Cam Ranh trong thế cờ chiến lược quốc tế

Cac Bai Khac

No sub-categories

Cam Ranh trong thế cờ chiến lược quốc tế

Theo Ba SàmMarch 13th, 2015 – Trương Nhân Tuấn

Hoa Kỳ vừa lên tiếng yêu cầu CSVN ngưng không cho phép Nga sử dụng Cam Ranh như là trạm tiếp tế nhiên liệu cho các loại phi cơ chiến đấu và dội bom chiến lược. Yêu cầu này sẽ đưa CSVN vào khó khăn ngoại giao. Chuyến đi sắp tới của Nguyễn Phú Trọng sẽ cho ta biết thái độ của CSVN trước yêu cầu này của Mỹ.
Vấn đề VN đã cho phép các phi cơ dội bom và chiến đấu chiến lược của Nga được phép tiếp liệu tại Cam Ranh có lẽ là điều chỉ mới xảy ra gần đây. Bởi vì, tháng 2 năm năm ngoái, bộ trưởng quốc phòng Nga là Sergueï Choïgou còn cho báo chí biết là hiện đang thuơng lượng với một số nước như Vietnam, Cuba, Venezuela, Nicaragua, Seychelles và Singapour để các nước này cho phép Nga đặt các căn cứ quân sự thường trực. Việc thuơng lượng bao gồm các việc sử dụng hải cảng cho hải quân cũng như việc đặt trạm tiếp tế nhiên liệu cho các loại phi cơ chiến đấu – dội bom chiến lược thuộc đội tuần tiễu của không quân Nga.
Việc Hoa Kỳ hôm qua lên tiếng yêu cầu CSVN ngưng cho phép Nga sử dụng Cam Ranh cho ta biết là CSVN đã chấp thuận cho Nga xây dựng trạm tiếp liệu không quân. Còn việc CSVN có cho Nga sử dụng Cam Ranh như một căn cứ quân sự, bao gồm hải quân cũng như có sự hiện diện thường trực của quân đội Nga như trước thập niên 90 hay không, thì điều này ta chưa thấy dấu hiệu.
Việc lên tiếng yêu cầu của Hoa Kỳ là điều cần thiết cho nền an ninh quốc phòng của nước này.
Từ căn cứ Cam Ranh, các phi cơ dội bom cũng như các chiến đấu cơ chiến lược của Nga có thể uy hiếp được hai căn cứ quân sự của Mỹ là Guam trong Thái Bình Dương và Diego Garcia trong Ấn Độ dương. Ta cũng nên biết rằng, hiện nay các đội phi cơ tuần tiễu chiến lược của Nga đã bay tới khu vực biển Caraibes, tức khu vực biển chung quanh là các nước Cuba, Venezuela, Nicaragua… tức Hoa Kỳ bị đe dọa sát bên nhà.
Khu vực Địa Trung Hải thì Ukraine phân liệt cộng với cuộc chiến tại Syrie từ nhiều năm nay, hải quân và không quân của Nga đã có mặt thường xuyên. Ảnh hưởng của Nga càng lên, Khối Châu Âu biểu lộ sự yếu kém trước một Putin cương quyết và hung hăng. Trong khi vùng Bắc Âu cũng bị đe dọa vì Nga muốn mở đường ra Đại Tây dương, thông ra biển Baltique. Thời gian gần đây, phi cơ của Nga đã liên tục lấn vào không phận của Anh và Pháp. Các nước Baltique thuộc OTAN như Lituani, Lettoni… vừa được tăng cường vũ trang gồm các loại xe tăng, trọng pháo… các việc này dĩ nhiên nhằm đề phòng Nga lập lại sự việc đã xảy ra ở Ukraine.
Tất cả các động thái của Nga ở Châu Âu đều quan hệ đến Hoa Kỳ. Vì các nước Châu Âu phần lớn nằm trong khối OTAN (Minh ước Bắc Đại Tây dương) mà Hoa Kỳ là thành viên rường cột.
Từ các nhận xét sơ lược về cái nhìn địa chiến lược này ta mới thấy rằng việc CSVN có đáp ứng lời yêu cầu của HK hay không là một điều hết sức quan trọng. Hoa Kỳ cần soi sáng các điểm mờ chiến lược mà VN là một yếu tố hàng đầu trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Riêng VN, trước yêu sách của Mỹ, thì bị lâm vào một tư thế hết sức không thoải mái, nếu không nói là tiến thoái lưỡng nan.
CSVN như đứng trước ngã ba đường, CSVN không thể không có chọn lựa. Thái độ của CSVN sẽ cho ta biết diễn tiến của các quan hệ CSVN với TC, Nga và Hoa Kỳ sẽ ra sao trong thời gian tới. Tương tự như trong một ván cờ, chỉ cần một nước đi quan trọng của một bên có thể cho ta thấy diễn tiến của cả bàn cờ. Thái độ của CSVN là một bước quan trọng đó.

Về chuyến đi của Nguyễn Phú Trọng.

Nhân dịp 20 năm ngày nối quan hệ ngoại giao hai nước, bộ Ngoại giao Mỹ ông Kerry ngày 13-2 đã nhắc lại lời mời của chính quyền Hoa Kỳ đến với ông tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng. Theo một số tin tức «hành lang» thì dường như TT Obama không muốn tiếp Trọng tại văn phòng chính, tức là «phòng bầu dục» của Tòa Bạch Ốc, mà ở một địa điểm vô thuởng vô phạt nào đó. Cũng theo tin hành lang thì phía CSVN đang thuơng lượng để chuyến đi của Trọng được tiếp đón long trọng hơn.
Thái độ của phía Hoa Kỳ là hợp lý. Vì trên trên phương diện thể thức, Nguyễn Phú Trọng không phải là người đại diện nhân dân VN, cũng không phải là người đại diện nhà nước VN, Ông này chỉ là người đứng đầu một đảng phái chính trị, chứ không phải là một nguyên thủ quốc gia. Mặc dầu Tòa Bạch ốc đã từng tiếp đón các lãnh đạo chính trị, tôn giáo, kể cả nhân sĩ… trong phòng bầu dục. Nhưng trường hợp Trọng là một trường hợp đặc biệt. Đảng CSVN, hiến pháp qui định là lực lượng lãnh đạo, nhưng đảng này không chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tư cách pháp nhân của đảng này không có. Vì vậy, ông Obama, không thể tiếp Trọng với các nghi thức dành cho một nguyên thủ quốc gia, hay như là một nhân sĩ có uy tín trước cộng đồng thế giới, như đã từng tiếp đón.
Mặt khác, về quyền lực và uy tín lãnh đạo, Trọng cũng không có tầm cỡ như những tổng bí thư của các thập niên 90 của thế kỷ trước. Trọng không thể đơn phương lấy một quyết định chính trị. Trọng, tên là trọng mà xem ra không có «trọng lượng» để được Obama tiếp đón như là một vị khách «quan trọng».
Tuy nhiên, Trọng cũng có thể được Mỹ tiếp đón với một nghi thức long trọng, nếu ông này mang một thông điệp đáp ứng được yêu sách của Mỹ. Dĩ nhiên, thông điệp này không phải là ý kiến của Trọng mà là quyết định của bộ chính trị.
Vì vậy, nghi thức mà Mỹ tiếp đón Trọng sắp tới sẽ cho ta biết phần nào nội dung của thông điệp.
Nhưng VN sẽ rất đau đớn để có thể chấp thuận yêu cầu của Mỹ.
Trước hết Nga là một đồng mình truyền thống của CSVN. Cho đến nay thì hầu hết các loại vũ khí quan trọng hàng đầu của CSVN đều mua từ Nga, như các loại máy bay tiêm kích SU 30, SU 27… các đơn vị hỏa tiễn phòng thủ như Bastion 300, tàu ngầm Kilo… phần lớn lực lượng hải quân, không quân, phòng không… của CSVN được trang bị từ kho vũ khí của Nga.
Bây giờ nếu CSVN từ khuớc cho Nga sử dụng các căn cứ tiếp liệu ở Cam Ranh, tức là CSVN đơn phương hủy bỏ các hợp đồng vừa mới ký kết (mà ta không biết hai bên trao đổi thế nào?). Làm điều này mà không hội ý với Nga, tương đương với việc CSVN đơn phương gián đoạn ngoại giao với Nga.
Nhưng CSVN cũng khó có thể trả lời không với Mỹ, ít nhất trong tình thế hiện nay. Bởi vì, trước sự lấn lướt của TC tại Biển Đông, cũng như việc xây dựng các đảo nhân tạo của nước này đã trực tiếp đe dọa nền an ninh quốc phòng cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ của VN. Mà việc này Nga không thể giúp CSVN, mà chỉ có Mỹ mới có thể giúp CSVN về kinh tế và quốc phòng, để VN bảo vệ quyền lợi của mình, đối đầu với thái độ hung hăng bành trướng của TC.
Trong bối cảnh như vậy, nhất thời CSVN khó mà tìm được một kế sách để thỏa mãn tất cả các bên.
Đối với Mỹ, Cam Ranh là một căn cứ quân sự lý tưởng để Mỹ tái phối trí lực lượng của họ ở Biển Đông, trong sách lược «chuyển trục» sang Châu Á. Một VN giàu và mạnh, sẽ bổ túc phòng thủ chung trong khu vực với các nước Nhật Bản, Nam Hàn, Phi và Đài Loan. Lực lượng hỗ trợ của Mỹ vẫn là Guam, Úc và Diego Garcia. Nếu thế liên minh này được thành hình thì Mỹ sẽ không còn lo ngại liên minh giữa TC và Mã Lai, Indonesie (mục đích đột phá thế «chuyển trục sang Châu Á» của Mỹ, bằng cách vô hiệu hóa eo biển Malacca).
Đối với VN, thì đây là một ước vọng của phần lớn người VN hiện nay.
Về kinh tế, CSVN đã quan hệ rất tốt với TC từ nhiều thập niên qua, nhưng việc này không đem lại một nước VN phát triển như mong ước. Ngược lại, trong nhiều phương diện, CSVN lệ thuộc vào TC. Quan hệ «bốn tốt» với TC là một thất bại.
Quan hệ với Mỹ, VN có quyền hy vọng về một tương lai phát triển tương tự như Nam Hàn, Đài Loan, hay tệ lắm cũng như Thái Lan. Các nước đồng minh của Mỹ, nước nào cũng giàu và mạnh.
Muốn toàn lãnh thổ, chắc chắn CSVN không thể đi với Nga, hay đi với TC, mà phải đi với Mỹ. Ta thấy một đảo nhỏ là Đài Loan, đến bây giờ TC cũng vẫn không dám dùng vũ lực để thống nhất đất nước, mặc dầu họ có tính chính danh để làm việc đó. Đơn giản vì phía sau Đài Loan có Mỹ.
Vấn đề là lãnh đạo CSVN có dám đặt quyền lợi của đất nước lên trên quyền lợi của đảng hay không.