Từ Sự Náo Động Đường Phố Nơi Nơi – Hoàng Ngọc Nguyên
Khi nhìn đến toàn cảnh thế giới ngày nay, thế hệ nào trong chúng ta cũng có thể cảm thấy bối rối trước một cảnh tượng nhiễu loạn chưa từng có ở nơi nơi. Không nhìn đến những nơi bộ lạc xa xôi mù mịt như các nước Trung Phi đang bị các thế lực Hồi giáo cực đoan đe dọa nghiêm trọng nhưng thường ở ngoài tầm mắt của “thế giới văn minh” ngày nay, chúng ta cũng đủ thấy bàng hoàng và giao động trước những gì đang xảy ra ở Ai Cập, Syria, Iraq, Afghanistan, Bangladesh, Bắc Triều Tiên.. Hay những diễn tiến náo động tại Ukraine, Thái Lan và Venezuela. Và đương nhiên, đang làm cho chúng ta đêm ngày xốn xang là chủ nghĩa bành trướng ngày càng phơi bày của đế chế Nga và Thiên triều Bắc Kinh. Cái giấc mơ một “thế kỷ 21 của nước Mỹ” (another American century!) từng nổi lên sau khi các chế độ Cộng Sản tại Liên Xô và Đông Âu rơi rụng khi thập niên 90 mới bắt đầu nay đã lụi tàn, thế nhưng trong khi một trật tự mới của thế giới đang xóa bài làm lại còn lâu mới hình thành – nếu cái trật tự mới này quả thực có cơ may xảy ra – Hoa kỳ sẽ có vai trò quốc tế gì trong thời gian “indecent interval” đó. Đúng là câu hỏi đang làm sa lầy nhiều lý thuyết gia – nhất là những người sống trong mơ vì hoặc đang ở quá cao trên mây hay quá thấp phía dưới.
Thế giới ngày nay quá đa đoan, cho nên chắc chắn có nhiều chuyện ta không theo kịp hay lửng quên, nhưng chắc chắn không thể không biết, và cũng phải biết, những diễn tiến sôi sục trên đường phố tại Kiev, hay Bangkok, hay Caracas… Chúng ta phải biết những chuyện đang xảy ra tại thủ đô của ba nước Ukraine, Thái Lanvà Venezuela vì những chuyện này bắt chúng ta phải suy nghĩ lung đến nhiều chuyện, có thể gọi là rút ra những bài học hay kinh nghiệm để tự soi sáng, và càng suy nghĩ nhiều, chúng ta càng thấy mình “hiện hữu”.
Sau gần đúng ba tháng tranh đấu, quần chúng Ukraine từng ủng hộ cuộc Cách mạng Da cam năm 2004 đã đạt được mục tiêu của mình, nhưng nay họ đang đứng trước những thách đố to lớn hơn, quyết liệt hơn: làm sao có thể tạo lập được hòa hợp hòa giải dân tộc, tránh phân hóa nội bộ trong “hàng ngũ quốc gia”, tránh ly khai, nội chiến giữa các vùng trong nước trước manh tâm can thiệp và phá hoại của nước Nga của Sa hoàng Vladimir Putin.
Tổng thống Viktor Yanukovich nay đã tại đào, bôn tẩu chốn nào nào ai được biết – có lẽ chỉ trừ ông Putin quan thầy. Chính phủ đã ra lệnh truy nã Yanukovich về tội ra lệnh đàn áp gây tử thương cho người biểu tình. Trước đó, ngày thứ bảy, sau khi Yanukovich đi trốn, Quốc Hội đã nhóm để xác định ngày bầu cử 25-5, truất phế Yanukovich, tịch thu cung vàng điện ngọc xa xỉ bậc nhất khó tưởng được của ông ta, và bầu ông chủ tịch Quốc Hội Oleksandr Turchynov làm tồng thống lâm thời. Một trong những quyết định đáng để ý nhất của chính quyền mới là hạ thấp tầm quan trọng của tiếng Nga – không còn ngang hàng với tiếng Ukraine như là một quốc ngữ nữa. Và ông Turchynov cũng không ngần ngại nói rằng Ukraine nay chủ trương tăng cường quan hệ với Liên Âu.
Chúng ta còn nhớ cuộc đấu tranh này xuất phát từ việc Yanukovich có ý hủy bỏ những thỏa thuận về hội nhập thương mãi với Liên Âu để cho Ukraine rộng đường tham gia khối “thị trường chung” mà Liên bang Nga vừa đề nghị bao gồm những nước theo Nga. Ông Yanukovich có thể đánh giá không đúng mức phản ứng của dân chúng, và sự sai lầm của ông có hai lý do: thứ nhất, ông không thể từ bỏ được cái dinh cơ nguy nga, tráng lệ cua ông, nay được gọi là “viện bảo tàng thành tích tham nhũng” (museum of corruption) đang được mở ra cho dân chúng sững sờ thưởng lãm; thứ hai, ăn cây nào rào cây ấy, ông đã từng bị dìm xuống bùn đen vì bầu cử gian lận dẫn đến cuộc Cách mạng Da cam năm 2004, nay ông ngoi đầu lên được trở lại là nhờ Putin, ăn trái phải nhớ kẻ trông cây.
Trước hết, chúng ta cảm thấy hào hứng và khâm phục sự quyết liệt của ngưòi dân Ukraine không phải đối với Yanukovich (ông ta thì có đáng gì) mà đối với âm mưu của Putin tìm cách áp đặt trở lại sự đô hộ đối với Ukraine theo một kiểu mới. Nước này từng là một trong 15 nước hợp thành Liên Xô (Liên bang Cộng hòa Xả hội chủ nghĩaXô-viết) ngay từ năm 1922 cho đến năm 1991 mới tách ra được và trở thành một nước độc lập. Đó là nước lớn thứ hai trong khối Liên Xô – chỉ sau Nga. Gần bảy thập niên mang số phận chư hầu, người dân Ukraine vẫn còn thấy cay đắng thấm thía với ách đô hộ của đế chế Nga. Cho nên họ rất nhậy cảm với mưu toan bành trướng trở lại của Sa hoàng thời nay Vladimir Putin – nhất là sau kinh nghiệm của Grudia vào năm 2008. Sự dứt khoát nói không của họ trước kẻ thù cho dù Điện Cẩm Linh tạo sức ép đủ mọi cách – từ đe dọa đến mua chuộc – đã tạo được sức mạnh vô địch của một quần chúng đã trưởng thành. Đó là điều đáng suy gẫm cho những người cầm quyền không phân biệt được bạn và thù của dân tộc, cho những đại cường đang lăm le theo đuổi chủ nghĩa bành trướng lợi dụng tình hình một thế giới chưa có trật tự, và cho những phong trào đấu tranh đang còn phải chờ sự trưởng thành của người dân.
Theo dõi những chuyện đang xảy ra ở Ukraine, nhìn lên tấm bản đồ vùng này, chúng ta không khỏi hồi hộp: Kiev nằm giữa Lviv ở phía tây và bán đào Crimea ở phía đông, trên cao là Moscow. Lviv nhất quyết theo phương tây. Crimea là phản ảnh của tất cả sự phức tạp chính trị của miền đông nước Ukraine , nơi người ta đến 70% nói tiếng Nga và không xác định rõ được “lý lịch dân tộc”, cho nên Nga vẫn xem đây là đầu cầu hay bàn đạp để “tái lập” vùng ảnh hưởng cua mình. Kiev có đủ mạnh chăng để tạo sự hòa hợp hòa giải dân tộc giữa Lviv và Crimea? Chỉ đọc hai cái tựa lớn trên tờ The New York Times ngày thứ ba 25-2 để thấy câu hỏi đó có cái lý của nó. Một tựa của một bài phân tích thời sự “Infighting hurts Ukraine efforts to form a new government” (Tranh chấp nội bộ làm hại những nỗ lực của Ukraine hình thành chính phủ mới”. Và một tựa của bài xã luận: “Ukraine’s uncertain future” (Tương lai bất định của Ukraine). Chính vì chuyện tranh chấp nội bộ giữa những người “quốc gia” mà cuộc Cách mạng Da cam tiêu tan, phía “quốc gia” chia năm sẻ bảy khiến cho đảng của Yanukovich chiến thắng trong bầu cử năm 2010 và bà thủ tướng Yulia Tymoshenko bị ông ta cho ngồi tù!
Tâm tư của chúng ta hầu như hoàn toàn thay đổi khi chuyển hướng nhìn đến Bangkok. Thái Lan được xem như là một nước Đông Nam Á có nền dân chủ lâu đời nhất, và cũng bị thử thách nhiều nhất. Và ta khó thể có kết luận nào khác hơn khi nhìn đến tình hình chính trị của nước này trong mười năm qua: dân chủ của họ đang bế tắc, nếu không nói là đã hỏng. Nói đến dân chủ, chúng ta nghĩ đến một chính phủ của dân do dân vì dân. Người dân Bangkok luôn luôn sẵn sàng xuống đường, và cũng đã thường trực xuống đường.
Nhưng xuống đường triền miên như thế, họ vẫn chưa có được một chính phủ của dân , do dân, vì dân. Một đàng có lẽ vì càng xuống đường, họ càng cho thấy vẫn chưa trưởng thành trong nhận thức xây dựng dân chủ, cho nên dễ bị lôi cuốn vào những trò chơi chính trị phiêu lưu, quỉ quái. Đàng khác là vì những định chế xây dựng dân chủ của Thái Lan không hữu hiệu.
Biểu tình là một hoạt động chính trị cần thiết để nhắc nhờ chính phủ về những ý muốn của ngưòi dân. Nhưng biểu tình chỉ nhằm bổ sung hoạt động của những định chế dân chủ. Có nghĩa là những định chế này phải hoạt động được, phải hữu hiệu. Thái Lan theo chế độ dân chủ đại nghị và quân chủ lập hiến – giống như Nhật hay Anh. Có nghĩa là đảng nào chiếm được đa số trong Quốc Hội thì cầm quyền, nắm luôn hành pháp. Trong chế độ quân chủ lập hiến này, nhà vua chỉ là một biểu tượng, chỉ làm vì. Và quân đội có một vai trò của một lực lượng quốc phòng thuần túy của chính quyền – không ngoài chính quyền. Thế nhưng từ hơn nửa thế kỷ qua, cả nhà vua và Quân đội đều là những định chế chính trị phi chính thức nhưng nhiều ảnh huởng – thậm chí nhiều khi có tính quyết định, lạm quyền và lộng quyền.
Đã có lúc, các nhà quan sát chính trị vẫn ca ngợi vai trò can thiệp và hòa giải đúng lúc của nhà vua Thái Lan mỗi khi đất nước có khủng hoảng chính trị. Chính nhà vua đã nhiều lúc kềm chế được phần nào sự hung hăng, lạm quyền của quân đội trong đảo chánh, viết lại hiến pháp và nắm quyền lãnh đạo chính quyền. Thế nhưng càng ngày vua Thái Lan càng thỏa hiệp và câu kết với phía quân đội để bảo vệ quyền lợi của hoàng gia. Khi cựu Thù tướng Thaksin Shinawatra, nay phải lưu vong từ 5 năm qua, có ý đặt vấn đề về định chế quân chủ này, nhà vua đã để mặc cho quân đội liên kết với đảng phái cánh hữu bảo thủ ở thành thị tiêu diệt ông cùng bức bách đảng của ông – vốn dựa trên sự ủng hộ của quần chúng nông thôn. Nay đảng Pheu Thai xuất xứ từ đàng quyền lực Nhân dân của ông Thaksin đang nắm quyền và thủ tướng chính là bà Yingluck Shinawatra, em của ông. Đảng Dân Chủ đối lập không thắng được đảng Pheu Thai trong Quốc Hội cho nên họ muốn lật đổ bà Yingluck bằng chiến tranh đường phố. Nhưng nếu người dân thành thị áo vàng được huy động xuống đường đêm ngày, thì ngưòi dân nông thôn áo đỏ cũng sẵn sàng lên thủ đô Bangkok ứng chiến. Nhà vua và quân đội đang giả bộ đứng ngoài! Sau ba tháng khùng hoảng triền miên, giống như năm 2010, Thái Lan nay đang đứng trước nguy cơ chiến tranh giai cấp vì những điều kiện ắt có và đủ của dân chủ ở Thái Lan đều đang“at risk”: sự trưởng thành dân chủ của người và những định chế dân chủ hữu hiệu.
Chiến tranh giai cấp nay cũng đang đe dọa một nước Nam Mỹ là Venezuela. Thông thường nguy cơ nội chiến của một nước xuất phát từ những xung đột giữa giàu nghèo, thành thị nông thôn, địa phương, chủng tộc, tôn giáo… Nhưng dễ bùng nổ nhất chính là đấu tranh giai cấp giữa người có (the haves) và người không (the have-nots). Một trong những thử thách cho lãnh đạo một đất nước do đó chính là làm cho đất nước đi lên nhưng không bị phân hóa về giai cấp và khoảng cách lợi tức (đó chính là thử thách nước Mỹ đang đối diện hiện nay).
Cố Tổng thống Hugo Chavez và người kế nhiệm Nicolas Maduro đều có chính sách chơi với lửa từ 5-6 năm qua: sử dụng bửa bãi ngân khố để mua chuộc giai cấp nông dân, nhưng kỳ thị, rẻ rúng và áp bức những thành phần kinh tế và xã hội đã đóng góp tích cực cho ngân sách đó lớn mạnh. Đường lối “chủ nghĩa tư bản dân tộc” (giống như “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”) lai căng này làm cho kinh tế ngày càng đi xuống mà sức mạnh dầu hỏa không vực dậy được. Đồng thời, xu hướng độc tài, đàn áp đối lập từ thời Chavez (chết vì ung thư vào năm 2013) càng làm cho dân thành thị thuộc mọi giới (sinh viên, trí thức, doanh gia, chính khách, công nhân…) đoàn kết lai thành một mặt trận chống chính quyển.
Hôm thứ ba, Maduro keu gọi đối thoại, nhưng chỉ mở hội nghị cho các thống đốc, các thị trưởng, các nhà dân cử… để yêu cầu họ ký vào một cam kết không dùng đến bạo lực. Ông đã làm một việc quá muộn màng. Chẳng đối lập nào chịu có mặt. Ở các tỉnh lớn, người xuống đường đang sẵn sàng chơi với bạo lực. Học sinh, sinh viên đều đang thấy một cơ hội cho Venezuela đi tìm một hướng đi mới. Đời sống khó khăn, hàng hóa đắt đỏ, khan hiếm, tự do ngôn luận bị cấm cản… Đã có quá đủ những lý do cho ngưòi dân nổi dậy, dựng rào cản khắp nơi.
Những chuyện này xảy ra ở ba nơi khác nhau, nhưng đều phát đi những tín hiệu cho thấy trong đời này, người dân không dễ gì ngồi yên khi lợi ích sống còn của mình, của đất nước bị lạm dụng. Và những người cầm quyền không thực là của dân do dân vì dân chỉ có một con đường cùng để đi tới.
Hoàng Ngọc Nguyên, Viet Tribune