Khủng hoảng Yemen, cơ hội để Ả Rập Xê-Út vươn móng sắt

Cac Bai Khac

No sub-categories

Khủng hoảng Yemen, cơ hội để Ả Rập Xê-Út vươn móng sắt

Yemen tiếp tục bị oanh tạc trong đêm 29/03 rạng sáng 30/03/2015.REUTERS/Naiyf Rahma

 

Theo RFI

Tú Anh

ngày 30-03-2015  14:40

Những chi tiết quan trọng trong chiến dịch can thiệp vào Yemen chỉ được Ả Rập Xê Út thông báo cho đồng minh Hoa Kỳ vào giờ chót. Sự kiên này, theo giới phân tích, là dấu hiệu Ryad muốn thoát ra khỏi tình trạng mà cường quốc quân sự cấp vùng xem là chính sách thụ động của Washington trong khu vực.

Cuộc tấn công của không quân Ả Rập Xê Út vào Yemen bước vào ngày thứ sáu, song song với quyết định của Liên Đoàn Ả Rập thành lập liên quân chống khủng bố.

Theo các nguồn tin chính phủ  Mỹ được Reuters trích dẫn, từ nhiều tuần nay, Vương quốc Ả Rập Xê Út đã chia sẻ với Mỹ ý định can thiệp vào Yemen.  Theo nhận định của Ryad,  phiến quân Houthi, thuộc hệ phái Shi-a,do Iran hậu thuẫn, tấn công chính phủ dân cử của nước láng giềng để bành trướng ảnh hưởng.

Giải pháp quân sự đã được hai nước thảo luận sâu rộng nhân chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 05.03. Tuy nhiên,  kế hoạch  chính xác của dự án chỉ được thông báo với Mỹ không lâu trước khi oanh tạc cơ Ả Rập Xê Út bắt đầu tham chiến.

Tư lệnh Bộ chỉ huy Hoa Kỳ tại Trung Đông và Afghanistan, tướng Lloyd Austin, trong cuộc điều trần tại Thượng viện ngày thứ năm 27/03/2015 tiết lộ ông chỉ được Tham mưu trưởng quân đội Ả Rập Xê Út thông báo « ngay trước khi không quân Ryad hành động ». Tướng Lloyd  Austin nhìn nhận không thẩm định được xác xuất thành công của Ryad là bao nhiêu, vì « không biết mục tiêu tấn công  và mục đích » của chiến dịch.

Tại Washington, đại sứ Ả Rập Xê Út,  Adel al Jouber giải thích hai đồng minh luôn “tham khảo ý kiến chặt chẽ”, nhưng Ryad phải quyết định nhanh, vì chiến binh  Houthi  đe dọa  Aden và có khả năng đánh chiếm hải cảng chiến lược này và cũng là nơi tổng thống Hadi cố thủ sau khi bỏ thủ đô Sanaa.

Chiến dịch không kích  Yemen của Ryad  dữ dội gắp trăm lần cuộc can thiệp  vào Bahrein năm 2011 để  đàn áp  phong trào phản kháng  Shi-a nổi dậy đe dọa vương triều Khalifa, cùng hệ phái Suni . Theo Reuters, nguyên nhân cốt lõi thúc đẩy Ryad trực tiếp sử dụng vũ lực bắt nguồn từ phong trào Mùa Xuân Ả Rập và thái độ do dự của chính quyền Obama.

Năm 2011, tổng thống Mỹ đã  không có một cử chỉ ủng hộ tổng thống Ai Cập Hosni Moubarak, để  cách mạng đường phố lật đổ nhà lãnh đạo đồng minh khu vực này sau mấy ngày biểu tình.

Năm 2013, thái độ  tiền hậu bất nhất của tổng thống Mỹ không chịu oanh kích Syria  bảo vệ thường dân đang bị chế độ Bachar al Assad sát hại bằng bom hóa học làm Ryad thất vọng. Tiếp sau đó là những cuộc mật đàm giữa Mỹ và Iran, đồng minh của Syria và kẻ thù của Ả Rập Xê Út,  bị tiết lộ càng làm  Ryad hoài nghi quyết tâm của chính quyền Mỹ giữ lời hứa bảo vệ đồng minh Ả rập.

Quyết tâm của tổng thống Obama đạt thỏa thuận hạt nhân với chính quyền Hồi giáo Iran, dù phải trả  giá cao làm cho Ryad cảm thấy tương lai bất trắc trong bối cảnh Iran không che dấu tham vọng phát huy ảnh hưởng ra khắp  khu vực từ Irak, Syria, Lybia, Liban cho đến…Yemen.

Chuyên gia Irak Moustafa Alani về an ninh nhận định “nếu chiến dịch Yemen thành công, chúng ta sẽ chứng kiến một bước đột phá trong chính sách đối ngoại của  Ả Rập Xê Út ». Ryad sẽ quyết liệt hơn và dứt khoát hơn để đương đầu với  Iran mà không tùy thuộc vào Hoa Kỳ.

Cuộc phản công của Ryad tại Yemen là một mặt trận mới trong cuộc « chiến tranh ủy nhiệm » giữa hai cường quốc cấp vùng : một bên  là Ả Rập Xê Út lãnh đạo các nước Ả Rập theo hệ phái Suni, còn bên kia là Iran, thủ lĩnh hệ phái Shi-a với các thủ đô Bagdad, Damas và tổ chức Hezbollah ở Liban.

Washington tuyên bố không tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào cuộc chiến Yemen, nhưng  trợ giúp đồng minh Ryad về tình báo ở mức độ tối thiểu.