Điểm Báo Pháp
Năm 2012, tài xế taxi tại Luân Đôn được bầu chọn là những tài xế dễ thương nhất. – Reuters.
Theo RFI – Mai Vân
Thói xấu của tài xế châu Âu
Vào lúc tình hình thời sự châu Âu nóng bỏng với các diễn biến dồn dập tại Ukraina, nhật báo Pháp Le Figaro đã giúp độc giả thư giãn với một cuộc điều tra về thói xấu khác nhau của người điều khiển xe tại châu Âu. Bài báo ghi nhận trong hàng tựa điều có thể gọi là mỗi người một vẻ : « Mỗi một nước Châu Âu có thói xấu riêng khi cầm lái ».
Le Figaro mở đầu bằng một lời phủ nhận. Theo một cuộc nghiên cứu của cơ quan thăm dò dư luận Ipsos, những người chạy xe hơi của Liên Hiệp Châu Âu có thái độ « gương mẫu » trên đường đi. Đối với Le Figaro, điều này không đúng.
Đầu tiên, tác giả bài báo nhận xét : Ai lái xe ở nước ngoài đều bực tức, chê bai cách lái xe của người bản xứ. Châu Âu cũng không ra khỏi lệ này. Nghiên cứu của Ipsos, cho thấy những người lái xe ở Châu Âu đều tin chắc họ có thái độ gương mẫu, không chê trách vào đâu. Họ tự cho điểm, khiêm tốn thôi, 7,8/10, và chỉ trích gắt gao những người khác là vô trách nhiệm, hay gây chuyện, tạo ra nguy hiểm.
Nhưng thực tế, theo Le Figaro, cho thấy nhiều ngạc nhiên, ngay cả đối với người Thụy Điển, thường được đánh giá tốt nhất, có trách nhiệm… Bài báo lược qua những ‘thói hư tật xấu ở một số nước”. Tại Đức, người lái xe thường không giữ khoảng cách an toàn, xe cứ bám sát nhau, không hề sợ là khi có tai nạn lại chồng chất lên nhau. Tai hại nhất là 71%, khi được hỏi, lại cho biết là họ không sợ điều đó chút nào. Người Đức cũng thường lái xe hơn 3 tiếng đồng hồ mà không nghỉ ngơi, trong lúc quy định là phải nghỉ sau 2 tiếng.
Tại Bỉ thì nguy hiểm ở chỗ, tài xế vẫn lái xe sau khi uống rượu, dù uống mấy ly cũng vẫn lái, trong lúc người Thụy Điển, chỉ uống một ly thôi là dứt khoát không cầm lái. Người điều khiển xe ở Pháp có thói hư gì nổi trội ? Hung hăng ! 88% cho là họ rất sợ bị người khác tấn công, nhưng ngược lại thì họ dễ nổi nóng, khi ấy không tiếc lời thóa mạ ai làm họ bực dọc. Người Ý thì tự nhận họ là những người lái xe tồi tệ nhất. Điều này được xác định là đúng : Không cài dây an toàn, chạy ẩu, và lại sẵn sàng xuống xe đến « giải thích » với những người khác làm họ bực tức.
Ngay cả những người lái xe gương mẫu được công nhận như Thụy Điển cũng có vấn đề. Bên cạnh việc không tôn trọng khoảng cách an toàn như người Đức, thì nguy hiểm nhất là dùng điện thoại di động : nói chuyện qua điện thoại khi lái xe là điều họ không thể bỏ đươc. 43% không chấp nhận bất kỳ một luật nào cấm họ sử dụng điện thoại khi lái xe.
Ukraina và vai trò của Nga
Nếu l’Humanité dành trang nhất cho bài phóng sự cho vùng bắc Trung Phi, cứ địa của phiến quân Séléka trước đây, thì phần lớn báo Pháp ngày hôm nay vẫn nhìn về Ukraina với lo ngại là đất nước này bị chia cắt như La Croix nêu trong hàng tựa : « Hai Ukraina trực diện ».
Báo giới Pháp có vẻ quy trách nhiệm cho Nga. Le Figaro cảnh báo : “Nga-Ukraina : sự leo thang nguy hiểm”, trong khi Le Monde nói thẳng thừng : “Ukraina, Matxơva gia tăng hù dọa”.
Le Monde nhắc lại một loạt sự kiện như vụ những người vũ trang tấn công vào nghị viện vùng Krưm, không quân Nga đặt trong tình trạng báo động ở vùng biên giới phía tây. Kiev lo ngại trước khả năng tấn công quân sự đã cảnh báo hạm đội Hắc Hải.
Không chỉ Kiev cảnh cáo mà Hoa Kỳ cũng lên tiếng : Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố : « một sự can thiệp của Nga sẽ là ‘một sai lầm nghiêm trọng’ ». Nhưng sự kiện được tờ báo cũng như các đồng nghiệp chú ý nhất là phe thân Nga ở Krưm đã bác bỏ sự ‘bảo trợ’ của Kiev. Cờ Nga đã được người vũ trang treo lên ở các cơ quan chính quyền. Krưm muốn tổ chức trưng cầu dân ý về quyền tự quyết.
Cho nên Libération ở trang trong cho là Matxcơva thúc đẩy Krưm chống lại Kiev. Tờ báo chỉ trích gay gắt : hoạt động của quân đội Nga ở vùng sát biên giới chứng tỏ là điện Kremly muốn làm tình hình nghiêm trọng thêm, và dựa vào vùng chống đối tân chính phủ. Tuy nhiên, dựa vào nhận xét của giới chuyên gia, Libération cho là hiện nay Matxcơva chưa có « chọn lựa chiến lược » dứt khoát trước các diễn biến ở Kiev. Điều rõ ràng duy nhất là điện Kremly chưa có ý định công nhận chính quyền mới ở Kiev.
Một điều nữa, theo tờ báo, là người dân ở Krưm sẽ chọn đi theo Nga, chọn các bảo đảm về an ninh và sự bảo vệ của người láng giềng to lớn này, hơn là tình hình bất ổn của một Ukraina trong thời quá độ.
Nguy cơ Ukraina mất vùng Krưm ?
La Croix cũng nêu bật lo ngại Ukraina bị xé đôi : đối với La Croix, hai Ukraina đang đối mặt như chưa bao giờ ! Tờ báo chạy hàng tựa trang sự kiện : « Chống ‘phát xít’ ở Kiev, Krưm nghiêng về phía Nga ». Người dân ở Simferopol mà phóng viên La Croix đã gặp khẳng định họ sẵn sàng đấu tranh bảo vệ cuộc sống của họ, và việc ra khỏi Ukraina là một chọn lựa được đặt trên bàn. Đối với họ những lãnh đạo ở Kiev là những kẻ ‘phát xít’.
La Croix nhìn ngược lại lịch sử : Thành phố vùng Krưm này do nữ hoàng Nga Catherine II thành lập hồi thế kỷ XVIII, được sát nhập vào Ukraina 1954. Người dân tại đây vẫn luôn nhìn về phía Nga. Nhiều người có hai quốc tịch, Nga và Ukraina. Thành phố Sébastopol cũng như các thành phố khác ở Krưm có lục lượng tự vệ riêng, thường khi đối nghịch với lực lương an ninh của Kiev. Krưm trên thực tế là một vùng tự trị.
Nhiều chuyên gia nhận định là việc sát nhập khu vực này vào Ukraina giữa thế kỷ trước giống như là một thùng thuốc súng có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
Thái Lan : Chia rẽ trầm trọng
Báo Le Figaro hôm nay chú ý đến một nơi khác cũng rơi vào cảnh chia rẽ trầm trọng, đó là Thái Lan. Tờ báo dành nguyên một bài dài ở trang quốc tế với dòng tựa bi quan : « Thái Lan đối diện với bóng ma ‘nội chiến’ ». Tờ báo xem chuyến đi miền Bắc Thái Lan của Thủ tướng Yingluck như một cuộc bỏ trốn, và nhận định : « Cuộc trốn chạy lên miền Bắc của Thủ tướng bị phản đối củng cố thêm mối đe dọa chia cắt ».
Tác giả bài báo nhận thấy nỗi lo sợ bị chia cắt đang ám ảnh Thái Lan khi đất nước này lún dần vào bế tắc chính trị. Bài báo nhắc lại là hôm qua, 27/02, thủ tướng Thái đã không đến Ủy ban chống Tham nhũng theo lời mời của Ủy Ban để giải thích về chương trình hỗ trợ nông dân, mà chỉ cử luật sư đại diện và ở lại cứ địa phía Bắc của bà. Bà Yingluck còn tố cáo cuộc điều tra thiên lệch, vội vã, chỉ kéo dài trong 21 ngày, chỉ có lợi cho những người muốn lật đổ chính quyền.
Tác giả bài báo nhắc lại là nếu Ủy ban xác định tội bất cẩn của bà Yingluck, chuyển hồ sơ lên Thượng viện, không những bà phải từ chức mà có nguy cơ bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm. Đây sẽ không phải là lần đầu tiên mà phe Thaksin bị lật đổ qua ngã tư pháp, lần gần đây nhất là vào năm 2008.
Nhưng nhìn cách ứng phó của bà Yingluck, Le Figaro cho là phe cánh Thaksin không dễ chịu thua, với thế mạnh là được bầu lên một cách chính đáng. Bà Yingluck rời ‘tâm bão’ chống đối ở Bangkok, đến xuôi dọc vùng Áo đỏ trung thành với Thaksin càng làm tăng lo ngại về một sự ‘phân đôi’ của Thái Lan.
Theo phân tích của giáo sư Pongsudirak, Đại học Chulalongkorn, được bài báo trích dẫn, lần này phe Thaksin sẽ không chấp nhận quyết định của các Ủy ban ở Bangkok, và đã chuyển các văn phòng về những cứ địa của họ, nơi cử tri ủng hộ họ. Việc chia rẽ trên bình diện chính trị đang trở thành sự chia cắt trên bình diện địa lý, hình thể, điều chưa từng thấy. Bế tắc cộng thêm với bạo động lên cao làm gia tăng sức ép để quân đội can thiệp.
Issan, cứ địa của phe ủng hộ Thaksin
Phóng viên Le Figaro cũng đi đến tận miền Bắc Thái Lan đến vùng Issan mà người dân rất trung thành với Thaksin. Bài báo nêu mối lo ngại chính của người dân tại đây khiến họ không muốn phe đối lập lật đổ chính quyền đó là họ sẽ mất quyền đi bầu.
Tuy nhiều người công nhận là từ khi bà Yingluck cầm quyền có rất nhiều tham nhũng, nhưng cái tốt không chỉ các chương trình trợ giúp mà quan trọng nhất là những người thấp cổ bé miệng có quyền được đi bầu, quyền chọn lựa lãnh đạo của họ như một nông dân Issan giải thích.
Chính Thaksin đã ban bố quyền phổ thông đầu phiếu, thực hiện cam kết ‘một người dân, một lá phiếu’. Phe đối lập Thái Lan tập hợp phần lớn trí thức, giới trung lưu thành thị, thì xem thường người nông thôn, cho là họ không biết gì để bỏ phiếu. Nông dân Issan lo ngại họ sẽ bị tước quyền công dân này, đưa Thái Lan trở lại chế độ 100 năm trước.