Tin Thế Giới – 22/3/2015
Nhà nước Hồi giáo kêu gọi giết quân nhân Mỹ – Điều tra lời đe dọa sát hại lính Mỹ của IS
Nhà nước Hồi giáo đăng tải trên mạng Internet những thông tin mà họ nói là danh tính, địa chỉ và hình ảnh của 100 quân nhân Mỹ và khuyến khích các ủng hộ viên ở Mỹ giết những người đó.
Một nhóm tự xưng là ‘Đơn vị Tin tặc Nhà nước Hồi giáo’ viết trên trang web của họ rằng những thông tin này “nhằm tạo sự dễ dàng bằng việc chỉ ra các địa chỉ. Tất cả những gì bạn cần phải làm là thực hiện bước cuối cùng. Các bạn chần chờ gì nữa?”
Ngũ Giác Đài cho biết họ đang điều tra và nói rằng họ luôn khuyến khích các quân nhân nam nữ áp dụng các biện pháp bảo vệ thích hợp.
Một giới chức nói với nhật báo New York Times rằng hình như không phải các phần tử chủ chiến đánh cắp các thông tin đó từ các trang web của chính phủ Mỹ, mà hầu như phần lớn đó là thông tin công cộng.
Một nguồn tin an ninh nói với BBC rằng những người có tên trong danh sách đã được liên lạc.
Nhóm tin tặc này cho biết những người có tên trong danh sách đã tham gia vào chiến dịch chống IS của Hoa Kỳ.
Một quan chức quốc phòng Mỹ nói với truyền thông với điều kiện ẩn danh: “Tôi không thể xác nhận những thông tin này là như thế nào nhưng chúng tôi đang xem xét.”
Một phát ngôn nhân của cơ quan thực thi pháp luật của Hải quân Mỹ nói với BBC rằng các quân nhân bị tiết lộ tên tuổi sẽ được yêu cầu kiểm tra các dấu vết của họ trên mạng và thay đổi cài đặt an toàn.
Kể từ tháng Chín năm ngoái Mỹ và các đồng minh đã thực hiện các cuộc không kích nhằm vào các chiến binh Nhà nước Hồi giáo vốn đã kiểm soát phần lớn lãnh thổ Syria và Iraq. – VOA, BBC
Giao tranh dữ dội gần biên giới Afghanistan
Quân đội Pakistan cho biết ít nhất 80 phần tử chủ chiến Hồi giáo đã bị hạ sát và 7 binh sĩ Pakistan đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh dữ dội tại vùng biên giới núi non giáp với Afghanistan.
Các cuộc giao tranh đã diễn ra tại Thung lũng Tirah xa xôi ở quận Khyber của người bộ tộc nhiều biến động ở miền tây bắc Pakistan.
Người phát ngôn quân đội, Trung tướng Asim Bajwa nói rằng “những bước tiến vững chắc” đã đạt được trong cuộc hành quân chống khủng bố có mật mã là Khyber-II. Ông nói mục tiêu của cuộc hành quân là dẹp sạch tại các khu vực gần biên giới giữa Pakistan và Afghanistan.
Trung tướng Bajwa viết trên Twitter: “Tại Khyber, các phần tử nổi dậy bị đẩy lui khỏi cứ địa đang rút chạy về biên giới. Cho tới giờ, 80 phiến quân bị hạ sát, và khoảng 100 tên bị thương vào gia đoạn này.”
Giới hữu trách nói rằng các phần tử chủ chiến này thuộc phe Taliban bị đặt ngoài vòng pháp luật, một đồng minh của các nhóm cực đoan thường nổi dậy chống lại nhà nước. Chiến đấu cơ của quân đội Pakistan trong hai ngày qua cũng thực hiện các vụ oanh kích nhắm vào các vị trí tình nghi của các phần tử chủ chiến.
Một người phát ngôn của các phần tử chủ chiến nói con số binh sĩ thiệt mạng cao hơn nhiều. Tin tức về các cuộc giao tranh không được kiểm chứng độc lập vì phóng viên và các nhóm cứu trợ không vào khu vực. – VOA
Bầu cử Pháp: Phe cực hữu tạo dựng cơ sở
Cử tri Pháp hôm Chủ nhật đi bỏ phiếu cho các cuộc bầu cử cấp địa phương.
Các cuộc bầu cử này được đa số dư luận xem như là cơ hội cho bà Marine Le Pen và Mặt trận Quốc gia cực hữu của bà, gọi tắt là FN, gây dựng cơ sở cho điều như được đồn đoán là nếu bà Le Pen ra tranh cử tổng thống vào năm 2017.
Các cuộc thăm dò công luận cho thấy đảng FN của bà Le Pen đang chạy đua sát nút với đảng Xã hội đương quyền của Tổng thống Francois Hollande và đảng UMP bảo thủ của cựu tổng thống Nicolas Sarkozy.
Đảng FN đã giành được sự ủng hộ từ các vấn đề đang trở thành các đề tài chính trị sôi nổi về di dân, sự tương tác của Hồi giáo trong xã hội Pháp và ước muốn của đảng này bỏ đồng Euro và trở về với đồng Franc của Pháp.
Tuy nhiên các nhà phân tích nói rằng đảng FN rốt cuộc chỉ thắng được một số cuộc bầu cử mà thôi.
Trong vòng bầu cử chung quyết sẽ diễn ra vào cuối tháng này, nhiều cử tri ủng hộ UMP và đảng Xã hội có thể sẽ quay sang ủng hộ cho bất cứ đảng nào không để cho FN lên nắm quyền. – VOA
Tin Hoa Kỳ – Mỹ, phương Tây quan ngại về khủng bố gia tăng ở Libya
Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha và Anh cho biết họ hoan nghênh cuộc đối thoại chính trị của Libya được nối lại ở Skhirat, Morocco, và bày tỏ “lo ngại sâu sắc về mối đe dọa ngày càng tăng của các nhóm khủng bố ở Libya.”
Một tuyên bố chung được Bộ Ngoại giao Mỹ phổ biến hôm thứ Bảy nói rằng 6 quốc gia vừa kể hối thúc một thỏa thuận nhanh chóng về một Chính phủ Đoàn kết Quốc gia và về việc thực thi một thỏa thuận ngừng bắn nhanh chóng.
Sáu nước này cũng kêu gọi các bên tham chiến đang gây nguy hiểm cho mạng sống của thường dân và đang phá hủy cơ sở hạ tầng quốc gia của Libya cần phải ngưng lại ngay, đồng thời kêu gọi các thủ lãnh chính trị tỏ rõ sự ủng hộ của họ đối với cuộc đối thoại.
Cuộc họp của nhiều đảng phái Libya được Liên hiệp Âu Châu chủ trì sẽ diễn ra tại Brussels ngày 23 và 24 tháng 3.
Tuyên bố chung “cực lực” chỉ trích cuộc tấn công ở Aziziyah ngày 19 và 20 tháng 3, các vụ không kích đang tiếp diễn ở các phi trường Zintan và Metiga, Tripoli, và những hành vi bạo động khác.
Tuyên bố của 6 nước mạnh mẽ ủng hộ các nỗ lực của ông Bernardino Leon, Ðặc sứ của Tổng thư ký Liên hiệp quốc. – VOA
Bà Michelle Obama: Nữ sinh phải được quyền đi học – Bà Michelle gặp tình nguyện viên Đoàn Hòa bình ở Campuchia
Đối với phụ nữ, biết đọc biết viết là những công cụ để tham gia vào đời sống chính trị, để được sống trong một xã hội bình đẳng hơn, công bằng hơn. Viếng thăm Cam Bốt, đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ bà Michelle Obama đã tuyên bố như trên và kêu gọi nữ sinh phải cố gắng đi học.
Hôm qua 21/03/2015, tại xứ chùa tháp, Michelle Obama lưu ý: trên thế giới hiện có tới 62 triệu bé gái không được cắp sách đến trường, và bà xem đó là một đó là điều tai hại. Nói chuyện với các tình nguyện viên của tổ chức từ thiện Peace Corp của Mỹ tại Siemp Reap, bà Obama giải thích: “Khi con gái cũng được đi học, khi chúng biết đọc, biết viết và biết suy nghĩ, đó là những công cụ giúp họ đòi được đối xử công bằng và bình đẳng… đó cũng là phương tiện để giúp phái nữ tham gia vào đời sống chính trị, không khoán trắng tương lai cho giới lãnh đạo chính trị”. Phu nhân của tổng thống Hoa Kỳ cùng với phu nhân của thủ tướng Hun Sen vào sáng hôm qua ghé thăm một trường học. Các nữ sinh ở đây đã có dịp trình bày với bà Obama về những khó khăn thường ngày của các em trong việc cắp sách đến trường. Một số phải đi học rất xa nhà, số khác thì bị áp lực để bỏ học, dành thời gian giúp đỡ công việc nhà.
Hãng tin AFP nhắc lại, chế độ Khemer Đỏ ở vào những thập niên 1970 đã hủy hoại mô hình giáo dục của Cam Bốt. Vào thời kỳ đó, gần hai triệu dân, tức khoảng 1/4 dân số xứ chùa tháp bị sát hại. Trong số các nạn nhân có rất nhiều trí thức và các thầy cô giáo. Tới nay, quốc gia Đông Nam Á này vẫn còn chưa khắc phục hết hậu quả của chính sách tai hại đó. Cam Bốt vẫn thiếu giáo viên một cách trầm trọng.
Theo các thống kê chính thức, 68% trẻ em Cam Bốt được ghi cắp sách đến trường ở cấp tiểu học, nhưng khi lên tới cấp 2, tỷ lệ đó chỉ còn là 17,7% và ở cấp 3 thì chỉ còn có 8,8%.
Chiều hôm qua 21/3 bà Michelle Obama đã viếng thăm khu đền cổ Angkor trước khi rời Cam Bốt vào sáng nay.
Hôm 21/3 bà diễn thuyết tại một khóa huấn luyện của Đoàn Hòa bình ở thành phố Siem Reap. Chuyến viếng thăm này là một phần của cuộc du hành đến hai nước để cổ xúy cho sáng kiến toàn cầu mới về giáo dục của phái nữ.
Bà Obama đã cám ơn các tình nguyện viên của Đoàn Hòa bình về những gì mà họ đang làm để giáo dục cho các bé gái và gia tăng quyền hạn của các em này ở Campuchia. Bà nói các tình nguyện viên là biểu tượng sống động của chương trình “Let Girls Learn” (Để các em gái được đi học) do bà khởi xướng.
Đây là lần đầu tiên người vợ của một tổng thống Mỹ tại chức đến thăm Campuchia.
Quốc gia Đông Nam Á này là một trong 11 nước mà chính quyền Obama chọn để thực hiện sáng kiến “Để các em gái được đi học” nhằm giúp cho 62 triệu bé gái trên thế giới được cắp sách tới trường.
Bà Obama tới Campuchia sau khi đến thăm Nhật Bản. Trong cuộc họp báo chung với Đệ nhất phu nhân Nhật Bản Akie Abe hôm thứ Năm, bà Obama cho biết Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ cùng nhau làm việc cho sáng kiến “Let Girls Learn.” – RFI, VOA
Nga dọa tấn công nếu Đan Mạch tham gia lá chắn chống tên lửa
Hải quân Đan Mạch nếu tham gia vào chiến lược “lá chắn” của Nato sẽ biến thành mục tiêu tấn công của tên lửa hạt nhân của Nga. Trên đây là tuyên bố của đại sứ Nga tại Đan Mạch. Lời lẽ hù dọa của Mikhail Vanin đã bị Copenhagen lên án là “hung hăng”, nhưng “không đáng quan tâm”.
Trong một bài báo đăng trong mục “Ý kiến” của nhật báo Đan Mạch Jyllands Posten, đại sứ Nga Mikhail Vanin đã nhận định như sau: Tôi không tin rằng Đan Mạch hiểu rõ những hậu quả xảy ra (cho nước này) nếu họ gia nhập hệ thống lá chắn chống tên lửa do Hoa Kỳ chủ xướng. Nếu việc này xảy đến, thì các chiến hạm của Đan Mạch sẽ biến thành mục tiêu của hỏa tiễn hạt nhân của Nga.
Trong kế hoạch phòng thủ chung của Liên Minh Nato chống tên lửa hạt nhân bằng một hệ thống ra-đa và tên lửa ngăn chận, Đan Mạch sẽ cung cấp nhiều tàu chiến trang bị ra-đa tối tân.
Hệ thống này dự trù sẽ hoàn chỉnh vào năm 2025, với việc bố trí hàng loạt ra-đa và tên lửa chống tên lửa tại vùng biển Địa Trung Hải, Ba Lan và Rumani.
Matxcơva xem đây là chiến lược của Nato bao vây nước Nga.
Đáp lại lời đe dọa của đại sứ Nga, Ngoại trưởng Đan Mạch Martin Liddergaard đánh giá những lời tuyên bố đó là “đao to búa lớn vừa không thể chấp nhận được, vừa vô ích, nhưng cũng không đáng quan tâm“. Theo Ngoại trưởng Đan Mạch, hệ thống phòng thủ này chỉ là “phương tiện báo động khi bị xâm hại không phận“.
Chủ tịch Ủy ban ngoại giao của quốc hội Đan Mạch, bà Mette Gjerskow cũng có cùng nhận định: Đây chỉ là một cách gây căng thẳng thêm trong quan hệ giữa Nga và NATO. Đan Mạch không sợ Nga.