Nhận định trước chuyến đi thăm Bắc Kinh và Washington của Nguyễn Phú Trọng
Dân Luận – 16/03/2015 – Carlyle A. Thayer – Nguyễn Công Huân chuyển ngữ – Theo Thayer Consultancy
Dân Luận: Ông Thayer quên không tính đến một nhân tố trong mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc – Hoa Kỳ, đó là sự tồn vong của Đảng CSVN. Liệu ông Nguyễn Phú Trọng có đủ bản lĩnh để đặt sự tồn vong này xuống dưới các nhân tố khác, để tranh thủ hai chuyến đi này để đàm phán kiếm lợi thế cho Việt Nam nhưng ông Thayer dự đoán không? Trong lịch sử Việt Nam đã nhiều lần đứng trước những cơ hội như thế này, nhưng thường lựa chọn con đường tồi nhất, miễn là bảo vệ được quyền lực của giới lãnh đạo, bất chấp quyền lợi của đất nước.
Câu hỏi: Chúng tôi nghe tin rằng Tổng bí thư Đảng CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng, sẽ đi thăm Trung Quốc ”sớm”. Chúng tôi yêu cầu ngài cho biết đánh giá của mình về chuyến đi Trung Quốc của ông Trọng trong bối cảnh Tổng bí thư sẽ đi thăm Hoa Kỳ sau đó. Việt Nam trông đợi điều gì trong các cuộc gặp gỡ cao cấp này?
Trả lời: Nguồn tin riêng cho biết Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đi thăm Bắc Kinh trong tháng này. Đáng chú ý là Việt nam đã mời Tổng bí thư Tập Cận Bình tới thăm Hà Nội, và để tỏ sự tôn trọng, lãnh đạo Đảng CSVN sẽ tới thăm Trung Quốc trước. Chuyến đi của Tổng bí thư được thực hiện trong bối cảnh sau đó ông sẽ ghé thăm Hoa Kỳ vào giữa năm nay. Chuyến viếng thăm TQ của Tổng bí thư Trọng hứa hẹn rằng mối quan hệ song phương sẽ tiếp tục đi lên. Trung Quốc có lẽ sẽ gây áp lực cho Việt Nam không tiến hành các hành động pháp lý với tranh chấp trên biển Đông, và không tiến quá gần Hoa Kỳ. Áp lực của Trung Quốc lên Hàn Quốc để không lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo chứng tỏ Trung Quốc có thể chỉ thị cho Việt Nam để ngăn chặn việc tiếp nhận vũ khí từ Hoa Kỳ. Việt Nam muốn Trung Quốc đảm bảo rằng sẽ không có những vụ tương tự như giàn khoan HD 981 trong tương lai. Ngoài biển Đông ra, Việt Nam và Trung Quốc đều rất mong muốn duy trì mối quan hệ kinh tế tốt đẹp. Việt Nam sẽ không thể giảm được thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc, nhưng nó có thể vận động được những điều khoản tốt hơn trong việc đưa hàng hóa sang thị trường Trung Quốc và tiếp nhận đầu tư từ Trung Quốc, đặc biệt là vào cơ sở hạ tầng. Trung Quốc đang cổ vũ cho việc kết nối giữa Đông Nam Á, bao gồm cả hệ thống đường xe lửa xuyên Việt Nam. Trung Quốc cũng muốn đảm bảo với Việt Nam rằng việc VN tham gia làm thành viên của TPP sẽ không ảnh hưởng tới Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership). Bởi vì Tổng bí thư Trọng sắp đi Hoa Kỳ sau chuyến thăm Trung Quốc, ông sẽ có lợi thế khi đối thoại với Tập Cận Bình. Nếu Trung Quốc ép quá đáng hoặc không chấp thuận đề nghị của Việt Nam, Việt Nam có thể lựa chọn thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ. Ngược lại, nếu Tập Cận Bình thỏa hiệp, ông Trọng có thể sử dụng nó để làm lợi thế khi đối thoại với Hoa Kỳ. Cuối cùng, hai chuyến đi của Tổng bí thư Trọng sẽ thiết lập cơ sở để Đảng CSVN đóng vai trò lớn hơn trong việc định hình các quan hệ quốc tế trong 5 năm tới sau cuộc bầu cử quốc hội khóa 12 vào đầu năm 2016.