Điểm Báo Pháp – 18-3-2015
Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng hát với nữ ca sĩ nổi tiếng Nga Larisa Dolina nhân kỷ niệm một năm sáp nhập Crimée, 18/03/2015.- REUTERS/Maxim Shipenkov/Pool
Theo RFI – Mai Vân – 18-03-2015
Putin với chiến lược thổi phồng căng thẳng để tăng uy thế
Báo Paris hôm nay mở đầu bản tin với những chủ đề thời sự khá khác biệt. Le Figaro đặt ưu tiên cho thời sự chính trị Pháp với cuộc bầu cử cấp tỉnh sắp tới đây, Libération điều tra về nguồn tài trợ xây các đền thờ Hồi giáo, đến từ nước ngoài và thiếu minh bạch. Riêng Le Monde chạy tựa về Nga, nơi nhà đối lập «Navalny tấn công vào chế độ Putin», khẳng định với tờ báo là vụ ám sát Boris Nemtsov không thể diễn ra mà «không có phép».
Tiếp đặc phái viên của Le Monde tại văn phòng ở Matxơva, luật sư đối lập 38 tuổi này tỏ ra gay gắt với chế độ Putin và phản bác một số quan niệm mà ông thường nghe thấy ở phương Tây.
Trả lời câu hỏi ông nghĩ sao về 10 ngày vắng bóng của Tổng thống Nga vừa qua, Navalny cho là giải thích có thể rất đơn giản: ông ấy có lẽ bị bệnh. Nhưng quan trọng là điều này chứng minh Putin không phải là một yếu tố (bảo đảm) ổn định như người ta thường nghĩ ở phương Tây. Người ta nghĩ là nước Nga có một lãnh đạo kỳ dị, nhưng nắm được vũ khí hạt nhân.
Nhưng thực tế là Putin đã biến mất, và trong suốt 10 ngày người ta đưa ra những hình ảnh bị cắt xén, điện Kremli cố che đậy, trám sự vắng mặt này với những tuyên bố hùng hồn được thu trước, về vũ khí hạt nhân hay về việc kiểm tra đơn vị quân đội đặt trong tình trạng báo động. Đây là chuyện bình thường trong thực tế Nga, nhưng lại trở thành những chủ đề phát biểu to lớn, cho thấy Nga đối đầu với cả thế giới.
Đối với ông Navalny, thì Tổng thống Nga cũng đã phá vỡ một cấm kỵ: ngay thời Liên Xô cũ, không ai đưa ra lời đe dọa dùng vũ khí hạt nhân. Không ai nghĩ là sẽ có một cuộc tấn công vào Ukraina. Nhưng Putin đã làm, và tạo ra một nước thù nghịch bên cạnh. Và để giữ được điểm tín nhiệm của mình, Putin phải ngày gây thêm căng thẳng, đấy là chiến lược từ 3 năm qua và bồi đắp, duy trì nó.
Đèn xanh của chính quyền trong vụ ám sát Nemtsov?
Về vụ Boris Nemtsov bị ám sát, Ông Navalny khẳng định như đinh đóng cột là người bạn xấu số của ông không thể bị giết chết nếu không có sự đồng ý của chính quyền.
Ông Navalny giải thích: ông và Boris Nemtsov bị cơ quan an ninh FSB theo dõi, giám sát. Ông biết rõ không thể nào FSB không thấy những kẻ ám sát, không biết những gì chuẩn bị thực hiện. Hoặc là an ninh Nga cùng hoạt động với thủ phạm hoặc là nhắm mắt để họ ám sát.
Navalny giải thích ông không nghĩ là có lệnh trực tiếp từ Putin, nhưng xuất phát điểm có lẽ là tuyên bố không chính thức của Putin và giới lãnh đạo Nga với Tổng thống Chesnya Razam Kadyrov: “Chúng tôi hy vọng ông hỗ trợ chống lại ‘đạo quân thứ 5’, và Kadyrov đã hiểu ý”.
Ông Navalny không tin chút nào đó là hành động của phần tử Hồi giáo cực đoan, nhưng cho đấy là giải thích đáng lưu ý của điện Kremli, vì đó là một lời cảnh báo: Hãy coi chừng những kẻ cực đoan! Xuống đường biểu tình à, cẩn thận đấy! Việc ám sát Nemtsov, theo Navalny, là một lời cảnh cáo không chỉ nhắm vào phe đối lập, mà cả vào giới ưu tú. Trong phe đối lập Nga, bây giờ không ai nói đến chính trị mà nói đến an ninh.
Đối với Navalny, Boris Nemtsov có thể trở thành Tổng thống vì đã từng ở trong guồng máy. Navalny nhắc lại là từ thời Stalin có một quy tắc không thành văn là không giết một thành viên của chế độ.
Trong cuộc nói chuyện cuối cùng với ông, thì Boris Nemtsov còn rất tin tưởng, cho là Putin có thể ngăn không để ông ra tranh cử nhưng sẽ không làm gì hại ông, vì khi còn ở trong chính quyền, văn phòng hai người sát cạnh bên nhau.
Ukraina: Đức và Pháp mất mặt trước Nga
Về Putin, báo Libération trang Thế giới nhìn thấy là đối mặt với Putin trên hồ sơ Ukraina, uy tín của Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp có thể bị sứt mẻ.
Tờ báo trích lời nghị sĩ Ukraina Iryna Gerashchenko, trả lời tờ báo, đánh giá là Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp đã đích thân bảo trợ cho hòa đàm Minsk và việc ký kết thỏa thuận. Putin đã đưa ra cam kết với họ nhưng lại không tôn trọng lời hứa.
Trên đài truyền hình Nga, Putin còn nói thẳng thừng là chính ông đã lên kế hoạch việc sáp nhập Crimée cũng như triển khai quân ở Đông Ukraina. Nếu Châu Âu không phản ứng trước các vụ vi phạm ngưng bắn ở Ukraina, nhắm mắt làm ngơ, thì điện Kremli tiếp tục lấn át.
Thủ đô Ấn Độ chìm trong ô nhiễm
Về Châu Á hôm nay, Le Monde chú ý đến nạn ô nhiễm ở Ấn Độ trong bài phóng sự «New Delhi nghẹt thở», bên cạnh ảnh lớp khói mù bao phủ thủ đô Ấn.
Tác giả bài phóng sự tả cảnh hướng dẫn viên du lịch – đưa khách viếng thủ đô trong cảnh sương mù dầy dặc, nhuộm màu vàng – không còn cách nào khác là chỉ mô tả, ngón tay chỉ về phía điện đài mà anh đua họ đến xem. Du khách chỉ nghe và đoán hình dáng qua lớp sương mù ô nhiễm, không nhìn thấy gì mà mắt lại còn bị cay…
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mực độ ô nhiễm môi trường ở New Delhi cao nhất thế giới Độ tập trung của các phân tử vô cùng nguy hiểm gọi là PM 2,5, (tức 2,5 micron), cao gấp 15 lần ngưỡng có thể chấp nhận, đặc biệt là vào mùa đông. Không lạ là dân chúng New Delhi bị bênh hô hấp nghiêm trọng và bênh xuyễn. Theo một bản nghiên cứu năm 2010, thì mỗi ngày có khoảng 20 đến 40 người chết ở New Delhi do ô nhiễm, trong khi nửa triệu người đưa đi cấp cứu.
Trong 20 thành phố bị liệt vào hạng ô nhiễm nhất thế giới thì 13 thành phố là tại Ấn Độ. Số người chết do bệnh hô hấp hàng năm ở quốc gia này lên 1,6 triệu người. Và nguy hiểm nữa là ô nhiễm còn ảnh hưởng đến các bào thai.
Thủ phạm tình trạng này là khí thải từ xe hơi, nhà máy công nghiệp, nhà máy nhiệt điện chạy than ở ngoại ô New Delhi. Bên cạnh còn có vô số công trường xây dựng, đốt các bãi rác rộng lớn ngoài trời.
Theo Le Monde, đối sách với nạn ô nhiễm vẫn chưa có.Chính quyền còn giảm nhẹ mối đe dọa. Các tổ chức bảo vệ môi sinh trước mắt kêu gọi chính phủ quy định những ngưỡng về khí thải công nghiệp.
Châu Âu khuyến khích nạn phá rừng tại châu Á
Cũng trên vấn đề môi trường và kinh tế, Libération hôm nay nhìn thấy Châu Âu gián tiếp khuyến khích nạn phá rừng lậu qua việc nhập các sản phẩm như thịt hay dầu cọ v.v.
Dưới tựa đề “Phá rừng, Châu Âu khó ở trước những miếng bifteck của mình”, bài viết của Coralie Schaub bắt đầu bằng nhận xét: Có ai ngờ là khi mua miếng thit gà trong bao bì hút chân không ở siêu thị là góp phần cho việc phá rừng ở đầu bên kia thế giới và vi phạm nhân quyền?
Tác giả bài viết giải thích là khi mua thịt gà hay thịt heo nuôi với đậu nành Brazil, chẳng hạn, là đã thúc đẩy phá rừng, vì ở Brazil, theo nghiên cứu của tổ chức Fern, 90% rừng bị phá là để trồng đậu nành và chăn nuôi. Phá rừng là bất hợp pháp tại đây.
Trong những báo cáo trước đây, Châu Âu là vùng chủ yếu trên thế giới nhập nông sản và gỗ, kéo theo nạn phá rừng.
Trong báo cáo công bố hôm 17/03, lần đầu tiên tổ chức Fern nhấn mạnh trên sản phẩm tiêu thụ của dân chúng Châu Âu: Thịt, da thuộc, đậu nành, dầu cọ đã gây ra nạn phá rừng bất hợp pháp.
Báo cáo của Fern ghi nhận là từ năm 2000 đến 2012, cứ mỗi hai phút là có một diện tích rừng rộng bằng một sân đá bóng bị phá một cách bất hợp pháp để xuất hàng nói trên sang Châu Âu. Năm 2012, Châu Âu đã nhập tương đương với 6 tỉ euro thịt bò, da thuộc, đậu nành, dầu cọ nói trên, trồng hay chăn nuôi trên những mảnh đất phá rùng bất chính.
Trong các nước Châu Âu nhập và tiêu thụ những mặt hàng này, có 5 nước đứng đầu bảng: Hoà Lan, Anh, Đức, Ý và Pháp, nhập 75% sản phẩm, tiêu thụ 63%.
Nhật thực
Le Figaro và báo Les Echos hôm nay rất chú ý đến hiện tượng nhật thực diễn ra sáng thứ Sáu, 20/03, ở vùng trời Châu Âu, kèm theo thủy triều mà Le Figaro gọi là thủy triều của thế kỷ vào ngày hôm sau 21/03.
Les Echos cảnh báo hãy thận trọng khi quan sát hiện tượng này, phải trang bị kính đặc biệt không nên lơ là.
Les Echos đưa tin một cách hóm hỉnh cho là dịp lưu diễn Châu Âu, Chị Hằng sẽ tặng một màn biểu diễn nhật thực ngoạn mục : Trong khoảng thời gian tối đa 2 phút 47 giây, tại một vùng rộng 500 cây số, dài 5.600 cây số, từ Bắc Đại Tây Dương lên đến Bắc Cực, có nơi như ở Reykjiavik, Ice land, mặt trời bị che khuất đến 97%, Paris độ 75%.
Màn biểu diễn này sẽ kéo theo vào ngày hôm sau cảnh thủy triều vĩ đại ngoài khơi Tây bắc Pháp, đặc biệt ở nơi có thắng cảnh du lịch nổi tiếng Mont Saint Michel.