Điểm Báo Pháp – 24-3-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 24-3-2015

Singapore hạ cờ để quốc tang cố Thủ tướng Lý Quang Diệu qua đời ngày 21/03/2015.- REUTERS/ Lee Hsien Loong Facebook

Theo RFI – Lê Vy – 24-03-2015

Những thách thức mới đang chờ Singapore

Về thời sự Châu Á, các nhật báo hôm nay 24/03/2015, đều điểm lại cuộc đời và sự nghiệp của ông Lý Quang Diệu, quá trình ông đã đưa đảo quốc Singapore từ một kho chứa hàng hoang tàn của Anh Quốc vươn lên thành một trung tâm tài chính thịnh vượng. Tuy nhiên, thông tín viên Bruno Philip từ Bangkok có bài viết nhận định khá sâu sắc về tương lai đất nước Singapore đề tựa: «Một kỷ nguyên mới không chắc chắn».

Một kỷ nguyên mới không chắc chắn

Le Monde nhận thấy, tuy ông Lý Quang Diệu đã rút lui khỏi chính trường nhưng tầm ảnh hưởng của ông vẫn còn khá lớn tại đảo quốc. Chỉ cần nhìn số hoa và thiệp cầu nguyện cho ông trước bệnh viện là đủ thấy người dân yêu mến ông đến mức nào. Sau khi ông qua đời, câu hỏi đặt ra là liệu Singapore có tiếp tục duy trì mô hình mà vị cha đẻ đã vạch ra.

Thông tín viên nhận định, Singapore vẫn sẽ tiếp tục là một nền «dân chủ» độc đoán, quyền tự do ngôn luận luôn bị bóp nghẹt và truyền thống cha đẻ dân tộc theo thuyết Khổng giáo vẫn được duy trì. Hai người Đức đã bị kết án 9 tháng tù và ăn 3 cây roi mây chỉ vì tội vẽ hình graffitis trong tàu điện ngầm. Ngoài ra, Singapore hiện phải đối mặt với làn sóng nhập cư nước ngoài đến đảo quốc trù phú làm ăn. Tình trạng này gây lo ngại cho dân bản địa và càng làm cho «mô hình» đất nước thêm bấp bênh, trong khi giá nhà thuê tăng cao và người lao động phải cạnh tranh với sức lao động nước ngoài.

Siết chặt luật nhập cư

Bên cạnh đó, nhật báo kinh tế Les Echos cũng quan tâm đến tương lai đảo quốc qua bài viết: «Những thách thức mới đang chờ Singapore». Tờ báo cho rằng, ông Lý Quang Diệu qua đời đã bỏ lại đảo quốc đang trong giai đoạn chuyển mình. Thành phố Singapore từ lâu vốn tiếp đón đông đảo người nhập cư. Tuy nhiên, từ hai năm nay, thời thế đã thay đổi. Đảo quốc đã quyết định siết chặt chính sách nhập cư.

Trong vòng 14 năm (2000-2014), số lượng người nhập cư đã tăng gấp đôi lên 2 triệu, nâng tổng số dân lên 5,5 triệu người. Làn sóng nhập cư ào ạt trên kéo thêm nhiều căng thẳng trong các lĩnh vực khác như giao thông, bất động sản, dịch vụ y tế hay giáo dục. Năm ngoái, Singapore đã ra các điều luật buộc các nhà tuyển dụng Singapore phải ưu tiên tìm kiếm nhân công bản xứ trước khi mở rộng ra cho người nhập cư.

Nền kinh tế được điều hành như một công ty

Trong một bài viết khác, Les Echos nhận định, từ khi lên lãnh đạo đất nước vào năm 1959, ông Lý Quang Diệu đã làm mọi giá để đưa đảo quốc hòa mình vào nền kinh tế thế giới. Ông nhận ra rằng, thành phố Singapore không thể có một bản sắc rõ rệt vì ba dân tộc cùng chung sống là người Hoa, Mã Lai và Ấn Độ không có cùng lịch sử hay mục đích chung.

Do đó, ông buộc phải hướng đất nước sử dụng tiếng Anh, nhắm vào phát triển giáo dục và làm mọi giá để chinh phục các nhà đầu tư ngoại quốc. Nhiều trường đại học phương Tây cũng đã mở trường tại Singapore, trong đó có hai trường đào tạo quản trị thương mại nổi tiếng của Châu Âu là Insead hay Essec. Trong một số bản xếp hạng thế giới, đại học quốc gia Singapore còn đứng trước cả đại học hàng đầu của Pháp.

Đặc biệt, để chống nạn tham nhũng, ông Lý đã dùng chính sách lương bổng khá hậu hĩnh cho công chức để tránh cho họ nhận hối lộ. Ông điều hành nền kinh tế theo phong cách của một công ty. Theo ông Lý Quang Diệu, để điều hành tốt một quốc gia Châu Á cần duy trì «các giá trị Á Châu», tức là một xã hội có trật tự, kỷ cương, dưới sự giám sát của vị cha dân tộc để đưa đất nước phát triển. Sau đó mới tới sự tự do. Đây là điểm đối lập của ông với các quốc gia phát triển muốn áp đặt các luật lệ của họ.

Tóm lại, theo Les Echos, các quốc gia phương Tây khá ngưỡng mộ những thành công mà đất nước Singapore đã gặp hái được chỉ trong ba thập niên dưới sự lãnh đạo của ông Lý Quang Diệu, song tờ báo tự hỏi, liệu phương Tây có nên học theo mô hình phát triển mà ông Lý đã vạch ra, trong khi người Singapore thì đang xét lại sự lựa chọn của vị cha dân tộc.

Trung Cộng đổ xô đầu tư vào các tập đoàn Châu Âu

Trên lĩnh vực kinh tế, nhật báo Le Figaro quan tâm đến việc TCc đổ xô đầu tư vào các công ty lớn của Châu Âu. Sau Clud Med, Formule 1, các nhà đầu tư Hoa lục vừa thâu tóm công ty lốp xe Ý Pirreli. Theo nhật báo, đồng euro hạ giá càng tạo điều kiện cho giới đầu tư TC thực hiện được cơn khát của mình với giá thành khá rẻ.

Trước tiên, theo Les Echos, nhu cầu chiến lược của TC là cần đa dạng hóa sản phẩm. Ngoài ra, người tiêu dùng TC lại rất chuộng hàng ngoại.  Họ đã tiêu gần một tỷ đô la ở Nhật chỉ trong vài ngày nghỉ vào kỳ Tết âm lịch để mua từ hàng điện tử high-tech đến cây cọ bồn cầu. Theo ông Philippe Le Core và Alain Sepulchre, trong cuốn sách của họ vừa xuất bản, «đầu những năm 2000, hầu như không có một nhà đầu tư TC nào tại Châu Âu».

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Deutsch Bank, được hai ông trích dẫn, lượng đầu tư TC đã vượt từ 6,1 tỷ euro vào năm 2010 lên 27 tỷ euro vào năm 2014. Con số trên đủ thấy là các công ty Châu Âu đang trở thành điểm ngắm lý tưởng của các nhà đầu tư TC. Theo một chuyên gia thuộc Hàn lâm khoa học tại Bắc Kinh, «mua lại công nghệ và kinh nghiệm của nước ngoài là cách nhanh nhất để đảm bảo tính cạnh tranh». Bởi vì, thời gian không còn nhiều đối với TC vì cường quốc kinh tế phải tạo thêm 10 triệu công việc hàng năm cho thanh niên mới tốt nghiệp để bảo đảm ổn định xã hội.

Google và những kế hoạch táo bạo

Chuyên mục Ý kiến & bình luận của nhật báo Les Echos giới thiệu với độc giả về tập đoàn tin học Google của Mỹ cùng với những kế hoạch táo bạo, đầy sáng tạo của tập đoàn đang ngự trị tại Silicon Valley này.

Google hứa hẹn trong tương lai sẽ làm chậm quá trình lão hóa, phát triển xe hơi tự động, chế tạo rô bốt và bất cứ nơi đâu trên địa cầu cũng có thể truy cập được internet… Thế thì, khi mới thành lập công ty, công việc chính của Google là gi? Đó chính là xử lý một loạt các dữ liệu điện tử và sau đó cho phép người sử dụng có được thông tin hay dịch vụ cần thiết thông qua các thuật toán, vốn thường bị các đối thủ cạnh tranh chỉ trích là hơi mập mờ và thiếu công bằng.

Google vận hành được là nhờ quảng cáo và tiền nâng các trang web lên đầu danh sách trong công cụ tìm kiếm. Để được Google ưu ái như vậy thì các khách hàng phải trả một khoảng phí cho tập đoàn. Từ khi được thành lập cho đến nay, tập đoàn trẻ được hai nhà tin học Mỹ sáng lập không ngừng đổi mới và sáng tạo thêm những tiện ích như album Picasa, hộp thư Gmail hay trang YouTube.

Để làm được bản đồ thế giới dưới dạng kỹ thuật số, Google đã tung ra chương trình mang tên Street View vào năm 2007 và không ngần ngại mua lại các công ty trẻ sáng tạo chuyên trong lĩnh vực trên. Sau đó, Google trang bị xe hơi có gắn máy quay 360° chạy khắp nơi trên thế giới để quay lại hình ảnh thực của từng con hẻm.

Tóm lại, theo Les Echos, Google sẽ không trở thành một nhà sản xuất xe hơi, một dây chuyền bệnh viện thế giới hay một nhãn hiệu rô bốt lớn có thể quản lý trẻ con. Tuy nhiên, như Google đã từng làm với hệ điều hành Android trên điện thoại, Google sẽ cài những thiết bị của mình trên những chiếc xe tự động hay một con chíp để theo dõi tình trạng sức khỏe của một người hoặc quản lý một trẻ nhỏ. Đây quả là điều phấn khởi cho chuyên ngành giải thuật toán.

Trang nhất báo Pháp

Trang nhất nhật báo Le Monde chạy tựa: «Nước Pháp đứng trước ba đảng phái lớn». Sau vòng đầu cuộc bầu cử cấp tỉnh, đảng cảnh hữu UMP, đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia bài ngoại và đảng Xã hội PS chia nhau kiểm soát bản đồ chính trị Pháp. Liên minh đảng UMP và UDI về đầu với 29% số phiếu, vị trí của Chủ tịch Đảng UMP, Nicolas Sarkozy càng được củng cố. Với 25% số phiếu, đảng FN đã đạt được kỷ lục tốt nhất trong lịch sử bầu cử địa phương và trở thành một trong những nhân tố quan trọng trong đời sống chính trị Pháp.

Le Monde dành nhiều trang bình luận về cuộc bầu cử lần này. Theo đó, «năm 2015 sẽ là một năm kinh khủng đối với cánh tả». Theo nhà phân tích chính trị Gérard Le Gall, thắng lợi của cánh hữu là không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, nhật báo Le Figaro đăng bài: «Đảng Xã hội PS lo ngại vòng hai đầy thiệt hại». Tuy nhiên, Tổng thống François Hollande vẫn muốn cố gắng huy động cánh tả trước lần bầu cử vòng hai vào ngày chủ nhật tới.

Nhật báo Công giáo La Croix tập trung nhiều vào hiện tượng mới nổi có tên là FN, Đảng Mặt trận Quốc gia bài ngoại. Tờ báo chạy tít: «FN gây rối cho bộ đôi tả-hữu». La Croix nhận thấy, đảng FN không chỉ đậu vào vòng hai mà còn có khả năng chiến thắng.