địch”, song nó làm nức lòng toàn thể Nhân Dân VN trong cũng như ngoài nước. Duy chỉ có thế lực “không phản động” – đảng cộng sản VN và “Chính quyền nhân dân” của đảng là không vui, hơn thế còn lo sợ…
Hà Nội với cuộc xuống đường tuần hành của hàng nghìn người, với đủ các tầng lớp Nhân Dân. Hình thái đấu tranh rất ôn hòa, bất bạo động. Mục tiêu đấu tranh cũng rất rõ ràng: Phản đối chính quyền HN chặt phá cây xanh, hủy hoại môi trường. Những hình ảnh thật cảm động về việc phản đối nhà cầm quyền HN đã cho thấy “tri thức” của người Dân, như trèo lên cây ngồi, buộc nơ cho cây, hay những câu khẩu hiệu nhân cách hóa cây “đừng giết tôi”… đối nghịch hoàn toàn với cái tâm, cái tầm của quan lại HN qua những phát biểu quanh co bao biện của họ. Nó cũng cho thấy cái tâm, cái tầm của quan lại trung ương, bộ chính trị là thế nào, khi tuyệt nhiên không ai trong số họ tỏ thái độ bức xúc với sự kiện quan trọng này, cứ như thể sự kiện này không diễn ra, hoặc diễn ra ở đâu đó xa xôi, hay chỉ là “chuyện nhỏ như con thỏ”…
Có lẽ vì tính chất của cuộc tuần hành “nhân văn” và xác đáng quá, mà chính quyền không dám đàn áp.
Khi người Dân HN đang tiến hành cuộc biểu tình chống lại bọn lâm tặc giữa Ba Đình, thì tại TP “mang tên bác”, hàng vạn công nhân, lực lượng mà đảng cộng sản luôn đề cao vai trò “tiên phong” trong việc cướp chính quyền trước đây, nay lại đang rầm rộ xuống đường biểu tình phản đối mạnh mẽ một quyết định của chính quyền đã được ghi nhận như là chính sách an sinh xã hội không phù hợp, ảnh hưởng tới quyền lợi của “giai cấp tiền phong”. Chính quyền đã điều động một lực lượng cảnh sát, dân phòng tới. Lực lượng “chuyên chính” này đã có hành động khá manh động, là bắt một số công nhân vào những thời điểm số lượng người biểu tình giảm.
Đã từ nhiều năm nay liên tiếp xảy ra những sự kiện qua đó cho thấy chính quyền làm ngơ hoặc thờ ơ với việc để mặc sức các ông chủ nước ngoài bóc lột công nhân lao động. Trong khi công đoàn trong các khu vực kinh tế này vẫn “nêu cao vai trò” là tổ chức “ăn theo nói leo” bởi họ do chính quyền nặn ra. Lẽ ra họ phải đứng ra, đại diện cho công nhân để có tiếng nói đối thoại với giới chủ hay chính quyền, bảo vệ quyền lợi cho công nhân, nhưng trong những ngày qua không thấy ai nhắc nhớ tới tổ chức này…
Thực tế, từ khi đảng cộng sản cướp được chính quyền, giai cấp công nhân mà họ vẫn luôn rêu rao là lực lượng tiên phong lãnh đạo cách mạng, luôn bị đối xử như những người làm thuê. Không phải công nhân bị bóc lột, bị cư xử thô bạo trong các doanh nghiệp nước ngoài, mà ngay trong các doanh nghiệp nhà nước, họ cũng bị coi là “cu-li”. Ở trong phạm vi hoạt động của những “quả đấm thép” hay trong khu vực kinh tế do các ông chủ nước ngoài nắm giữ, tình trạng nhà ở, lương bổng hay nhiều quyền lợi khác của công nhân bị rẻ rúng. Bao nhiêu lần xảy ra tình trạng ngộ độc thức ăn khiến hàng trăm công nhân phải nhập viện. Đa phần các công nhân phải bỏ tiền thuê nhà ở. Lương thấp khiến cho đời sống của công nhân lầm than…
Qua hai cuộc biểu tình trên, một lần nữa cho thấy không hề có “các thế lực thù địch” nào lãnh đạo hay khởi xướng. Hoàn toàn là các cuộc xuống đường bởi sự thôi thúc của con tim, của nhận thức vai trò mỗi cá nhân trong cộng đồng, là vì quyền lợi chính đáng thiết thân của mỗi người. Nó tự phát, nhưng không hề giống các nhóm người mà chính quyền vẫn gọi là “quần chúng tự phát”, vì những nhóm người “tự phát” này thực chất là người của chính quyền, hay được chính quyền thuê mướn, dùng vào việc quấy phá, gây hấn khiêu khích những người hay tổ chức tiến bộ.
Xét về quy mô, hai cuộc biểu tình tại hai TP HN và SG rất đáng mừng. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy một số vấn đề cần nghiên cứu và đánh giá. Đây là những sự kiện cho thấy người dân bị vi phạm nghiêm trọng quyền lợi thiết thân, nhìn rõ trước mắt. Nó giống như phản ứng của cơ thể khi gặp thời tiết xấu, thay đổi đột ngột thì cơ thể bị cảm, hắt hơi, xổ mũi lập tức… Trong khi những sự kiện lớn, vô cùng trọng đại như việc xâm lấn của giặc ngoại xâm thông qua các sự kiện biển đảo, hay của giặc nội xâm thông qua sự nhũng nhiễu, tham nhũng phá hủy nền kinh tế của Đất Nước với biểu hiện của “lợi ích nhóm”… Tất cả những sự kiện đó đã và đang diễn ra rõ ràng, nhưng hầu như không mấy có sự quan tâm của người dân. Đây là những sự kiện có thể “gây ung thư” mà nhiều người thờ ơ, trong khi phản ứng dữ dội với những sự kiện gây ‘hắt hơi, xổ mũi”…
Nhưng cho dù thế nào thì những cuộc biểu tình này cũng là những chỉ dấu cho thấy sự hé lộ “gót chân Achilles” của “chính quyền nhân dân”, rằng luật biểu tình chưa hiện hữu do sự cố tình trì hoãn của họ, rằng những người biểu tình có thể phải đối mặt với khủng bố, đàn áp… nhưng nó vẫn diễn ra, mà lại diễn ra quy mô lớn cả về số lượng người tham gia lẫn thời gian… và chính quyền cũng không có hoặc ít nhất là chưa dám thẳng tay đàn áp. Đây là một sự “tập dượt” khá quy mô, chuẩn bị cho một “mùa xuân Ả Rập” trên quê hương của “cách mạng Tháng Tám”, là tiếng sấm đầu mùa của giông tố cách mạng quét phăng độc tài chăng!?
Hãy giữ lửa
Có thể ví hai cuộc biểu tình đã và đang nổ ra tại hai đầu Đất Nước như là những đốm lửa. Mặc dù những cuộc biểu tình này chỉ là “những phản ứng của cơ thể với thời tiết”, phản ứng của những con người khi quyền lợi thiết thân bị xâm phạm; nhưng nó cũng đáng quý vô cùng. Nỗi sợ dường như được chuyển hướng, từ những người “tụ tập” sang chính quyền. Những phát ngôn từ phía nhà cầm quyền có vẻ bớt hung hăng tự phụ, bộc lộ nỗi lo sợ trước triều dâng thác đổ của lòng dân.
Để duy trì sự can đảm và ý thức của các tầng lớp Nhân Dân trước các vấn đề sinh tử của Dân Tộc, những cuộc biểu tình như thế này trong tương lai cần phải được nhắm tới những mục tiêu lớn hơn, là chống lại những chính sách, hành động của giặc ngoại xâm cũng như giặc nội xâm. Chuyện lâm tặc cầm quyết định đi phá cây xanh thủ đô rồi sẽ chấm dứt. Chuyện bảo hiểm được chi trả thế nào rồi cũng sẽ được giải quyết dứt điểm; nhưng chuyện bờ cõi của ta bị xâm lấn, chủ quyền quốc gia bị khinh khi do giặc ngoại xâm, hay chuyện “hèn với giặc, ác với dân”, chuyện vơ vét cướp bóc tài nguyên của Đất Nước, phá hoại nền kinh tế quốc gia từ giặc nội xâm, sẽ là vấn đề lớn, kéo dài gây tổn hại cho quốc kế dân sinh, cho đến chừng nào thù trong giặc ngoài vẫn còn nhởn nhơ giương giương tự đắc. Trong tương lai, các tổ chức Xã hội dân sự, các trí thức, lão thành cách mạng, và tất cả những người có tâm với Đất Nước phải đóng vai trò đi đầu trong các cuộc biểu tình, phải là linh hồn và khối óc của mỗi cuộc tuần hành thị uy. Phải là những người giữ lửa.
Phương châm biểu tình bất bạo động và bất tuân dân sự cần phải được nêu cao. Chắc chắn với phương châm hành động đó, lực lượng yêu nước tiến bộ sẽ tránh được những cuộc đàn áp thô bạo của nhà nước độc tài. Không đi vào vết xe đổ “cướp chính quyền” bằng “bạo lực cách mạng” như những gì cộng sản đã tiến hành trong quá khứ. Chúng ta không chỉ mong có được “chính quyền về tay Nhân Dân” thực chất, mà quan trọng hơn cần xây dựng một chính quyền theo xu thế của thời đại. Một chính quyền được sinh ra không từ bạo lực, song từ tri thức và nhân văn.
Cần cảnh giác trước việc chính quyền cộng sản cài người phá hoại, gây bạo động trong các cuộc biểu tình để lấy cớ đàn áp, cũng là điều mà khối óc của những phong trào sau này cần tính đến. Khi phong trào càng rộng lớn, càng quy mô thì càng đòi hỏi những người lãnh đạo có bản lính, có tâm dám xả thân đã đành, mà còn phải có nhãn quan chính trị và tri thức xứng tầm lãnh đạo.
Kêu gọi sự ủng hộ kịp thời của nhân dân thế giới cho công cuộc đấu tranh dành độc lập quốc gia, dành dân chủ nhân quyền; kêu gọi và tranh thủ sự đồng tình của chính những con người hiện còn đang trong guồng máy chế độ độc tài… cũng là một trong những sách lược mà chúng ta không thể bỏ qua.
Lực lượng công an, dân phòng cũng là con em Nhân Dân, từ Nhân Dân mà ra, không phải lúc nào họ cũng trung thành với chế độ. Họ cũng có trái tim, khối óc nhận biết đúng sai. Những gì mà họ buộc phải làm, kể cả việc thẳng tay đàn áp người Dân, là ngoài mong muốn của họ. Họ làm chỉ vì chế độ này đang trả lương. Đừng khiêu khích, đừng dồn họ vào chân tường. Hãy kêu gọi lòng yêu Nước thương nòi trong họ…
“Dậy mà đi hỡi Đồng Bào ơi”. Câu ca như lời hiệu triệu đang thúc giục lòng mỗi chúng ta!