Điểm Báo Pháp – 14-3-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 14-3-2015

Thành phố Luân Đôn nhìn từ trên không. Ảnh chụp ngày 13/3/2015 – REUTERS/Pool/Carl Court

Theo RFI – Mai Vân – 14-03-2015

Luân Đôn thành ổ gián điệp Nga

Chủ đề thời sự mà báo chí Pháp đặt lên hàng đầu ngày cuối tuần hôm nay 14/03/2015 khá khác biệt, nhưng bài báo lý thú có lẽ ở trên trang quốc tế báo Le Figaro. Chơi chữ trong hàng tựa “Gián điệp Nga đổ xô về Londongrad“, tờ báo ghi nhận là từ khi quan hệ Phương Tây với Matxcơva bị đóng băng, số gián điệp Nga tại thủ đô Anh Quốc còn cao hơn thời kỳ chiến tranh lạnh.

Về các tựa chính, Libération dành trang nhất và 6 trang trong giới thiệu loại kính ảo mới dưới hàng tít: “Cái ảo đã thật sự thành hiện thực“, trong lúc Le Figaro chú trọng đến thời sự Pháp với nỗi bất bình của giới bác sĩ, y tế, đang huy động lực lượng để xuống đường vào ngày mai 15/03. Le Figaro chờ đợi hơn 15.000 người, riêng ở Paris. Về phần Le Monde, báo này đã nhìn ra quốc tế, với thời sự nóng bỏng tại Syria: “Trợ giúp nhân đạo kẹt trong bẫy chiến tranh với hàng loạt mặt trận”.

Tình báo Anh MI6 cảnh giác cao độ trước gián điệp Nga

Trở lại bài phân tích của Le Figaro về hoạt động của gián điệp Nga tại Luân Đôn, thủ đô Anh Quốc, bài báo mở đầu bằng ghi nhận rằng cơ quan tình báo Anh MI6 quả là đang phải đau đầu trước việc nhân viên cũ cũng như đang làm việc của họ trở thành “đối tượng ưu tiên” của cả một chiến dịch tuyển mộ “rất năng động” của tình báo Nga.

Le Figaro trích dẫn báo Sunday Times tiết lộ một văn kiện nội bộ gần đây của MI6 đã cảnh báo về hiện tượng này và nhắc nhở nhân viên cảnh giác về “các sức ép”, những đề nghị quan hệ láng giềng, thân cận, và phải báo cáo ngay mọi hành vi tiếp cận khả nghi. Bộ Ngoại giao Anh cũng thiết lập một đường dây riêng cho mình, và khuyên nhân viên không nên đi Nga, nếu đi thì phải rất cẩn thận.

Từ khi quan hệ giữa Phương Tây và ông Putin lạnh nhạt đi, và đặc biệt giữa Luân Đôn và Matxcơva, hoạt động gián điệp Đông Tây tăng phần ráo riết và hiện nay, theo Le Figaro, số gián điệp Nga hiện diện ở Luân Đôn còn cao hơn thời chiến tranh lạnh trước đây, theo đánh giá của cơ quan tham vấn của chính phủ về an ninh, Joint  Intelligence Committee.

Cơ quan phản gián MI5 ước tính số gián điệp Nga hiện ở Luân Đôn là từ 30 đến 60 người. Le Figaro trích dẫn Oleg Gordievski, một cựu gián điệp Nga nay làm việc cho Anh, cho biết là vào năm 2013, tại thủ đô Anh đã có 37 nhân viên của cơ quan tình báo KGB cũ, và 14 người của GRU, tức là cơ quan quân báo Nga. Thế nhưng số người này đã không ngừng tăng lên.

Vị trí chiến lược của Luân Đôn đối với NATO, EU và Mỹ

Theo ông Boris Karpichov, một thành viên KGB cũ nay lưu vong ở Anh, thì tất cả các công ty Nga hoạt động ở Anh đều sử dụng nhân viên tình báo của các cơ quan SVR hoặc FSB. Ngoài ra còn những người vào ‘bất hợp pháp’ dưới tên giả.

Nga dĩ nhiên cũng cài gián điệp ở Bruxelles, nhưng sử dụng người của Bulgari và Rumani.

Le Figaro giải thích là sở dĩ Nga đặc biệt chiếu cố tới Luân Đôn, đó là vì Anh Quốc vừa là một thành viên NATO và Liên Hiệp Châu Âu, vừa rất thân cận với Mỹ. Thủ tướng Anh là một trong những người cứng rắn nhất trong việc đòi trừng phạt Nga về Ukraina, và Putin, theo Le Figaro, muốn đi trước một bước các tính toán của lãnh đạo Anh.

Để làm việc này Putin có thể dựa vào cộng đồng Nga ở Luân Đôn, ở gọi nôm na là ‘Londongrad’, một cộng đồng giàu có gồm doanh nhân, kỹ nghệ gia,những nhà tài chính giàu sụ, những người sống với gia đình của họ và kể như chiếm bảng vàng trong danh sách người giàu có ở Anh. Một số nhà ly khai Nga cũng nương náu tại Luân Đôn khiến cho thủ đô Anh Quốc trở thành một loại thủ đô bis của đế chế Nga.

Và đấy là một sân chơi lý tưởng đối với tình báo Nga, đã thiết lập các mạng lưới chỉ điểm, cung cấp thông tin, bao gồm hàng trăm người hiện diện trong mọi lãnh vực, từ giới tư pháp, tài chính, đến giới làm chính trị và cả trong giới truyền thông.

Bắc Kinh ‘dạy bảo’ Đức Đạt Lai Lạt Ma về Phật pháp!

Liên quan đến Châu Á, thêm một hành vi ngang ngược và siêu thực của Trung Cộng bị báo Pháp vạch trần. Trên tờ Le Monde, nhà báo Fraçois Bourgon có bài: “Khi Bắc Kinh cho Đức Đạt Lai Lạt Ma bài học về Phật giáo”. Tờ báo nhắc lại sự kiện mới đây, một quan chức TC cao cấp đã mạnh miệng tái khẳng định quyền của chế độ Bắc Kinh trong vấn đề tái sinh của lãnh đạo tinh thần Phật giáo Tây Tạng.

Sự vụ – mà theo Le Monde có thể khiến “Karl Marx đội mồ sống dậy” –  diễn ra ngày 11/03/2015 vừa qua, bên lề khóa hợp thường niên của Quốc hội TC. Chu Duy Quần (Zhu Weiqun), cựu nhân vật số hai Ủy ban Mặt trận Thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc đặc trách hồ sơ Tây Tang, đã nhắc lại lập luận xuyên suốt của Bắc Kinh rằng: “Quyết định duy trì hoặc xóa sự hóa thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma phụ thuộc vào chính quyền trung ương Trung Quốc, chứ không phụ thuộc vào bất cứ ai khác, kể cả Đức Đạt Lai Lạt Ma“.

Lời khẳng định trở lại quyết tâm của Bắc Kinh muốn áp đặt người mình chọn vào vị trí lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng được đưa ra nhằm phản bác một lần nữa tuyên bố vào năm 2014 của Đức Đạt Lai Lạt Ma, theo đó ông có thể là Đạt Lai Lạt Ma cuối cùng của người Tây Tạng, tức là sẽ không tái sinh như truyền thống. Khả năng này được người lãnh đạo tinh thần của Phật giáo gợi lên nhằm chống lại việc chế độ Bắc Kinh khăng khăng muốn chỉ định người kế vị ông.

Theo báo Le Monde, vấn đề hóa thân hay tái sinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma, hiện đã 80 tuổi, rất quan trọng bởi vì cho dù đã phải bỏ Tây Tạng qua sống lưu vong tại Ấn Độ, và bị chính quyền Bắc Kinh ra sức bài xích, ngài vẫn được người Tây Tạng ở TC tôn kính. Vùng Tây Tạng vẫn là nơi thường xuyên bất ổn với những vụ tự thiêu để phản đối ách đô hộ của chính quyền TC.

Một chế độ vô thần nhưng lại đòi kiểm soát việc tái sinh

Đối với quan chức TC nói trên, việc gợi lên khả năng Đạt Lai Lạt Ma không còn tái sinh nữa là một “thái độ cực kỳ khinh suất và thiếu tôn trọng”. Lời đả kích của Chu Duy Quần cũng dễ hiểu vì tuyên bố của Đức Đạt Lai Lạt Ma đã làm cho một âm mưu của Bắc Kinh trở thành vô nghĩa: Vào giữa những năm 1990, TC đã áp đặt người kế vị Đức Đạt Lai Lạt Ma khi chỉ định một người lên làm Ban Thiền Lạt Ma, nhân vật số hai của Phật giáo Tây Tạng, một quyết định đã làm dấy lên nhiều tranh cãi.

Tuyên bố của Chu Duy Quần dĩ nhiên đã bị người Tây Tạng lên án. Nhân chuyến ghé Paris trước một cuộc biểu tình vào hôm nay, 14/03/2015 nhằm kỷ niệm cuộc nổi dậy năm 1959 chống TC đô hộ Tây Tạng, Thủ tướng chính phủ Tây Tạng lưu vong, Lobsang Sangay, đã cực lực phản đối phát biểu của Chu Duy Quần.

Nhân buổi ghé thăm Quốc hội Pháp, ông Lobsang Sangay đã mỉa mai như sau với ký giả báo Le Monde: “Marx đã mô tả tôn giáo như ‘thuốc phiện của nhân dân… Chính quyền TC đã phá hủy các tu viện Tây Tạng, đã giam giữ sư sãi và ni cô trong tù và gọi Đức Đạt Lai Lạt Ma là ác quỷ. Bây giờ họ lại muốn có tiếng nói cuối cùng trong việc chọn người kế vị ngài. Điều này chẳng khác gì việc Fidel Castro chỉ định Đức Giáo Hoàng, hay Kim Jong Un chọn người lãnh đạo Phật giáo”.

Theo báo Le Monde, thời nhà Thanh, các hoàng đế Trung Hoa đã từng duyệt xét các hóa thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhưng dưới thời Tập Cận Bình, Đảng Cộng sản Trung Quốc còn đi xa hơn nữa. Chuyên gia Tây Tạng học Katia Buffetrille đã phải thốt lên: “Thật là tuyệt vời khi một chính quyền chủ trương vô thần lại muốn giành quyền quyết định việc tái sinh”.

Syria: Số phận nghiệt ngã của người chạy loạn

Liên quan đến Syria, Le Monde hôm nay tỏ ra rất xót xa trước số phận những người chạy loạn Syria, bị kẹt vào bẫy rập của một cuộc chiến với nhiều trận tuyến.

Le Monde nhấn mạnh trên thảm họa nhân đạo nhân đạo chưa từng thấy ở Cận Đông : Gần 5 triệu người ở các vùng có xung đột hiểm nghèo, nơi mà Liên Hiệp Quốc ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển trợ giúp. Các tổ chức phi chính phủ đã phải bó tay không đến được những vùng trong tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Tờ báo nhìn thấy bế tắc trong tình hình cuộc chiến bị xé nhỏ ra thành vô số mặt trận, mọi người đều đánh với nhau, khiến các cuộc can thiệp thêm khó khăn.

Đối với Le Monde, Liên Hiệp Quốc không còn biết phải hành xử ra sao. Tờ báo rất gay gắt đối với chính quyền Damas. Le Monde quy tội cho Tổng thống  al Assad, đã thao túng trợ giúp của Liên Hiệp Quốc, kiên quyết tiến hành chiến tranh đưa Syria vào tình trạng thảm khốc hiện nay.

Le Figaro trên bình diện nhân đạo lấy làm tiếc trước ‘sự mệt mỏi kinh khủng’của  các nước tài trợ, đang tự hỏi họ phải bỏ tiền ra đến bao giờ. Trong tình hình chần chừ đắn đo này, thì các tổ chức hoạt động nhân đạo đã ngưng trợ giúp cho nhiều trại tỵ nạn.

Trên chiến trường, Le Figaro nhìn thấy là sau 4 năm nội chiến, chế độ Damas nghèo và yếu đi, không còn sức đương đầu với quân thánh chiến, cho nên không còn lựa chọn nào khác là khoán cho các đồng minh Iran và lực lượng Hezbollah đối đầu với tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Bầu cử Israel: Netanyahu sẽ thua vì… bà vợ của mình?

Libération hôm nay cũng nhìn sang khu vực Cận Đông, nhưng chú ý đến cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn ở Israel. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy đương kim Thủ tướng Netanyhu thua điểm đối thủ. Tờ báo thấy là một trong những nguyên nhân có thể khiến ông Netanyahu bị thua thiệt là… bà vợ của ông.

Dưới tựa đề “Người đồng hành nặng trĩu của Netanyahu”, tờ báo mô tả một người phụ nữ can thiệp vào mọi việc, độc đoán, tiêu xài như nước. Bà Sara, vợ của Thủ tướng, đang làm cho dư luận và giới truyền thông Israel bực dọc.

Tờ báo kể lại bà Sara luôn đi sát, nắm tay chồng, nhoẻn miệng cười với báo chí truyền thông mỗi lần ông Netanyahu xuất hiện vận động công chúng. Người Israel không vui, cho là ảnh hưởng của bà không nhỏ. Họ còn nghi ngờ là một số cộng tác viên của ông Netanyahu bị gạt qua một bên là do bà Sara xúi giục.

Đã có rất nhiều lời đàm tiếu và trong bối cảnh cuộc bỏ phiếu vào tuần tới đây mang tính chất một cuộc trưng cầu dân ý, chống hay ủng hộ đương kim Thủ tướng, tâm lý thiếu thiện cảm với bà Sara sẽ không tốt cho ông Netanyahu.

Marco Polo phải chăng đã nói dối?

Trên bình diện văn hóa, Le Monde và Le Figaro chú ý đến cuốn phim tài liệu mà đài truyền hình Arte chiếu vào 20g50 tối nay về câu chuyện  Marco Polo ngao du Trung Hoa, với câu hỏi chung là phải chăng Marco Polo đã nói láo? Ông đã thật sự đặt chân đến Trung Hoa hay đó chỉ là chuyện bịa đặt?

Báo Le Monde nhắc lại lúc nhà thám hiểm người Venetia này qua đời vào tháng Giêng năm 1324, lúc gần 70 tuổi, ông là người rất giàu có và nổi tiếng. Nhưng ông cũng bị nghi ngờ ngay từ thời ấy là đã nói dối, bịa đặt: Có thật là ông đã ngang dọc Trung Hoa vào cuối thế kỷ 13, hay là ông chỉ dựng lại câu chuyện từ thông tin của những nhà du hành thực thụ?

Trong quyển sách tựa tiếng Pháp là Livre des Merveilles du Monde, Marco Polo đã kể lại hành trình của ông từ năm 1271 đến khi ông trở về Venetia năm 1295, với nhiều câu chuyện ly kỳ khi làm việc cho Hoàng đế Mông Cổ Kubilai Khan. Ngay thời đó, ông đã làm cho nhiều người nghi ngờ nhất là sau khi vắng mặt suốt 25 năm, ông lại đột nhiên xuất hiện trở lại ở Venetia. Dù quyển sách của ông thành công nhưng ông không xóa tan được mối nghi ngờ là câu chuyện được bịa đặt.

Thời nay, sự nghi ngờ nay cũng được giới nghiên cứu nêu lên: Một nhà nghiên cứu người Anh về Trung Hoa Frances Wood, đã thắc mắc trong quyển sách của bà tựa đề “Marco Polo có thật sự đến tận Trung Hoa hay không?”. Theo nhà nghiên cứu này, dựa trên những khoảng đứt đoạn của hành trình được kể thì Marco Polo chỉ đi đến thành phố Constantinople, Thổ Nhĩ Kỳ mà thôi. Tuy nhiên không ít sử gia và nhà nghiên cứu tin chắc là Marco Polo thật sự đến Trung Hoa. Trên đài truyên hình Arte tối nay, có phần tranh luận về chuyện giả thật này.