Đặc biệt về Lý Quang Diệu: Vĩnh biệt “người vĩ đại trên sân khấu nhỏ”

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đặc biệt về Lý Quang Diệu: Vĩnh biệt “người vĩ đại trên sân khấu nhỏ”

Cả nước Singapore treo cờ rủ để tang cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu

Đây là một mất mát vô cùng lớn đối với đất nước và người dân Singapore, bởi chính ông – Lý Quang Diệu – là người đã tạo nên “kỳ tích Singapore, biến hòn đảo nhỏ bé không có tài nguyên này thành một quốc gia phát triển thuộc thế giới thứ nhất như ngày nay.

Ông Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew) sinh ngày 16-9-1923 trong một gia đình gốc Hoa định cư ở Singapore từ cuối thế kỉ XIX. Tốt nghiệp chuyên ngành luật tại Anh, luật sư trẻ Lý Quang Diệu đã tham gia sáng lập Đảng Nhân dân Hành động (PAP) ở Singapore vào năm 1954. Chỉ 5 năm sau đó, PAP dưới sự dẫn dắt của Lý Quang Diệu đã giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử và với vai trò Tổng Thư ký PAP, ông trở thành người Singapore đầu tiên giữ ghế Thủ tướng của nước Singapore độc lập nằm trong Khối liên hiệp Anh.

Năm 1963, Singapore tham gia Liên bang Malaysia, nhưng chỉ 2 năm sau, một lần nữa tuyên bố độc lập. Kể từ đó, ông Lý Quang Diệu đã đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Singapore trong suốt 31 năm cho đến khi quyết định nghỉ hưu vào năm 1990. Trong hơn ba thập kỉ cầm quyền, Lý Quang Diệu đã đưa Singapore trở thành một trong những nền kinh tế giàu mạnh nhất châu Á, một trung tâm tài chính và công nghệ cao lớn nhất khu vực, một điểm đến an toàn và hấp dẫn với các nhà đầu tư và là một trong những nơi “đáng sống” nhất trên thế giới.

Là một trong những nhà lập quốc, ông Lý Quang Diệu đã lãnh đạo thế hệ tiên phong của Singapore biến Singapore từ “một vùng đầm lầy trở thành siêu đô thị”. Tổng thống Singapore Tony Tan gọi ông Lý Quang Diệu là kiến trúc sư của nền cộng hòa hiện đại. Với tầm nhìn về một nền kinh tế hiện đại, hội nhập hoàn toàn vào hệ thống sản xuất toàn cầu, khai thác vị trí chiến lược và lao động tay nghề cao, đến nay, Singapore về căn bản đã hiện thực hóa thành công tham vọng này. Tổng sản lượng quốc nội (GDP) bình quân đầu người trong năm 2014 của Singapore là 60.410 USD, trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 56,7 tỷ USD.

Ngay khi công cuộc phát triển đô thị của Singapore vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, ông Lý Quang Diệu đã có tầm nhìn xây dựng Singapore theo mô hình “Vườn-Thành phố”. Ông đã đề xuất dự án cải tạo sông Singapore và sông Kallang vốn ô nhiễm nghiêm trọng để hình thành nên một phần Vịnh Marina ngày nay, nơi giờ đây không chỉ là một nguồn nước ngọt quý giá cho người dân mà còn là điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế. Với tầm nhìn xa đó, Singapore ngày nay được xem là hình mẫu phát triển bền vững và toàn diện nhất để quy hoạch đô thị trên thế giới.

Một dấu ấn thể hiện tầm nhìn đi trước thời đại của Lý Quang Diệu chính là việc ông chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ phổ thông ở Singapore. Các cộng đồng sắc tộc cũng được khuyến khích coi ngôn ngữ mẹ đẻ là ngôn ngữ thứ hai để duy trì bản sắc văn hóa cộng đồng. Có rất nhiều bài báo viết về ông Lý Quang Diệu, nhưng hầu hết tập trung vào chính sách đối nội, vấn đề quản trị trong sự phát triển của Singapore, mà rất ít đề cập đến tư tưởng của ông về chính sách đối ngoại. Vì thế, sẽ không ít người ngạc nhiên khi biết rằng các nhà lãnh đạo trên thế giới đều mô tả nhà lãnh đạo xuất chúng của Singapore, một chính khách có tầm ảnh hưởng có một không hai ở châu Á, và là một nhà chiến lược kết hợp những giá trị phương Đông với tầm nhìn quốc tế luôn luôn đi trước thời đại. Ông còn là một trong những nhà bình luận thẳng thắn nhất của châu Á về các vấn đề an ninh khu vực. Cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon thậm chí so sánh ông Lý Quang Diệu với cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill.

Là nhà lãnh đạo đặt lợi ích của đất nước lên trên lợi ích cá nhân, ông Lý Quang Diệu từ chức Thủ tướng vào năm 1990 sau khi đã xây dựng thế hệ kế cận đủ năng lực. Nhờ tầm nhìn xa của ông, Singapore đã có được sự công nhận quốc tế và thiết lập quan hệ hợp tác với tất cả các cường quốc trên thế giới. Với trí tuệ sâu sắc và quan điểm thẳng thắn, ông Lý Quang Diệu cũng được nhiều nhà lãnh đạo và ngoại giao quốc tế, trong đó có Việt Nam, tham khảo ý kiến về những diễn biến trong khu vực và trên thế giới.

Báo The Economist (Anh) tổng kết: “Nếu muốn tìm kiếm tượng đài về ông, hãy nhìn quanh Singapore. Thịnh vượng, trật tự, sạch sẽ, hiệu quả và được điều hành một cách trung thực”

Huyền Lan