Tin Thế Giới – 19/3/2015
Nhật-Trung đàm phán an ninh
TC và Nhật Bản tổ chức các cuộc đàm phán an ninh cấp cao lần đầu tiên trong 4 năm qua.
Đây là một bước nữa hướng tới việc hàn gắn các mối quan hệ đã bị phương hại nghiêm trọng vì tranh chấp lãnh thổ.
Thứ trưởng Ngoại giao của đôi bên gặp nhau trong ngày đàm phán hôm nay tại Tokyo. Cả hai nước bày tỏ hy vọng tiếp tục cải thiện các mối quan hệ.
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama tuyên bố dù vẫn còn các quan ngại về chính sách an ninh của nhau, nhưng cách tốt nhất để giải tỏa các vấn đề này là thông qua đối thoại.
“Tôi tin rằng việc tổ chức đối thoại an ninh Trung-Nhật hôm nay là một dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa đôi bên cuối cùng đang được cải thiện.”
Trợ lý Ngoại trưởng TC Lưu Kiến Sinh nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc đối thoại vì đôi bên là hai nước láng giềng quan trọng và là cường quốc trong khu vực.
Các cuộc đối thoại có sự tham gia của các giới chức quốc phòng này được tổ chức thường xuyên kể từ năm 1993 nhưng đã bị hủy từ năm 2012 sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa một nhóm đảo mà cả Tokyo lẫn Bắc Kinh đều nhận chủ quyền. – Theo VOA
Ấn Độ sắp qua mặt TC, trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde cho biết trong năm nay Ấn Độ có thể qua mặt TC để trở thành nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Theo tường thuật của thông tín viên Anjana Pasricha của đài VOA ở New Dehli, bà Lagarde cũng kêu gọi các nền kinh tế mới nổi chuẩn bị ứng phó với sự bất ổn có thể xảy ra trong trường hợp Hoa Kỳ tăng lãi suất.
Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế nói rằng trong lúc phần lớn các nước đang ra sức khắc phục tình trạng tăng trưởng chậm chạp, Ấn Độ đang tiến về hướng ngược lại. Bà gọi Ấn Độ là “một điểm sáng” của nền kinh tế toàn cầu đang bị u ám.
Sự đánh giá lạc quan đó được đưa ra hồi đầu tuần này, khi bà Lagarde đến thăm Ấn Độ trong hai ngày. Bà đã hội kiến Thủ tướng Narendra Modi, nói chuyện với các sinh viên và diễn thuyết tại Ngân hàng Trung ương.
“Những chính sách cải cách hồi gần đây và sự tin tưởng của giới doanh thương được cải thiện đã mang lại một sức đẩy cho các hoạt động kinh tế. Dựa trên những số liệu mới về GDP Ấn Độ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự kiến tăng trưởng của Ấn Độ trong năm nay sẽ ở mức 7,2%, và chúng tôi dự kiến tỉ lệ này sẽ lên tới 7,5% vào năm tới, làm cho Ấn Độ trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Trong số các nền kinh tế lớn, Ấn Độ tăng trưởng nhanh nhất. Và một tương lai tươi sáng hơn đang hình thành. Đến năm 2019, nền kinh tế này sẽ lớn hơn gấp đôi so với năm 2009. Và khi điều chỉnh những sự khác biệt về giá mua giữa các nền kinh tế, GDP của Ấn Độ sẽ cao hơn GDP của Đức và Nhật Bản gộp lại.”
Mặc dù vậy, người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng cảnh báo giới hữu trách Ấn Độ rằng các biện pháp cải cách phải được thực hiện với tốc độ tối đa. Trong số đó có việc thực thi thuế suất đồng nhất cho hàng hóa và dịch vụ, thông qua những luật lệ lao động có tính chất linh hoạt hơn và giảm thiểu những chướng ngại của guồng mày hành chánh, những chướng ngại thường làm cho các dự án đầu tư bị khựng lại.
Các nhà kinh tế học ở Ấn Độ tán đồng nhận định của bà Lagarde. Kinh tế gia trưởng của công ty xếp hạng tín dụng CRISIL Mumbai, ông D.K. Joshi, nói rằng những chính sách mới của chính phủ đã giúp cho nền kinh tế tăng trưởng tốt đẹp, nhưng còn nhiều việc cần phải làm.
“Tôi nhận thấy chính phủ đang áp dụng một số những biện pháp để làm cho công việc kinh doanh được dễ dàng hơn. Những biện pháp này sẽ giúp Ấn Độ duy trì tốc độ tăng trưởng. Nhưng nếu chúng ta không áp dụng các biện pháp cải cách khác, sự tăng trưởng này có thể không kéo dài được lâu, và chúng ta có lẽ sẽ không có khả năng để chuyển đổi sang mức tăng trưởng 9% hoặc 10%. Đó là mức tăng trưởng chúng ta nên có.”
Trong lúc đi thăm Ấn Độ, bà Lagarde đã kêu gọi các thị trường mới nổi chuẩn bị để ứng phó với việc Hoa Kỳ có thể tăng lãi suất. Bà nói rằng điều đó có thể tạo ra những dao động trên thị trường tài chánh, và mang lại những rủi ro bất ổn như mọi người đã thấy vào năm 2013.
Lúc đó, những nước như Ấn Độ đã bị tác động sau khi Ngân hàng Trung ương Mỹ cắt giảm chương trình nhiều tỉ đô la để mua tài sản.
Các nền kinh tế đang phát triển trong vài năm qua đã chứng kiến một sự tăng mạnh của nguồn vốn đến từ các nước công nghiệp hóa, nhưng họ tiếp tục lo ngại là một vụ tăng lãi suất ở Mỹ có thể làm cho nguồn vốn rút khỏi nước họ.
Mặc dù vậy, kinh tế gia Joshi cho rằng so với các nền kinh tế mới nổi khác, Ấn Độ có nhiều khả năng hơn để ứng phó với một chấn động như vậy.
“Trong trường hợp Quỹ Dự trữ Liên bang tăng lãi suất, chúng ta sẽ thấy tiền bạc được đưa ra khỏi nước này và điều đó sẽ tác động tới tỉ giá hối đoái của chúng ta, nhưng một khi mọi việc ngã ngũ, vì Ấn Độ đang có các yếu tố vĩ mô khá tốt đẹp, cho nên tiền bạc sẽ quay trở lại. Vì thế chúng tôi tin rằng vấn đề đó chỉ có tính chất tạm thời hoặc trôi qua rất nhanh.”
Hôm thứ tư, Ngân hàng Trung Mỹ tỏ ý cho thấy lãi suất có thể tăng trong năm nay, với điều kiện là có được những chỉ dấu kinh tế thuận lợi cho một quyết định như vậy. – Theo VOA
Tòa tối cao Thái Lan cho phép xét xử hình sự bà Yingluck
Ngày hôm nay, Tòa án Tối Cao Thái Lan phán rằng vụ xét xử hình sự đối với Thủ tướng được bầu lên lần cuối cùng của nước này có thể được tiến hành. Nếu bị kết tội, bà Yingluck Shinawatra có thể bị tù 10 năm. Thông tín viên Đài VOA Steve Herman tại Bangkok tường trình là những người ủng hộ bà xem đây là một phần của mục tiêu của phe quân đội là loại trừ gia đình Shinawatra ra khỏi chính trường Thái Lan.
Tòa án Tối Cao Thái Lan đã ấn định ngày 19 tháng 5 là ngày xét xử đầu tiên của vụ truy tố hình sự đối với cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Tòa án khi chấp nhận vụ truy tố của văn phòng Bộ Tư pháp đã tuyên bố toà có thẩm quyền xét xử trường hợp này.
Bà Yingluck bị buộc phải rời khỏi chức vụ một ít lâu sau cuộc đảo chánh của quân đội hồi năm ngoái. Bà bị cáo buộc sao nhãng nhiệm vụ có liên hệ đến việc hứa mua gạo của nông dân với giá cao. Chính phủ của bà trả giá lúa của nông dân cao gấp hai lần giá thị trường.
Dự án này được những người ủng hộ bà tại nông thôn miền bắc hoan nghênh. Những người này bao gồm phong trào Áo Đỏ, đối nghịch với những người Áo Vàng, được giới trung lưu Bangkok và những người bảo hoàng ủng hộ.
Kế hoạch trợ cấp giá gạo là cớ để Quốc hội do hội đồng quân nhân chỉ định kết tội bà Yingluck Shinawatra vào tháng 1 năm nay – một động thái nhằm tự động cấm bà không được tham gia chính trị trong 5 năm.
Nếu bị kết án hình sự, bà Yingluck có thể phải ngồi tù nhiều năm quá thời hạn 5 năm này.
Phó giáo sư Pavin Chachalvalpongpun, trường đại học Kyoto nói chuyện với Đài VOA từ Kuala Lumpur, Malaysia cho rằng vụ này là cách để quân đội biện minh cho việc lên nắm giữ quyền hành và lệnh của Tòa án Hiến pháp buộc bà Yingluck phải từ chức trước cuộc đảo chánh.
“Tuy nhiên tôi nghĩ là việc này khá nguy hiểm vì cũng có thể phản tác dụng chống lại Hội đồng quân nhân. Vì càng ngày càng có nhiều người xem đây là một trường hợp bất công, phân biệt đối xử.”
Giáo sư Pavin thuộc Trung tâm Nghiên cứu về Đông Nam Á của trường đại học Kyoto và bị hội đồng quân nhân Thái Lan xem như là một người đang bị truy nã nói bà Yingluck chắc chắn sẽ không được xét xử công bình. Ông cho rằng ngành tư pháp Thái Lan đã bị chính trị hoá một cách mạnh mẽ kể từ năm 2008 khi anh của bà Yingluck là Thủ tướng Thaksin bị kết án về tội tham nhũng hai năm sau khi một cuộc đảo chánh chánh lật đổ ông.
Hiện có những tin đồn ngày càng tăng là bà Yingluck có thể trốn ra nước ngoài để khỏi bị tù như anh của bà. Giáo sư Pavin nói hội đồng quân nhân và tòa án có thể không màng đến việc bà Yingluck bỏ trốn.
“Xét đến việc bà Yingluck vẫn còn được nhiều người mến chuộng và bất cứ những bản án nặng nề nào đối với bà cũng có thể làm tăng mức ủng hộ bà trong những người Áo Đỏ không có lợi cho chính phủ quân nhân. Trong thâm tâm của quân đội và các thẩm phán thì việc bà bỏ trốn như anh bà là điều họ mong muốn.”
Bà Yingluck vẫn cương quyết nói rằng bà sẽ ở lại nước để tranh đấu chống lại những cáo buộc đối với bà.
Gia đình Shinawatra, hay những đảng phái chính trị được họ hậu thuẫn, đã thắng tất cả các cuộc bầu cử tại Thái Lan kể từ năm 2001.
Thủ tướng hiện nay, tướng hồi hưu Prayuth Chan-ocha, lãnh đạo Thái Lan kể từ cuộc đảo chánh tháng 5 năm 2014, hứa tổ chức bầu cử, có lẽ đầu năm tới – một khi hiến pháp mới được thi hành và những cải cách được thực hiện.
Tuy nhiên, có những điều người dân không bằng lòng về những hạn chế các đảng phái chính trị trong dự thảo hiến pháp và Thủ tướng Prayuth đã bày tỏ sự giận giữ của ông đối với những chỉ trích, cảnh báo là bất đồng chính kiến có thể làm trì hoãn việc trở lại thể chế dân chủ.
Vương quốc Thái Lan hiện trong tình trạng thiết quân luật theo đó hội đồng quân nhân được phép bắt giam không cần trát toà.
Những người chống đối hội đồng quân nhân cáo buộc hội đồng dùng thiết quân luật vào những động cơ chính trị. Tuy nhiên những cuộc biểu tình về những quan ngại này ít có người tham dự và không thường xuyên, vì cảnh sát và quân đội nhanh chóng ập đến các địa điểm biểu tình để đàn áp những những người bất đồng chính kiến ôn hoà.
Tổ chức nhân quyền quốc tế Human Rights Watch ngày hôm qua kêu gọi hội đồng quân nhân chấm dứt các việc bắt giữ bí mật của quân đội. Tổ chức này nói kể từ cuộc đảo chánh năm 2014, hội đồng quân nhân đã bắt giam hàng trăm chính trị gia, các nhà hoạt động, nhà báo và những người bị cáo buộc ủng hộ chính phủ đã bị lật đổ, không tôn trọng hay xúc phạm hoàng gia hay liên hệ đến những cuộc biểu tình và những hoạt động chống đảo chánh.
Vua Bhumibol được dân chúng Thái Lan tôn sùng hiện đã 87 tuổi và sức khoẻ đã suy kém trong nhiều năm qua. Thái tử kế vị Vajiralongkorn, 62 tuổi, không được tôn trọng như vua cha là người trị vì lâu nhất thế giới hiện nay.
Những cuộc thảo luận công khai về hoàng gia không được dung thứ theo luật khi quân khắc nghiệt của Thái Lan. – VOA
Tunisia tuyên chiến với khủng bố
Tổng thống Tunisia thề đấu tranh “không khoan nhượng” với khủng bố sau vụ nổ súng ở bảo tàng Bardo, Tunis, làm 19 người chết.
Trong số này có 17 khách du lịch, tới từ Nhật Bản, Ý, Colombia, Australia, Pháp, Ba Lan và Tây Ban Nha.
Hai người Tunisia thiệt mạng, trong có một cảnh sát viên.
Lực lượng an ninh đã bắn chết hai tay súng nhưng đang tiếp tục truy tìm tòng phạm.
Giới chức nói hơn 40 người, cả khách du lịch và dân bản địa, bị thương trong vụ tấn công hôm thứ Tư 18/3.
‘Dân chủ sẽ chiến thắng’
Tổng thống Tunisia Beji Caid Essebsi nói cả nước ông đang “chiến đấu với khủng bố”.
“Những kẻ thiểu số tàn ác không làm chúng ta sợ hãi. Chúng ta sẽ chiến đấu không khoan nhượng với chúng tới cùng.”
Ông tổng thống tuyên bố: “Dân chủ sẽ chiến thắng và sẽ sống mãi”.
Thủ tướng Habib Essid thì nói: “Đây là thời khắc quan trọng trong lịch sử và mang tính quyết định cho tương lai của chúng ta”.
Vào thời điểm vụ tấn công, các dân biểu đang họp trong tòa nhà Quốc hội và đang thảo luận điều luật chống khủng bố.
Quốc hội được sơ tán nhưng sau đó đã họp lại trong một phiên bất thường vào buổi tối.
Nhiều người dân Tunisia đã xuống đường ở trung tâm thủ đô Tunis để lên án vụ tấn công. Họ vẫy cờ và đốt nến bên ngoài bảo tàng.
Lãnh đạo các nước trên thế giới cũng lên án vụ nổ súng và bày tỏ ủng hộ cho các nỗ lực chống khủng bố của Tunisia.
Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nói ông Ban “lên án mạnh mẽ vụ tấn công ngày hôm nay… và thiệt hại về nhân mạng”.
Trong khi đó, Người phát ngôn cho chính phủ Hoa Kỳ Josh Earnest nói Mỹ sẽ “tiếp tục cùng với các đối tác Tunisia chống lại bạo lực khủng bố”.
Người đứng đầu cơ quan chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân và nói EU sẽ “hỗ trợ tuyệt đối Tunisia trong cuộc chiến chống khủng bố”. – BBC