Điểm Báo Pháp – 20-3-2015
Cảng Colombo, Sri Lanka, nhìn ra Ấn Độ Dương. Ảnh chụp tháng 7/ 2013 – REUTERS/Dinuka Liyanawatte/ Files
Theo RFI – Trọng Thành – 20-03-2015
Những bước tái chinh phục Ấn Độ Dương của New Delhi
Le Monde có hồ sơ «Cuộc tái chinh phục Ấn Độ Dương của Ấn Độ , với nhận định: đối mặt với cuộc lấn sân về hàng hải và kinh tế của Tc, muốn làm Ấn Độ Dương trở thành một vùng biển Trung Hoa khác, New Delhi đáp trả bằng các hợp tác quân sự và gia tăng ảnh hưởng văn hóa tại khu vực các tiểu đảo quốc tại đại dương này. Tuy nhiên, theo Le Monde, «còn xa» Ấn Độ mới bắt kịp TC.
Le Monde chú ý đến chuyến công du tuần qua tới ba nước Sri Lanka, Seychelles và Maurice của Thủ tướng Ấn. Hiện tại trong khi TC đã sử dụng quần đảo Seychelles làm cảng tiếp liệu cho các tàu thuyền nước này tham gia cuộc chiến chống cướp biển tại vùng sừng Châu Phi và tàu ngầm của TC đã trú đóng tại Sri Lanka, Ấn Độ chọn con đường hợp tác kiểm soát hàng hải để gia tăng ảnh hưởng. Trong chiến dịch này, New Delhi cấp cho đảo Maurice chiếc tàu chiến đầu tiên của Ấn Độ bán ra nước ngoài, và khánh thành cụm tám radar kiểm soát hàng hải đầu tiên cho Seychelles. Một con đường hợp tác khác là trong lĩnh vực «kinh tế xanh», Ấn Độ chia sẻ với các nước láng giềng phía nam, cụ thể trong việc bảo vệ sinh vật dưới biển, nuôi trồng thủy sản hay du lịch… Tại Maurice, nơi gần 70% dân cư có nguồn gốc Ấn Độ, New Delhi vừa đặt viên đá đầu tiên cho việc xây dựng một cơ sở giảng dậy, phát triển tiếng Hindi. Nỗ lực của Ấn Độ cũng vấp phải một số kháng cự, đặc biệt tại Maldives, Thủ tướng Ấn Độ vừa phải hủy bỏ chuyến công du, để phản đối, sau vụ bắt giữ và kết án Tổng thống dân cử đầu tiên của quần đảo. Tái chinh phục Ấn Độ dương được coi là ưu tiên chính trị hàng đầu của Ấn Độ. Tuy nhiên, theo nhận xét của Le Monde, ngày mà New Delhi đuổi kịp sức mạnh hàng hải và tài chính của TC còn xa vời. Ấn Độ hiện nay mới chỉ ở những bước đi ngoại giao đầu tiên.
Nền dân chủ Tunisia bị tấn công và phản ứng yếu ớt của Châu Âu
Vụ khủng bố tại thủ đô Tunisia, cái nôi của phong trào Mùa xuân Ả Rập, nơi duy nhất nền dân chủ đứng chân được, khiến 19 người chết, trong đó có 17 khách du lịch nước ngoài, tiếp tục là trung tâm chú ý của nhiều tờ báo Pháp. «Tunisia: nền dân chủ bị tấn công» là tựa trang nhất của Le Monde. Tờ báo có bài xã luận «Đất nước khiến những kẻ thánh chiến phải sợ hãi». Libération dành nhiều hồ sơ cho chủ đề này, đặc biệt là phóng sự với tựa đề «Trước cú sốc, người Tunisia đoàn kết thành một khối» trên hình bức ảnh rất đông người dân thường mặc niệm với ngọn nến trên tay. Le Figaro thì đặc biệt quan tâm đến vụ khủng bố qua góc nhìn «Tunisia: Nước Pháp cố gắng huy động Châu Âu», tựa lớn trang nhất, cùng bài xã luận «Ẩn ý». Le Figaro nhận xét, vụ khủng bố tại Tunisia là một «cú đánh động để nhắc lại đối với Châu Âu, có các công dân chiếm đa số trong những người thiệt mạng, tuy nhiên lời hối thúc của nước Pháp về một phản ứng mang tính tập thể của Châu Âu, mang tính cứng rắn hơn và có phối hợp hơn đã không được hưởng ứng vào tối qua, tại cuộc họp thượng đỉnh Châu Âu», ngoài lời chia sẻ của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker với Thủ tướng Pháp qua kênh Europe 1, «Không có quân đội Pháp, Châu Âu sẽ không có nền quốc phòng», và «Tôi ủng hộ một sự tham gia tập thể (của Châu Âu) nhiều hơn trong nỗ lực này».
Tunisia: «Vụ khủng bố sẽ thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa»
Theo Le Figaro, đây là vụ khủng bố «đầu tiên» mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo đứng ra nhận trách nhiệm tại Tunisia. Nhưng vì sao lại là Tunisia? Bài xã luận của Le Monde «Đất nước khiến những kẻ thánh chiến phải sợ hãi» đưa ra một cách giải thích. Le Monde nhận định, bởi Tunisia chính là một mô hình mà phong trào thánh chiến muốn tiêu diệt, Tunisia chứng minh rằng «nền dân chủ hoàn toàn có thể sánh được với một quốc gia theo văn hóa Hồi giáo. (…) Tunisia cho thấy một đất nước theo đạo Hồi có thể tự trang bị cho mình một Hiến pháp hiện đại, cho phép phụ nữ bình đẳng với nam giới». Những kẻ cực đoan «toàn trị khát máu» không thể chấp nhận được «sự mẫu mực ấy» của Tunisia, một quốc gia không chấp nhận chọn một trong hai chế độ : hoặc nền độc tài quân sự, hoặc nền cai trị tàn bạo của chủ nghĩa Hồi giáo. Le Monde kêu gọi giúp đỡ Tunisia, du khách không hủy bỏ các kế hoạch du lịch dự kiến tới quốc gia này. Với một cách lý giải đầy nghịch lý, trả lời phỏng vấn Libération, nhà hoạt động xã hội Tunisia Alaa Talbi, giám đốc điều hành «Diễn đàn Tunisia vì các quyền kinh tế và xã hội» (FTDES) (một mạng lưới tranh đấu nhân quyền và quyền nghiệp đoàn), nhận định: «Vụ khủng bố này có thể thúc đẩy tiến trình quá độ dân chủ» (tựa của bài phỏng vấn). Nhà tranh đấu Tunisia dự đoán, trong những tuần tới, sẽ còn nhiều hoạt động tập thể để các công dân bày tỏ thái độ, không phải nỗi sợ hãi, mà là tình cảm phẫn nộ sẽ chiếm ưu thế. Người Tunisia hiểu rất rõ bài học Algeri, không khí nào đã dẫn đến nội chiến, và họ muốn làm điều ngược lại, «đấu tranh để tất cả đoàn kết lại». Giám đốc điều hành Diễn đàn Tunisia vì các quyền kinh tế và xã hội rất chú ý đến việc xã hội dân sự Tunisia rất cảnh giác và sẽ không chấp nhận các nguyên tắc của nền dân chủ, các quyền tự do công cộng, tự do ngôn luân, tự do báo chí, các quyền căn bản của con người khác, bị chà đạp với lý do chống khủng bố. Diễn đàn Tunisia vì các quyền kinh tế và xã hội FTDES cũng là tổ chức tham gia điều phối Diễn đàn Xã hội toàn cầu, một sự kiện quốc tế lớn, sẽ diễn ra tuần tới tại Tunis, với dự kiến hơn 70.000 người tham dự. Theo nhà hoạt động Tunisia Alaa Talbi, việc duy trì diễn đàn nói trên như là một câu trả lời rõ ràng đối với bạo lực mù quáng, bởi «chủ nghĩa cuồng tín tôn giáo muốn reo rắc không khí sợ hãi, muốn đe dọa nền dân chủ, tự do và sự khoan dung, ngược lại, phong trào vì một toàn cầu hóa khác tranh đấu cho một thế giới công bằng hơn, tự do hơn và sự cùng tồn tại hòa bình». Nhà tranh đấu Tunisia nhắc lại sự kiện nhà chính trị đối lập Chokri Belaid bị ám sát ngay trước Diễn đàn Xã hội toàn cầu năm 2013, cũng được tổ chức tại Tunis, để khẳng định rằng Tunisia sẽ không lùi bước trước những kẻ muốn tước đoạt «giấc mơ… về một cuộc quá độ sang dân chủ thành công».
Bầu cử Pháp: làn sóng cực hữu và «hiện tượng nhật thực ở giới trí thức»
Bên cạnh vụ khủng bố gây chấn động tại Tunisia, không khí chính trị trong nước hai ngày trước cuộc bầu cử địa phương quan trọng là mối quan tâm hàng đầu của các báo Pháp. Hai ngày trước cuộc bầu cử địa phương quan trọng, và ngay trước cuộc nhật thực, có thể quan sát được tại Pháp, nếu trời quang mưa tạnh, nhật báo Libération dùng hình ảnh hiện tượng nhật thực sắp tới đang thu hút chú ý, với vầng đĩa mặt trời mầu đen, xung quanh là vầng sáng rực rỡ, để chuyển tải một nỗi ám ảnh mang tựa đề «Mặt trận Quốc gia FN. Hiện tượng nhật thực của các trí thức». Tờ báo chất vấn năng lực của «các nhà tư tưởng Pháp» trong việc để tiếng nói của họ được công chúng lắng nghe, trong bối cảnh Thủ tướng Valls cáo buộc giới trí thức vắng mặt trong cuộc chiến chống phong trào cực hữu. Xã luận của Libération lên án thái độ đổ lỗi cho nhau giữa Thủ tướng Pháp và một bộ phận giới trí thức. Theo Libération, phải chỉ ra được gốc rễ của khủng hoảng, làm nền cho ảnh hưởng gia tăng của tư tưởng chính trị cực hữu trong xã hội Pháp. Khủng hoảng ấy không chỉ là vấn đề của riêng nước Pháp, các nước Châu Âu khác cũng phải đối mặt với chủ nghĩa dân tộc cực đoan dâng cao. Điều cơ bản nhất theo Libération là vấn đề «bản sắc». Cần phải trả lời được câu hỏi: tương lai của nước Pháp cộng hòa sẽ như thế nào trong Châu Âu và trong một thế giới toàn cầu hóa, nếu không muốn bị thúc thủ trước Mặt trận Quốc gia FN. Về cuộc bầu cử, Le Figaro có bài trang nhất «François Fillon (cựu Thủ tướng, một lãnh đạo đối lập) tố cáo ‘‘chiến dịch tuyên truyền bầu cử tâm thần’’ của (Thủ tướng) Manuel Valls». Theo cựu Thủ tướng F. Fillon, chiến dịch của ông Valls nhằm mục tiêu «kích động bỏ phiếu cho phe cực đoan, để hy vọng cứu lại một số ghế chủ tịch hàng tỉnh», «chính phủ từ giờ trở đi đã bất lực và buộc phải viện đến các biện pháp tuyên truyền». Cũng về chủ đề này, trang nhất báo l’Humanité chạy tựa lớn «Bầu cử hàng tỉnh: các lá chắn xã hội chống lại chính sách khắc khổ», lên án thái độ của Thủ tướng đảng Xã hội, muốn sử dụng mối đe dọa FN để tránh bị cử tri trừng phạt, trong bối cảnh tỷ lệ cử tri vắng mặt dự kiến sẽ lên tới 57%.
Ngân hàng đầu tư Châu Á AIIB: lo sợ một lối điều hành kiểu TC
Les Echos chú ý đến quyết tâm của TC trong việc dựng nên ngân hàng quốc tế lớn đầu tiên qua bài «TC kiên quyết bẻ gẫy độc quyền của IMF và Ngân hàng thế giới». Hồ sơ về Ngân hàng đầu tư Châu Á có trụ sở tại Bắc Kinh và một số lớn vốn đầu tư từ TC còn có thêm bài «Những lo ngại về những tiêu cực do một lối điều hành kiểu TC». Theo Les Echos, những định chế tài chính ngân hàng hiện hành lo ngại TC sẽ chiếm hết các dự án, mà không đáp ứng bất cứ điều kiện nào (về tác động môi trường, xã hội…). Bài viết mở đầu với bài học của vụ dự án cầu Padma nối liền các vùng phía tây nam Bangladesh với trung tâm, với đầu tư 3 tỷ đô la tổng cộng bị hủy bỏ vào năm 2012. Chỉ hơn một năm sau, hai tập đoàn TC đã chiến thắng trong cuộc đấu thầu công trình, với hứa hẹn thi công nhanh và rẻ hơn. Vụ việc nói trên, theo nhiều chuyên gia, là điềm báo trước những bê bối có thể xảy ra một khi Ngân hàng đầu tư Châu Á do TC chi phối đi vào hoạt động trong những tháng tới. Thực ra, vẫn theo các chuyên gia, mô hình của Ngân hàng Châu Á tương lai có trụ sở tại Bắc Kinh, cũng «giống một cách lạ lùng với Ngân hàng phát triển Châu Á ADB vào thuở mới thành lập, trong những năm 1970». Định chế do Hoa Kỳ và Nhật Bản chi phối này thoạt tiên cũng chỉ quan tâm đến việc xây dựng các cơ sở hạ tầng, bất chấp các tác động đến dân cư và môi trường. Sau này, ADB đã buộc phải chú ý nhiều hơn đến các tác động, vì vậy các dự án bị chậm trễ. Ngân hàng do TC kiểm soát rất có thể sẽ bất chấp các đòi hỏi môi trường và tác động đến đời sống dân cư, tại nhiều quốc gia nơi nền dân chủ còn rất mong manh và các đấu thầu thường không minh bạch. Theo Les Echos, thái độ của các nước Châu Âu khi tham gia vào Ngân hàng này bị đánh giá là “rất ngây thơ“, “khi tin tưởng rằng họ có khả năng ngăn cản các lạm dụng, một khi trở thành cổ đông, bởi kinh nghiệm tại Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng phát triển Châu Á cho thấy các nước nắm phần vốn lớn nhất, như Mỹ, Nhật, có tiếng nói quyết định trong hoạt động của các ngân hàng“.