Singapore và quan điểm về thế giới của Lý Quang Diệu

Cac Bai Khac

No sub-categories

Singapore và quan điểm về thế giới của Lý Quang Diệu

Tác giả: Quang Thành An, hiện đang là Trưởng khoa nghiên cứu cử nhân tại trường S.Rajaratnam về nghiên cứu quốc tế, Đại học công nghệ Nanyang, Singapore. Ông là tác giả của nhiều đầu sách, trong đó có cuốn “Tư tưởng chiến lược của Lý Quang Diệu (London: Routledge, 2013). Ông hiện đang thực hiện hai dự án sách: “Đông Nam Á và cuộc Chiến tranh lạnh, 1945 – 1991: Lịch sử quốc tế” và phần kế tiếp của:“Đông Nam Á và hậu Chiến tranh lạnh: Ba mươi năm đầu tiên.”

Nguyễn Hoàng Nam chuyển ngữ

Tác phẩm “Thuyết Con người vĩ đại của lịch sử”, được mô tả hùng hồn nhất bởi nhà sử học người Scotland Thomas Carlyle (1797 – 1881), hiện có lẽ đã không còn thực sự mới lạ đối với giới sử gia ngày nay. Chính Carlyle, là người đã đặt bút cho lời trích dẫn đáng ghi nhớ  “Lịch sử của thế giới thực ra lại chính là kho tiểu sử của những con người vĩ đại.” Carlyle có thể đã thổi phồng vai trò của những con người vĩ đại, và đánh giá thấp những tác động từ xã hội, nền kinh tế và những nguồn lực khác đã góp phần định hình những “anh hùng” – ý chỉ yếu tố những con người vĩ đại của ông, tuy nhiên, tôi cũng không nghĩ rằng chúng ta có thể hoàn toàn bỏ qua tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của một số những cá nhân nhất định. Đồng tình với quan điểm trên, còn có một hướng tiếp cận nữa được đưa ra. Hiển nhiên, như nhà tâm lý học và triết học người Mỹ William James đã đưa ra thảo luận trong bài diễn giảng của ông cho khoa Xã hội Lịch sử tự nhiên trường đại học Harvard vào tháng 10 năm 1880, rằng những con người vĩ đại có vai trò ảnh hưởng và định hình tới suy nghĩ và nhận thức của xã hội.

Do đó, tôi cho rằng sẽ không phải là không hợp lý khi tiếp cận những nghiên cứu về chính sách ngoại giao của Singapore thông qua quan điểm của Lý Quang Diệu. Theo S.Rajaratnam, bộ trưởng Đối ngoại, người đầu tiên và cũng là người tại vị lâu nhất ở vị trí này của Singapore, chính sách ngoại giao của Singapore được định hình chủ yếu trên những quan điểm từ ông và Lý Quang Diệu, cùng với sự đóng góp thêm từ giáo sư Ngô Khánh Thụy (bộ trưởng quốc phòng và tài chính đầu tiên của Singapore) khi đối mặt với những hệ quả từ nền kinh tế. Hiển nhiên, những nhà sử học đã nghiên cứu kỹ lưỡng những tài liệu thu được, cả từ trong và ngoài Singapore, đã minh chứng rằng, không thể nào viết lại hoàn toàn lịch sử những chính sách ngoại giao của Singapore mà không xem xét đến ảnh hưởng của Lý Quang Diệu, khi ông này đã đóng một vai trò to lớn và được nhắc đến trong hầu hết những tài liệu đó. Ảnh hưởng của Lý Quang Diệu chắc chắn là kết quả từ tính cách mạnh mẽ và kinh nghiệm từng trải của ông. Rajaratnam mất năm 2006 ở tuổi 91, và Ngô Tác Đống mất năm 2010 ở tuổi 92. Cả hai người đều đã từ bỏ chính trường nhiều năm trước khi qua đời. Tuy nhiên, với Lý Quang Diệu, khi ông từ chức trên cương vị thủ tướng vào năm 1990, ông tiếp tục đảm nhận vị trí bộ trưởng cao cấp, và sau đó là cố vấn bộ trưởng cho tới năm 2011. Nhà lãnh đạo thứ hai của Singapore, Ngô Tác Đống, sau đó là thử tướng thứ hai của nước này, đã nhận được nhiều những “bài học kinh nghiệm” từ Lý Quang Diệu – thường diễn ra trong bữa trưa. Ngô Tác Đống kể rằng những bữa ăn trưa của các ông khi đó đều là những cuộc thảo luận về các “chủ đề nghiêm túc”, ở đó chưa từng có sự tồn tại của những chủ đề hời hợt. Mọi thứ luôn đậm màu sắc chính trị… những vấn đề xảy ra trong khu vực và ảnh hưởng của chúng đến chúng tôi như thế nào.” Theo lời kể của một nhân vật từng được tham vấn khác, Ôn Chi Lâm (Bộ trưởng và tổng thư ký Liên đoàn thương mại quốc gia Singapore), Lý Quang Diệu là người “đã truyền lại vô số kinh nghiệm của mình, từ cách suy nghĩ đến cách ông đánh giá phân tích vấn đề và hiển nhiên, bao gồm cả những cách lý giải và đưa ra quan điểm cho những tình thế nhất định. Không chỉ là với những vấn đề liên quan, mà là cả cách anh nhìn vào sự vật nữa.” Cùng với đó, năm 2009, trong cuốn sách của mình, Asad Latif đã mô tả về Lý Quang Diệu như một kim chỉ nam cho chính sách ngoại giao của Singapore.

Để lý giải về trạng thái của chính sách ngoại giao, những học giả nghiên cứu những vấn đề quan hệ quốc tế đã sử dụng đến những phương pháp gọi là “các tầng phân tích”: (a) nhân cách hay quan điểm của những cá nhân lãnh đạo (“sức ảnh hưởng”), (b) trạng thái của hệ thống chính trị nội địa (“cấu trúc”), (c) môi trường bên ngoài (“tình hình quốc tế”), hay có thể là sự kết hợp nào đó của bộ ba trên. Ở đây, tôi xin chọn tập trung vào “sức ảnh hưởng”, cụ thể trong trường hợp này là về Lý Quang Diệu, và giả thuyết đưa ra đứng sau sự gia nhập của Singapore vào môi trường chính trị quốc tế, dưới sự chỉ hướng và lãnh đạo của ông, thay vì hoạt động ghi chép lại những công việc thực hiện chính sách ngoại giao hay trao đổi song phương – một lời giải thích cho sự phát triển của chính sách ngoại giao của Singapore thay vì việc áp dụng nó. Gợi nhắc đến khẳng định của Raymond Aron rằng cách suy nghĩ mang tính chiến lược này “lấy nguồn cảm hứng từ mỗi thế kỷ, hay đúng hơn, có thể nói là từ mỗi khoảnh khắc của lịch sử, từ những vấn đề sinh ra từ các sự kiện lịch sử,” nhiệm kỳ của Lý Quang Diệu trên cương vị thủ tướng lại trùng với thời gian diễn ra Chiến tranh lạnh. Quãng thời gian ông trên cương vị bộ trưởng cao cấp (một tước hiệu ông đã đảm nhiệm sau khi bước chân xuống khỏi cương vị thủ tướng vào tháng 11 năm 1990) và cương vị cố vấn bộ trưởng (vào tháng 8 năm 2004 cho đến tháng 5 năm 2011) lại rơi vào ngay vào thời kỳ sau Chiến tranh lạnh. Tất cả những ai đã dõi theo những đường lối suy nghĩ chiến lược của Lý Quang Diệu, cùng với những biến chuyển của nó kể từ những năm 1950, khi ông lần đầu tiên bước chân lên sự nghiệp chính trị của mình, cho đến hiện tại đây, sẽ nhận ra rằng ông có một cảm nhận về lịch sử và những khoảng biến động về những thực tế địa lý chiến lược rất tốt.

Như Alexander George đã lưu ý rằng, “… cái cách thức mà những nhà lãnh đạo của những chính phủ quốc gia đánh giá lẫn nhau, và đánh giá về lẽ tự nhiên của những khủng hoảng chính trị trên thế giới chính lại mang tầm quan trọng cốt yếu trong việc xác định điều gì đang xảy ra trong mối quan hệ giữa các quốc gia… Chính sách ngoại giao của một quốc gia không nằm ở thế giới bên ngoài như thường hay được nhắc đến, mà từ “hình ảnh của thế giới bên ngoài” bên trong suy nghĩ của những con người xây dựng chính sách ngoại giao.” Khi ảnh hưởng của Lý Quang Diệu là rất to lớn đến việc xây dựng chính sách ngoại giao của Singapore – hiển nhiên chúng ta không thể không nhắc đến sự phản ánh suy nghĩ của Lý Quang Diệu trong từng phát biểu, và từng bài phỏng vấn về chính sách ngoại giao của thế hệ thứ hai và thứ ba những nhà lãnh đạo Singapore, khả năng thấu hiểu niềm tin và những nền tảng của ông đưa ra là điều thiết yếu cần có cho những ai có mong muốn tìm hiểu và phân tích chính sách ngoại giao của Singapore, bởi lẽ chúng có ý nghĩa như “một lăng kính” giúp định hình “quan điểm và chẩn đoán về những hoạt động chính trị quốc tế” và đồng thời “cung cấp những nền tảng, những tiêu chuẩn và định hướng” đã ảnh hưởng đến những lựa chọn của Singapore đối với những “chiến lược và cách thức, xây dựng và cân nhắc những giải pháp thay thế.”

Trong khi đã có nhiều bài viết về Lý Quang Diệu, cùng với vai trò lãnh đạo của ông trong sự phát triển của Singapore, tuy nhiên hầu hết vẫn tập trung vào những chính sách nội địa của ông, và trên những chủ đề về quản lý nhà nước, nhưng lại ít nói đến tư duy chính sách ngoại giao của ông. Đây là một điều khá bất ngờ khi cân nhắc tới việc ông thường được biết đến như một nhà tư duy chiến lược hàng đầu châu Á, không thích nói lời tán dương, “thi thoảng lại nói chuyện rất thẳng thừng,” và là một người “giúp chúng ta tìm ra hướng đi trong một thế giới phức tạp.” Cựu tổng thống Mỹ Richard Nixon đã nhắc đến Lý Quang Diệu như một trong những nhà lãnh đạo tài năng nhất mà ông từng gặp, và so sánh ông Lý với Winston Churchill. Mối liên hệ giữa hai con người này có thể thực ra có lẽ là khá mờ nhạt và không thực sự chính xác. Thứ nhất có thể thấy là trong sự nghiệp chính trị của mình, hiển nhiên Lý Quang Diệu đã trở thành một Churchill, một “con người to lớn trên một sân khấu nhỏ”, một nhà lãnh đạo, người mà “nếu ở nơi khác, thời điểm khác, đã có thể trở thành ngang tầm với một Churchill, một Disraeli, hay một Gladstone.” Ngay cả cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher, người đã không cùng chia sẻ quan điểm với Lý Quang Diệu, đặc biệt là khi bàn về Trung Quốc, cũng đã miêu tả về ông như sau: “không còn nghi ngờ gì được, ông ấy là một trong những chuyên gia hàng đầu trong việc quản lý đất nước.” Và cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã miêu tả Lý Quang Diệu: “một trong những con người sáng suốt nhất, hiểu biết nhất, và một nhà lãnh đạo đất nước tốt nhất trên toàn thế giới trong 50 năm trở lại đây.”

Lý Quang Diệu đã được nhắc đến “thông qua những quan điểm thẳng thắn của ông” và “là một trong những nhà bình luận thẳng thắn nhất về những vấn đề về khu vực và an ninh.” Trên thực tế, ông đã gián tiếp đưa ra những lời khuyên, về cách lý giải những bài phát biểu chính trị cùng với những bàn luận liên quan của ông. Trong những bài phát biểu của mình, Lý Quang Diệu đã nói rằng ông cần đạt được sự cân bằng giữa (a) “duy trì sự tự tin và ổn định” với “sự cần thiết gây chú ý cho mọi người” và (b) ứng xử lịch sự nhưng cũng phải đáng tin cậy (“Tôi phải lịch sự, nhưng cũng không muốn trở thành người khó được tin tưởng’). Trong một bài phỏng vấn không lâu sau ngày Sài Gòn thất thủ, Lý Quang Diệu đã nói rằng bất cứ ai làm việc trong những văn phòng ở Đông Nam Á, bất cứ bộ ngành nào, nắm giữ trách nhiệm gì, đều sẽ phải nhìn nhận lại vai trò và trách nhiệm của mình, và những điều ông nói với những thính giả trong và ngoài nước của ông, không những không làm lung lay sự tin tưởng của họ, mà thậm chí, khi ông nói rằng mọi thứ sẽ ổn dù hiện tại chúng không thực sự ổn, thì ảnh hưởng của những rủi ro và nguy hiểm trong họ sẽ không còn tồn tại trong chỉ vài tuần hay vài tháng. Những nhà sử học tìm hiểu cách sử dụng những phát ngôn công khai của Lý Quang Diệu, thông qua đó để hiểu suy nghĩ của ông nên thực sự ghi nhớ điều này.

Con người cảm tính, không theo nguyên tắc

Lý Quang Diệu có một khả năng lạ thường có thể nhìn thấy trước những xu hướng chính trị có thể giúp Singapore trở nên vô cùng linh hoạt trong việc lèo lái những chính sách ngoại giao của mình. Đã hơn một lần, Lý Quang Diệu cho rằng ông không phải là một con người hoạt động theo nguyên tắc, mà là người làm việc theo cảm tính, và những quan điểm và suy nghĩ của ông thì không định hình bởi bất cứ lý thuyết cụ thể nào ngoại từ “kết quả của sự phát triển dần dần, từ khi còn là một đứa trẻ, tới thiếu niên, một sinh viên trẻ, cho đến khi trưởng thành.” Theo cách này, Lý Quang Diệu có phần giống như John Locke, trong việc công nhận rằng hiểu biết là đến từ trải nghiệm. Trong cuộc nói chuyện của mình với Tom Plate, ông nói, “Tôi không giỏi giang trong lĩnh vực triết học và các học thuyết. Tôi thấy chúng rất hay, nhưng cuộc đời tôi không phải được chỉ dẫn từ triết học hay lý thuyết gì cả, tôi hoàn thành mọi việc và dành cho những người khác rút ra những nguyên tắc từ những giải pháp thành công tôi đưa ra. Tôi không làm việc dựa trên lý thuyết. Thay vào đó, tôi sẽ hỏi: Xử lý việc này như thế nào?… Thế nên, với Plato, Aristole, Socrates, họ không dẫn dắt tôi. Tôi chỉ đọc qua về họ, vì tôi không quá hứng thú với triết học vậy. Anh có thể cho tôi là một người theo chủ nghĩa vị lợi, hay cái gì cũng được. Tôi thích những cái gì phải hiệu quả. Khi trả lời cho câu hỏi về quan điểm của mình, có phần giống với Darwin, Lý Quang Diệu trả lời rằng “không hoàn toàn giống với Darwin. Có lẽ đấy là một điều gì đó mà tôi đã nhận ra thông qua thực nghiệm nhiều hơn. Tôi không khởi đầu với bất cứ một lý thuyết nào. Tôi không bắt đầu với Edward Wilson. Wilson chỉ cho tôi một nền tảng tư duy, và một ví dụ. Nhưng tôi, tôi là người đã tiếp nhận ra nó.” Hãy lưu ý rằng Lý Quang Diệu đã không phủ nhận rằng ông, phần nào nắm giữ một quan điểm như Darwin. Đáng chú ý, cũng tương tự vậy, vào bài phát biểu ngày 24 tháng 3 năm 1965 của mình, và phản hồi của ông cho một câu hỏi vào tháng 9 năm 2008, về nền tảng quan trọng nào đã định hình những suy nghĩ của ông về những mối quan hệ quốc tế: “Vấn đề vẫn không khác gì khi trải qua cả hàng trăm năm, tôi cho là vậy. Một bộ lạc muốn có thêm đất đai, bộ lạc đó sẽ đi chiếm đất đai từ bộ lạc khác, họ gây chiến, và họ mở rộng. Ngay cả nếu họ có cùng chung bộ lạc, họ vẫn có thể tách ra thành những nhóm khác nhau, và họ vẫn sẽ gây chiến với nhau, vì quyền lực….” Trên những thỏa luận logic, Lý Quang Diệu đã dự đoán rằng tương lai trong thế kỷ 22, Trung Quốc và Mũ sẽ phải học cách cùng tồn tại với nhau, hoặc là họ sẽ triệt tiêu lẫn nhau. Mặc dù Lý Quang Diệu khẳng định rằng ông không hề dựa trên một lý thuyết hay triết học nào áp dụng vào các chính sách ngoại giao, và ông cũng không khởi đầu với bất cứ học thuyết nào trong đầu, thì suy nghĩ bao quát của ông đã có vẻ tỏ ra thực tế.

Cuộc đời của Lý Quang Diệu hoàn toàn tập trung cho sự tồn tại của đất nước Singapore. Đó cũng luôn luôn là thách thức trong chính sách ngoại giao của ông – Làm thế nào “tận dụng những cơ hội có được từ những sự thay đổi của các điều kiện xung quanh, hay là để tránh xa những nguy hại có thể xảy đến.” Theo ông, để đạt được điều này sẽ cần đến “một thủ tướng và một bộ trưởng ngoại giao, những người có thể nhìn thấu những xu hướng trong tương lai của nền chính trị toàn cầu, an ninh, môi trường kinh tế và bản thân vị thế của chúng ta (Singapore), theo cả góc diện đa phương hay song phương để nắm lấy những cơ hội phía trước, nhanh hơn những người khác có thể.” Trong khi những nhân viên và quan chức ngoại giao đều có thể đưa ra những đề nghị sâu sắc, “Điều cần thiết nhất là, thủ tướng cùng với các bộ trưởng then chốt khác, sẽ phải là người phải lựa chọn ra những thay đổi trong chính sách ngoại giao.”

Trong những năm tuổi 80, Lý Quang Diệu vẫn còn giữ sự quan tâm đến “rằng một thế hệ trẻ người Singapore sẽ không còn giữ cùng quan điểm với ông, về tầm quan trọng và những vấn đề liên quan như việc những công dân đã cao tuổi giờ đang xích lại gần nhau, và đang trở nên chỉ ngồi im một chỗ trước hành trình đầy những biến động tiến đến tinh thần dân tộc.” Ông cảm nhận được một sự cấp thiết cần phải tìm ra một giải pháp cho việc “gắn kết” thế hệ trẻ. Và kết quả mà ông có được là sự ra đời cuốn sách thứ ba, “Những thực tế khó khăn trên con đường duy trì Singapore phát triển”, cuốn sách được chọn lọc từ mười sáu bài phỏng vấn dài của ông giữa khoảng thời gian từ tháng 12 năm 2008 cho tới tháng 10 năm 2009. Cuốn sách lần đầu tiên được viết theo một cấu trúc câu hỏi và trả lời, thực sự đã thu hút những độc giả trẻ. Hai năm sau, vào năm 2013, khi ông 90 tuổi, Lý Quang Diệu đã cho xuất bản cuốn “Góc nhìn về một người của thế giới”, cuốn sách cuối cùng của ông. Sử dụng một sự kết hợp từ phương pháp kể chuyện và phỏng vấn, cuốn “Góc nhìn của một người về thế giới” đã bày tỏ những quan điểm của ông về những khía cạnh các sự kiện ngoại giao, cùng những vấn đề toàn cầu cấp thiết như về nền kinh tế thế giới, năng lượng và biến đổi khí hậu.

Đáng lưu ý rằng, ngay từ trước khi Singapore trở thành một quốc gia độc lập, Lý Quang Diệu đã hình thành một tư duy chiến lược hướng ngoại về những vấn đề quốc tế, định hình từ những kinh nghiệm của ông từ giai đoạn chiếm đóng của Nhật Bản trong Thế chiến II, và quan sát của ông về những phát triển hậu sau chiến tranh, và phản ứng của nước Anh tới tình trạng chia cắt châu Âu do cuộc Chiến tranh lạnh, cùng với sự hình thành của khối quân sự các nước khối Mỹ đứng đầu, đối đầu và cố gắng kìm hãm khối các nước do nhà nước Soviet đứng đầu các nước xã hội chủ nghĩa. Trong khi Lý Quang Diệu đề cập đến động lực tích cực mà sự thách thức của khối Xô Viết gây ra cho chủ nghĩa đế quốc của châu Âu, dẫn đến những cuộc giải phóng tại những thuộc địa của Anh và Pháp, đặc biệt tại phía Nam và phía Đông Nam Á, ông cũng đã nhìn ra những nỗ lực giải phóng đất nước đòi độc lập tại những thuộc địa đang được dẫn dắt từ yêu cầu cần phải chạy đua kiểm soát của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội. Ông cũng đã nhìn thấu làm thế nào những mâu thuẫn sắc tộc lại được hỗ trợ bởi những mâu thuẫn về lãnh thổ tại những khu vực hay xảy ra mâu thuẫn như tại vùng Ấn Độ – Pakistan.

Góc nhìn tâm lý học

Lý Quang Diệu đã bắt đầu làm quen với góc nhìn nghiên cứu theo tâm lý học đối với những sự kiện quốc tế, và cả những vấn đề chính trị lớn hơn, chẳng hạn như sự can thiệp của Mỹ tới khu vực Trung – Ấn, và việc Mỹ rút quân khỏi phía Đông Suez. Ông dường như cũng đã dự đoán trước về quá trình dịch chuyển cán cân sức mạnh từ vị thế nghiêng về các nước châu Âu – các nước phương Tây, trong thời kỳ những năm 1500 đến những năm 1900, sẽ chuyển sang, hoặc Trung Quốc, hoặc Ấn Độ, hay châu Á nói chung, sẽ lại xảy ra lần nữa vào thế kỷ 21. Năm 1985, ông cũng đã dự đoán trước về sự vùng dậy của châu Á trong thế kỷ 21, lường trước sự phát triển khó kìm bước của Trung Quốc, và sự phát triển của Ấn Độ, có phần không mạnh mẽ bằng, cùng với sự suy giảm tương đối trong ảnh hưởng của giới các nước phương Tây.

Lý Quang Diệu đã bị ấn tượng bởi thực tế của sức mạnh nằm phía sau chủ nghĩa hình thức ở Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác, cùng với tầm quan trọng của việc sở hữu năng lực có thể đảm bảo thực hiện các biện pháp trừng phạt nhằm tôn trọng luật pháp quốc tế. Ông cũng nhận thấy yêu cầu cho các quốc gia nhỏ, cần sắp xếp những mối liên hệ với các quốc gia lớn hơn để có thể đảm bảo quyền tự chủ của mình, và tận dụng những ảnh hưởng gián tiếp. Cùng lúc đó, ông cũng đưa ra một tầm nhìn rõ ràng về khả năng và giới hạn của các tổ chức đa phương như Tổ chức hỗ trợ Á Phi và Hoạt động các quốc gia độc lập, cùng với Tổ chức các quốc gia thịnh vượng chung. Khi tìm hiểu nhu cầu của Singapore với việc gia nhập những tổ chức thế này để nhận được sự chấp thuận, Lý Quang Diệu đã nhận thức vấn đề về khả năng của họ trong việc bảo vệ và đẩy mạnh quyền lợi của các thành viên, chống lại những nỗ lực của những thế lực có thể chia cắt và điều khiển họ. Ông cũng luôn nhấn mạnh yêu cầu của Singapore là cần phải luôn linh hoạt và cảnh giác trong bất cứ thỏa thuận nào, hay những chuyển giao cán cân sức mạnh mà Singapore có vai trò quan trọng trong đó.

Lý Quang Diệu cũng đã dành một sự quan tâm không nhỏ đối với mối liên hệ phức tạp giữa chính trị và kinh tế. Ông đã đưa ra vấn để này thảo luận vào từ những năm 1966, và tiếp tục thảo luận về nó trong rất nhiều thời điểm trong thời kỳ sự nghiệp chính trị của ông. Rất nhiều vài nói chuyện, và bài phỏng vấn của ông, đặc biệt sau kết thúc của Chiến tranh lạnh là hướng về nền kinh tế chính trị quốc tế. Ông cũng thể hiện một mối quan tâm tới những đổi mới công nghệ, và những ảnh hương của nó lên vấn đề chính trị toàn cầu. Trong thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh, ông cũng đã đề cập, dù rằng là không nhiều, về những vấn đề an ninh không phân biệt văn hóa như biến đổi khí hậu.

Gần năm mươi năm sau, trong bài nói chuyện đầu tiên của mình (vào tháng 3 năm 1965) về tương lai của Malaysia, Lý Quang Diệu đã tiếp tục củng cố niềm tin bằng một viễn cảnh rõ rệt về xu hướng của toàn cầu, và những sự phát triển địa chiến lược vào một sự thay đổi chưa từng có trên thế giới. Xuất phát từ những nền tảng đầu tiên, ông đã nhìn thấy sự tồn tại của những quốc gia nhỏ như Singapore sẽ gắn bó chặt chẽ với sự ổn định và tồn tại lâu dài của những quốc gia láng giềng cùng khu vực, cùng với cán cân đầy biến động, và những tương tác kinh tế của sức mạnh toàn cầu.

Hơn hết, Lý Quang Diệu đã luôn cam kết với những nguyên tắc cơ bản trong tư tưởng của ông về chính sách ngoại giao. Ông cũng luôn kiên định một cách đáng nể với quan điểm của mình về khía cạnh cán cân sức mạnh, mối liên hệ tương quan giữa chính trị và kinh tế, và vai trò của những nguồn lực to lớn trong các hệ thống đa quốc gia. Năng lực của ông trong việc cảm nhận những sự thay đổi, chẳng hạn như, nhu cầu tìm kiếm đồng minh của Mỹ khi không còn có thể trông cậy vào nước Anh, hay sự khởi sắc của Trung Quốc. Nhưng với tất cả sự ngưỡng mộ dồn hết cho ông, thì Lý Quang Diệu vẫn khẳng định rằng ông không biết được, kể từ khi bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình vào những năm 1950, liệu ông không đứng bên phía chiến thắng của Chiến tranh lạnh, liệu Singapore có được ngày hôm nay – một sự gợi nhắc ngầm về vai trò của những khả năng, trong công việc phân tích lịch sử, ngay cả dù vấn đề này tập trung vào cách nhận thức và vai trò của một con người.

Như Louis Halle đã nói, “nguồn gốc chính sách ngoại giao của bất cứ quốc gia nào, sẽ phản ánh trong chính nó hình ảnh về thế giới bên ngoài trong đầu óc của những người hoạch định chính sách ngoại giao của chính quốc gia đó.” Trong trường hợp của Singapore, đó hẳn là quan điểm về thế giới của Lý Quang Diệu là điều có ảnh hưởng to lớn nhất.

Nguyễn Hoàng Nam, chuyển ngữ