Công du Mỹ và nhân quyền: Bộ trưởng Quang «đặc biệt» hơn TBT Trọng
Theo RFA – 22/03/2015 – Phạm Chí Dũng
Một trong số những sự kiện gây nhiều chú ý mới đây là chuyến công du Hoa Kỳ của Bộ trưởng Công an CSVN Trần Đại Quang, trong bối cảnh hồ sơ nhân quyền lâu nay vẫn là vấn đề gai góc nhất trong quan hệ Mỹ-Việt. RFI Việt ngữ đã trao đổi với nhà bình luận Phạm Chí Dũng ở Saigon về vấn đề này.
RFI: Thân chào nhà bình luận Phạm Chí Dũng, rất cảm ơn anh đã nhận trả lời phỏng vấn. Thưa anh gần đây đã có một số hoạt động khá nhộn nhịp trong quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ, đặc biệt năm 2015 là dịp kỷ niệm 20 năm tái lập quan hệ, bên cạnh đó là những hy vọng về hiệp định TPP. Nhưng riêng chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang được dư luận rất chú ý?
Nhà bình luận Phạm Chí Dũng: Chuyến đi của ông Trần Đại Quang sang Hoa Kỳ rất đặc biệt, thậm chí đặc biệt hơn cả chuyến đi dự kiến của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam được thông tin vào cuối tháng 5/2015. Nếu chuyến đi của ông Trọng nghe nói là được vận động từ đầu năm 2014, và Ban Đối ngoại Trung ương cố gắng làm sao để cho Tổng thống Obama tiếp ông Nguyễn Phú Trọng tại Phòng bầu dục với nghi lễ cao nhất, thì chuyến đi của ông Quang lại khá đột ngột. Thông tin này chỉ mới xuất hiện sau chuyến đi của bà Rose Gottemoeller, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đến Việt Nam vào đầu tháng Ba. Tôi muốn nêu kỹ thế này : bà Rose đến Hà Nội làm việc vào đầu tháng Ba, khoảng ngày 3 tháng Ba năm 2015. Sau đó đến ngày 5, bà gặp ông Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách về an ninh chính trị. Không biết là cuộc gặp này đã diễn ra một cách thuận lợi như thế nào mà ngay sau đó hai ngày, ông Ted Osius, tân đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội đã thông báo ngay lập tức về một chuyến đi của tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, tới Hoa Kỳ trong một thời gian gần. Và ông còn nói thêm là sẽ làm việc với nhiều quan chức, nhiều cơ quan về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề nhân quyền. Đặc biệt là tin tức mà ông Ted Osius đưa ra không phải tại một cuộc họp báo hay trong một cuộc họp ngoại giao chính thức, mà ngay tại giảng đường của Đại học Quồc gia Hà Nội, khi ông đến nói chuyện. Đó là một tin rất thú vị, cho thấy dường như là lần đầu tiên một viên tướng, một Bộ trưởng Công an Việt Nam, đại diện cho một ngành bị quốc tế chỉ trích, công kích, lên án khá nhiều vì những vi phạm về nhân quyền ; lại xuất hiện tại Hoa Kỳ. Và chỉ một tuần sau khi có thông tin do ông Ted Osius nêu ra, thì ông Quang đã có mặt ở Hoa Kỳ rồi. Có thể nói đó là một chuyến đi vừa đột ngột, vừa đặc biệt. Và quả đúng như lời ông Osius, ông Quang đã làm việc với một loạt các cơ quan, các quan chức của Hoa Kỳ. Từ Bộ Ngoại giao cho đến Bộ Tư pháp, Bộ An ninh Nội địa, Cơ quan Điều tra Liên bang FBI, kể cả Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ CIA, và cuối cùng không quên gặp những thượng nghị sĩ tiếng tăm của Hoa Kỳ, đặc biệt là ông John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.
RFI: Theo như anh phân tích ở trên, chuyến đi của ông Trần Đại Quang đúng là rất đáng quan tâm…
Điều đặc biệt thứ hai mà tôi muốn nêu, là chuyến xuất hành đầu tiên của các quan chức đảng cầm quyền Việt Nam lại bắt đầu bằng một Bộ trưởng Công an, trước cả chuyến đi Úc của ông Nguyễn Tấn Dũng. Còn vào năm 2013, chuyến xuất hành đầu tiên đến Vatican là của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đến tháng 7/2013 ông Trương Tấn Sang đi Mỹ gặp Tổng thống Obama. Sau đó mới là những chuyến đi con thoi của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến New York, Hoa Kỳ. Năm nay rất đặc biệt là ông Quang xuất hiện ! Và điều đó làm dấy lên khá nhiều dư luận về mục đích của chuyến đi này. Theo tôi, mục đích chuyến đi trước hết vẫn là mối quan hệ đi dây giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và Trung Quốc. Và những gì mà ông Quang đề cập với thượng nghị sĩ John McCain, về vấn đề Hoa Kỳ nên linh động dành cho Việt Nam quy chế thị trường đầy đủ, hay là thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và một loạt vấn đề khác, có thể cho thấy ông Quang đã nhận lĩnh những chỉ đạo của Bộ Chính trị, đặc biệt là của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hay Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Nhưng thực ra những vấn đề đó cũng không khác gì những nội dung mà trong chuyến đi Hoa Kỳ vào tháng 7/2014 ông Phạm Quang Nghị, ủy viên Bộ Chính trị và là Bí thư Thành ủy Hà Nội đã phát biểu. Tất cả những vấn đề đó chỉ là chung nhất thôi. Vấn đề còn lại chúng ta cần tìm hiểu là những nội dung sâu sắc nhất trong chuyến đi của ông Quang có thể là những gì ? Và điều đó có liên quan mật thiết tới vấn đề nhân quyền mà phía Hoa Kỳ đã đặt ra như là một điều kiện tiên quyết, then chốt để có thể giải quyết hồ sơ TPP hay không ? Một vấn đề khác thuộc về chính trị nội bộ của Việt Nam : Liệu chuyến đi này có phải là một chuyến « diện kiến » như là ông Phạm Quang Nghị đã từng ra mắt giới chính khách ở Mỹ vào tháng 7/2014 hay không ? Vì hiện nay trên chính trường Việt Nam thì tướng Quang được coi là một trong những nhân vật có thể kế thừa tại Đại hội 12, diễn ra vào năm 2016 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người ta cũng bàn tới khả năng ông có thể đảm nhiệm một chức vụ cao hơn chức Bộ trưởng Bộ Công an. Chẳng hạn như vai trò Chủ tịch nước, thậm chí còn có thể cao hơn nữa. Mà cao hơn Chủ tịch nước thì chúng ta biết là chức vụ nào rồi, tức là có thể thay thế vị trí của ông Nguyễn Phú Trọng hiện nay. Nếu dư luận đó là đúng, thì chuyến đi của ông Quang còn hàm chứa một mục đích khác ngoài việc đi tiền trạm cho ông Nguyễn Phú Trọng và dọn đường cho một ngã rẽ về phương Tây. Rằng mục đích đó có lẽ liên quan tới động cơ cá nhân của ông Quang. Tại vì bất kỳ một chính khách nào ở Việt Nam hiện nay cũng đều hiểu rằng tên tuổi, vị thế của họ trong tương lai, phần lớn sẽ được xác định không chỉ bởi Ban chấp hành Trung ương hay Bộ Chính trị, mà còn bởi thế đứng của họ trên trường quốc tế. Hay nói cách khác, là được sự chấp nhận của cộng đồng các nước G7. Vì vậy tôi nghĩ rằng chuyến đi của tướng Quang có hàm ý về cả cái chung lẫn cái riêng. Và nếu như điều đó là đúng, thì trong thời gian tới, cụ thể trong năm nay chúng ta sẽ nhận ra một số vấn đề liên quan đến những động thái dịch chuyển nội bộ ở Hà Nội. Một điều không kém quan trọng là vấn đề nhân quyền cũng vì thế có thể được xem xét theo quan điểm cởi nới hơn. Chúng ta vừa mới thấy một ví dụ khá sống động, khi một giám đốc Công an Hà Nội là Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung lần đầu tiên đã đứng ra nói về những đối tượng dư luận viên đã phá buổi lễ tưởng niệm Gạc Ma 1988 tại Hà Nội ngày 14 tháng Ba vừa qua. Tướng Chung đã gần như phủ nhận vai trò của nhóm dư luận viên này, khi nói rằng không phải do Công an hay Ban Tuyên giáo tổ chức, và còn nói có thể sẽ xác minh để xử lý đối với nhóm dư luận viên ấy.
RFI: Báo chí nhà nước lại còn gọi những người biểu tình chống Trung Quốc trong dịp tưởng niệm Gạc Ma là «người yêu nước»…
Đó là hiện tượng đặc biệt của báo chí «lề phải» – báo chí nhà nước Việt Nam. Vì trước đây, những thông tin đưa ra từ Ban Tuyên giáo Trung ương và hệ thống Bộ Thông tin Truyền thông, Sở Thông tin các tỉnh thành, ít nhất cũng gọi những người đi biểu tình chống Trung Quốc như vậy là những người «gây rối trật tự». Hoặc cao hơn nữa là những «bè nhóm phản động», thậm chí quy cho họ cái tội «tuyên truyền chống Nhà nước» hoặc «lật đổ chế độ». Nhưng còn lần này tôi không cho là Ban Tuyên giáo Trung ương chủ xướng hoặc bật đèn xanh cho hàng loạt tờ báo Việt Nam lên tiếng gọi thẳng những người đi tưởng niệm Gạc Ma là những «người yêu nước». Trong khi đó từ năm 2011 tới giờ báo chí nhà nước hầu như im tiếng. Họ không hùa theo Ban Tuyên giáo Trung ương hay Bộ Thông tin Truyền thông đã là điều tốt rồi, nhưng họ không dám phản đối những chính sách, chủ trương hoặc những từ ngữ áp đặt từ Ban Tuyên giáo của Đảng. Nhưng lần này, hàng loạt tờ báo lớn từ VnExpress, Vietnamnet, Thanh Niên, Tuổi Trẻ… đều lên tiếng. Một số tờ báo dù sao vẫn còn tỏ ra thận trọng. Điều rõ ràng nhất là họ gọi những người đi biểu tình là «người yêu nước», và không đồng tình với số dư luận viên quá khích, kiêu binh kia. Còn có những tờ báo can đảm hơn, chẳng hạn tờ Giáo dục Việt Nam, coi hành động của số dư luận viên quá khích như vậy là «không thể chấp nhận được». Và còn đòi hỏi Công an thành phố Hà Nội phải điều tra xác minh cho rõ, để đưa những người này ra tòa án dư luận, nhằm làm rõ việc họ đã phản lại tinh thần dân tộc, bảo vệ chính nghĩa của người dân Việt Nam. Đó là hiện tượng mà theo tôi lần đầu tiên từ trước đến nay, báo chí quốc doanh và truyền thông xã hội đã có một sự hòa nhịp trong bài ca mang tinh thần dân tộc. Tôi cho rằng điều đó cũng xuất phát từ những điều bất hợp lý, bất cập mà trước Tết nguyên đán năm 2015 chúng ta đã chứng kiến: vụ báo Người Cao Tuổi, một trong số ít những tờ báo được coi là chống tham nhũng mạnh mẽ nhất Việt Nam bị khởi tố, và Kim Quốc Hoa (Tổng biên tập) cũng bị khởi tố theo. Tôi cho là báo chí nhà nước, tinh thần họ luôn luôn có, nhưng họ ở vào một tâm thế không thể mở miệng được. Đến lúc này, cảm thấy mọi việc đã đi quá xa, nhân chuyện ông Trần Đại Quang đi Mỹ, và nhân chuyện ông Nguyễn Đức Chung buộc phải thanh minh về việc Công an Hà Nội không đứng sau nhóm dư luận viên quá khích, báo chí Việt Nam đã đồng loạt lên tiếng. Hiện tượng đặc biệt này là sự giao thoa giữa truyền thông xã hội và báo chí quốc doanh.
RFI: Theo anh, chuyến công du của Bộ trưởng Công an Việt Nam sẽ có những tác động về mặt nhân quyền, và có lẽ cụ thể là trong dịp Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ sắp tới?
Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ được thông tin là vào tháng 5/2015, cũng trùng với thời điểm dự kiến ông Nguyễn Phú Trọng sẽ sang Hoa Kỳ làm việc. Đó là một cái mốc theo tôi là rất quan trọng. Còn liên quan đến hiệu quả giải quyết những vấn đề nhân quyền tồn đọng ở Việt Nam, thường xuyên bị vi phạm ở Việt Nam, có lẽ chúng ta cần nhìn lại lịch sử. Biểu hiện gần nhất là năm 2014 : tôi muốn nhắc lại chuyến đi của bà Wendy Sherman. Có một điểm trùng hợp giữa năm 2014 và 2015 là hai nữ Thứ trưởng Hoa Kỳ đều đến Hà Nội vào tháng Ba. Thậm chí là vào cùng ngày luôn, tức là ngày 3 và ngày 4, năm 2014 và năm 2015. Chuyến đi của bà Wendy Sherman, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đến Hà Nội đã giải quyết một vấn đề là sau đó ông Nguyễn Hữu Cầu, cựu đại úy quân lực Việt Nam Cộng Hòa, được coi là «người tù xuyên thế kỷ» khi đã ở nhà tù cộng sản tới 38 năm, được thả vô điều kiện. Và mở đầu cho một chiến dịch thả tới 14 tù nhân lương tâm trong năm 2014 ở Việt Nam. Sau đó chúng ta biết là kể cả những nhân vật nổi tiếng như Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Tiến Trung, Vi Đức Hồi và cuối cùng là Điếu Cày Nguyễn Văn Hải cũng đã ra tù. Tôi cũng cho rằng nếu mà lịch sử lặp lại, thì cũng có hy vọng sau chuyến đi của bà Rose Gottemoeller, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đến Việt Nam vào tháng 3/2015, và đặc biệt là làm việc với Bộ Công an về nhân quyền ; tiếp theo đó là chuyến làm việc của tướng Trần Đại Quang ở Hoa Kỳ, có thể dẫn tới một chính sách thả người rộng rãi, cởi mở, hoạt náo hơn của chính phủ Việt Nam trong năm 2015. Tôi cũng có cảm giác – một chút thôi – rằng độ mở ở Việt Nam dường như đang có nét lặp lại những biến động chính trị và thả tù nhân chính trị ở Miến Điện vào khoảng giữa năm cho đến cuối năm 2011. Tôi chỉ dám so sánh tình hình ở Việt Nam với nửa cuối năm 2011 ở Miến Điện mà thôi, vì thời gian đó Tổng thống Thein Sein vừa chấp chính. Cuối năm 2010 ông đã phóng thích nữ lãnh tụ của đảng đối lập là bà Aung San Suu Kyi, để đến giữa năm 2011 thì Miến Điện bắt đầu thả tù nhân chính trị. Họ thả một lúc tới vài ba chục người chứ không phải là ít. Cho đến năm 2012 thì họ thả đại trà hơn, và làn sóng thả người của Miến Điện chấm dứt vào cuối năm 2013. Có nghĩa là thả toàn bộ các tù nhân chính trị ở Miến Điện! Tôi cũng thấy rằng ở Việt Nam đang chấp chới, nhập nhoạng một nét nào đó của Miến Điện. Tất nhiên không thể trùng hợp hoàn toàn với Miến Điện, nhưng chúng ta có thể hy vọng rằng trong tình thế khó xử như hiện nay – khó xử về kinh tế, xã hội, chính trị và đặc biệt là mối quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ, thì Hà Nội bắt buộc phải chấp nhận cởi mở hơn. Phải duy trì một độ mở nhất định nào đó, không chỉ là độ mở đối ngoại mà còn là độ mở về nhân quyền. Trong độ mở nhân quyền thì họ phải tính tới những danh sách mà phía Mỹ đã yêu cầu ròng rã trong nhiều năm qua. Danh sách mà Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và hơn 220 đề nghị của các nước trong Hội đồng Nhân quyền đã yêu cầu Việt Nam, đặc biệt là việc thả tù nhân lương tâm, trong đó có các blogger và giới nhà báo. Thành thử tôi hy vọng là năm 2015 Nhà nước Việt Nam phải thả và có thể thả tù nhân lương tâm nhiều hơn so với năm 2014. Không những thế, họ còn có thể làm những động tác trả lại quyền tự do đi lại, tự do tôn giáo, kể cả quyền tự do báo chí đối với mọi người dân trong nước, đặc biệt là với các nhà báo.
RFI: Nếu đã có những nhượng bộ về nhân quyền theo như như nhận định của anh, có lẽ đổi lại thì việc gia nhập TPP của Việt Nam sẽ được thuận lợi hơn?
Về xu thế thì TPP chắc chắn sẽ phải thuận lợi hơn. Có đến 95% hy vọng hoặc hơn thế nữa, là TPP có thể được ký kết ngay trong năm nay, 2015. Và nếu xét theo hệ quy chiếu của tân đại sứ Mỹ Ted Osius, thì trong tháng Ba này, tức thời điểm chúng ta đang bàn luận, có thể chứng kiến một sự kiện nào đó liên quan đến TPP. Theo thông tin mới nhất mà tôi nhận được, cuộc đàm phán về TPP cấp bộ trưởng ở Hawai, Hoa Kỳ từ ngày 9 tới ngày 15 tháng Ba dường như chưa kết thúc, chưa giải quyết được những vấn đề then chốt. Những vấn đề then chốt đó là gì thì người ta chưa công bố. Nhưng chúng ta có thể hiểu, một trong những điều kiện tiên quyết mà phía Mỹ đưa ra ròng rã suốt mấy năm vừa rồi. Đó là muốn vào TPP thì Việt Nam phải chấp nhận mô hình công đoàn độc lập và đưa mô hình này vào thực tiễn chứ không phải chỉ trên lý thuyết. Thứ hai là rào cản kỹ thuật. Hiện nay một số nước trong TPP cũng đang bàn v ấn đề gỡ bỏ những rào cản kỹ thuật, chẳng hạn xuất xứ hàng hóa, nhãn mác, nguồn gốc nhiên liệu, nguyên vật liệu, nguyên tắc « từ sợi trở đi » đối với hàng dệt may của Việt Nam. Một vấn đề khác cũng rất quan trọng, nếu thiếu thì Việt Nam cũng không thể vào TPP, đó là quyền đàm phán nhanh mà chính phủ Hoa Kỳ đang yêu cầu Quốc hội trao cho. Nếu những vấn đề chính của TPP được giải quyết trong tháng Ba hoặc tháng Tư năm 2015, thì có hy vọng vào cuối năm nay chính phủ Hoa Kỳ sẽ đệ trình một sắc lệnh đề nghị Quốc hội trao cho quyền đàm phán nhanh. Nếu mọi chuyện thuận lợi thì có hy vọng là trùng với thời điểm Tổng thống Obama dự kiến sang Việt Nam vào tháng 11/2015, vấn đề TPP sẽ được giải quyết xong. Có nghĩa là được ký chính thức, và Việt Nam lúc đó sẽ trở lại như thời kỳ năm 2007, khi được vào Tổ chức Thương mại Thế giới.
RFI: Nếu đúng như dự báo, tháng 5 tới ông Nguyễn Phú Trọng sẽ là Tổng bí thư đầu tiên sang thăm nước Mỹ, và đến tháng 11 Tổng thống Mỹ Obama sẽ sang thăm Việt Nam, không chừng quan hệ Mỹ-Việt sẽ có những bước chuyển mới, hay đây vẫn chỉ là hình thức?
Không dám chắc là quan hệ Việt-Mỹ sẽ bước hẳn sang một chương mới như thời điểm năm 1995, khi bắt đầu bình thường hóa. Vì có một điểm đặc thù là cả Tổng thống Obama lẫn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đều đã gần hoàn thành nhiệm kỳ cuối của mình. Chỉ còn ít tháng nữa thôi, là cả hai người đứng đầu hai nước sẽ kết thúc nhiệm kỳ. Mà như vậy khó thể nói rằng ê-kíp tiếp theo, những người kế thừa ông Trọng và ông Obama sẽ duy trì một đường lối, hoặc ít nhất là hình ảnh giống như những người tiền nhiệm của họ muốn tạo ra. Nhưng ít nhất trong năm 2015 này về mặt quan hệ ngoại giao họ đang cố gắng làm cho hình ảnh kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ trở nên xán lạn và rõ ràng hơn. Bản thân tôi nghĩ rằng mọi chuyện nếu diễn ra cách đây khoảng sáu, bảy năm, thì tôi sẽ cho đó là chuyện thuần túy hình thức, và Việt Nam vẫn giữ quan điểm bảo thủ của mình tuy vẫn duy trì những động thái bắt tay với Mỹ, với Liên minh Châu Âu. Nhưng có một điểm khác biệt đối với cách đây sáu, bảy năm. Như chúng ta đã phân tích, đó là vấn đề kinh tế chính trị xã hội nội bộ và kinh tế đối ngoại của Việt Nam hiện nay đã khác rất nhiều trên trường quốc tế. Hiện nay trong nước người ta đang bàn tới việc có nên bỏ cụm từ «định hướng xã hội chủ nghĩa», và «nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa» hay không. Đây là vấn đề rất lớn, đã đưa ra bàn thảo ở một số Đại hội lần trước. Dự thảo báo cáo Đại hội Đảng lần thứ 12 sắp tới cũng đưa vấn đề này ra. Theo chúng tôi được biết, nội dung này đã được đưa về một số các trường đại học, các cơ sở đào tạo, và thậm chí ngay tại một số ban cán sự đảng đã xuất hiện những ý kiến cho rằng, hóa ra mục tiêu «định hướng xã hội chủ nghĩa» là mục tiêu còn rất xa lạ, chưa thể áp dụng vào Việt Nam. Tốt nhất là tạm gác lại, hoặc là bỏ đi! Nếu bỏ đi thì cuối cùng chỉ còn lại «nền kinh tế thị trường» mà thôi. Và nếu chuyển đổi hoàn toàn từ «nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa» sang «nền kinh tế thị trường», thì không những Việt Nam sẽ có được quy chế thị trường đầy đủ – ít nhất là lý thuyết, mà còn chuyển sang một mô hình có vẻ hợp thời hơn. Đó là mô hình tư bản chủ nghĩa. Có nghĩa là không đốt cháy giai đoạn, không “bỏ qua tư bản chủ nghĩa để đi thẳng lên chủ nghĩa xã hội”, mà phải duy trì đất nước này, chế độ này trong một giai đoạn nhất định, là chủ nghĩa tư bản. Dư luận đang tranh luận về vấn đề này.
RFI: Trong bối cảnh chạy đua ráo riết cho Đại hội Đảng lần thứ 12 sắp tới, nội tình Việt Nam dường như cũng rất sôi động?
Nội bộ của Việt Nam hiện nay rất căng, đặc biệt từ sau sự xuất hiện của blog Chân Dung Quyền Lực vào cuối năm 2014, đầu 2015; dẫn đến sự kiện đình đám liên quan tới một người đã khuất là nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh. Năm 2015 sẽ là cuộc đấu gay go giữa các ứng cử viên chức vụ Tổng bí thư trong thời gian sắp tới. Tất cả những ứng cử viên đó dĩ nhiên đều muốn tôn tạo hình ảnh của họ trên trường quốc tế. Cũng giống như tình hình ở Ukraina thôi, không có một ứng cử viên nào thắng lợi nếu không có sự ủng hộ của phương Tây. Tôi cho là ở Việt Nam họ đang buộc phải nghĩ tới việc đó. Và không phải ngẫu nhiên mà ngay sau chuyến đi của ông Quang, kể cả chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Úc và New Zealand – mặc dù chỉ là vấn đề thương mại thôi, và cũng có lên tiếng một cách chung chung rằng cần phải kềm chế ở Biển Đông, là những vấn đề mà Thủ tướng đã nhắc đi nhắc lại một cách nhàm chán ở Việt Nam – còn có một chuyến đi khác mà có vẻ như dư luận không để ý. Đó là chuyến đi của ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tới Miến Điện. Để làm gì? Ông Nhân đến để gặp gỡ đảng Đoàn kết Liên bang Miến Điện, tức đảng cầm quyền, và lại vào thời điểm Trung Quốc đang đưa quân áp sát biên giới nước này, với cái cớ là máy bay Miến Điện thả bom làm chết từ 4 đến 6 người Trung Quốc. Nhưng việc ông Nguyễn Thiện Nhân, ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam xuất hiện tại Miến Điện vào một thời điểm được coi là nhạy cảm trong quan hệ Miến Điện và Trung Quốc như thế này, có thể được hiểu rằng Việt Nam dường như đang muốn bắt tay với Miến Điện để trở thành một đồng minh trong tương lai. Cũng như một số động thái để kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, mà Việt Nam đã bày tỏ một cách kín đáo với người Philippines. Đó là những động thái cho thấy năm 2015 sẽ là một năm đặc trưng cho hai xu thế. Một là xu thế đấu tranh phân hóa trong nội bộ và ly tâm chính trị nội bộ ở Việt Nam. Xu thế lớn thứ hai là xu thế đối ngoại và mở cửa, nói thẳng ra là mạnh ai người đó đối ngoại.
RFI: Chúng tôi xin chân thành cảm ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng ở Saigon đã vui lòng dành thì giờ trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ hôm nay.