Tin Thế Giới – 6/4/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 6/4/2015

Phiến quân Houthi đẩy nhanh cuộc tấn công thành phố Aden

Những vụ tấn công lẻ tẻ vẫn tiếp diễn quanh khu vực phía nam thủ đô Aden của Yemen, trong khi các phần tử chủ chiến Houthi đang tìm cách tiến lên trên nhiều mặt trận. Thông tín viên Edward Yeranian tường thuật cho đài VOA từ Cairo.

Đoạn video nghiệp dư cho thấy các phần tử chủ chiến Houthi bắn phá một khu dân cư nằm ở phía nam thủ đô Aden của Yemen, trong khi các chiến binh trung thành với Tổng thống Abdrabbu Mansour Hadi đáp trả bằng vũ khí hạng nhẹ.

Dường như phiến quân Houthi sử dụng pháo cối dã chiến để nã vào người dân bỏ chạy khỏi Aden.

Các xe tăng của phe Houthi tìm cách tiến vào Aden từ phía Bắc, dù vấp phải sự chống cự của các chiến binh địa phương. Hiện chưa rõ ngay là phe Houthi hiện kiểm soát bao nhiêu phần lãnh thổ.

Đài truyền hình al Maseera của phe Houthi chiếu cảnh khu vực cảng Aden, và tuyên bố rằng nhóm này hiện kiểm soát khu vực này. Một chiến binh Houthi trẻ tuổi mặc quân phục khẳng định rằng đơn vị của mình đang trên đà tiến.

Người chiến binh này nói rằng các xe tăng của phe Houthi đang sẵn sàng di chuyển tới quận Makalla gần đó, mà ông nói là nơi xảy ra tình trạng giao tranh dữ dội.

Truyền hình Ả Rập cũng đưa tin rằng các chiến binh bộ lạc từ tỉnh Hadramout ở miền đông cũng đang tìm cách di chuyển tới Makalla từ miền đông nhằm tìm cách đẩy lui các chiến binh al Qaida hiện kiểm soát quận này. Phe Houthi dường như tiến lên từ phía tây.

Đài truyền hình Al Arabiya chiếu cảnh liên minh do Ả Rập Saudi lãnh đạo đang tìm cách đẩy lui lực lượng của Houthi, đã thực hiện các vụ không kích dọc theo nhiều tuyến đường để tìm cách cắt đứt các tuyến tiếp viện của phe Houthi. Đài truyền hình Houthi tường thuật nhiều vụ tấn công đánh trúng khu vực nằm giữa tỉnh Shabwa và Baida.

Phát ngôn viên của quân đội Ả Rập Saudi, Tướng Ahmed Asiri, cho biết các máy bay của liên quân đã ném bom đảo Millon gần eo biển Bab al Mandeb dẫn tới Biển Đỏ.

Ông Asiri nói rằng các máy bay của liên minh đã đánh bom các xe tăng, vũ khí và đạn dược trên hòn đảo bị coi là gây ra một mối đe dọa đối với các tuyến đường biển quốc tế qua Bab al Mandeb.

Đài Monte Carlo thuộc sở hữu của chính phủ Pháp, phát bằng tiếng Ả Rập, đưa tin rằng các lực lượng biệt kích của Ả rập Saudi hiện tham gia vào các cuộc giao tranh bên trong lãnh thổ Yemen. Nhưng các nguồn tin của Ảrập Saudi bác bỏ các thông tin này với tuyên bố rằng “còn quá sớm để nói về bất kỳ vụ tấn công trên bộ nào”.

Một nghị quyết do Nga bảo trợ tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kêu gọi “ngưng giao tranh vì mục đích nhân đạo” ở Yemen đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các nước ủng hộ liên quân do Ả Rập Saudi dẫn đầu. Quyền Ngoại trưởng Yemen Riyadh Yasin gọi hành động đó là “thiên vị”, và cho rằng phía Nga làm vậy với hy vọng sẽ sử dụng lệnh ngưng bắn để “tái cung cấp vũ khí cho phe Houthi”. – VOA

Tin Hoa Kỳ – TT Obama: Thỏa thuận hạt nhân Iran là cơ hội ‘ngàn năm có một’ – Thế giới nói gì về thỏa thuận hạt nhân Iran

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố thỏa thuận khung về hạt nhân đạt được tuần trước với Iran tiêu biểu cho một cơ hội ‘ngàn năm có một’ để đem lại đôi chút ổn định cho Trung Đông – một sự ổn định sẽ tốt cho cả Israel lẫn các quốc gia khác. Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội Hoa Kỳ vẫn không tin tưởng và một nhà lập pháp chính của Hoa Kỳ dự định xúc tiến dự luật yêu cầu Tổng thống Obama xuất trình mọi thỏa thuận chung quyết ra Quốc hội để tranh luận và biểu quyết. Thông tín viên VOA Victor Beattie tường thuật.

Phát biểu với báo The New York Times hôm qua, ông Obama nói ông sẽ coi như là một thất bại cơ bản trong nhiệm kỳ của ông, nếu trong khi ông tại chức hoặc vì hậu quả công việc ông đã làm, Israel trở nên dễ bị tổn hại hơn. Ông nói đó sẽ không những là một thất bại về mặt sách lược mà còn là một thất bại về mặt đạo dức.

Thông điệp cho nhân dân Israel

Được hỏi ông muốn chuyển đi một thông điệp gì cho nhân dân Israel về thỏa thuận, tổng thống nói mặc dù có quyền quan ngại về Iran, họ cũng nên quan ngại về việc Iran không có khả năng thủ đắc vũ khí hạt nhân. Ông cho rằng không có chọn lựa nào để bảo đảm điều đó không xảy ra tốt hơn so với thỏa thuận khung đã đạt được ở Thụy Sĩ. Khung này là một cái sườn sẽ được sử dụng trong những cuộc thương nghị sau này về một thỏa thuận chung quyết vào cuối tháng 6.

Tổng thống Obama nói: “Iran sẽ không có một vũ khí hạt nhân khi tôi còn tại chức.” Nhưng ông cũng bày tỏ hy vọng sự sắp xếp ngoại giao này có thể “khơi mào cho một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Iran” và một kỷ nguyên mới trong quan hệ của Tehran với các nước láng giềng.

Phát biểu trong chương trình Meet the Press của đài truyền hình NBC, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi thỏa thuận khung là một “thỏa thuận xấu” dành cho Iran “một con đường tự do đi tới một quả bom”.

“Nó để lại cho quốc gia khủng bố vượt trội nhất trong thời đại của chúng ta một cơ sở hạ tầng hạt nhân rộng lớn. Hãy nhớ rằng không có một máy ly tâm nào bị phá hủy. Hàng ngàn máy ly tâm sẽ được để yên làm công tác xay uranium. Không có một cơ sở hạt nhân nào kể cả các cơ sở ngầm dưới đất, bị đóng cửa. Đây là một thỏa thuận để lại cho Iran khả năng chế tạo chất liệu cho nhiều, rất nhiều quả bom hạt nhân. Thỏa thuận này có tác dụng như thế qua việc bãi bỏ mọi biện pháp chế tài gần như trước tiên. Vì thế mà Iran sẽ có hàng tỷ đôla đổ vào các ngân quỹ không phải dành cho trường học, hay bệnh viện, hay đường sá, mà là để củng cố cho bộ máy khủng bố trên toàn thế giới và bộ máy quân sự, đang bận rộn chinh phục Trung Đông, vào ngay lúc này.”

Ông Netanyahu nói đây không phải là một vấn đề đảng phái, nó là một vấn đề thế giới bởi vì tất cả mọi người sẽ bị đe dọa bởi một Iran có vũ trang hạt nhân.

Hạn chế nghiêm ngặt

Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Ernest Moniz, người tham gia các cuộc thương nghị, nói thỏa thuận sẽ đem lại cho cộng đồng quốc tế một sự thừa nhận “gần như tức thời” mọi mưu toan của Iran nhằm tránh né thỏa thuận. Ông Moniz gọi đây là một thỏa thuận dài hạn.

“Không có hoàng hôn. Sẽ có rất nhiều giai đoạn khởi đầu bằng những hạn chế cực kỳ gắt gao về chương trình của Iran. Hy vọng là họ sẽ tuân thủ lâu dài, và xây dựng lòng tin. Nhưng, chúng ta có những hạn chế trong 10 năm, 15 năm, 25 năm và chúng ta có những hạn chế vĩnh viễn. Do đó, đây là một chương trình dài hạn, chứ không phải một thứ sẽ mai một trong vài năm.”

Ông Moniz nói thỏa thuận đòi hỏi sự tiếp cận chưa từng có từ trước đến nay với chương trình hạt nhân của Iran, không những ở các địa điểm được công bố, mà còn với bất cứ khía cạnh bí mật nào của cơ sở hạ tầng.

Nhiều ẩn số

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, ông Bob Corker, đại diện tiểu bang Tennessee nói nhiều chi tiết trong bản thỏa thuận chưa được biết khiến khó mà xác định được đây là một thỏa thuận tốt hay xấu. Ông nói dường như có những sự bất nhất về cách thức các biện pháp chế tài sẽ được nới lỏng. Ông cũng muốn biết làm cách nào những cuộc thanh sát bất ngờ sẽ được tiến hành đối với các khía cạnh bí mật của chương trình hạt nhân Iran, cũng như các tầm vóc quân sự của chương trình. Nghị sĩ Corker lập luận:

“Một lần nữa, tôi sẵn sàng. Tôi biết sẽ có nhiều chi tiết được thảo luận trong những tháng sắp tới. Đó là lý do vì sao, nhân danh dân chúng Hoa Kỳ, Quốc hội cần phải đóng một vai trò. Những gì người dân Mỹ có thể không biết được ngay lúc này là sẽ có mọi hình thức thêm thắt bí mật mang tính cách rất quan trọng. Họ đề ra các chi tiết về mức độ sự kiện này sẽ diễn ra. Và đó là lý do vì sao Quốc hội cần phải đóng vai trò đúng đắn trong việc phê chuẩn việc này trước khi nới lỏng những biện pháp chế tài theo yêu cầu của quốc hội mà chúng ta đã áp dụng.”

Ông Corker nói ủy ban của ông sẽ xúc tiến các kế hoạch biểu quyết vào ngày 14 tháng này về dự luật yêu cầu tổng thống đệ trình một thỏa thuận chung quyết ra trước Quốc hội để tranh luận và biểu quyết. Việc này sẽ ngăn ông Obama đình chỉ các biện pháp chế tài trong thời gian 60 ngày quốc hội xét duyệt. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng ông không chắc có hội đủ được con số 67 phiếu trong viện 100 ghế này để vượt qua một sự phủ quyết của tổng thống hay không.

Thỏa thuận lịch sử hôm thứ Năm 2/4 về chương trình hạt nhân của Iran vẫn là trọng điểm của những lời bình luận trên toàn thế giới. Thông tín viên Đài VOA Michael Bowman tường trình là cuộc tranh luận về thỏa thuận sơ khởi có phần chắc sẽ chiếm nhiều thời gian tại Washington khi Quốc hội Mỹ họp trở lại vào tuần tới.

Trong buổi cầu nguyện ngày Chủ Nhật nhân lễ Phục Sinh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh đến thỏa thuận đạt được tại Thụy Sĩ.

“Với hy vọng của chúng ta đặt vào Đức Chúa Trời nhân từ, cầu mong thỏa thuận khung vừa đạt được tại Lausanne, sẽ là một bước quyết định tiến tới một thế giới an toàn và anh em.”

Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi thỏa thuận là một “tin tốt lành cho thế giới.”

Ngược lại, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn là người chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận này.

“Đây là một thỏa thuận xấu. Thỏa thuận vẫn để cho Iran có được hạ tầng cơ sở hạt nhân rộng lớn. Tôi nghĩ để cho một quốc gia khủng bố vượt trội trong thời đại chúng ta có được con đường tự do, một con đường dễ dàng đi đến thủ đắc vũ khí hạt nhân thì điều này nguy hại cho Israel, nguy hại đối với vùng, và nguy hại đối với thế giới.”

Theo Tổng thống Barack Obama, trong khi thỏa thuận qui định việc nới lỏng những chế tài để đổi lấy việc giới hạn khả năng hạt nhân của Iran, nhưng không có nghĩa là bãi bỏ những biện pháp mà Hoa Kỳ và thế giới có thể áp dụng đối với Iran.

“Nhiều chi tiết quan trọng cần được thỏa thuận giải quyết trong vòng 3 tháng tới, và không có gì được thỏa thuận cho đến khi mọi chuyện được thỏa thuận. Và nếu có việc ngược lại thì sẽ không có thỏa thuận. Nếu Iran vi phạm thỏa thuận, các chế tài có thể được áp dụng trở lại ngay tức thì. Trong khi đó, những chế tài khác của Hoa Kỳ đối với Iran vì nước này ủng hộ khủng bố, vi phạm nhân quyền, chương trình phi đạn đạn đạo, tất cả sẽ tiếp tục được áp dụng.”

Trong khi cam kết tuân thủ những lời hứa đã được đưa ra, các giới chức Iran nói rõ là họ trông đợi một sự chấm dứt hoàn toàn và vĩnh viễn các biện pháp chế tài đã làm thiệt hại nền kinh tế nước này trong nhiều năm qua. Nhưng việc chấm dứt, chứ không phải ngưng một số các biện pháp chế tài của Mỹ đối với Iran, đòi hỏi phải có một hành động của quốc hội Mỹ, và nhiều thành viên trong quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát vẫn nghi ngờ, hay ngay cả chống lại thỏa thuận khung, có nghĩa là Tòa Bạch Ốc sẽ có nhiều việc phải làm.

Tổng thống Barack Obama nói: Tại nước Mỹ này, tôi thấy được là sẽ có những cuộc tranh luận gay go. Chúng tôi sẽ thông báo đầy đủ cho quốc hội và người dân Mỹ về nội dung của thỏa thuận. Là Tổng thống và Tổng Tư lệnh quân đội, tôi tin chắc rằng giải pháp ngoại giao, toàn diện và lâu dài như thế này – cho đến nay là giải pháp tốt nhất.”

Các cuộc thăm dò cho thấy hầu hết người Mỹ sẵn sàng chấp nhận việc giải quyết qua thương thuyết chương trình hạt nhân của Iran và nhiều nhà lập pháp đang có mặt tại đơn vị bầu cử để gặp các cử tri. Mọi thông điệp các thành viên quốc hội nghe được từ công chúng có thể định hình cuộc tranh luận tại Điện Capitol khi quốc hội trở lại làm việc vào tuần tới. – VOA

Thống đốc California bênh vực biện pháp hạn chế dùng nước

Thống đốc tiểu bang California, Hoa Kỳ, Jerry Brown bênh vực quyết định miễn cho các chủ nông trại phần lớn những biện pháp bắt buộc hạn chế nước, trong khi hạn hán chưa từng có từ trước đến nay khiến cho vùng viễn tây của bang trở nên tệ hơn.

Nói chuyện trong chương trình This Week hôm Chủ nhật, Thống đốc Brown nói rằng giới nông gia ở California đang “cung cấp rau quả của nước Mỹ cho một phần đáng kể của thế giới.”

Ông nêu lên rằng nông dân không phải là những người dùng nước “một cách hoang phí” cho các thảm cỏ và các vòi tắm hoa sen kéo dài. Ông nói nhiều chủ trại đã sa thải người giúp việc cho nông trại và vỡ đất lên.

Nhưng ông nói ông có thể xem xét lại một đạo luật của bang đã có từ cả trăm năm nay cho phép nông gia California trả tiền nước ít hơn người khác. Ông gọi hệ thống đó đã “cổ xưa”.

Tuần trước thống đốc Brown đã đề ra các biện pháp bắt buộc các nhà dân và doanh nghiệp trên khắp tiểu bang hạn chế sử dụng nước trong khi hạn hán đã bước sang năm thứ 4. Phần lớn tiểu bang, theo các chuyên gia, trong tình trạng rất khô hạn.

Những người vi phạm luật có thể bị phạt vạ nặng.

Ông Brown nói với đài ABC rằng “Khí hậu thay đổi không phải một chuyện đùa. Chúng tôi đang đối phó với nó và quả thật là nghiêm trọng.” – VOA