Tin Thế Giới – 4/4/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 4/4/2014

Lãnh đạo đối lập Miến Điện không loại trừ tẩy chay bầu cử

Trả lời hãng tin Anh Reuters vào hôm qua, 03/04/2015, bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ đối lập chủ yếu tại Miến Điện, không loại trừ khả năng bà tẩy chay cuộc tổng tuyển cử tổ chức vào cuối năm nay. Bà sẵn sàng quyết định như trên nếu dự thảo hiến pháp do quân đội soạn thảo vẫn cấm bà ngồi vào chiếc ghế tổng thống.

Lãnh đạo đối lập Miến Điện cho là đảng của bà, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã “sẵn sàng điều hành đất nước”, nhưng Tổng thống Thein Sein lại không thành thật trong cải cách và có thể tìm cách dời cuộc bầu cử.

Bà Aung San Suu Kyi còn đánh giá rằng chính những lời khen của Mỹ đối với chính quyền bán dân sự lên nắm quyền năm 2011 sau 50 năm chế độ quân sự hà khắc, đã khiến cho chính quyền thấy thỏa mãn về cải cách đã thực hiện nên không cần thúc đẩy thêm. Đối với bà Aung Sang Suu Kyi, chế độ của ông Thein Sein vẫn là một chế độ ‘cứng rắn’.

Lãnh đạo đối lập Miến Điện công nhận là “tẩy chay bầu cử không phải là sự chọn lựa tốt nhất”, nhưng bà “không loại trừ khả năng này”.

Tuy nhiên, bà Aung San Suu Kyi cũng nhấn mạnh trên tầm quan trọng của cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào tháng 11 tới đây vì đó là “bài trắc nghiệm thực thụ cho thấy Miến Điện có đi trên con đường dân chủ hay không”.

Đối với bà, ông Thein Sein “thành thật” về cải tổ trong cuộc tiếp xúc với bà lần đầu tiên năm 2011, nhưng bây giờ thì không. Bằng chứng là nếu ông thành thật thì cải tổ đã đi xa hơn chứ không như bây giờ. Bà còn e ngại là Tổng thống Thein Sein sẽ lợi dụng hòa đàm với các sắc tộc như một cái cớ để dời ngày bầu cử.

Trong tình hình hiện nay, với cải cách bị khựng lại, bà Aung San Suu Kyi quy trách nhiệm phần nào cho Mỹ và phương Tây nói chung, đã tỏ ra quá lạc quan, khen ngợi chính quyền Miến Điện để khuyến khích họ cải cách.

Bà tự hỏi là liệu lời khen có thúc đẩy chính quyền cải cách hơn nữa hay không, hay là chỉ làm cho họ tự mãn mà thôi. Cho nên đối với bà, tỏ ra hoài nghi một chút có lẽ sẽ tốt hơn. – RFI

TC dùng viện trợ quân sự để gia tăng ảnh hưởng lên Cam Bốt

Cùng với các hợp đồng bán vũ khí và hàng tỷ đôla đầu tư, viện trợ quân sự đã góp phần thắt chặt quan hệ giữa TC với Cam Bốt và qua đó mở rộng ảnh hưởng ra khu vực, kể cả ở vùng Biển Đông. Đó là nhận định của các nhà phân tích được hãng tin Reuters trích dẫn trong một bài nhận định đề ngày 02/04/2015.

Thể hiện rõ nhất của viện trợ quân sự TC cho Cam Bốt đó là Học viện Quân sự, được thành lập vào năm 1999 tại tỉnh Kampong Speu, cách Phnom Penh khoảng 80 km.

Kể từ năm 2009, mỗi năm khoảng 200 học viên được tuyển sinh vào học viện này cho các khóa học kéo dài 4 năm, theo chương trình học do Bộ quốc phòng TC và các cố vấn TC đề ra. Các cố vấn TC này cũng giám sát một đội ngũ giáo viên Cam Bốt. Chương trình còn bao gồm 6 tháng huấn luyện bắt buộc tại các học viện quân sự ở TC. Con số 190 học viên tốt nghiệp hồi tháng 3 vừa qua là đợt thứ ba được huấn luyện từ trường này.

Theo lời một quan chức cao cấp của chính phủ, xin được miễn nêu tên do đây là vấn đề nhạy cảm, các học viên tốt nghiệp từ Học viện Quân sự được giao nắm giữ những vị trí quan trọng, trong đó có chỉ huy các lữ đoàn. Theo quan chức này, TC chi trả phần lớn chi phí xây học viện và chi phí hoạt động.

Theo nhận định của giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về an ninh Đông Nam Á tại Học viện Quốc phòng Úc, học viện quân sự ở Cam Bốt dường như là nỗ lực đầu tiên của Bắc Kinh nhằm xây dựng một cơ sở quy mô lớn kiểu này ở Đông Nam Á.

Ông Thayer nói: “Đối với Trung Quốc, đó là bước đầu của một chiến lược dài hạn nhằm giành ảnh hưởng trong quân đội Cam Bốt bằng cách đào tạo quân nhân cho nước này. Và Trung Quốc lưu giữ rất kỹ các dữ liệu tình báo về tất cả học viên. Không ở nơi đâu tại Đông Nam Á mà ảnh hưởng của Trung Quốc lại lớn như thế”.

Học viện Quân sự ở Kampong Speu được phát triển mạnh giữa lúc các hợp đồng vũ khí và viện trợ quân sự của TC cho Cam Bốt gia tăng đáng kể. TC cũng đầu tư hàng tỷ đôla vào nền kinh tế nước này. Vào năm 2013, Cam Bốt đã tiếp nhận 12 trực thăng Harbin Z-9 mua bằng khoản vay 195 triệu đôla của TC. Vào năm tới, quân đội Cam Bốt cũng sẽ tiếp nhận 26 xe tải và 30.000 bộ quân phục từ TC.

Theo hãng tin Reuters, bộ Quốc phòng TC khẳng định là sự trợ giúp quân sự cho Cam Bốt không kèm theo các điều kiện chính trị và không làm tổn hại tới lợi ích của bất kỳ bên thứ ba nào. Nhưng ông Lao Mong Hay, một nhà phân tích và cố vấn cho phe đối lập Cam Bốt, cho rằng viện trợ quân sự hào phóng của TC đã thúc đẩy Phnom Penh, với tư cách chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2012, phá hỏng nỗ lực của khối này nhằm thiết lập một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông với TC. Ông Lao Mong Hay nói: “Lợi ích chiến lược của Trung Quốc cũng là nhằm gây chia rẽ ASEAN và Cam Bốt được sử dụng cho mục đích này”.

Viện trợ của TC nay lớn hơn nhiều so với viện trợ của Mỹ. Vào năm 2010, Mỹ đã hủy việc bàn giao 200 xe quân sự cho Cam Bốt sau khi chính quyền Phnom Penh trục xuất một nhóm người xin tỵ nạn Duy Ngô Nhĩ về TC vào năm 2009. Hai ngày sau vụ trục xuất đó, TC và Cam Bốt đã đã ký các hợp đồng trị giá khoảng 850 triệu đôla. Tiếp đến, vào năm 2013, Phnom Penh đã tuyên bố ngừng một số hợp tác quân sự với Hoa Kỳ sau những chỉ trích của các nghị sĩ Mỹ về cuộc bầu cử tại Cam Bốt. – Theo RFI

Tin Hoa Kỳ – TT Mỹ: Thoả thuận với Iran có được nhờ ‘hoạt động ngoại giao cứng rắn và có nguyên tắc’

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói rằng thoả thuận khung về hạt nhân với Iran là “một thoả thuận tốt” đã đạt được nhờ “những hoạt động ngoại giao cứng rắn và có nguyên tắc.”

Trong bài diễn văn hàng tuần phát thanh hôm nay, nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng Iran đã đồng ý không “tồn trữ” những vật liệu cần thiết để chế bom hạt nhân. Ông nêu ra rằng “các thanh sát viên quốc tế sẽ có quyền tiếp cận trước đây chưa từng có đối với chương trình hạt nhân của Iran bởi vì Iran sẽ đối mặt với những cuộc kiểm tra nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.” Ông nói thêm rằng nếu Iran gian dối, “thế giới sẽ biết ngay” và “thoả thuận này không dựa trên sự tin tưởng, mà dựa vào sự kiểm chứng trước đây chưa từng có.”

Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng thoả thuận khung đạt được với các đại cường thế giới sẽ bảo vệ quyền hạt nhân của Iran và mang lại kết quả là các biện pháp chế tài quốc tế được dỡ bỏ.

Trong bài diễn văn toàn quốc phát hình hôm thứ Sáu, ông Rouhani nói rằng thoả thuận này là một sự chấp nhận quyền của Iran được tinh luyện uranium trên lãnh thổ của mình để phục vụ cho các mục tiêu hoà bình. Ông nói rằng các máy ly tâm phải “quay” trong lúc cuộc sống của người dân và nền kinh tế phải tiến về phía trước.

Vị tổng thống của Iran hứa hẹn nước ông sẽ tôn trọng tất cả những sự cam kết trong thoả thuận “chừng nào mà phía bên kia cũng tôn trọng những sự hứa hẹn của họ.” – VOA

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến châu Á đẩy mạnh xoay trục

Khi loan báo hai vòng công du châu Á, Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trong không đầy hai tháng, ở Lầu Năm Góc vào hôm qua, 03/04/2015, xác định mục tiêu các chuyến thăm sẽ nhằm “khẳng định các mối quan hệ quốc phòng với các đồng minh và củng cố các sáng kiến then chốt trong chiến lược tái cân bằng qua khu vực”. Tái cân bằng là từ ngữ chính thống được dùng để chỉ chính sách gọi nôm na là xoay trục.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ đi thăm Nhật Bản và Hàn Quốc vào tuần tới, rồi một tháng sau sẽ ghé Singapore và Ấn Độ.

Vòng công du châu Á thứ nhất của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ bắt đầu từ thứ Ba, 07/04, với ba chặng ngừng: Tokyo, Seoul rồi Hawaii, nơi ông Carter sẽ họp với giàn chỉ huy quân sự Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương.

Qua tháng Năm, ông Carter sẽ trở lại khu vực, đến Singapore dự Hội nghị an ninh thường niên của khu vực mang tên Đối thoại Shangri-La, trước khi đi thăm Ấn Độ, để xiết chặt thêm quan hệ Quốc phòng với cường quốc Nam Á này. Trong thời gian gần đây, Bộ trưởng Carter đã làm việc rất chặt chẽ với các đối tác Ấn Độ.

Theo một quan chức quốc phòng Mỹ, chuyến thăm Tokyo của ông Carter sẽ được dành cho việc cập nhật hóa các thỏa thuận phòng thủ Mỹ-Nhật. Washington và Tokyo hiện đang xem xét lại các hướng chủ đạo trong lĩnh vực này, để tăng cường hợp tác quân sự song phương. Công việc cập nhật và nâng cấp quan hệ quân sự cần phải được đúc kết xong trước khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công du Hoa Kỳ vào cuối tháng Tư này.

Vào tháng Bảy năm ngoái, 2014, chính quyền Shinzo Abe đã thông qua một quyết định lịch sử, cho phép quân đội Nhật Bản tham gia vào các hoạt động quân sự ở nước ngoài để giúp các đồng minh, lần đầu tiên kể từ khi Bản Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản ra đời vào năm 1947 đến nay.

Còn tại Hàn Quốc, ông Carter sẽ “tái khẳng định quyết tâm của Mỹ trong việc bảo đảm an ninh” cho đồng minh, trước các hành vi khiêu khích liên tiếp của chế độ Bình Nhưỡng.

Theo giới quan sát, chính sách “tái cân bằng” lực lượng qua vùng Châu Á-Thái Bình Dương vốn là một thành tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama. Trong bối cảnh Mỹ như đang bị chia trí vì tình hình tại Trung Đông, hay Ukraine, vòng công du Châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nhằm khẳng định là Washington không hề lơ là châu Á.

Vào thứ Hai, 06/04, một hôm trước lúc lên đường qua Nhật Bản, ông Ashton Carter sẽ có tham luận tại Trường Đại học Arizona ở Tempe, với đề tài chiến lược xoay trục qua Châu Á. – RFI

Gặp gỡ Obama-Castro tại thượng đỉnh châu Mỹ

Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có một cuộc trao đổi với chủ tịch Cuba Raoul Castro tại cuộc họp Thượng đỉnh châu Mỹ vào tuần tới tại Panama, theo thông báo của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm qua, 03/04/2015.

Cuộc họp thượng đỉnh châu Mỹ trong hai ngày 10 và 11/04, sẽ có một tầm quan trọng đặc biệt, vì nó diễn ra trong bối cảnh Washington và La Habana đang xích lại gần nhau, sau nữa thế kỷ căng thẳng từ thời chiến tranh lạnh.

Bà Roberta Jacobson, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách châu Mỹ Latin, nói: “Khi quyết định đến dự thượng đỉnh ở Panama, mà Cuba cũng được mời, tổng thống Obama biết rằng sẽ có tiếp xúc giữa lãnh đạo hai nước. Phần lớn thời gian các lãnh đạo châu Mỹ ở chung với nhau và như vậy sẽ có một cuộc trao đổi với Raoul Castro.”

Nhưng bà Jacobson không nói rõ hai lãnh đạo Hoa Kỳ và Cuba sẽ trao đổi dưới hình thức nào, vì ngoài một cuộc gặp gỡ song phương với tổng thống Panama, tổng thống Obama không dự trù cuộc họp nào khác.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cũng tỏ vẻ bi quan về khả năng Hoa Kỳ và Cuba mở lại các đại sứ quán trước cuộc họp thượng định châu Mỹ, như mục tiêu mà hai nước đã đề ra.

Trong tháng 1, 2 và 3/2015, Washington và La Habana đã mở các đợt đàm phán chính thức nhằm tiến tới tái lập bang giao và mở lại các sứ quán, thay thế cho các cơ quan đại diện quyền lợi có từ năm 1977. – RFI