Tin Thế Giới – 21/3/2015
Nhật Bản, Trung Cộng và Nam Triều Tiên tổ chức hội nghị cấp bộ trưởng
Các vị ngoại trưởng của Nam Triều Tiên, TC và Nhật Bản hôm nay 21/3 đã gặp nhau tại Seoul để bàn về việc giảm thiểu những mối căng thẳng khu vực phát sinh từ những vụ tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và lịch sử.
Ba nhà ngoại giao hàng đầu này đã gặp nhau sau một loạt các cuộc họp song phương để chuẩn bị cho cuộc đàm phán chính thức đầu tiên kể từ tháng 4 năm 2012.
Một thông cáo chung phổ biến sau cuộc họp cho biết 3 nước đồng ý tổ chức một cuộc hội nghị thượng đỉnh ba bên vào một thời điểm thuận tiện sớm nhất. Một hội nghị thượng đỉnh như vậy đã không diễn ra trong gần 3 năm nay.
Tuy có những mối liên hệ kinh tế rất chặt chẽ, bang giao giữa 3 nước này đã bị nguội lạnh vì những vụ tranh chấp chủ quyền đang tiếp diễn với TC, và sự thù địch bắt nguồn từ việc Nhật Bản đô hộ Triều Tiên và chiếm đóng nhiều phần đất của TC trước và trong thế chiến thứ hai.
Trước hội nghị hôm nay, Tổng thống Nam Triều Tiên Park Guen Hye đã tiếp kiến Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, Ngoại trưởng TC Vương Nghị và Ngoại trưởng Nam Triều Tiên Yun Buyng Se để thảo luận về những vấn đề mà 3 nước cùng quan tâm.
Theo dự liệu, cuộc họp ba bên này sẽ không mang lại tiến bộ cụ thể, nhưng có thể dẫn tới chỗ khôi phục các cuộc thảo luận hàng năm về vấn đề hợp tác. – Theo VOA
Chiến lược Đông Nam Á của Nhật sẽ được bổ sung bằng yếu tố Indonesia – Bắc Kinh cay cú trước hai đề nghị của Mỹ về Biển Đông
Nhân chuyến công du Nhật Bản bốn ngày, bắt đầu từ ngày mai 22/03/2015 của tân Tổng thống Indonesia, Tokyo sẽ ký với Jakarta một thỏa thuận hợp tác quốc phòng. Đây được xem là một bước tiến mới trong trong nỗ lực của Nhật Bản nhằm củng cố chặt chẽ hơn các quan hệ về quốc phòng và an ninh với khu vực Đông Nam Á, làm đối trọng với thế lực ngày càng tăng của TC.
Ngay sau khi lên cầm quyền, đương kim Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã cho thấy ngay là ông xem Đông Nam Á là một trọng điểm trong chính sách đối ngoại của ông, với chuyến công du ngoại quốc đầu tiên vào tháng Giêng 2013 dành cho ba nước có trọng lượng trong ASEAN là Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.
Từ đó đến nay, chính sách Đông Nam Á của Tokyo càng lúc càng được Nhật Bản cụ thể hóa, với thành tố an ninh, quốc phòng đặc biệt được quan tâm.
Trong lãnh vực này, vào lúc quan hệ với Bắc Kinh đã gặp khó khăn, với TC không ngần ngại gây sức ép trên Nhật Bản trong tranh chấp ngoài Biển Hoa Đông, Tokyo không ngần ngại giúp đỡ hai nước Đông Nam Á đang bị TC lấn lướt trên Biển Đông là Philippines và CSVN.
Có rất nhiều yếu tố phản ảnh rõ nét đà dấn thân sâu hơn của Nhật Bản vào Đông Nam Á về phương diện an ninh quốc phòng. Đó là quyết định cung cấp tàu tuần tra biển CSVN và Philippines, việc tổ chức các cuộc tập trận hải quân hỗn hợp đầu tiên với Philippines dự trù trong những tháng tới đây, và các tuyên bố của giới quân sự Nhật Bản, không loại trừ khả năng mở rộng vùng tuần tra từ Biển Hoa Đông sang Biển Đông.
Chính trong bối cảnh kể trên mà Thỏa thuận hợp tác quốc phòng Nhật Bản-Indonesia mang ý nghĩa một sự phát triển vì lẽ Indonesia là nước lớn nhất trong khối Đông Nam Á, một tác nhân nặng ký mà TC phải ít nhiều kiêng dè.
Theo các nguồn tin từ cả Tokyo lẫn Jakarta, thỏa thuận hợp tác quốc phòng Nhật Bản Indonesia bao hàm hai lãnh vực chính là huấn luyện quân sự và công nghệ quốc phòng. Đây là một bước nhẩy vọt vì lẽ cho đến nay, hai nước chỉ mới có một thảo thuận quốc phòng duy nhất liên quan đến trao đổi sinh viên quân sự.
Theo ông Armanatha Nasir, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia, thỏa thuận quốc phòng sắp được ký kết sẽ liên quan đến vấn đề xây dựng năng lực, hợp tác quốc phòng, và tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình. Một số quan chức cũng nói đến khả năng chia sẻ thông tin tình báo.
Đối với Nhật Bản, quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với Indonesia có thể cho phép các tập đoàn vũ khí Nhật Bản chen chân vào một thị trường rất có tiềm năng, cạnh tranh trực tiếp với Nam Hàn, và cả với TC, nước cho đến nay đã cung cấp tên lửa và một số thiết bị quân sự khác cho Indonesia.
Thỏa thuận hợp tác quốc phòng Nhật Bản-Indonesia cũng là một bước tiến trong chiến lược hạn chế bớt ảnh hưởng của Bắc Kinh, vì TC cho đến nay đã có một mối quan hệ quân sự khá phát triển với Indonesia.
Trong khi đó, báo chí TC vào hôm nay, 21/03/2015 đã cực lực đả kích hai đề nghị mới đây của phía Mỹ liên quan đến Biển Đông. Tân Hoa Xã đã gọi Mỹ là kẻ “xúi bậy”, 24 tiếng đồng hồ sau khi Bộ Ngoại giao TC lên tiếng bác bỏ.
Trong một bài xã luận bằng tiếng Anh, hãng tin chính thức của TC đã dùng từ “kibitzer” để chỉ Hoa Kỳ. Kibitzer là một danh từ tiếng Yiddish, tức là tiếng Do thái dùng ở Châu Âu trước đây, hàm nghĩa miệt thị để chỉ một người hoàn toàn ngoại cuộc – ở đây là vấn đề Biển Đông – nhưng lại hay cho những ý kiến không ai muốn. Kibitzer hiểu theo tiếng Việt là “kẻ xúi bậy”.
Bài viết của Tân Hoa Xã mỉa mai: “Từ lâu nay, chú Sam đã bị nghiện nhiều thứ, chẳng hạn như ra oai, dạy đời và vay nợ, nhưng nay đã có thêm tật mới là kibitzing (tức là xúi bậy)”.
Lời đả kích trên đây được đưa ra sau khi Phó Đô đốc Robert Thomas, Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ, đã kêu gọi các nước Đông Nam Á ASEAN, thành lập một lực lượng hải quân hỗn hợp để tiến hành những cuộc tuần tra chung trên Biển Đông đang bị TC đòi gần như toàn bộ chủ quyền.
Giọng điệu gay gắt của Bắc Kinh cũng nhắm vào lời kêu gọi của 4 nghị sĩ rất có thế lực tại Thượng viện Mỹ, muốn chính quyền Obama đề ra một chiến lược toàn diện để đối phó với các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo mà TC đang rốt ráo tiến hành tại vùng đang tranh chấp trên Biển Đông.
Bài xã luận của Tân Hoa Xã đã phụ họa thêm cho những tuyên bố bác bỏ các động thái trên đây từ phía Mỹ, được Bộ Ngoại giao TC đưa ra hôm qua, 20/03, tại Bắc Kinh.
Về đề nghị ASEAN tổ chức tuần tra chung trên Biển Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TC Hồng Lỗi đã cho rằng hồ sơ Biển Đông không liên quan gì đến Mỹ và Bắc Kinh hy vọng rằng Hoa Kỳ “sẽ nghiêm túc tôn trọng cam kết không đứng về bên nào trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ”.
Đối với phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TC, đề nghị của Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ “sẽ không giúp ích gì cho việc giải quyết hợp lý các tranh chấp hoặc đóng góp vào hòa bình và ổn định trên Biển Đông” và Mỹ không nên xen vào vấn đề này.
Về yêu cầu của các Thượng nghị sĩ Mỹ, muốn Washington có chiến lược chống lại các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo của TC trên Biển Đông, Hồng Lỗi đã nhắc lại nguyên văn tuyên bố của Ngoại trưởng Vương Nghị bên lề khóa họp Quốc hội TC, theo đó Bắc Kinh có toàn quyền muốn làm gì thì làm trong “sân, nhà” của mình. – Theo RFI
Tin Hoa Kỳ – Ngoại trưởng Mỹ: Vẫn còn khác biệt quan trọng trong đàm phán hạt nhân với Iran
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói rằng việc đạt được một thỏa thuận với Iran về chương trình hạt nhân của họ là “cực kỳ hệ trọng”, nhưng các nhà thương thuyết không phải muốn có bất kỳ thỏa thuận nào.
Tại cuộc họp báo ở Lausanne, Thụy Sĩ, ngày hôm nay, ông Kerry cho biết những khác biệt quan trọng vẫn tồn tại và những quyết định có tính chất cơ bản cần phải được thực hiện vào lúc này.
Ông Kerry phát biểu như vậy trước khi lên đường đến London để thảo luận với các đối tác trong nhóm P5+1. Cuộc đàm phán với Iran sẽ được thực hiện lại vào tuần sau.
Trước đó trong ngày hôm nay, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tỏ ý cho thấy có thể đạt được một thỏa thuận với các cường quốc thế giới về chương trình hạt nhân của Tehran. Trong lúc thừa nhận vẫn còn những sự khác biệt, ông Rouhani nói rằng “không có việc gì không thể giải quyết được.”
Theo hãng tin IRNA của Iran, ông Rouhani nói: “Những quan điểm chung đã xuất hiện trong một số lãnh vực mà trước đây có khác biệt về quan điểm.”
Vị tổng thống của Iran nói như vậy một ngày sau khi cuộc đàm phán giữa Iran và 6 cường quốc thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, tạm ngưng để phái đoàn Iran về nước sau cái chết của mẹ của ông Rouhani.
Trong bài diễn văn truyền hình mừng lễ Nowrus, Tết của người Ba Tư, Tổng thống Rouhani nói rằng các đại cường đã hiểu được rằng cách tốt nhất để giao tiếp với Iran là với “sự tôn trọng” thay vì “đe dọa và chế tài.”
Iran và nhóm P5+1 – gồm có Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ và Đức, đang đối mặt với thời hạn chót là ngày 31 tháng 3 để đạt được một hiệp định khung. – VOA