Sự chuyển hóa mong manh của Trung Cộng – R. Baker & J. Minnich – Phạm Ðức Duy dịch

Cac Bai Khac

No sub-categories

Sự chuyển hóa mong manh của Trung Cộng – R. Baker & J. Minnich – Phạm Ðức Duy dịch

Tuần trước, chiến dịch chống tham nhũng của Trung Cộng (TC) đã có một bước ngoặc đáng kể, nhưng đa số chúng ta đã bỏ qua. Cựu thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), kẻ được xếp hạng cao nhất tính đến bây giờ bị thanh trừng trong chiến dịch chống tham nhũng hiện nay của TC, đã bị Tòa án nhân dân tối cao TC đưa ra tuyên bố cáo buộc là “chà đạp pháp luật, hủy hoại sự đoàn kết trong Đảng Cộng sản, và tiến hành các hoạt động chính trị ngoài phạm vi Ðảng.” Hiểu theo ngôn từ của Trung Nam Hải, tuyên bố này được xem gần như là sự xác nhận những tin đồn trước đó rằng Chu và –một cựu đồng minh chính trị và cũng từng là một đảng viên cao cấp tương lai đầy hứa hẹn từ Trùng Khánh- Bạc Hy Lai (Bo Xilai), đã âm mưu một cuộc đảo chính để lật đổ Chủ tịch TC và Tổng Bí thư Ðảng Tập Cận Bình (Xi Jinping). Vì vậy, tuyên bố này của tòa án đánh dấu một sự khởi đầu căn bản trong thay đổi về ngôn từ chính thức không có tính liên hệ chính trị thường được dùng từ trước tới nay về chiến dịch chống tham nhũng.  

Dĩ nhiên, lâu nay ai cũng hiểu rõ chiến dịch chống tham nhũng của Tập không chỉ là một cuộc chiến chống tham nhũng, mà còn là một cuộc thanh trừng chính trị để những kẻ lãnh đạo mới thắt chặt kiểm soát Đảng, chính phủ và bộ máy quân sự TC. Nhưng ngôn ngữ chính thức về chiến dịch từng được dùng chỉ luôn đề cập về mặt chống tham nhũng và lạm dụng quyền lực cho lợi ích cá nhân, chứ không có những lời lẽ đưa ra để ám chỉ ca’c “hoạt động chính trị” của nghi phạm – nhất là những kẻ đã từng ở vị trí lãnh đạo cao như họ Chu, người nắm trọn ngành công nghiệp năng lượng cả nước và bộ máy an ninh nội địa và là một trong những đảng viên quyền lực nhất trong thập niên qua. Dù chưa rõ mục đích chính xác là gì, lời tuyên cáo của Tòa án tối cao lần này gián tiếp đề cập đến cuộc đảo chính của Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang là một việc không bình thường.

Nếu cho rằng việc sử dụng cụm từ “tiến hành các hoạt động chính trị ngoài phạm vi Ðảng” là quan trọng, thì câu hỏi cần nêu lên là: lý do gì đã quyết định sử dụng cụm từ đó? Và vào thời điểm này? Ðiều này nói lên việc gì? Có hai cách giải thích. Thứ nhất, nó có thể đánh dấu một sự thay đổi mới trong cách thức Trung Nam Hải muốn tiếp tục tiến hành chiến dịch chống tham nhũng và ngụ ý rằng từ nay chiến dịch sẽ công khai mang tính chính trị nhiều hơn. Thứ hai, nó có thể báo hiệu rằng phe cánh của Tập tự tin là đã hoàn toàn loại bỏ hết các mối đe dọa của nhóm Chu Vĩnh Khang, và công nhận chấm dứt một giai đoạn của chiến dịch chống tham nhũng: loại bỏ các phe cánh chống đối – để từ nay bắt tay vào việc củng cố thêm quyền lực và kiểm soát hơn nữa toàn bộ bộ máy cầm quyền.

Nếu suy luận đầu là chính xác, chiến dịch chống tham nhũng sẽ tàn bạo hơn và rất có thể gây bất ổn nhiều hơn khi nó chuyển từ một cuộc thanh trừng tương đối tập trung và để làm trong sạch Đảng sang một cuộc tấn công toàn bộ chống lại những thế lực có thể thách thức nền độc tài họ Tập đang gây dựng. Theo giả thuyết thứ hai, với những kẻ muốn thách thức Tập đã bị công nhận là âm mưu chống đảng, và nay với quyền lực chính trị tập trung vững chắc dưới phe Tập, lãnh đạo TC có thể để sự khác biệt về chính kiến sang một bên và chú tâm vào nhiệm vụ khó khăn hơn và quan trọng là xây dựng một chính phủ sẵn sàng để đương đầu với các khó khăn sâu sắc về xã hội và chính trị mà chắc chắn sẽ đưa đến những suy thoái kinh tế của TC.

Chiến lược của Tập   

Trong cả hai trường hợp, chiến dịch chống tham nhũng và tập trung chính trị có lẽ là ưu tiên hàng đầu trong các sáng kiến ​​của Tập từ trước đến nay. Nhưng rõ ràng là vẫn chưa đủ để đối phó với vô số các vấn đề của TC… vậy những gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Hai sự kiện gần đây có thể giúp người ta hiểu rõ hơn hướng đi của TC và chiến lược của Tập như thế nào để lèo lái TC và Đảng Cộng sản một cách an toàn qua những năm tháng khó khăn trước mặt. Đầu tiên là việc nhấn mạnh đổi mới của Đảng sau phiên họp toàn thể lần thứ tư trong tháng Mười 2014 về việc thành lập quy tắc hiệu quả của pháp luật. Thứ hai là công bố vào tháng Hai vừa qua là từ nay chiến dịch chống tham nhũng sẽ chú trọng vào 26 doanh nghiệp nhà nước lớn nhất của TC trên các lãnh vực tài nguyên, xây dựng, công nghiệp nặng và viễn thông. Công bố này được đưa ra một tháng trước cam kết mới của chính phủ là sẽ sáp nhập và phối hợp các khu ngành quốc doanh. Ðây là lần đầu tiên chính phủ đã công khai tuyên bố phủ đầu những mục tiêu của chiến dịch trong tương lai. Một cảnh báo công bằng, về mặt lý thuyết, như một quan chức TC so sánh: chính phủ có kế hoạch “treo lưỡi gươm của Damocles” trên đầu các khu ngành nhà nước.

Chủ đề liên kết hai yếu tố dường như khác nhau ở trên là trở ngại về sự phát triển chính trị trong bối cảnh biến đổi nhanh chóng về kinh tế và xã hội – đó là, làm thế nào để xây dựng các tổ chức nhà nước linh hoạt và thích ứng có khả năng điều chỉnh để đáp ứng những nhu cầu ngày càng nhiều của một xã hội Trung Hoa đang được đô thị hóa và công nghiệp hóa, cũng như hậu công nghiệp hóa ở một số vùng. Trong khi xã hội và nền kinh tế tại TC đã trải qua những thay đổi sâu sắc trong suốt 30 năm qua -nền kinh tế đã tăng gấp 9 lần nếu chỉ tính từ năm 2000– thì cấu trúc chính trị đã chỉ thay đổi từng bước nhỏ. Trên nhiều khía cạnh, nhà cầm quyền TC ngày nay tuy vững mạnh hơn và hiệu quả hơn so với lúc Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) lên nắm quyền vào năm 1978, nhưng nó vẫn còn giữ hình thức cơ bản mà họ Đặng đã đưa ra hơn nhiều thập niên trước. Chừng nào nền kinh tế của TC phát triển theo cách riêng của nó, mô hình này vẫn đủ để đáp ứng với nhiệm vụ đơn giản là chỉ để ngăn chặn chính trị -một Mao Trạch Ðông thứ hai- có thể làm cản trở nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, với chiến dịch chống tham nhũng và tập trung quyền lực của Tập đang biểu hiện, mô hình dựa trên sự ‘đồng thuận chính trị’ để đi đến những quyết định do họ Đặng đưa ra lúc trước đang bị phá bỏ.

Khi Tập Cận Bình thay Hồ Cẩm Đào làm Chủ Tịch nước và TBT đảng là lần đầu tiên kể từ cuối thập niên 70s người được truyền ngôi lãnh đạo mà không do họ Đặng sắp đặt trước. Sau sự tàn phá của cuộc Cách mạng văn hóa vô sản và triều đại ngắn ngủi của Tứ Nhân Bang, Ðặng Tiểu Bình sau khi nắm quyền lãnh đạo TC, không những đã đảo ngược nhiều chính sách kinh tế của Mao Trạch Đông, mà còn làm nhiều thay đổi cơ bản về tổ chức chính trị của TC. Thay vì dùng mô hình cách mạng của Mao, luôn tạo biến động không ngừng, họ Đặng đã dùng một mô hình tiến hóa, trong đó xử dụng ‘chính trị tập thể đồng thuận’ để vừa phá vỡ các bè phái cực đoan từ thời Mao và vừa làm giảm khả năng của bất kỳ cá nhân nào có thể xây dựng lại một bè phái rõ ràng trong một môi trường gồm các nhóm lợi ích vừa cạnh tranh và vừa hợp tác với nhau.

Để tăng cường hơn nữa sự ổn định, Ðặng đã chọn cả Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào để bảo đảm kế hoạch chọn người kế nhiệm được xác định rõ ràng trong suốt hơn hai thập niên qua. Hệ thống ‘chính trị đồng thuận’ đã chứng minh phần lớn có hiệu quả trong gần ba thập niên của “phép lạ” phát triển kinh tế tại TC. Mục đích chính của chính phủ là đem lại sự ổn định trong Đảng và hệ thống kinh tế tổng thể, chủ yếu đóng một vai trò quản lý, chứ không phải vai trò lãnh đạo mang tính sáng tạo. Dĩ nhiên đã có ít nhiều khủng hoảng xảy ra, nhưng thường là ngắn ngủi, và phản ứng của chính phủ là để giảm thiểu, chứ không phải thực hiện bất kỳ thay đổi cơ bản đáng kể nào trong hệ thống chính trị, kinh tế, hay xã hội.

Nhưng khi Hồ chuyển giao quyền lãnh đạo qua Tập lúc 2012-2013, TC đã đang ‘thám hiểm một vùng đất mới’. Quá trình chuyển giao quyền lực này không chỉ ra ngoài những điều họ Ðặng đã chuẩn bị, mà còn đã xảy ra đúng vào lúc mô hình kinh tế của TC từ thời Đặng Tiểu Bình đã không còn hợp thời nữa. Cũng như nhiều con hổ kinh tế châu Á trước đó, mô hình kinh tế nặng tính đầu tư của chính phủ và lệ thuộc vào xuất khẩu của TC đã đi đến chỗ nếu chỉ dựa vào sự tăng trưởng mà thôi thì không đủ để duy trì các hoạt động kinh tế, và xã hội đã phát triển nhanh hơn so với mô hình chính trị. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cùng với tình trạng ù lỳ kéo dài tại châu Âu, càng tạo thêm nhiều khó khăn cho TC và khiến Bắc Kinh thấy rằng họ không còn có thể trì hoãn hơn nữa những gì họ đã cố tình trì hoãn trong hơn một thập niên qua: tái cơ cấu nền kinh tế để khai thác và xử dụng tốt hơn sức tiêu thụ trong nước.

Các hành động của Tập là những triệu chứng của sự thất bại trong mô hình chính trị và kinh tế của Ðặng. Chiến dịch chống tham nhũng là một trong những yếu tố của một quá trình chuyển hóa rộng lớn hơn để đưa TC từ mô hình kinh tế cũ (dựa vào xuất khẩu với chi phí thấp và đầu tư xây dựng) sang mô hình kinh tế mới (dựa trên tiêu thụ trong nước, dịch vụ và sản xuất sản phẩm có giá trị cao). Quá trình này sẽ tạo ra những căng thẳng lớn về xã hội, kinh tế và chính trị trong một thời gian từ 5 đến 10 năm. Mô hình cũ không còn khả thi để tiếp tục đem lại sự thịnh vượng và ổn định.

Hướng tới một trật tự chính trị mới

Những gì TC hiện đang xây dựng ở vị trí mô hình cũ dường như là một trật tự chính trị tập trung hơn và mang tính cá nhân hơn: thực chất, là một chế độ độc tài của thời đại họ Tập. Đồng thời, với định hướng phát triển kinh tế xã hội, TC cần kích thích sự tiêu thụ trong nước và các ngành công nghiệp đổi mới, có giá trị cao. Rõ ràng để thành công, trật tự chính trị mới này sẽ cần phải có những khác biệt cơ bản so với kiểu chế độ độc tài đã được Mao thành lập.

Chiến dịch chống Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai không phải chỉ là xung đột giữa các cá nhân và còn đi xa hơn vấn đề cơ bản chống tham nhũng. Đó là một trận chiến để chọn lựa mô hình nào Đảng CS TC sẽ dùng để duy trì quyền lực và kiểm soát trong quá trình chuyển đổi kinh tế; và đó cũng là trận chiến về phương cách nền kinh tế sẽ chuyển hóa như thế nào. Một mặt, Bạc và người đỡ đầu Chu, tán thành việc quay trở lại với mô hình chính trị cách mạng của thời Mao Trạch Ðông, trong đó thực quyền không phải ở bộ máy hành chính, và chắc chắn cũng không phải trong các quy định của pháp luật, mà là trong tay của một nhà lãnh đạo có uy tín, và nhà lãnh đạo đó có lẽ chính là họ Bạc. Mặt khác, với những cam kết gần đây nhằm tăng cường các quy định của pháp luật, cũng như hợp lý hóa và cải thiện một cách nghiêm chỉnh chức năng của các đại doanh nghiệp nhà nước, phe Tập Cận Bình đang dự tính một hướng đi khác. Cái nhìn của phe Tập là một mô hình chính trị có vẻ mang các yếu tố dựa trên di sản của Mao -tập trung quyền lực chính trị và chủ nghĩa dân tộc cực đoan- nhưng cuối cùng vẫn giữ mô hình tiến hóa của Ðặng Tiểu Bình, chứ không phải là thay đổi, cách mạng.

Giả sử việc chính trị hóa các cáo buộc đối với Chu Vĩnh Khang là một dấu hiệu chiến thắng của phe Tập về mô hình chính trị, xã hội và kinh tế cho các cải cách tại TC, điều này chứng tỏ giới lãnh đạo TC, ít nhất về mặt nổi, đang tìm kiếm một mô hình, trong đó, mặc dù dưới sự lãnh đạo chặt chẽ từ trung ương, sẽ cố gắng xây dựng một guồng máy nhà nước chủ động, làm việc hiệu quả và có hiệu suất cao. Mô hình này cũng gần như chắc chắn sẽ tạo ra một số mức độ pháp lý để bảo vệ cho quyền sở hữu tư nhân và trí tuệ – ít nhất là đối với những người dân Trung Hoa – như một phương tiện để kích thích sức tiêu thụ trong nước và đổi mới.

Những tuyên bố của Đảng Cộng sản Trung Hoa gần đây về tầm quan trọng của việc tăng cường các quy định pháp luật, cùng với chiến dịch chống tham nhũng, đặc biệt là trong các ứng dụng của nó đến quá trình sáp nhập và phối hợp các khu ngành quốc doanh chứng tỏ TC đang bắt đầu hướng về mô hình này. Chủ nghĩa chuyên chính và quy tắc hiệu quả của pháp luật về cơ bản không mâu thuẫn nhau; chế độ độc tài và quản lý hiệu quả cũng vậy. Lịch sử đã cho ta một vài ví dụ về các quốc gia kết hợp sức mạnh của chính quyền và bảo vệ pháp lý cho những thứ như sở hữu tư nhân và hợp đồng mà không cần áp dụng dân chủ: như ở Phổ (Prussia) vào thế kỷ 19, hoặc tại Singapore hiện nay. Giới lãnh đạo của TC chắc cũng nghĩ đến những trường hợp trên trong lúc đang cố gắng củng cố các quy định luật pháp của họ và cải cách hành chính.

Tuy nhiên trở ngại của sự so sánh này là Phổ, thời đông dân nhất vào năm 1871, cũng chỉ có ít hơn 25 triệu người, và vào cuối của thời chiến tranh Napoleon, dân số chỉ có 10 triệu. Singapore là một đất nước với 5.4 triệu dân. Các nhà lãnh đạo của những quốc gia này đã làm việc trong nhiều thập niên, qua các thế hệ kế tiếp nhau, để xây dựng những bộ máy chính quyền có hiệu suất cao kết hợp giữa các loại hình thức bảo vệ những quyền sở hữu có hiệu quả đã được lịch sử chứng minh là cần thiết để hỗ trợ cho quá trình tiến lên một nền kinh tế công nghiệp tiên tiến. Những khác biệt giữa Phổ và Singapore với TC rất nhiều và rất to lớn hầu như không thể so sánh được. Nhưng có hai khác biệt quan trọng, hai khó khăn cơ bản đối với TC, nổi bật nhất là: kích thước và thời gian.

Giữa chuyển hóa và thay đổi cách mạng

Trong suốt lịch sử, Trung Hoa đã phải vật lộn với một vấn đề mang tính chu kỳ phổ biến: Để quản trị một quốc gia rộng lớn và đông dân, trung ương đầu tiên muốn kiểm soát các hạ tầng bên dưới cần phải xây dựng và mở rộng một hệ thống chính quyền có khả năng quản lý sự phức tạp và quy mô của đất nước Trung Hoa. Theo thời gian, các chính quyền địa phương dần dần chiếm đoạt ảnh hưởng quyền lực từ trung ương và cuối cùng lợi ích của các địa phương là trên hết. Tại thời điểm khủng hoảng quốc gia, trung ương cố gắng giành lại quyền kiểm soát, chỉ để nhận ra rằng quyền lực đã hoàn toàn bị phân tán. Quan liêu chống lại những thay đổi, và hệ thống thường bị phá vỡ sau khi nỗ lực để cải cách. Sau đó, một sức mạnh mới của chính quyền trung ương lại mọc lên từ đống tro tàn của cái cũ, và chu kỳ lại bắt đầu một lần nữa.

Đảng Cộng sản TC không xa lạ gì với chu kỳ này. Mao Trạch Ðông đi theo lối cách mạng, chấp nhận phân hóa và gián đoạn thường xuyên để giữ cho bộ máy hành chính luôn tùy thuộc hoàn toàn vào quyền lực từ trung ương. Ðặng Tiểu Bình khuyến khích sự quan liêu, với hy vọng sự thịnh vượng về kinh tế cùng với một vài điều chỉnh nhỏ cuối cùng có thể mang lại sự cân bằng quyền lực giữa trung ương và hạ tầng hành chính. Trong khi mô hình của Đặng là một sự thay đổi mang tính cách mạng từ mô hình chủ nghĩa Mao, nó đã được xác định trên một sự thay đổi, chuyển hóa từ từ, ổn định và có thể tránh được những chu kỳ đã nêu bên trên trong lịch sử Trung Hoa. Sự thay đổi quyền lực từ Hồ Cẩm Đào sang Tập Cận Bình, và những thách thức của Bạc Ly Hai, khiến câu hỏi được đặt ra là liệu mô hình của Đặng vẫn còn có thể áp dụng được hay không.

Sự khác biệt giữa mô hình cải cách của Tập và quan điểm của Bạc một phần là cách thức họ sẽ khai thác sự hỗ trợ của người dân như thế nào. Cả Tập và Bạc sẽ cần phải tái cân bằng của cải từ những khu kinh tế phát triển vùng ven biển và lưu vực sông Dương Tử. Bạc Ly Hai đã xuyển dương sự tôn sùng cá nhân tại Trùng Khánh và pha trộn chủ nghĩa dân tộc đại hán với lòng tôn thờ đảng, dường như đã biện minh được rằng thông qua tuyên truyền cách mạng, theo khuôn mẫu của chủ nghĩa Mao trong việc khai thác sự ủng hộ rộng lớn của quần chúng có thể tước đoạt quyền lợi kinh tế để cưỡng bách việc tái phân phối của cải.  

Trong khi đó, mặc dù chắc chắn đang củng cố quyền lực và muốn có kiểm soát nhiều hơn, Tập Cận Bình theo đuổi một hướng đi có tính chuyển hóa hơn để định hình lại nền kinh tế của TC. Thay vì dùng tư tưởng cách mạng theo chủ nghĩa Mao, Tập dùng bộ máy tuyên truyền để tô vẽ mình gần như là một vị Tổng thống một nước Âu Mỹ, một nhà lãnh đạo có đầy đủ năng lực nhất, đáng được tin cậy để hướng dẫn TC qua thời điểm khó khăn. Trong khi đang khai thác một loại chủ nghĩa dân tộc đại hán hoặc yêu nước cực đoan, họ Tập cố gắng để mọi người có thể đồng ý về chính sách, chứ không phải là chống lại nhau.

Tuy nhiên, câu hỏi căn bản là liệu TC có thời gian cho một sự thay đổi chuyển hóa không. Vài quốc gia châu Á khác đã trải qua các tiến trình chuyển hóa kinh tế và chính trị quan trọng, thời Minh Trị Thiên Hoàng (Meiji-era) ở Nhật Bản, Phát Chánh Hy (Park Chung-hee) của Nam Hàn, mỗi nước đều từng có những thay đổi triệt để và nhanh chóng hơn đi đôi với các bất ổn lớn trong xã hội – TC có thể bị bắt buộc phải làm như vậy. Thi hành những cải cách rộng lớn về kinh tế là một việc rất phức tạp, và nền kinh tế TC hiện còn quá nhiều “gỗ chết” (dead wood) tồn tại qua mấy thập niên từ thời đại Mao cần phải vứt bỏ.

Giả sử Singapore và thậm chí Phổ có thể là mô hình cho TC bắt chước để thực hiện tiến trình chuyển hóa kinh tế trong khi vẫn duy trì quyền kiểm soát chặt chẽ từ trung ương, thì Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew) và các hoàng đế Kaiser không bao giờ phải đương đầu với một dân số gần 1.4 tỷ người, mà hơn hai phần ba trong số đó vẫn bị bỏ rơi trong cảnh nghèo đói sau hơn ba thập niên với những lời hứa tất cả mọi người sẽ hưởng một cuộc sống thịnh vượng. Khi TC cố gắng để chuyển đổi từ nền kinh tế với những sản phẩm rẻ tiền và sự kích thích kinh tế qua xây dựng do chính phủ tài trợ, tầng lớp người nghèo trong xã hội sẽ bị thiệt thòi. Một sự thay đổi dần dần trong mô hình kinh tế sẽ cho phép TC từ từ đem lại một đời sống kinh tế tốt hơn cho giới lao động. Nhưng chưa chắc Bắc Kinh có thời gian cho sự chuyển hóa chậm chạp này.

Và có hoặc không có TC, phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục chuyển hóa.

 

nguyên bản: China’s Fragile Evolution, Rodger Baker and John Minnich, 3/24/2015.

Phạm Ðức Duy dịch