Trò chơi nguy hiểm của châu Âu với TC: Tại sao các đồng minh của Mỹ lại tập hợp ở AIIB?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Trò chơi nguy hiểm của châu Âu với TC: Tại sao các đồng minh của Mỹ lại tập hợp ở AIIB?
Các nhà lãnh đạo Nhóm năm cường quốc mới nổi lớn nhất thế giới (BRICS) tại Brazil (Ảnh chụp màn hình)

Theo Đại Kỹ Nguyên – Bởi: Matei Dobrovie – ET Romania 4 Tháng Tư, 2015

Anh, Đức, Pháp và Italy hiện đang chiến đấu để có lợi cho Trung Quốc, như họ đã làm khi thiết lập lại quan hệ với Nga. Viễn cảnh về những khoản tiền lớn và thị trường rộng lớn của Trung Quốc đã hấp dẫn các chính phủ châu Âu đổ xô đến tham gia vào Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB), một dự án có thể làm suy yếu Ngân hàng Thế giới và thiết lập một cấu trúc tài chính toàn cầu mới do Bắc Kinh thống trị.

Đây không chỉ nói về cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ và TC, mà còn về những thứ quan trọng hơn như tôn trọng nhân quyền, tuân thủ tiêu chuẩn lao động, môi trường và cho vay. TC vẫn là một nước mà quyền con người bị vi phạm nghiêm trọng và tình trạng môi trường đang xấu đi liên tục.

Việc “đào ngũ” của các đồng minh châu Âu của Mỹ để tập hợp trong một dự án khởi xướng bởi TC – Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) – được nhiều nhà phân tích đánh giá là một thảm họa ngoại giao đối với Mỹ, nước đang liên tục cảnh báo về những hậu quả sẽ có của các tiêu chuẩn cho vay và về việc ngân hàng mới này sẽ cạnh tranh và làm suy yếu Ngân hàng Thế giới.

Sau châu Âu, TC đã thành công trong việc thu hút các đồng minh châu Á lớn của Mỹ, như là Úc và Nam Hàn, và thuyết phục họ tham gia trước ngày 31 tháng 3 vào Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á để được có chân trong thành viên sáng lập.

Quan chức TC Zhou Qiangwu đã đến Úc để thuyết phục các nhà chức trách rằng AIIB sẽ do một ban thư ký đa quốc gia lãnh đạo và sẽ sử dụng cơ cấu quản lý tương tự như Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới, theo báo “Washington Times“. Nói cách khác, TC muốn thể hiện rằng họ sẽ không lãnh đạo tất cả, và không theo phong cách của riêng họ. Hơn nữa, ông Zhou cho biết ngân hàng “sẽ thực hiện theo thông lệ quốc tế và đặt sự quan tâm lớn nhất tới tác động môi trường và tái định cư. Ngoài ra, sẽ có những biện pháp đảm bảo chống tham nhũng mạnh mẽ”. Chính trong tình trạng ô nhiễm môi trường và tham nhũng đặc hữu, mà các biện pháp đảm bảo của TC nên được các nước châu Á và châu Âu đang nóng lòng tham gia vào tổ chức mới này suy nghĩ.

Tuy nhiên TC đã đạt được mục tiêu của mình thông qua chiến lược “chia để trị”. Bắc Kinh đã gây áp lực lên các đồng minh của Mỹ để họ đưa ra quyết định một cách nhanh chóng trước ngày 31 tháng 3, để chiếm vị trí quan trọng trong AIIB và do đó ngăn chặn được một cuộc bàn thảo và một sự phối hợp giữa họ với Mỹ. “Không có bất cứ cuộc thảo luận xuyên Đại Tây Dương nào, không có bất cứ sự đánh giá nào của G7 và không có bất cứ sự đồng thuận nào trong EU”, Volker Stanzel  chuyên gia phân tích cho GMF ghi nhận, và chỉ ra hậu quả là sẽ có nhiều xích mích và xung đột trong nội bộ EU, G7 và trong  quan hệ EU với Mỹ.

Hãng tin Tân Hoa Xã của TC đã tưng bừng viết về sự thất bại của chính quyền Obama trong việc ngăn cản ngay cả những đồng minh thân cận nhất tham gia vào Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á. Hơn nữa, cơ quan truyền thông của Đảng Cộng sản TC đã cáo buộc Mỹ đạo đức giả và hoài nghi. Chính quyền Bắc Kinh cho rằng nhu cầu tài chính rất lớn cho cơ sở hạ tầng châu Á, ước đạt 700 tỷ đô la hàng năm, không thể được đáp ứng bởi các tổ chức như Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Phát triển Châu Á. Do đó, TC đề xuất thiết lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á, với kinh phí sẽ đóng góp là 50 tỷ USD. AIIB sẽ tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp châu Á để thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng, viễn thông, nông nghiệp và phát triển đô thị. Còn các công ty châu Âu được mời tham gia nếu họ sẽ chơi theo quy tắc của TC.

Chính quyền Obama đã cảnh báo rằng dự án này có thể làm suy yếu các tiêu chuẩn bảo vệ người lao động và các quy định về môi trường và biến nó thành một công cụ để thúc đẩy lợi ích kinh tế và chiến lược của TC.

Áp lực ngày một lớn của các cường quốc mới nổi như Brazil, TC hay Ấn Độ để đạt được nhiều ảnh hưởng trong các tổ chức tài chính quốc tế như IMF và Ngân hàng Thế giới không phải là mới. Những nước này đã băn khoăn bởi thực tế chính quyền Obama và phần lớn đảng Cộng hòa trong Quốc hội đã không thông qua việc thay đổi tỷ trọng số phiếu trong những tổ chức tài chính này, để vẫn giữ được ảnh hưởng của họ. Hiện nay, trong IMF, tỷ trọng của Mỹ là 16,75% số phiếu, so với TC chỉ có 3,81%, còn ở Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), TC có 5,4%, Nhật Bản 12,8% và Mỹ 12,7%.

Châu Âu muốn gì?

Làm thế nào để hiểu được Anh, đồng minh thân cận của Mỹ, đang có ý định gì khi là nước đầu tiên gấp gáp nhảy lên thuyền của TC để trở thành thành viên sáng lập. Tương tự với Pháp và Đức cũng như vậy. Hành động của Thủ tướng Anh Cameron, nước đầu tiên trong G7, tham gia ngân hàng được dự tính nhằm làm suy yếu vị thế của Đức, vốn là đối tác thương mại chính của TC trong EU, và cố gắng chiếm chỗ của Berlin. Cuộc đua giữa các nước châu Âu cho “ân huệ” của Bắc Kinh đang diễn ra sôi động.

Francois Godement từ viện chính sách ECFR (think-tank ECFR)  đã giải thích nghịch lý của châu Âu, một lục địa sau cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính đang cố gắng để cân bằng ngân sách, giảm thâm hụt ngân sách khổng lồ, cũng như đang đói trong đầu tư vào cơ sở hạ tầng (giao thông vận tải, năng lượng, viễn thông). Đó là những quốc gia thiếu vốn này đang bắt đầu một cuộc đua để tài trợ cho sự tăng trưởng liên tục của châu Á bằng cách tham gia vào Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á, một dự án của TC, mặc dù các bằng chứng cho thấy châu Á đang xoay sở tốt hơn về kinh tế so với châu Âu.

Các chuyên gia cũng lưu ý rằng các điều khoản tài chính của TC là không rõ ràng và nhằm mang lại lợi thế cho các công ty Trung Quốc, chứ không phải cho châu Âu. Hơn nữa, việc Thủ tướng Anh David Cameron chủ động gia nhập AIIB sẽ làm suy yếu Quỹ châu Âu về Cơ sở Hạ tầng, còn được gọi là quỹ Juncker. Thực tế này là không thể chấp nhận được đối với cử tri ở các nước thành viên EU. Godement cảnh báo rằng những quy tắc nghiêm ngặt của EU sẽ được thay thế bằng những quy tắc tiện lợi cho TC.

Theo ông, các nước châu Âu thay vì tài trợ cho sự tăng trưởng ở châu Á nên mở rộng  quỹ Juncker để chuyển nó thành Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Âu (EIIB), với các nhà tài chính từ bên ngoài, nhưng làm việc theo tiêu chuẩn châu Âu. “Tuy nhiên, những người châu Âu hoàn toàn không thể hiểu được, hơn nữa còn cạnh tranh với nhau, chia rẽ trong mối quan hệ với các bên thứ ba vì không tin tưởng lẫn nhau khi nói đến lợi ích kinh tế,” Godement kết luận phân tích của mình.

Kỳ lạ hơn là cả IMF và Ủy ban Châu Âu đều không nhìn thấy mối nguy hiểm liên quan đến ngân hàng do TC giữ thế áp đảo này. Phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu, Mina Andreeva, hoan nghênh sáng kiến ​​và phủ nhận rằng thành công của AIIB sẽ làm suy yếu chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng của Ủy ban châu Âu trị giá 315 tỷ euro. Tình huống này được coi là kỳ quái vì các cuộc đàm phán giữa EU và TC liên quan đến ký kết một thỏa thuận thương mại và đầu tư đang bị chặn bởi các vấn đề  như TC bán phá giá hay vấn đề mua sắm công.

Tại hội nghị thượng đỉnh EU-TC lần cuối cùng gần đây, hai bên đã thảo luận một hiệp ước đầu tư, để đảm bảo việc bảo vệ các khoản đầu tư của châu Âu tại TC và của TC ở châu Âu, cũng như việc tiếp cận thị trường. Nói cách khác, EU đang cố gắng để đưa TC theo luật chơi của mình trong mối quan hệ song phương này.

Liên minh châu Âu cũng yêu cầu đảm bảo cho người châu Âu đang kinh doanh tại TC và hiện đang đối mặt với  nghĩa vụ phải liên doanh với các đối tác TC, nhưng đối tác lại  ăn cắp công nghệ, sao chép chúng sau đó cạnh tranh với họ bằng  sản phẩm; với vấn đề liên quan đến pháp luật không ổn định và  tham nhũng đặc hữu của hệ thống do Đảng Cộng sản tạo ra và bảo trợ.

Tương tự như vậy, rất khó để giải thích tại sao giám đốc IMF, Christine Lagarde, cho biết  tổ chức mà bà đang lãnh đạo rất “vui mừng” hợp tác với  ngân hàng đầu tư do TC khởi xướng và [cho rằng] Ngân hàng Thế giới sẽ hợp tác với  tổ chức tài chính mới này.