Tin Việt Nam – 30/3/2015
‘Dự án bauxite không lợi gì cho đất nước’
Chuyên gia trong nước nói bất lợi của dự án bauxite trên Tây Nguyên là quá rõ nhưng xử lý thế nào là vấn đề phức tạp.
Hà Huy Thành, cựu Viện trưởng Viện Môi trường và Phát triển Bền vững, nói với BBC hôm rằng “có thể nói đây là một dự án không có lợi gì cho đất nước lắm”.
“Ngay từ hội thảo đầu tiên tại Đắc Nông thì chúng tôi cũng đã phát biểu rồi. Có hai mảng vấn đề. Một là về kinh tế và hai là tác động môi trường. Phần lớn các học giả đều phát biểu là không nên làm, nhưng cuối cùng chính phủ vẫn làm.
“Hiệu quả kinh tế thì rõ ràng là không có rồi. Còn về môi trường thì càng đào sâu thì càng tàn phá môi trường Tây Nguyên.
“Còn tác động xã hội thì dân cư bị di dời, đẩy sâu vào rừng hơn và có thể có những đảo lộn và tác động xã hội.
Trả lời câu hỏi BBC về cái gọi là luận chứng khả thi trước khi thực hiện hiện dự án, Thành nói vấn đề là ai làm cái luận chứng khả thi đó.
“Ngay cả các nhà kinh tế từ Bộ Công thương cũng từng có ý kiến là dự án này không có lợi về kinh tế rồi. Thế nhưng chính phủ xét thấy có lợi thì chính phủ làm.
“Bây giờ thì sự việc như thế nào thì nó đã rõ quá rồi nhưng xử lý thế nào là vấn đề phức tạp. Không đơn giản là nói bỏ là bỏ hay nói làm là làm được nên theo tôi chắc là lại phải có các cuộc trao đổi khác để đi tới thống nhất, kể cả việc nếu làm thì sẽ làm tiếp thế nào và mở rộng đến đâu.
Nhận xét của Hà Huy Thành được đưa ra trong bối cảnh Bộ Công thương vừa phản hồi lại thông tin được đưa ra tại một cuộc tọa đàm về các dự án bauxite cuối tuần trước.
Tại cuộc tọa đàm này, Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc các dự án đồng bằng sông Hồng của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) được truyền thông trong nước dẫn lời phân tích và kết luận rằng “nếu sản xuất đủ 660.000 tấn theo kế hoạch thì tổng lỗ năm 2015 của TVK sẽ khoảng 37,4 triệu USD”.
“Bộ này đồng thời trích dẫn nhận định của đoàn giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng các dự án bauxite có hiệu quả kinh tế và nhấn mạnh: Đánh giá “nếu sản xuất 660.000 tấn bauxite sẽ lỗ khoảng 37,4 triệu USD” là vội vã, thiếu cơ sở”, báo Thanh Niên đưa tin vào hôm 30/03.
Nhiều chuyên gia đã nhận định chủ đầu tư là Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV) đã “sập bẫy” của nhà thầu TC, theo báo Tuổi Trẻ ra ngày 29/03.
“Ngày xưa, nói đến dự án bôxit Tây nguyên người ta lo về ảnh hưởng tới môi trường (bùn đỏ). Đến nhà máy alumina thì lo thêm vì hiệu quả kinh tế”, Nguyễn Thành Sơn được báo Tuổi Trẻ này dẫn lời.
Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên gây nhiều tranh cãi bấy lâu nay với tầng lớp trí thức tại Việt Nam từng mở một trang web mang tên bauxite chỉ để nói về các mối nguy hại của dự án này.
Bài ‘Bô xít Tây Nguyên – Mọi con đường đều dẫn đến thua lỗ’ của tác giả Tô Văn Trường đăng vào ngày 30/03 trên trang web này có đoạn:
“Thời gian gần đây, khi Thủ tướng đến thăm Tây Nguyên các cơ quan chức năng đã báo cáo vẽ lên bức tranh tươi sáng hiệu quả của hai dự án bô xit Tân Rai và Nhân Cơ kèm theo việc công ty Trần Hồng Quân tham gia xây dựng nhà máy luyện nhôm. Trong khi đó, nhiều nhà khoa học phản bác lại luận điểm nói trên.
“….Với công nghệ, tư duy và quản lý hiện nay, dự án bô xít Tây nguyên còn thua lỗ dài lâu, hậu quả khó lường. Sau sự kiện chặt cây ở thủ đô Hà Nội, lấn sông Đồng Nai là hai vết nhơ khó rửa, người dân yêu cầu những người có trách nhiệm về dự án bô xit Tây Nguyên vượt lên chính mình, báo cáo trung thực với Thủ tướng và Nhà nước về các con số “biết nói” của dự án.”
Nhà văn Nguyên Ngọc từng nói với BBC rằng chính phủ Việt Nam nên dừng khai thác bauxite ở Tây Nguyên dù đã tốn tới “hai tỷ đôla” làm thí điểm.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho BBC vào tháng 8/2014, ông Nguyên Ngọc nói “10 lý do” không nên làm bauxite mà ông và kỹ sư mỏ Nguyễn Thành Sơn đưa ra trong một bài viết phản đối khai thác bauxite “đang dần dần bộc lộ hết”
Ngày 1/11/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định 167 phê duyệt quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015.
Thủ tướng CSVN khi đó nói việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên là ‘chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước’.
Trong khi đó Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào năm 2011 nói “không có chủ trương cho Trung Quốc vào khai thác bauxite và đặc biệt chú ý về vấn đề quốc phòng và an ninh.” – Theo BBC
Tiếp tục đình công lớn ở Saigon
Hàng ngàn công nhân tiếp tục tuần hành trong khuôn viên của Công ty PouYuen (Khu công nghiệp Tân Tạo, phường Tân Tạo, quận Bình Tân) sang tới ngày thứ năm để phản đối luật bảo hiểm xã hội.
Trước đó báo chí trong nước đưa tin ‘gần 90.000’ công nhân công ty TNHH PouYuen Việt Nam, một công ty 100% vốn nước ngoài của Đài Loan, đã đình công trong hai ngày 26 và 27/3 để phản đối các quy định tại điều 60, Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) 2014 về việc không cho người tham gia BHXH được hưởng BHXH một lần ngay sau nghỉ việc như trước đây.
Theo luật này công nhân sẽ phải đợi đến tuổi nghỉ hưu, tức nam giới là khi 60 tuổi và phụ nữ là 55 tuổi, mới được nhận trợ cấp.
Được biết sáng 30/3, các công nhân vẫn tới công ty nhưng không làm việc và sau đó đại diện ngành lao động quận Bình Tân cũng đã tới gặp gỡ, giải thích nhưng không được công nhân chấp nhận.
Báo Lao Động, Cơ quan của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đưa tin công nhân sau khi tổ chức tuần hành ngay trong khuôn viên Cty PouYuen đã kéo ra trước cửa công ty khu vực cầu vượt trên quốc lộ 1A để tiếp tục tuần hành, do vậy gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng tại đây.
Hình ảnh trên mạng cho thấy cảnh sát giao thông và cơ động đã được điều động tới để giữ trật tự nhưng cho tới trưa công nhân vẫn tiếp tục tuần hành trên các tuyến phố này.
Tại cuộc họp báo chiều thứ Hai, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, ông Doãn Mậu Diệp, được tờ VnExpress trích dẫn nói mục đích việc thay đổi Luật Bảo hiểm xã hội là nhằm khuyến khích người lao động tích lũy, bảo vệ quyền lợi cho người lao động trước mắt và lâu dài.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng kêu gọi công nhân trở lại làm việc vì luật chưa có hiệu lực ngay. Vẫn theo tờ VnExpress thì lãnh đạo UBND TP HCM nay đang làm việc với Công ty Pouyuen để tổ chức buổi làm việc giữa Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp với công nhân của công ty.
Trước tình hình công nhân đình công như vậy, báo Lao động đã cho đăng tải một thông báo của Bảo hiểm xã hội Thành phố, công văn số 996/CV-BHXH gửi UBND quận Bình Tân với mục đích giải thích chính sách cho công nhân.
Công văn này được báo Lao động trích dẫn nêu rõ: “Luật BHXH có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2016, từ nay cho đến hết ngày 31.12.2015 cơ quan BHXH vẫn thực hiện giải quyết các chính sách như trước đây.”
Được biết Luật này được Quốc hội CSVN thông qua hồi cuối năm ngoái.
Một công nhân được trang VTC trích dẫn nói: “Tôi làm việc được 9 năm, năm nay tôi được 35 tuổi, tôi muốn nhận bảo hiểm xã hội một lần sau khi thôi việc, chứ tôi không thể chờ đợi đến khi già 55 tuổi, khi đó có biết tôi còn sống nữa hay không.”
Trong khi đó, báo Pháp luật TP. HCM ước tính số người đình công là 83.000. – Theo BBC