Myanmar xin lỗi về vụ đánh bom sát hại nông dân Trung Hoa
Nông dân trên đồng ruộng cắm cờ TC ở Kokang, gần biên giới Myanmar, ngày 24/3/2015.
Theo VOA – Bill Ide – 02.04.2015
BẮC KINH— Myanmar đưa ra lời chính thức xin lỗi TC về một tai nạn đánh bom hồi tháng trước ở gần biên giới hai nước gây thiệt mạng cho 5 nông dân Trung Hoa đang làm việc ngoài đồng. Myanmar đã giao tranh với phiến quân sắc tộc ở miền bắc từ gần 2 tháng nay và bạo động đã buộc hàng chục ngàn người tỵ nạn bỏ chạy, nhiều người chạy qua lãnh thổ TC. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Bill Ide gửi về bài tường thuật sau đây. Bộ Ngoại giao TC cho hay một cuộc điều tra chung về vụ việc xác định rằng Myanmar chịu trách nhiệm về tai nạn và rằng một trong các chiến đấu cơ của Myanmar đã thả bom xuống một ruộng mía thuộc lãnh thổ TC. Trong một cuộc họp với người tương nhiệm phía TC Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Wunna Maung Lwin đã đưa ra lời xin lỗi những người thiệt mạng và bị thương. Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao TC nói Myanmar đã đề nghị bồi thường và cam kết trừng phạt những người chịu trách nhiệm. Myanmar cũng nói sẽ tăng cường cường các biện pháp để bảo đảm sẽ không xảy ra một sự cố như thế nữa. Ban đầu Myanmar đã không chịu nhận trách nhiệm, mà còn đổ lỗi cho nhóm Đạo quân nổi dậy Liên minh Dân chủ Dân tộc Myanmar, còn gọi tắt là MNDAA, mà họ đang chống lại ở miền bắc. Đáp lại, TC đã tăng cường sự hiện diện của quân đội dọc theo biên giới, mở các cuộc tuần tra trên không và bố trí các phi đạn địa đối không trên mặt đất. Bắc Kinh cảnh báo nếu xảy ra bất cứ vụ xâm phạm nào khác, TC sẽ có hành động quyết liệt. Người ngoài gần như không thể vào được thị trấn biên giới của TC là Nam San, và trong các hình ảnh đăng trên mạng truyền thông xã hội, trông thị trấn rất giống với một khu quân sự. Có ít nhất 3 chốt kiểm soát đã được dựng lên để ngăn ký giả nước ngoài đến khu vực. Các tổ chức cứu trợ quốc tế cũng không được tiếp xúc với người tỵ nạn trốn tránh cuộc giao tranh. Chính phủ TC trước đây từng cho biết có khoảng 30.000 người đã bỏ chạy khổi vùng Kokang miền bắc Myanmar để vượt biên vào TC, nhưng các tổ chức cứu trợ nói có tới 80.000 người bị thất tán hiện đang ở đó. Những người có phương tiện thì ở trong những khách sạn địa phương hay thuê nhà của cư dân địa phương. Những tổ chức như Hội chữ thập đỏ TC đã cung cấp nơi tạm trú khẩn cấp cho nhiều ngàn người. Nhưng nhân viên cứu trợ nói đa số ở trong những lều tạm bợ gần các con sông, vệ đường hay cạnh ruộng đồng. Bà Li Na, một cư dân Kokang nói bà đã bỏ chạy khỏi nhà cùng với con gái và gia đình ngay trước khi bắt đầu cuộc giao tranh. Kể từ khi đó, bà đã giúp các nhân viên cứu trợ thỏa mãn nhu cầu của những người bị thất tán. Bà nói thoạt đầu, ưu tiên chính là định cư cho người tỵ nạn. Bà nói nay thì có nhiều nhu cầu khác, từ giúp đỡ trẻ em được chăm sóc y tế cho tới cung cấp gạo, rau và quần áo cho những người bị thất tán. Kokang cách biên giới không xa và bà Li Na nói tuy pháo kích xảy ra thường xuyên, đôi khi rất gần và ầm ĩ, công tác giúp bà bớt suy nghĩ về việc ấy. Khi được hỏi bà nghĩ gì về cuộc xung đột và bà ủng hộ ai thì bà nói bà chẳng ủng hộ ai cả. Bà nói bà vẫn trung lập và không ủng hộ cho bất cứ ai chiến đấu. Bà nói bà chỉ muốn sống một cuộc sống yên lành và bình dị. Phe nổi dậy nói họ tranh đấu cho quyền lợi và nền tự trị của người Kokang ở Myanmar. Nhưng khu vực mà họ đang chiến đấu để giành quyền kiểm soát giàu khoáng sản và lâm sản và đã từng là một nguồn béo bở về ma túy như heroin, bất chấp các nỗ lực diệt trừ tệ nạn mua bán lậu. MNDAA nằm dưới sự lãnh đạo của thủ lãnh nổi dậy gốc Hoa Bành Gia Thanh, là người từng lãnh đạo khu vực nhưng bị đẩy ra khỏi chính quyền vào năm 2009. MNDAA được thành lập bởi tàn quân của Đảng Cộng sản Miến Điện, một lực lượng du kích được TC yểm trợ đã chiến đấu chống lại chính phủ Myanmar cho đến khi tan rã vào năm 1989. Nhóm này đã đạt được một cuộc hưu chiến với chính phủ ít lâu sau đó, và kéo dài cho đến khi ông Bành Gia Thanh bị bãi chức.